“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.
Trích đoạn sách hay
Việc rải rơm thay vì có thể được coi là không quan trọng, nó lại là điều căn bản trong phương pháp trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông của tôi. Nó kết nối với tất cả, với độ phì nhiêu của đất, với sự nảy mầm, với cỏ dại, với việc không cho lũ chim sẻ tới phá, với điều tiết nước. Trong thực hành hay trong lý thuyết, việc sử dụng rơm khi làm nông là một vấn đề cốt yếu. Đó là điều mà có vẻ như tôi không tài nào làm cho người ta hiểu được.
Rải Rơm Còn Nguyên Chưa Cắt
Trung tâm thí nghiệm Okayama đang thử trồng lúa gạo gieo hạt trực tiếp trong 80% ruộng thử nghiệm của mình. Khi tôi đề xuất họ nên rải rơm còn nguyên chưa cắt, hẳn họ nghĩ điều đó không thể đúng được, và đã cho tiến hành các vụ thử nghiệm sau khi chặt nhỏ rơm ra bằng máy cắt. Khi tới thăm nơi đó vài năm trước, tôi thấy các thửa ruộng đã được chia ra thành những thửa dùng rơm đã cắt, thửa dùng rơm không cắt và thửa không dùng chút rơm nào. Đó chính xác là những gì tôi đã làm một thời gian dài, và vì rơm không cắt cho kết quả tốt nhất, nên tôi mới chọn sử dụng phương pháp này.
Ông Fujii, một giáo viên dạy ở trường Trung cấp Nông nghiệp Yasuki tại tỉnh Shimane muốn thử việc gieo hạt trực tiếp nên đã đến thăm trang trại của tôi. Tôi đề nghị ông nên rải rơm chưa cắt lên ruộng của mình. Năm sau ông quay lại và báo rằng cuộc thử nghiệm đã thất bại. Sau khi nghe kỹ lời kể của ông ta, tôi phát hiện ra rằng ông ta đã đặt rơm nằm thẳng hàng ngay lối như kiểu phủ vườn sau nhà của người Nhật. Nếu ta làm như thế, các hạt giống sẽ không nảy mầm tốt chút nào. Với rơm của hắc mạch và đại mạch cũng thế, nếu nó được rải quá ngay ngắn, cây mạ của lúa gạo sẽ khó mà xuyên qua. Tốt nhất là rải rơm ra mọi hướng, như thể các nhánh lúa đổ xuống một cách tự nhiên.
Rơm của lúa gạo làm lớp che phủ cho ngũ cốc vụ đông rất tốt, còn rơm của ngũ cốc vụ đông dùng tốt nhất cho lúa gạo. Tôi muốn điều này phải được hiểu cho rõ. Có vài bệnh trên lúa gạo sẽ lây nhiễm cho vụ trồng mới nếu rải rơm tươi lên ruộng. Tuy nhiên, những bệnh trên lúa gạo này sẽ không nhiễm lên ngũ cốc vụ đông, và nếu rơm lúa gạo được rải vào mùa thu, nó sẽ được phân hủy hoàn toàn vào lúc cây lúa trổ mầm mùa xuân năm sau. Rơm tươi của lúa gạo an toàn cho các ngũ cốc khác, cũng giống như rơm kiều mạch vậy, và rơm các loại ngũ cốc khác có thể dùng cho lúa gạo và kiều mạch. Nói chung, rơm tươi của các loại ngũ cốc mùa đông, chẳng hạn như lúa mì, đại mạch và hắc mạch không nên dùng làm lớp phủ cho các loại ngũ cốc mùa đông khác, vì có thể sẽ gây bệnh.
Tất cả rơm rạ và vỏ trấu, còn lại sau khi gặt đập từ vụ thu hoạch trước đó, phải được trả lại cho cánh đồng.
Rơm Làm Màu Mỡ Đất
Việc rải rơm duy trì cấu trúc đất và làm cho đất màu mỡ nên phân ủ sẵn thành ra chẳng cần thiết. Điều này dĩ nhiên có liên quan tới việc không cày xới đất. Ở Nhật chắc mỗi ruộng của tôi là không có cày bừa gì suốt trên hai mươi năm nay, mà mỗi mùa qua đi chất lượng đất lại được cải thiện thêm lên. Tôi ước tính rằng lớp đất bề mặt, giàu chất mùn, đã trở nên màu mỡ với độ dày tới hơn một tấc trong suốt những năm qua. Đây phần lớn là kết quả của việc đưa trở lại đất tất cả những gì đã được trồng trên đồng, trừ phần hạt thu được.
Không Cần Chuẩn Bị Phân Ủ
Không cần phải chuẩn bị phân ủ nữa. Tôi không nói là bạn không còn cần tới phân vi sinh – chỉ là không việc gì phải vất vả để tạo ra nó. Nếu rơm để nằm trên mặt ruộng vào mùa xuân hoặc mùa thu rồi được phủ lên một lớp mỏng phân gà hay vịt thì chúng sẽ phân hủy hoàn toàn trong sáu tháng.
Để làm phân bằng phương pháp thông thường, người nông dân phải làm việc quần quật dưới ánh mặt trời thiêu đốt, băm nhỏ rơm, chế thêm nước và vôi, đảo đống rồi chuyển ra ruộng. Anh ta tự hành hạ bản thân mình vì nghĩ rằng đó là “cách tốt nhất.” Tôi muốn thấy người ta chỉ việc rải rơm, trấu hoặc mùn cưa trên khắp ruộng của họ hơn.
Đi dọc tuyến Tokaido vùng phía tây Nhật Bản, tôi để ý thấy rằng rơm được cắt dối hơn khi tôi lần đầu tiên lên tiếng về việc rải nguyên rơm chưa cắt. Tôi phải khen ngợi những người nông dân này. Nhưng những chuyên gia thời hiện đại vẫn cứ nói rằng tốt nhất là dùng bao nhiêu tạ rơm cho mỗi nghìn mét vuông đất. Sao họ không nói là bỏ tất cả rơm trở lại ruộng cho rồi? Nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu, ta có thể thấy những người nông dân cắt và rải một nửa số rơm, số còn lại thì quăng sang một bên để cho mục rữa dưới mưa.
Nếu mọi nông dân Nhật thống nhất với nhau và bắt đầu trả tất cả rơm về ruộng thì kết quả sẽ là một lượng phân vi sinh khổng lồ được quay về với đất.
Nảy Mầm
Hàng trăm năm nay, nông dân đã rất cẩn trọng trong việc chuẩn bị đất ươm để cây mạ lớn lên khỏe mạnh cứng cáp. Những khoảnh đất nhỏ được chuẩn bị ngăn nắp như thể chúng là bàn thờ gia tiên. Đất được cày xới, cát và tro trấu được rải khắp xung quanh, và người ta gửi lời cầu nguyện cho cây mạ mau lớn.
Thế nên không có gì khó hiểu khi những dân làng quanh đây nghĩ rằng tôi mất trí mất rồi, đi vãi lúa giống trong khi ngũ cốc vụ đông vẫn đang còn trong đồng, với cỏ dại và những mảnh rơm mục vương vãi khắp nơi.
Download ebook: Tại đây
(Nếu có điều kiện quý độc giả nên mua bản gốc tại các cửa hàng sách trên toàn quốc để ủng hộ tác giả.)