Like A Virgin – Kinh Doanh Như Một Cuộc Chơi
Tác giả: Richard Branson
Kinh doanh như một cuộc chơi tập hợp những lời khuyên tốt nhất của Branson, được đúc kết từ những kinh nghiệm và hiểu biết giúp ông trở thành một trong những doanh nhân được ngưỡng mộ nhất trên thế giới.
– Nếu không thích thì đừng làm
– Hãy đổi mới – tạo ra thứ gì đó khác biệt
– Lòng tự hào về công ty tạo nên những điều khác biệt
– Vui vẻ là một công cụ kinh doanh nghiêm túc
… Và rất nhiều những lời khuyên thú vị khác nữa.
Đây thực sự là một cuốn sách rất Branson. Với giọng điệu hài hước nhưng không kém phần nghiêm túc, đơn giản, chất chứa ý nghĩ sâu xa, Branson đã cho chúng ta thấy rất nhiều thành tựu mà ông có được đều xuất phát từ những ý tưởng đột phá, bất chấp quy tắc và được thực thi theo cách không giống ai.
ĐỌC THỬ
Năm bí quyết để thành lập… và phát triển một doanh nghiệp
Mọi người luôn đặt ra cho tôi hai câu hỏi. Câu hỏi phổ biến nhất là: “Sao ông lại đặt tên cho doanh nghiệp của mình là Virgin?” Tiếp đến là: “Bí quyết xây dựng các doanh nghiệp thành công của ông là gì?”
Câu đầu tiên không khó trả lời nhưng câu thứ hai thì luôn cần suy nghĩ một chút. Thực tế là không có điểm chung duy nhất nào làm nên thành công của các doanh nghiệp tại Virgin, hay có gì sai khi chúng tôi không làm đúng. Tuy nhiên, khi nhìn lại chặng đường 40 năm qua, tôi đã đúc rút ra năm bí quyết nâng cao cơ hội sống sót của một doanh nghiệp mới cùng với chút may mắn – thứ mà tất cả chúng ta đều cần.
Nếu không thích thì đừng làm
Thành lập một doanh nghiệp cần rất nhiều nỗ lực và thời gian, vì thế, bạn tốt hơn là nên yêu thích việc đó. Khi thành lập Virgin ở một tầng hầm phía Tây London, tôi không hề có kế hoạch hay chiến lược lớn nào. Tôi cũng không định dựng nên một đế chế kinh doanh. Tôi chỉ đơn giản muốn tạo ra một thứ gì đó mà mọi người thích dùng, vui vẻ khi làm nó và vào cuối ngày thì cầu trời cho nó mang lại đủ tiền để thanh toán các hóa đơn.
Đối với tôi, xây dựng một doanh nghiệp hoàn toàn chỉ là việc làm một điều gì đó để có thể tự hào, mang những con người tài năng lại gần nhau và tạo ra một thứ gì đó sẽ làm nên sự khác biệt thực sự trong cuộc sống của những người xung quanh.
Những người làm kinh doanh chẳng khác gì những nghệ sĩ. Khi thành lập một doanh nghiệp, thứ bạn có là một tấm vải trắng tinh; bạn phải tô lên đó. Giống như một nghệ sĩ giỏi phải vẽ chính xác từng chi tiết lên tấm vải, một doanh nhân cũng phải thực hiện đúng từng việc nhỏ khi lần đầu khởi nghiệp để thành công. Tuy nhiên, không giống như một tác phẩm nghệ thuật, việc kinh doanh không bao giờ kết thúc. Nó liên tục phát triển và những sai lầm của bạn cũng không dễ xóa bỏ!
Nếu một doanh nhân định tạo ra một khác biệt thực sự và đạt được mục tiêu đó, họ sẽ có thể trả được các hóa đơn và có một doanh nghiệp thành công để làm nền tảng.
Hãy đổi mới – tạo ra thứ gì đó khác biệt
Dù bạn có một sản phẩm, một dịch vụ hay một thương hiệu, thì cũng không dễ để thành lập một công ty, duy trì hoạt động và phát triển nó mạnh mẽ trong thế giới hiện đại. Thực tế là ngày nay bạn phải làm một điều gì đó thực sự khác biệt mới mong để lại được dấu ấn.
Hãy quan sát những công ty thành công nhất trong 20 năm qua. Microsoft, Apple, Google và Facebook, tất cả đều khiến thế giới chúng ta đang sống chao đảo bằng cách thực hiện những việc chưa từng có tiền lệ và sau đó là bằng cách liên tục đổi mới. Giờ đây, họ nằm trong số những lực lượng thống trị.
Không phải ai cũng vươn đến được những đẳng cấp này; tuy nhiên, nếu quyết định bước chân vào một phân khúc vốn đã đông đúc, thì tốt hơn là bạn nên sẵn sàng cung cấp loại dịch vụ đủ khả năng thổi bay các đối thủ cạnh tranh.
Khi thành lập Virgin Atlantic, chúng tôi đã tung ra một tin đồn tích cực nhằm vào một thực tế đơn giản rằng phi hành đoàn của chúng tôi luôn nhã nhặn với hành khách. Quả là một ý tưởng đột phá đối với một hãng hàng không!
