1. David Beckham và Victoria là một trong những cặp đôi giàu có nhất nhì trong làng giải trí thế giới. Tài sản của họ ước khoảng 210 triệu bảng Anh, tức khoảng 6000 tỷ đồng. Con trai cả của David Beckham là hot boy Brooklyn Beckham, hiện đang là thần tượng trong lòng giới trẻ thế giới.
Vợ chồng Beck&Vict giáo dục cậu Brooklyn vô cùng khắt khe về tính tự lập. Lúc 15 tuổi, tức vào lớp 10, cậu đã phải học nghề pha chế cà phê (barista) và đi làm thêm vào cuối tuần trong một quán cà phê ở London một cách bí mật. Cậu làm 7h/ngày, tiền làm được cậu dùng để tự sinh hoạt mà không phải xin bố mẹ.
Ở nhà, giặt giũ quần áo, lau nhà, trồng cây, sửa điện, nấu ăn…Brooklyn đều phải tự làm. Dù có rất nhiều người giúp việc và vệ sĩ, nhưng họ chỉ giúp việc cho cha mẹ của cậu (vì cứ 1 phút làm việc, David và Victoria kiếm được nhiều hơn số tiền phải trả cho giúp việc trong 1 tháng).
2. George Soros một thần tượng khác của giới trẻ. Ông là người Hungary gốc Do Thái. Năm 1947, Soros sang Anh, học trường Kinh tế London. Để kiếm tiền đi học, ông làm bồi bàn trong quán ăn. Mùa táo, ông đi hái táo thuê. Cuối tuần, ông chạy khắp thành phố, nhà nào cũ kỹ ông xin vào và báo giá sơn lại nhà cho họ. Sau này, ông tìm được việc làm ổn định hơn, ông làm cửu vạn tại một ga tàu hỏa. Sau khi tốt nghiệp, Soros làm việc tại một cửa hàng lưu niệm sau đó được nhận vào làm việc tại một ngân hàng ở New York.
Nhờ những ngày lao động chân tay ấy, ông có được kỹ năng quan sát và phán đoán. Điều này khiến ông có một tư duy khác biệt hơn các tinh hoa phố Wall khác, vốn chỉ học hành sách vở. Ông liên tục trúng quả nhờ đầu tư vào những ngành không ai quan tâm. Năm 1992, ông kiếm được 1 tỷ USD nhờ sự sụt giá của đồng bảng Anh. Năm 1997 khi khủng hoảng tài chính châu Á, ông cũng thu lợi hàng tỷ USD. Và năm 2015, ông cũng kiếm được không ít từ sự bay hơi 3500 tỷ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Khi hỏi ông MỘT lời khuyên cho giới trẻ để có thể thành đạt như ông. Ông bảo phải CÓ ÓC QUAN SÁT VÀ PHÁN ĐOÁN. Và ông nói:
– ÓC này chỉ có khi trực tiếp ra đường, tự va chạm và trải nghiệm.
– Không sách vở nào dạy được.
– Không kinh nghiệm của ai có thể truyền lại.
– Giáo dục phổ thông là đủ, từ PHỔ THÔNG có ý nghĩa như vậy.
Sau đó thì ai cũng phải chọn 1 cái nghề mà học. Với sinh viên, phải xin lao động chân tay trong lúc đi học đại học. Nếu đúng nghề mình chọn thì là tốt nhất, nếu không thì việc gì hợp pháp cũng làm. Ví dụ học bác sĩ, đi phụ tá chạy vặt trong phòng mạch. Học xây dựng, hãy phụ hồ. Hoặc bất cứ việc gì để có trải nghiệm. Không sợ ảnh hưởng việc học. Nếu vì đi làm thêm mà ảnh hưởng đến việc học thì trí tuệ đấy ở mức kém, không nên học đại học.
