Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT
Chuyện nói – Bài: 2
Ăn và nói đi chung với nhau, nên người ta hay bảo “ thằng nhóc đó biết ăn biết nói”, “con bé đó ăn nói khôn khéo, vừa khôn vừa khéo”. Có hai điểm mà người ta hay quánh giá trong giao tiếp ứng xử, là Nói và Ăn. Hôm bữa dượng tiến cử một ” con dượng” vô công ty kia thực tập, vô hai tháng sau, gặp sếp hỏi thử thấy nó ăn nói có được hem thì nhận vô làm giùm”, người ta phán “ Thằng đó Ăn được lắm”. Dượng chỉ biết khóc.
Trở lại việc gặp đối tượng giao tiếp, mình phải khéo léo và tế nhị hết sức. Quan sát để chọn lời lẽ cho phù hợp. Luôn đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Ví dụ gặp người muộn gia đình, hay chưa có bồ bịch gì, mình không nên nói tổ ấm riêng, nói chuyện con chuyện cái. Vì người ta không có để có thể góp chuyện. Nên mình có thể nói độc thân cũng có cái hay của nó, nhiều lúc em cũng muốn độc thân như chị để tự do đi đây đi đó, chắc chị đi du lịch nhiều lắm hả. Thế là chị ấy mặt sáng rỡ, thao thao ngay, vì bắt trúng đề tài. Khoe liền đã đi 25 nước.
Hay gặp anh nông dân ở quê, thì những đề tài như vũ trường, siêu thị…mình nên tránh. Nếu ảnh có than thở ở quê buồn, thì mình đừng có hùa theo. Cũng đừng nói ủa anh sao hẻm lên Sài Gòn sống, ở chi dưới này buồn dzậy anh. Ảnh sẽ tủi thân, uống “gụ” và “mỗi khi chiều về, anh ngồi khóc bên dòng sông”. Mình nên nói là em ớn sự xô bồ ồn ào ở phố thị rùi anh ơi. Sống ở phố chán lắm. Anh đang “trồng cây gì, nuôi con gì”, năng suất ra sao? Có xài phân bón thuốc sâu của hãng Phượng Tím hem? Nói em thích quê anh quá hà, em thích sự bình yên của lục bình tím ngắt trôi sông, em thích tiếng bìm bịp kêu chiều nghe tha thiết. Em thích và em thích. Anh may mắn ở đây vì có không khí trong lành mát mẻ, về già em sẽ dọn nhà xuống đây ở với anh. Nghe vậy là ổng mát ruột mát gan, lao ra vườn, gà vịt heo qué gì cũng bắt làm thịt cho mình nhậu.
À, nói nhậu mới nhớ, có lần dượng nhậu với một nhóm thương nhân giàu có và một số cán bộ tín dụng ngân hàng mà mấy đại gia ấy đang giao dịch. Lúc cao hứng, mọi người thao thao bất tuyệt về sử Tàu như Tam Quốc, Khuất Nguyên. Cậu cán bộ ngân hàng hỏi anh Tony ơi, Khuất Nguyên sống ở đời nhà gì ở Trung Quốc ấy nhỉ, cái dượng nói Khuất Nguyên là người nước Sở thời Chiến quốc. Một ông đại gia tên Thành nhảy vô, tụi mày trật hết, ăn học cho lắm vào nhưng rất ngu, Khuất Nguyên thì rõ ràng là đời nhà Nguyên rồi.
Cái mọi người cãi qua cãi lại, cái cậu nhân viên ngân hàng âm thầm tra google trên Iphone, tra xong cái á, đúng rồi, anh Tony nói đúng, anh Thành nói sai, đây nè, thông tin như thế này thế này rồi đọc to lên. Ổng kia quê, giận tái mặt. Mắt ổng liếc một cái, dượng đoán là “rùi xong đời mày nha con, mai tao rút hết tiền gửi qua ngân hàng khác ”.
