Home / Review sách / Review sách Bí Mật Của Naoko

Review sách Bí Mật Của Naoko

Bí Mật Của Naoko
Tác giả: Higashino Keigo

Review sách:
Được sống hai lần, có hai cuộc đời thì còn gì bằng- mình thầm nghĩ khi đọc tóm tắt về tác phẩm “bí mật của Naoko” của Keigo Higashino. Ông là nhà văn trinh thám hàng đầu hiện nay tại Nhật Bản. Nghe thì hẳn ai cũng đoán được “bí mật của Naoko” thuộc thể loại trinh thám. Nhưng không, mình không nghĩ vậy. Trinh thám nhưng không đậm trinh thám. Trinh thám nhưng là những cuộc giằng co tâm lý của các nhân vật. Trinh thám nhưng nó khiến mình sợ đến cô đơn và chỉ muốn nấp vào một góc miễn sao lưng được che khuất. Trinh thám nhưng mình lại khóc nấc lên khi trải nghiệm tác phẩm.

Mình xin sử dụng từ “gã” trong đoạn này theo phong cách của Nhã Nam: Cuộc sống gia đình của Heisuke trôi qua hết sức bình lặng cho đến khi hai người thân yêu của gã gặp tai nạn khủng khiếp. Gã đã mất đi người vợ Naoko của mình, còn đứa con gái thì trong tình trạng hôn mê sau tai nạn. Mọi thứ như sụp đổ cho đến khi đứa con gái Monami gọi Heisuke và nhận mình là Naoko chứ không phải Monami. Sau khi phân tích từng hành động của “’Monami” và ôn lại kỹ niệm của gã và Naoko thì gã đã tin Monami chính là Naoko. Mình mừng thầm: “Có phải trong cái rủi có cái may, cứ tưởng mất vợ nhưng vẫn được nói chuyện với vợ, cứ tưởng con gái sẽ trở thành người thực vật nhưng vẫn thấy được gương mặt ấy cười nói và sống cùng nhau”..

Một điều phải công nhận đó là tình yêu giữa Heisuke và Naoko thật sự to lớn. Đối với một người “mất” vợ, chuyện đi thêm bước nữa hay qua lại với người phụ nữ khác là hết sức bình thường. Tuy nhiên Heisuke đã không làm như vậy và có vẻ như là không hứng thú. Thậm chí Naoko hiểu những nhu cầu của chồng mình, nhưng Heisuke một mực từ chối khi vợ muốn giúp anh trong việc giường chiếu. Tại sao ư? Hẳn là vì không chỉ yêu Naoko mà anh còn yêu cả Monami- đứa con gái ngây thơ của mình. Với tình yêu to lớn và nỗi sợ mất vợ lần nữa, Heisuke đã trở nên ích kỷ hơn. Heisuke làm mọi cách để ngăn cản Naoko tiến thêm bước nữa. Về phía Naoko, cô phải sống cho mình và phải sống luôn cả phần của con gái. Mình có thể nhận thấy, Naoko thực sự cố gắng và là người phụ nữ độc lập: “…Ngày nào em cũng nghĩ xem nên làm gì. Và em đã có câu trả lời. Đó là phải sống mà không hối hận như trước”. Trong thân xác của con gái, cô cũng bị ảnh hưởng một phần nào về suy nghĩ và hành động. Ừ thì cô còn trẻ, cô muốn đi chơi như bao đứa trẻ khác. Ừ thì cô thông minh và sáng suốt, cô có quyền quyết định con đường nghề nghiệp của mình. Và cũng vì cô còn trẻ, nên cô có quyền yêu ai đó… Tuy nhiên, tình yêu của cô dành cho Heisuke là không thay đổi.

Vậy với Monami thì sao? Thật bất hạnh vì năm tháng ấy khi Monami chưa thức tỉnh và cô bé đã đánh mất một khoảng thời gian của một đứa trẻ xứng đáng có được. Khi Naoko sống cùng Heisuke thì không có Monami. Khi Monami thức tỉnh thì không có Naoko. Ba linh hồn chưa một lần sống cùng nhau kể từ sau tai nạn. Nếu sau tai nạn, người sống với hồn người sống, người mất với hồn người mất thì nổi đau sẽ không mãi kéo dài tới tận nhiều năm sau và tôi cảm thấy đấy là một bi kịch.

Vậy kết thúc câu chuyện, theo bạn như thế nào là “Happy Endding”? Với mình, dù là Heisuke hay Naoko đều cảm thấy day dứt trong tình trạng này. Vì vậy, xác nào hồn nấy là điều trước sau gì cũng xảy ra.