Việc làm thêm khi đi học sẽ hình thành KHẢ NĂNG XỬ LÝ ĐA NHIỆM (Multi-tasking ability), SẮP XẾP THỜI GIAN (time arrangement), CÂN BẰNG ĐẦU ÓC (mind balance), THÔNG MINH ĐƯỜNG PHỐ (street smart) và SỰ TRƯỞNG THÀNH (maturity). Sau này ra đời đi làm phải giải quyết nhiều thứ cùng 1 lúc, các kỹ năng này rất quan trọng. Còn nếu chỉ học và học, mọi thứ đều có người làm sẵn cho, thì cuối cùng chỉ có cái bằng. Nhóm học giỏi do đầu tư toàn thời gian từ sáng đến tối cho việc học thì chỉ là người tầm tầm bậc trung, không có gì đáng khen ngợi.
Tự làm ra tiền, là CÁCH DUY NHẤT để tìm công thức thành công cho bản thân mình. Mọi công thức chỉ tìm thấy qua thực nghiệm, không phải qua sách vở hay các khoá làm giàu, tư duy triệu phú hay ai đó nói lại. Sách, diễn giả, gương thành công, doanh nhân lớn….họ chỉ LIỆT KÊ CÁC NGUYÊN LIỆU ĐỂ NẤU MÓN ĂN THÀNH CÔNG. Đừng mải mê tích lũy NGUYÊN LIỆU mà phải tìm CÔNG THỨC riêng. Vì mọi người, kể cả chị em sinh đôi cùng trứng, gene không ai giống ai hệt 100%.
3. Khác biệt của người trí thức khi lao động chân tay là họ làm với cái đầu. Quỹ thời gian ít ỏi, một sinh viên giỏi biết sắp xếp sao cho việc học cũng hoàn thành tốt mà việc làm cũng trơn tru. Còn người lao động phổ thông bình thường thì không quan sát, không rút ra quy luật, không biết phải cải tiến thế nào…và cả đời họ không làm quản lý hay làm chủ được. Sai đâu đánh đó, bảo gì làm nấy.
Lực lượng này chiếm tỷ lệ lớn trong dân số, từ cổ chí kim, từ tây sang đông, không bao giờ sợ thiếu. Rất nhiều người từ lao động phổ thông nhưng biết quan sát, để ý, sắp xếp thời gian…và trở thành quản lý hay làm chủ dù không qua trường lớp học hành. Và ngược lại vẫn có nhiều người học hành rất bài bản, học rất giỏi nhưng không biết quan sát, sắp xếp, tự lập, chỉ cắm đầu vào học…nên tốt nghiệp xong, lao động trí óc không được, buộc phải lao động giản đơn để kiếm sống.
Càng để một đứa trẻ không làm việc nhà từ sớm, không cho lao động chân tay từ bé thì tính LƯỜI càng cao. TÍNH LƯỜI VÀ HAM HƯỞNG THỤ sẽ VẬN VÔ NGƯỜI, biến thành tính cách và số phận, dù họ biết cũng không sửa được. Họ chỉ thích ngồi cà phê, thích nằm ngủ, thích đọc sách, thích online và chat chit, đi du lịch, giải trí liên tục dù “trí” chẳng làm gì căng thẳng để mà “giải” miết. (Đọc sách, đi du lịch hay online là cần thiết tuy nhiên phải cân bằng với mọi hoạt động thể chất khác). Họ thích xin xỏ, tiêu tiền của người khác nhưng không tiếc. Họ tò mò mọi thứ, ước mơ mọi thứ, thích thú với mọi thứ. Họ thích chỉ đạo, chỉ tay năm ngón và đặc biệt là thích NÓI. Bất cứ đề tài gì họ cũng bàn luận và ý kiến, thậm chí nói vô cùng hay nhưng không thấy có bất cứ thành tựu gì.
Cho đến cuối đời, có khi là gánh nặng của gia đình, của xã hội.
Tác giả: Tony Buổi Sáng