Home / Sống / Này người bạn trẻ, bạn là mèo hay hổ?

Này người bạn trẻ, bạn là mèo hay hổ?

Này người bạn trẻ, bạn là mèo hay hổ? – Tony buổi sáng

Trên 1 con phố nhỏ ở tp Siem Reap (Campuchia) là 1 nhà hàng Pháp khá đông khách dù chỉ mới mở. Cô chủ nhà hàng là V, một cô gái Quảng Trị nhỏ xíu mới sinh năm 1993. V lên Huế học ĐH về du lịch, rồi cũng như bao bạn trẻ khác, khi tốt nghiệp, cô đi tìm cơ hội nghề nghiệp và Sài Gòn là địa chỉ cô nghĩ đến đầu tiên. Đón tàu vào Nam, cô xin vào làm ở một khách sạn 5 sao với vị trí nhân viên mở cửa, tức mặc áo dài rồi đứng mở cửa cho khách vô ra. Đất chật người đông như kiến cỏ, TP 12 triệu dân này không hề có chỗ đứng cho người có tài năng hay nhan sắc tầm tầm.

Thế rồi cô nhận ra sứ mạng cuộc đời mình là ngành du lịch, cô sẽ phải có thành tựu về ngành này cho bõ công được sinh ra trên đời. Vừa đi làm vừa len lén đi xin việc khắp, nhưng những vị trí “ngon ngon” trong các công ty du lịch “ngon ngon” cô trượt cả. Cô nhận ra là học ĐH trong nước như cô bây giờ khó mà cạnh tranh được lượng du học sinh tốt nghiệp các trường hàng đầu thế giới trở về, và cả người nước ngoài sang VN làm việc.

Sau khi quan sát và cộng với óc tổng hợp, phân tích sắc sảo, cô thấy Sài Gòn không phải là thành phố phù hợp để phát triển du lịch trong tương lai vì không có bất cứ lợi thế gì. Khách đến Sài Gòn bây giờ chủ yếu là khách doanh nhân đầu tư và tài chính, không còn khách du lịch mấy. Những ai có mission cuộc đời là tài chính chứng khoán (điều kiện là giỏi giang cực kỳ, tốt nghiệp các ĐH lớn trên thế giới chứ các ĐH của VN hay các ĐH vô danh trên thế giới thì chỉ vào công ty làm chân sai vặt) thì mới phù hợp và có cửa phát triển.

Cách đây chục năm, Sài Gòn có lợi thế là có sân bay đón được chuyến bay quốc tế (VN lúc đó chỉ có Tân Sơn Nhất và Nội Bài là sân bay quốc tế), nên khách đến ở 1 đêm sau đó trung chuyển để đi Cần Thơ, Nha Trang, Côn Đảo, Đà Nẵng, Huế…. Và gần đây, các sân bay khác cũng đã đón khách quốc tế, nên các công ty lữ hành bỏ qua luôn Sài Gòn, vì mất 1 ngày di chuyển lòng vòng từ sân bay về hotel và di chuyển ra khỏi thành phố trong tình trạng kẹt xe hỗn loạn trên đường, vì thế họ sắp xếp bay từ Băng Cốc hay Hàn Quốc Nhật Bản trực tiếp tới Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng luôn.

Sài Gòn cũng không có resort nào để có thể học hỏi về quản trị resort, không có biển, không có núi, không có các loại hình du lịch giải trí gì. Shopping mua sắm thì chỉ là “cậu bé chợ huyện mới học đòi làm sang” so với Băng Cốc, Singapore, Hongkong…nên nơi đây chỉ là nơi mua sắm cho người không có điều kiện đi nước ngoài. Rồi một buổi chiều, V quyết định đi Siem Reap và làm cho 1 khách sạn lớn ở đó.

Làm bồi bàn, rồi xin phụ bếp rồi tự học thêm lớp đào tạo nấu ăn quốc tế để trở thành bếp chính, rồi ra ngoài thuê riêng 1 biệt thự cũ để làm nhà hàng. Vì có kinh nghiệm làm từ vị trí thấp nhất, lại yêu thích đam mê món Pháp đến tột độ, cô mở ra và may mắn thành công ngay. Cách quảng bá của cô rất giỏi, cứ khách tới ăn là cô xin phép tới trò chuyện trong lúc đợi tính tiền, hỏi han, rồi “ép” khách review tốt trên các trang du lịch. Từ đó, khách đến nhà hàng cô phải đặt trước và cô cũng đã tích luỹ tư bản rất khá cho mình.

Du lịch rất mênh mông, nếu yêu du lịch phải chọn 1 cái ngách nhỏ để bắt đầu, ví dụ như lữ hành cho khách Ta, lữ hành cho khách Tây, nhà hàng, khách sạn, du lịch MICE (hội thảo hội nghị), mạo hiểm, homestay, farmstay, văn hoá bản địa,…và cô chọn món “nhà hàng Pháp” để thành người giỏi nhất trong ngách nhỏ này. Dưới trướng cô còn có cả chục người vô cùng tâm huyết, 1 lòng 1 dạ theo con đường mà cô đã vạch ra cho cả nhóm đi theo, cô giờ chủ yếu là quản lý và marketing, làm thương hiệu cho nhà hàng sau khi truyền nghề được cho những đệ tử giỏi.

