Kinh Tế Trung Quốc – Những Rủi Ro Trung Hạn
Tác giả: VCES
Sẽ không là quá lời nếu nói rằng trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cả thế giới đều dõi theo Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và cùng với đó là hành vi ứng xử của đất nước này trên trường quốc tế là mối quan tâm thường trực của truyền thông và giới phân tích toàn cầu. Trong suốt chiều dài của lịch sử thế giới, từ Đông sang Tây, sự trỗi dậy của các đại cường luôn đi liền với sự xáo trộn an ninh quốc tế và cuối cùng là một trật tự thế giới mới được thiết lập.
Việt Nam là một nước chia sẻ không chỉ đường biên giới với Trung Quốc, mà còn chia sẻ một lịch sử liên tục trong
suốt hơn 2000 năm trở lại đây. Cùng với sự gia tăng chắc chắn mối quan hệ khăng khít về kinh tế và thương mại, Việt Nam càng gắn bó nhiều hơn với Trung Quốc trong thế giới toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, đất nước Trung Quốc to lớn và đa dạng, tưởng như rất gần gũi với chúng ta, lại có vẻ rất xa xôi. Chúng ta không biết nhiều về tình hình cập nhật của nền kinh tế Trung Quốc như biết về các nước lớn và xa xôi như Mỹ hoặc Châu Âu. Có thể viện một số lý do cho điều này, như sự mù mờ cố hữu của thông tin từ trong lòng Trung Quốc, ngăn cách về ngôn ngữ, v.v…
Đứng trước thực trạng đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã thành lập Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) với mong muốn thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa hai đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. VCES thực hiện những phân tích độc lập về tình hình kinh tế Trung Quốc, dựa trên nguồn thông tin trực tiếp từ trong đất nước này, cũng như từ các nguồn tổng hợp của thế giới bên ngoài.
Tất cả những hoạt động này của VCES đều dựa trên một nền tảng triết lý cho rằng sự thấu hiểu Trung Quốc, một cách lý tính, sẽ giúp Việt Nam nhìn thấy được nhiều cơ hội to lớn hơn, thay vì cảm thấy bị đe dọa, trước sự trỗi dậy của nền kinh tế vĩ đại này.
Ngay sau khi thành lập, VCES đã liên tục thực hiện các nghiên cứu chuyên đề, xây dựng báo cáo thường kỳ về kinh tế Trung Quốc, tổ chức các cuộc tọa đàm và hội thảo quốc tế thảo luận chuyên sâu về những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế hoặc biến động chính sách của Trung Quốc.
Một trong những hoạt động hàng năm của VCES là tổ chức một hội thảo quốc tế định kỳ về kinh tế Trung Quốc. Trong hội thảo đó, các nhà kinh tế Việt Nam, Trung Quốc, các nước trong khu vực và trên thế giới, có thêm một cơ hội để cùng thảo luận với nhau những vấn đề đương đại của Trung Quốc. Vào năm 2012, hội thảo với chủ đề “Trung Quốc:
Những thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay” đã khởi đầu cho chuỗi các hoạt động học thuật này.
Năm 2013, hội thảo với chủ đề “Trung Quốc: Những rủi ro trung hạn” được tổ chức trong bối cảnh đất nước này đang chứng kiến sự chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất từ thế hệ thứ tư sang thế hệ thứ năm. Các chuyên gia từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự hội thảo đã có cơ hội trao đổi về những khía cạnh khác nhau trong tiến trình phát triển của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là một số rủi ro lớn mà nền kinh tế này có thể phải đối mặt trong năm hoặc mười năm tới. Các chuyên đã thảo luận những chủ đề đa dạng từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, tài chính công, đến quá trình đô thị hóa và thị trường bất động sản, hay cấu trúc dân số và sự chuyển đổi của thị trường lao động.
Có thể khẳng định, đây là một ấn phẩm có giá trị, cập nhật nhiều thông tin kịp thời và có hệ thống, đồng thời cung cấp những nhận định sâu sắc về các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Từ cuốn sách, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều người Việt Nam hiểu rõ hơn về nền kinh tế Trung Quốc, từ đó tự có những chiêm nghiệm và đánh giá riêng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
Thông tin tác giả:
Cuốn sách do nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam VEPR (VCES) soạn thảo.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam VEPR (VCES) là một tổ chức think-tank của Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu cơ bản và độc lập trong khoa học kinh tế và các vấn đề liên ngành lấy kinh tế học làm trung tâm; cung cấp dịch vụ tư vấn về phân tích chính sách, phân tích kinh tế và tài chính cho các cơ quan chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp.
Hiện tại, VCES đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các cơ quan nghiên cứu về kinh tế, kinh tế Trung Quốc, nghiên cứu tình hình Trung Quốc của Việt Nam. Đồng thời, VCES cũng thường xuyên tiến hành các chuyến trao đổi học thuật, tổ chức sự kiện nghiên cứu về tình hình kinh tế Trung Quốc với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của nước ngoài như Đại học Kinh tế Tài chính Giang Tây (Trung Quốc), Đại học Nam Khai (Trung Quốc), Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), Đại học Quốc lập Chungbuk (Hàn Quốc), Đại học Busan (Hàn Quốc), Hội Khoa học Xã hội Hàn – Trung (Hàn Quốc). Với mục tiêu trở thành một thành viên của mạng lưới nghiên cứu Trung Quốc tại Đông Á, VCES hướng đến việc thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc tại các quốc gia Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương khác.
Xem thêm:
Sách Siêu Kinh Tế Học Hài Hước
Sách Sự Tuyệt Chủng Của Con Người Kinh Tế
(Nếu có điều kiện quý độc giả nên mua bản gốc tại các cửa hàng sách trên toàn quốc để ủng hộ tác giả.)
Download ebook : PDF