Bởi vì Naoko yêu Heisuke, nên mình nghĩ lựa chọn ra đi là vì muốn tốt cho chồng mình. Dù nhiều người nói Naoko ích kỷ vì muốn làm lại cuộc đời mà lấy người khác. Với mình thì đây là một sự ích kỷ không kém phần thông minh. Đây là lựa chọn rất đau đớn và cũng là lựa chọn vì hạnh phúc của Heisuke vì tình yêu của họ và cả vì tình yêu với con gái. Naoko muốn Heisuke không phải vì mình mà sống một cuộc đời cô đơn, lo lắng đến cuối đời. Bên cạnh đó, Monami không thể mãi sống với bố mà không có hạnh phúc riêng. Thế nên là Naoko đã nói lời chia tay với Heisuke. Mình đã khóc khi đọc đến câu: “… Cảm ơn chồng. Tạm biệt chồng. Đừng quên vợ nhé.” Bên cạnh đó, mình nghĩ Heisuke hẳn là rất đau lòng lại thêm đau lòng vì câu nói của Monami trước đó: “Không biết con về có tốt không?”. Vợ hoặc con anh không thể chọn. Người duy nhất có thể chọn đó chính là Naoko.

Vậy Naoko ra đi rồi thì bí mật nằm ở đâu? Riêng cái bí mật này thì mình không nói trước nhé, để bạn nào chưa đọc thì đọc cho hay hơn và ý nghĩa hơn. Bật mí một chút nhé, bí mật được hé lộ vào đám cưới của Monami. Theo mình thì sau khi biết bí mật này các bạn sẽ thỏa mãn vô cùng hoặc khóc một cách mãn nguyện như mình.

Ngoài những chuyện xoay quay Heisuke, Naoko, Monami thì một gia đình khác cũng lắm điều bí mật và bất hạnh. Đó là gia đình của người tài xế gây ra tai nạn. Mình nghĩ về gia đình mình, nghĩ về tương lai, thật biết ơn vì mình vẫn còn may mắn.

Tiểu thuyết này thực sự hay, lời văn dễ hiểu, không vòng vo, không trừu tượng. Đây là tác phẩm đầu tiên của Keigo Higashino mà mình đọc và nó đã đưa mình gần hơn với các tác phẩm của ông. Theo ý kiến cá nhân, “bí mật của Naoko” là một tác phẩm mang đậm tính nhân văn. Tác giả khắc họa rõ nét nhân vật khiến người đọc dễ cuốn vào cốt truyện. Tình yêu nam nữ, tình yêu cha mẹ với con cái, sự khoan dung, sự thông cảm, nóng giận có, hạnh phúc có, tất cả là những tình cảm và cảm xúc thiêng liêng của con người. Mình là người chưa lập gia đình nhưng thực sự rung động với các nhân vật. Mình ngưỡng mộ sự cố gắng của họ và cả tình yêu của họ. Nếu là người đã lập gia đình thì hẳn sẽ có những chiều sâu về cảm xúc và suy nghĩ để cảm nhận hết tác phẩm này.

Các nhân vật chính:
Heisuke: Người đàn ông chấp nhận sống cùng người vợ mình trong thân xác của con gái, một mình hi sinh gà trống nuôi “con” mà không đi bước nữa và để rồi cuối cùng đau lòng nhận ra bí mật mà người vợ che giấu.

Naoko trong “Monami”: Một người vừa đáng thương cũng đáng giận, từ một người phụ nữ 40 tuổi lại trở về trong hình hài của đứa con học cấp một. Được sống lại một lần nữa, có cả một tương lai rộng mở phía trước để làm lại cuộc đời, cô luôn cố gắng để thi vào trường tốt, học ngành y, trở thành một người phụ nữ độc lập, “sống mà không hối hận như ngày trước”. Nhưng chính vì như thế nên dường như cô quên đi người chồng của mình và sau đó ra một quyết định có vẻ như ích kỷ nhưng là cách duy nhất để có thể sống như một gia đình bình thường.

Kajikawa ( người tài xế): vì để có tiền cho con của người vợ cũ học đại học mà phải làm thêm giờ liên tục dẫn đến kiệt sức và gây ra thảm cảnh cho rất nhiều gia đình, trong đó bao gồm gia đình của Heisuke. Một người bố cao cả khi vẫn dành tình yêu thương đến đứa con trai không phải của mình nhưng lại để gia đình hiện tại rơi vào cảnh vất vả.

Điều kỳ diệu hoặc bi kịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên hãy sống một cuộc đời trọn vẹn và hãy sống như ngày mai không còn. Có thể bạn sẽ gặp điều hối hận hay có những phút giây vấp ngã nhưng hãy yêu quý cuộc đời và những người xung quanh bạn dù là lướt qua, hãy đứng lên dù vấp ngã vì ngoài kia có nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn bạn. Đừng để mắc sai lầm rồi chỉ biết ước được làm lại cuộc đời và xóa bớt điều hối hận.

Theo: Pupu Mun