Home / Sống / Của cải của 1 người, 1 Dân tộc đến từ đâu?

Của cải của 1 người, 1 Dân tộc đến từ đâu?

Của cải của 1 người, 1 Dân tộc đến từ đâu?

Thời thế chiến, có hai cha con người Do Thái nọ bị giam trong trại tập trung, mọi của cải đều bị Đức Quốc xã tịch thu. Lúc đó, người cha nói với con trai: “Bây giờ, của cải duy nhất của chúng ta có chính là cái đầu này. Khi người ta nói một cộng một bằng hai, mình nên nghĩ làm sao để kết quả đó lớn hơn hai”.

Hàng triệu người Do Thái đã chết trong các trại tập trung, nhưng hai cha con họ may mắn là vẫn chưa bị Hitler xử chết thì chiến tranh kết thúc. Sang Mỹ, họ buôn bán đồng nát để kiếm sống. Một hôm, người cha hỏi con trai: “Một cân đồng có giá bao nhiêu?”. Đứa con trai trả lời: “Dạ ba mươi lăm xu ạ”. Người cha: “Đó là giá thị trường, ai cũng biết một cân đồng có giá 35 xu, nhưng con cần học cách biến 1 cân đồng trở nên giá trị 3.500 đô. Não phải nghĩ, chứ không báo cha y hệt người khác như thế”. Người con nghe thế bèn suy nghĩ và suy nghĩ. Anh lấy đồng vụn đúc thành nắm cửa, gậy, huy chương thể thao…..và tính ra, 1 cân đồng bán được 3500 đô la như người cha mong muốn. Anh bắt tay vào sản xuất đồ đồng từ một thương nhân buôn bán phế liệu.

Năm 1974, chính quyền New York sửa chữa lại khu vực Nữ Thần Tự Do, kêu gọi mời thầu trên khắp cả nước, nhưng đã mấy tháng mà không có ai nhận thầu vì việc xử lý rác thải ở New York rất tốn kém, phải đi đổ đống xà bần ở bang khác. Nghe được tin này, người con trai liền lập tức đến New York và ký hợp đồng với chính quyền bang ngay tại chỗ. Ai cũng cho rằng, liều như thế thì phá sản, riêng tiền chở phế liệu ra khỏi thành phố đã thấy lỗ. Nhưng anh con trai cho nấu chảy các kim loại bị đập bỏ thành các tượng nữ thần tự do mini để bán thành quà lưu niệm. Xà bần thay vì đổ đi, anh cho đúc lại thành các viên gạch to nhỏ đủ loại, ghi rõ “từ phế tích của tượng Nữ Thần Tự Do”, thậm chí bụi quét từ tượng Nữ thần Tự do cũng được đóng hộp với tên “bụi của Nữ thần”. Trong vài tháng, ông biến những thứ phế liệu và đống xà bần không ai biết giải quyết ra sao thành 3,5 triệu đô la tiền mặt.

Người Do Thái tin rằng kiếm tiền là điều tự nhiên, không kiếm được tiền là tội ác và phải chịu sự trừng phạt của thượng đế. Một người nghèo là do người đó HOẶC lười HOẶC ngu HOẶC cả hai. Thất bại là điều bình thường, một người trẻ nên thất bại vài lần để làm nên những điều lớn lao. Ai sợ thất bại là người ngu. Thất bại một vài lần đã từ bỏ thì là người lười. Một người dù học hành giỏi giang cỡ nào mà không có thành tựu gì thì cũng vô nghĩa. Một người có năng lực sản xuất là 1 người giỏi. Một dân tộc có năng lực sản xuất là 1 dân tộc thông minh. Cũng vì suy nghĩ này mà rất nhiều người trên thế giới không thích người Do Thái, đặc biệt là người dở, hoặc lười, vì họ tự ái.

Ở Israel, điều kiện khí hậu y chang các nước lân bang nhưng họ là nước duy nhất tự chủ được mọi thứ. Họ sản xuất nông nghiệp như lúa gạo, lúa mì, rau hoa củ quả, nuôi cá trên sa mạc, nuôi bò sữa và trồng nho, chế biến rượu vang. Lương thực tự chủ. Họ sản xuất công nghiệp, tự chủ hầu hết máy móc thiết bị. Họ sản xuất vũ khí để an ninh quốc phòng. Họ tự chủ về tài chính và là quốc gia sản xuất mạnh. Từ khi lập quốc trắng tay 1948, nay họ đã có thu nhập (nominal) 43,000 USD/người, cao hơn cả Anh, Pháp, Nhật, Ý, New Zealand (số liệu của quỹ tiền tệ quốc tế năm 2019).

Bài học đầu tiên của trẻ con Do Thái khi vào lớp 1 là “Của cái lớn nhất của con người là trí tuệ. Trí tuệ không phải cái gì cũng biết mà là cái gì cũng nghĩ khác đi. Và phải làm khác đám đông, tạo thành giá trị mới lớn hơn giá trị cũ”.

Theo : Tony Buổi Sáng