Cô khoe là team em vừa mua được 1 cái nhà ở khu phố Tây Lê Lợi của Huế để mở nhà hàng Pháp, cùng tên. Và cô cũng đang khảo sát ở Luang Prabang, Tây An (Trung Quốc), Kyoto (Nhật), để thuê làm thành 1 chuỗi, vì tình cờ bữa cô nghe có 1 doanh nhân người Pháp tới quán cô ăn, họ nói dự định có 1 hãng hàng không lớn đang lên kế hoạch bay 1 đường bay nối liền các kinh đô cổ của châu Á. Máy bay sẽ từ Thái sang Sieam Reap, rồi bay đi Luang Prabang, rồi bay đi Huế, rồi đi Tây An (kinh đô nhà Tần, nhà Đường…) rồi Kyoto (kinh đô Nhật)… chuyên cho khách rất sang.

Hỏi V chia sẻ về du lịch, cô nói “em chỉ biết làm 1 chuỗi các nhà hàng ở các kinh đô cổ châu Á vậy thôi, còn sau đó thì phát triển nữa thành 1 tập đoàn lớn có resort ngàn tỷ này nọ…thì để dành cho chồng em làm. Em thân gái sức mọn, chỉ vậy thôi anh à. Nếu bạn trẻ nào đam mê du lịch và chọn du lịch là sứ mạng cuộc đời mình, hãy thử thách từ vị trí thấp nhất ở Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Sapa, Bali, Siem Reap, Luang Prabang, Tây An, Hawaii, Maldives,…chứ đừng ở Sài Gòn hay Hà Nội. Chẳng có cơ hội nào ở đó cho mình đâu, chỉ tốn thời gian mà thôi. Sau 1-2 năm, nếu có đầu óc, bạn sẽ biết cách làm 1 cái gì đó rất riêng, đặc sắc mang dấu ấn của mình”. Nói xong thì cô xin phép được vào trong để thay đồ đi Nepal leo núi. Cô nói, “1-2 tháng mà sáng sáng không thức dậy ở 1 thị trấn xa lạ, thì em chịu không nổi. Hộ chiếu em đã thay 1 cái rồi vì hết chỗ đóng dấu xuất nhập cảnh”. Chảnh vậy mới dễ thương.

Tuổi trẻ bây giờ, cái thích nhất của tuổi trẻ chính là CÁ TÍNH. Ai không có, cứ bé khoẻ bé ngoan, vở sạch chữ đẹp, cái gì cũng ngại, sợ, không dám thử, không dám đi xa tới những vùng chưa ai khai thác để tạo dựng cơ đồ thì…chán hơn cả việc đập chết 1 con gián. Nói chuyện với mấy bạn trẻ cái đầu đầy ắp nỗi sợ này, rất tốn thời gian vì họ không có tố chất. Ham muốn thành tựu chỉ là viển vông cho vui vậy thôi chứ đời nào làm được cái gì ra hồn đâu mà bàn bạc hay đào tạo hay hướng dẫn. Mèo chỉ để bắt chuột và ăn vụng. Đừng thấy hình dạng giống giống mà đi dạy các bài học chỉ dành cho hổ. Các trường ĐH tinh hoa, đừng tưởng cứ thấy trường chiên trường xào học hành chữ nghĩa toán lý hoá tiếng Anh giỏi giang mà nghĩ là tinh hoa mà tuyển vào, dạy cho triết học sâu xa hay quản lý vĩ mô này nọ.

Người có gan mèo thì mãi mãi là mèo, làm sao mà nghĩ lớn làm lớn như chúa sơn lâm như hổ được. Có học trường Harvard hay qua Nhật qua Đức qua Israel qua Nga gì thì về “mèo vẫn hoàn mèo”, có ở bển cũng đi xin xỏ hết vịêc làm tới suất định cư, không có chút legacy nào, không giúp được người khác, chỉ vun vén thân mình. Đứng lầu 2 thì làm sao biết người đứng trên tháp 88 tầng thấy gì đâu, nên nói gì cũng cãi hết (ví dụ, sẽ nói câu chuyện trên là không có thật, để tự an ủi sự bất tài vô dụng của mình, với họ thì không ai tự tay trắng làm được cơ nghiệp cả). Mà thôi, kệ đám đó đi, sống 1 đời vô danh, âu cũng là sự lựa chọn của họ. Hoặc là số phận như thế, khỏi cãi mệnh trời.

Chia tay cô, chợt vẳng vẳng câu hát của nhóm Bức Tường

Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi
Để ta khắc tên mình trên đời
Dù ta biết gian nan đang chờ đón

Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Vì lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi…

Theo: Tony buổi sáng