Home / Sống / Câu chuyện chiếc rìu

Câu chuyện chiếc rìu

Sở hữu những đức tính tốt là một lợi thế, song trong công việc cũng như cuộc sống nếu không biết trau dồi, làm mới bản thân thì bạn sẽ mãi đứng yên một chỗ, khó có thể phát triển.

Có một chàng trai khoẻ mạnh được nhận vào làm việc tại một cơ sở khai thác gỗ. Ông chủ đưa cho anh một chiếc rìu và yêu cầu đi chặt cây.

Phấn khích vì công việc mới, trong tuần đầu tiên, anh chặt được 100 cây. Ông chủ hết lời khen ngợi.

Được cổ vũ bởi lời khen của ông chủ, tuần thứ hai, anh cố gắng hơn nữa. Nhưng kết quả chỉ chặt được 90 cây.

Tuần thứ ba, anh quyết tâm lấy lại phong độ, nhưng số gỗ chặt được cũng chỉ là 80 cây…

Rồi một ngày bổng quản đốc tới và cho chàng trai trẻ xem bảng xếp hạng: “Chàng trai, năng suất làm việc của cậu đã tụt lùi so với những người khác. Tổng kết cho thấy cậu đã rơi từ vị trí đứng đầu hôm Thứ Hai xuống vị trí bét bảng cho đến hết ngày hôm nay.”

Chàng trai trẻ bất bình lên tiếng:
Nhưng tôi đã rất chăm chỉ làm việc. Tôi luôn là người đến đâu tiên và là người ra về cuối cùng, thậm chí tôi còn không cả có thời gian uống nước!

Người quản đốc gật đầu nói:
Phải công nhận cậu là công nhân cần cù nhất ở đây, nhưng đã bao lâu rồi cậu chưa mài chiếc rìu của mình?

Chàng trai thật thà thừa nhận:
Từ đầu tuần tới giờ thì chưa lần nào. Tôi mải làm việc quá nên không có thời gian để mài rìu.

Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Chăm chỉ không có gì là xấu, nhưng đôi khi cần có một khoảng ngừng để “mài sắc chiếc rìu”, làm mới bản thân thông qua việc tự học tập và rèn luyện. Bỏ qua việc này, chúng ta sẽ nhanh chóng bì “cùn” đi, và mất dần đi khả năng làm việc hiệu quả của mình.

Với câu chuyện này, Abraham Lincoln đúc kết lại bằng một câu nói nổi tiếng: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu“.

Trước đây tôi không hiểu vì sao, so với phương Tây, người Việt chúng ta lúc đi học thì giỏi hơn, khi ra làm việc thì kém hơn. Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là một thực tế. Chỉ sau này tôi mới biết nguyên nhân: đối với hầu hết người VN, sự học hành đã dừng lại sau khi ra trường. Sai lầm của chúng ta chính ở quan niệm “ra trường tức là đã học xong”, mà không ý thức được cái sự học là công việc của cả đời.

Không có chiếc rìu nào, chỉ mài một lần mà sắc mãi mãi.

Nguồn: Sưu tập