Home / Sống / Bài Học Về Góc Nhìn Khác Biệt

Bài Học Về Góc Nhìn Khác Biệt

Trong thế chiến thứ II, không lực Anh và Hoa Kỳ rất lo lắng khi nhiều máy bay của họ bị bắn hạ. Họ muốn bọc sắt thêm vào những chỗ trọng yếu trên máy bay nhưng không biết nên bọc vào chỗ nào.

Abraham Wald – nhà toán học nghiên cứu về thống kê người Hungary lúc đó được thuê để làm việc này, và ông đã đánh dấu các vết đạn trên các máy bay sau khi ra trận quay về. Ông phát hiện hai khu vực quan trọng trên thân máy bay – chỗ giữa đôi cánh và chỗ giữa hai đuôi là nơi có ít vết đạn hơn cả. Ông quyết định bọc thép vào những chỗ này, chỗ mà có ít vết đạn hơn.

Tại sao ông lại làm vậy? Theo lẽ thông thường thì phải gia cố những chỗ có nhiều vết đạn nhất chứ? Theo Wald, vì máy bay trúng đạn một cách ngẫu nhiên, những chiếc ông khảo sát đều là những chiếc đã quay trở về được, có nghĩa là dù dính đạn nhưng chưa bị rơi. Như vậy chính những lỗ đạn ông không nhìn thấy trên những chiếc không trở về mới là nguyên nhân làm máy bay rơi và là vị trí cần tăng cường bảo vệ.

Trong doanh nghiệp, chúng ta thường chỉ để ý những vấn đề mà ta có thể nhìn thấy và tìm cách sửa chữa nó. Thế nhưng nếu đó là việc vẫn xảy ra thường xuyên và chưa tạo ra nguy cơ gì, thì có lẽ những vấn đề ta nhìn thấy chưa hẳn là nguyên nhân gây tổn hại đến doanh nghiệp mà nguyên nhân chính là những cơn sóng ngầm đang âm ỉ, những lỗ hổng mà chính chúng ta không nhìn ra được mới là nơi cần phải xem xét củng cố lại.

Khi nhìn sự vật, hiện tượng thông thường theo một góc nhìn mới, một tư duy khác biệt ta có thể phát hiện ra nhiều điều thú vị và biến nó trở nên hiệu quả một cách không ngờ.

Nguồn: note.tuan.vn