Câu hỏi: Phân tích vấn đề bản chất con người theo quan niệm của triết học Mác – Lênin
Đáp án:
1. Con người là thực thể sinh học – xã hội
Khi dựa trên những thành tựu khoa học, triết học Mác – Lênin coi con người là sản phẩm tiến hóa lâu dài của giới tự nhiên, tức là kết quả của quá trình vận động vật chất từ vô sinh đến hữu sinh, từ thực vật đến động vật, từ động vật bậc thấp đến động vật bậc cao, rồi đến “động vật có lý tính” – con người. Như vậy, quan niệm này trước hết coi con người là một thực thể sinh học. Cũng như tất cả những thực thể sinh học khác, con người “với tất cả xương thịt, máu mủ… đều thuộc về giới tự nhiên” , và mãi mãi phải sống dựa vào giới tự nhiên. Giới tự nhiên là “thân thể vô cơ của con người”, con người là một bộ phận của giới tự nhiên. Như vậy, con người trước hết là một tồn tại sinh vật, biểu hiện trong những cá nhân con người sống, là tổ chức cơ thể của con người và mối quan hệ của nó với tự nhiên. Những thuộc tính, những đặc điểm sinh học, quá trình tâm – sinh lý, các giai đoạn phát triển khác nhau nói lên bản chất sinh học của cá nhân con người.
Song, con người trở thành con người không phải ở chỗ nó chỉ sống dựa vào giới tự nhiên. Mặt tự nhiên không phải là yếu tố duy nhất qui định bản chất con người. Đặc trưng qui định sự khác biệt giữa con người với thế giới loài vật là mặt xã hội. Ăngghen đã chỉ ra rằng, bước chuyển biến từ vượn thành người là nhờ quá trình lao động. Hoạt động mang tính xã hội này đã nối dài bàn tay và các giác quan của con người, hình thành ngôn ngữ và ý thức, giúp con người làm biến dạng giới tự nhiên để làm ra những vật phẩm mà giới tự nhiên không có sẵn.
Lao động đã tạo ra con người với tư cách là một sản phẩm của xã hội – một sản phẩm do quá trình tiến hoá của giới tự nhiên nhưng đối lập với giới tự nhiên bởi những hành động của nó là cải biến giới tự nhiên . Thông qua hoạt động sản xuất vật chất, con người đã làm thay đổi, cải biến toàn bộ giới tự nhiên. “Con vật chỉ tái sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì tái sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên” . Lao động không chỉ cải biến giới tự nhiên, tạo ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ đời sống con người mà lao động còn làm cho ngôn ngữ và tư duy được hình thành và phát triển, giúp xác lập quan hệ xã hội. Bởi vậy, lao động là yếu tố quyết định hình thành bản chất xã hội của con người, đồng thời là yếu tố quyết định quá trình hình thành nhân cách của mỗi cá nhân con người trong cộng đồng xã hội.
Nếu con người vừa là sản phẩm của giới tự nhiên, vừa là sản phẩm của xã hội thì trong con người cũng có hai mặt không tách rời nhau: mặt tự nhiên và mặt xã hội. Sự thống nhất giữa hai mặt này cho phép chúng ta hiểu con người là một thực thể sinh học – xã hội.
Là một thực thể sinh học – xã hội, con người chịu sự chi phối của các qui luật khác nhau, nhưng thống nhất với nhau. Hệ thống các qui luật sinh học (như qui luật về sự phù hợp cơ thể với môi trường, qui luật về sự trao đổi chất, về di truyền, biến dị, tiến hoá, tình dục…) qui định phương diện sinh học của con người. Hệ thống các qui luật tâm lý – ý thức, được hình thành trên nền tảng sinh học của con người, chi phối quá trình hình thành tình cảm, khát vọng, niềm tin, ý chí. Hệ thống các quy luật xã hội quy định quan hệ xã hội giữa người với người. Trong đời sống hiện thực của mỗi con người cụ thể, hệ thống qui luật trên không tách rời nhau mà hoà quyện vào nhau, thể hiện tác động của chúng trong toàn bộ cuộc sống của con người.