Dượng thấy căng, cũng tội nghiệp cho cậu cán bộ tín dụng kia, lỡ chưa học kỹ năng giao tiếp nên mắc phải chút sai lầm. Cái dượng trổ tài liền, nói anh Thành cũng nói đúng, đời nhà Nguyên thì cũng có bao nhiêu là Khuất Nguyên, tên riêng mà, Trung Quốc dân số đông, trùng tên nhiều lắm. Nhưng bây giờ tất cả đều Khuất bóng, chỉ có chúng ta còn ở đây, thôi Dzô. Ông đại gia cười há há, uống cạn ly, nói Tony à, mai anh sẽ mua phân của hãng Phượng Tím để bón cây cảnh trong vườn. Khi người ta ưng bụng, cái gì mình bán họ cũng mua. Bạn nào làm sales nhớ lời dượng dặn.
Có lần dượng đi khách, ông khách này ở Bắc Giang vô. Khách hàng lớn, giàu có vô song. Cái cùng nhau đi thăm đại lý. Ngồi trên xe hơi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, đi tới Long An là ổng tháo giày ra cho mát. Người Việt hay vậy, hay bỏ dép bỏ giày ra ngoài hẻm biết vì sao, nơi công cộng như trên tàu xe máy bay, không được bỏ chân ra khỏi giày, trừ đi chuyến bay dài, nhưng người ta sẽ phải mang bít tất mới. Cái bít tất (vớ) của ổng bốc mùi, dượng nói thiệt, chuột chết ba ngày còn thơm hơn gấp vạn lần.
Vậy mà ổng hẻm biết, vô tư cười nói. Miệng ổng thì cũng chả thơm tho gì, vừa mùi thuốc lá vừa mùi nha chu. Lúc đó hẻm biết nói sao để ổng bỏ chân vô lại trong giày nữa. Cũng chỉ muốn ổng im lặng. Nhưng nói gì bây giờ. Sợ ổng phật ý, vì ông này cực kỳ giàu có và quyền lực nên tinh tướng tinh vi lắm, nói huỵch toẹt ra chắc ổng đánh bầm mắt mình luôn. Thế là cả xe phải chịu đựng. Tới Tiền Giang thì anh tài xế bắt đầu tay lái loạng choạng. Mọi người bắt đầu nôn nhẹ. Cô nhân viên đi cùng có một quả quít trong giỏ, cái lấy ra ăn . Dượng và anh tài xế đều xin vỏ quýt để ngửi. Cái ổng nói, ái chà, nhân viên hãng Phượng Tím sao thích ngửi vỏ quýt quá nhỉ, tài xế cũng bị say xe nôn ói là sao? Đâu khoảng 1h sau thì ổng cũng buồn nôn, bèn bỏ chân vô lại trong giày, vì sợ ói vô đôi giày Ý cả ngàn đô. Mừng hết biết.
Trong trường hợp này, ngôn từ trở nên bất lực, mình nói sao cũng chết, nên mình chuyển qua hành động, hy vọng họ nhận ra mà thay đổi. Mở cửa sổ xe cho gió nó vô át bớt mùi, ngừng lại tạt vô chỗ nào đó uống nước…sẽ giúp mình tồn tại được. Còn không thì cứ thấy xe rác ở đâu thì bu vô đứng cạnh ngửi cho quen, sau này mùi gì cũng thấy thơm cả. Và mình nhớ, đừng bao giờ rút chân ra khỏi giày ở chốn công cộng nhé, vì mùi hôi của mình có thể mình không nhận ra, nhưng là cực hình với người khác. Và vì thể loại này trong xã hội mình cũng nhiều, nên tốt nhất đi đâu cũng thủ sẵn một quả quýt.
Nên thấy ai đi đường mà cầm quả quýt, thì hỏi có phải ” câu lạc bộ con dượng” hem. Còn thấy ai bị hôi chân, hay ở nơi công cộng mà hẻm có ý tứ gì cả, thì đưa bài này cho họ đọc.
Tác giả: Tony Buổi Sáng
Xem thêm:
Chuyện ăn – Bài: 3
Chuyện ngủ – Bài: 4