Lòng tự hào về công ty tạo nên những điều kỳ diệu
Các doanh nghiệp chỉ đơn thuần là một nhóm người và họ là những tài sản lớn nhất của bạn, hơn hẳn mọi thứ khác. Thực tế, trong đa số các doanh nghiệp, người của bạn chính là sản phẩm của bạn.
Đối với tôi, không gì buồn hơn việc nghe thấy ai đó than thở về nơi họ đang làm việc. Khi mọi người tự hào về việc họ là một thành viên trong tổ chức, thì đó là một dạng ủng hộ và cống hiến đặc biệt, một sự khác biệt vô cùng lớn trong thế giới đầy rẫy sự tầm thường và tương đồng.
Lãnh đạo bằng cách lắng nghe
Để trở thành một lãnh đạo giỏi, bạn phải biết lắng nghe. Chắc chắn rằng bạn cần tin chắc vào ý kiến của mình, nhưng thật vô lý khi áp đặt quan điểm của bạn lên người khác mà không thông qua thảo luận hay một mức độ nhất trí nhất định. Không ai có độc quyền về các ý tưởng hấp dẫn hay những lời khuyên thấu tình đạt lý.
Hãy bước ra ngoài kia, lắng nghe mọi người, khiến họ nói ra suy nghĩ và cảm nhận của mình và học hỏi từ họ. Với tư cách một nhà lãnh đạo, bạn cũng phải luôn thể hiện mình là người hào phóng với những lời khen. Không bao giờ được chỉ trích ai một cách công khai; không bao giờ mất bình tĩnh và luôn nhanh chóng dành lời khen ngợi cho những việc được hoàn thành tốt.
Mọi người luôn phấn chấn khi nhận được những lời khen. Thường thì, họ chẳng mấy khi cần ai nhắc nhở về việc họ đã làm sai bởi họ luôn biết điều đó.
Hãy để mọi người nhìn thấy bạn
Một lãnh đạo giỏi không bao giờ chết dí sau chiếc bàn. Tôi không bao giờ làm việc ở văn phòng mà luôn làm việc ở nhà, nhưng tôi lại thường xuyên ra ngoài gặp gỡ mọi người. Có vẻ như lúc nào tôi cũng đang di chuyển nhưng tôi luôn có một quyển sổ tay để ghi lại nhanh các câu hỏi, những vấn đề hoặc các ý tưởng hay.
Nếu đi trên bất kỳ chuyến bay nào của Virgin, tôi luôn cố gắng gặp nhiều thành viên phi hành đoàn và hành khách nhất có thể và mỗi lúc như vậy, tôi lại giắt túi kha khá những ý kiến và đề xuất hay. Nếu không viết ra thì chắc tôi đã chẳng nhớ được là bao, nhưng chúng đã không thể “rơi rớt” đi đâu khi được ghi trong cuốn sổ xấu xí này. Hãy nói chuyện với nhân viên và khách hàng của bạn bất cứ khi nào có thể, lắng nghe những điều họ nói với bạn, cả tốt lẫn xấu và hành động dựa vào đó.
Một vài người có thể nói, “Ồ, mọi chuyện đều dễ dàng khi anh sở hữu một doanh nghiệp nhỏ,” nhưng tại Virgin, chúng tôi luôn bổ nhiệm những người cùng chung chí hướng làm người đứng đầu công ty. Nhờ vậy, chúng tôi có thể điều hành một tập đoàn lớn như một chủ doanh nghiệp nhỏ điều hành một doanh nghiệp gia đình – luôn chủ động, phản ứng nhanh và thân thiện.
À vâng, tôi vẫn phải trả lời câu hỏi đầu tiên về nguồn gốc cái tên Virgin4. Đáng buồn là không có câu chuyện gợi tình nào liên quan đến nó. Một buổi tối nọ, tôi đã trò chuyện với một nhóm các cô gái 16 tuổi sau khi đã làm vài chén trong lúc nói về tên của cửa hàng thu âm. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra và vì chúng tôi đều là “lính mới” trong kinh doanh nên có người đã đưa ra cái tên Virgin. Từ đó mang lại cảm giác tươi mới và vào thời điểm đó, nó vẫn có chút dung tục, nên chúng tôi đã quyết định chọn nó với ý nghĩ rằng cái tên này sẽ thu hút được sự chú ý.
Nhưng dù cho ý tưởng và/hoặc tên thương hiệu có hay đến thế nào thì ngay những cái hay nhất trong số đó vẫn có thể thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên. Ví dụ, vào đầu những năm 1960, một nhóm khác với cái tên hấp dẫn, The Beatles, đã bị không dưới bảy hãng thu âm từ chối trước khi tìm được một hãng sẵn sàng chấp nhận họ.
Vậy, nếu bạn không thể tồn tại, chỉ cần nhớ rằng đa số các doanh nghiệp mới thành lập không thành công và rằng một vài trong số những bài học tuyệt vời nhất luôn được rút ra từ thất bại. Và như lời của một bài hát cũ, “Hãy đứng lên, phủi bụi và bắt đầu lại từ đầu”.
(Nếu có điều kiện quý độc giả nên mua bản gốc tại các cửa hàng sách trên toàn quốc để ủng hộ tác giả.)
Download ebook: PDF