Điều đó cho thấy trong mỗi con người, quan hệ giữa mặt sinh học và mặt xã hội, cũng như nhu cầu sinh học (như ăn, mặc, ở) và nhu cầu xã hội (nhu cầu tái sản xuất xã hội, nhu cầu tình cảm, nhu cầu tự khẳng định mình, nhu cầu thẩm mỹ và hưởng thụ các giá trị tinh thần)… đều có sự thống nhất với nhau. Trong đó, mặt sinh học là cơ sở tất yếu tự nhiên của con người, còn mặt xã hội là đặc trưng bản chất để phân biệt con người với loài vật. Nhu cầu sinh học phải được “nhân hoá” để mang giá trị văn minh; và đến lượt nó, nhu cầu xã hội không thể thoát ly khỏi tiền đề của nhu cầu sinh học. Hai mặt trên thống nhất với nhau để tạo thành con người với tính cách là một thực thể sinh học – xã hội.
2. “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”
Là thực thể sinh học – xã hội, con người khác xa những thực thể sinh học đơn thuần. Cái khác này không chỉ thể hiện ở chỗ cơ thể của con người có một trình độ tổ chức sinh học cao hơn, mà chủ yếu là ở chỗ con người có một lượng rất lớn các quan hệ xã hội với những cấu trúc cực kỳ phức tạp. Là thực thể sinh vật – xã hội, con người đã vượt lên loài vật trên cả 3 phương diện: quan hệ với tự nhiên, quan hệ với cộng đồng (xã hội) và quan hệ với chính bản thân mình. Cả ba quan hệ đó, suy đến cùng đều mang tính xã hội, trong đó quan hệ giữa người với người là quan hệ bản chất, bao trùm tất cả các quan hệ khác. Cho nên, để nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, C.Mác đã cho rằng: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội “ .
Luận đề của Mác chỉ rõ mặt xã hội trong bản chất con người. Đó cũng là sự bổ khuyết và phát triển quan điểm triết học về con người của Phoiơbắc – quan điểm xem con người với tư cách là sinh vật trực quan và phủ nhận hoạt động thực tiễn của con người với tư cách là hoạt động vật chất, cảm tính.
Luận điểm trên của Mác còn phủ nhận sự tồn tại con người trừu tượng, tức con người thoát ly mọi điều kiện hoàn cảnh lịch sử xã hội; đồng thời khẳng định sự tồn tại con người cụ thể, tức là con người luôn sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể, trong một thời đại xác định và thuộc một giai – tầng nhất định. Và trong điều kiện lịch sử đó, bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển cả thể lực lẫn tư duy, trí tuệ của mình. Khi nói bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội thì điều đó có nghĩa:
Một là, tất cả các quan hệ xã hội (như quan hệ giai cấp, dân tộc, thời đại; quan hệ chính trị, kinh tế, đạo đức, tôn giáo; quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội…) đều góp phần vào việc hình thành bản chất của con người; song có ý nghĩa quyết định nhất là các quan hệ kinh tế mà trước hết là các quan hệ sản xuất, bởi vì các quan hệ này đều trực tiếp hoặc gián tiếp chi phối các quan hệ xã hội khác.
Hai là, không phải chỉ có các quan hệ xã hội hiện đang tồn tại mà cả các quan hệ xã hội trong quá khứ cũng góp phần quyết định bản chất con người đang sống, bởi vì trong tiến trình lịch sử của mình, con người dù muốn hay không cũng phải kế thừa di sản của những thế hệ trước đó.
Ba là, bản chất con người không phải là cái ổn định, hoàn chỉnh, bất biến sau khi xuất hiện, mà nó là một quá trình luôn biến đổi theo sự biến đổi của các quan hệ xã hội mà con người gia nhập vào.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu luận điểm: “Bản chất con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, cần chú ý 2 điểm:
Thứ nhất, khi khẳng định bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, Mác không hề phủ nhận mặt tự nhiên, sinh học trong việc xác định bản chất con người mà chỉ muốn nhấn mạnh sự khác nhau về bản chất giữa con người và động vật; cũng như nhấn mạnh sự thiếu sót trong các quan niệm triết học về con người của các nhà triết học trước đó là không thấy được mặt bản chất xã hội của con người.
Thứ hai, cần thấy rằng, cái bản chất không phải là cái duy nhất mà chỉ là cái chung nhất, sâu sắc nhất; do đó, trong khi nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, không thể tách rời cái sinh học trong con người, mà cần phải thấy được các biểu hiện riêng biệt, phong phú và đa dạng của mỗi cá nhân về cả phong cách, nhu cầu và lợi ích trong cộng đồng xã hội.
Xem thêm:
25 câu hỏi tự luận môn: Triết học (Có lời giải)
100 câu hỏi trắc nghiệm Triết học Mác-Lênin (Có đáp án)