Home / Sách tóm tắt / Tóm tắt sách Dấn Thân – LEARN IN

Tóm tắt sách Dấn Thân – LEARN IN

Dấn Thân – LEARN IN
Tác giả: Sheryl Sandberg

Về tác giả:
Sheryl Sandberg là giám đốc hoạt động (COO) của Facebook, chủ tịch hội đồng Lean In. Có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard.
Trước đây đã giữ các chức vụ: phó chủ tịch vận hành Google, trưởng phòng hành chánh Bộ tài chính Mỹ, tư vấn tại McKinsey & Company, trợ lý nghiên cứu tại Ngân hàng thế giới.

Nội dung sách:
“Dấn thân” là cuốn sách hướng đến mọi độc giả, đặc biệt là phụ nữ ở mọi tầng lớp, địa vị với tinh thần mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng trong lời kêu gọi: từng phụ nữ hãy vươn lên phát triển tiềm năng, phát huy đầy đủ nhất khả năng của mình, tránh lối tư duy và tinh thần yên vị vốn đã ăn sâu trong tâm thức.

Tập sách đưa ra những ý tưởng tuyệt vời, thẳng thắn, sinh động. Một tổng hợp thông tin và khơi dậy tối đa tiềm năng từ người khác của Sheryl.

Bà muốn kêu gọi tầng lớp phụ nữ phải vươn lên, nỗ lực tạo quyền năng cho bản thân dựa vào nội lực và giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân và từ đó lan tỏa ảnh hưởng.

Chương 1 – Khoảng trống tham vọng lãnh đạo Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?

Ngày xưa, bà ngoại tôi (sinh năm 1917) học giỏi, bà lại có khả năng kinh doanh tốt. Thế nhưng, quan niệm của xã hội thời bấy giờ, con gái chỉ vén khéo việc nhà mà thôi. Người ta xem, việc người chồng phải cần đến sự hỗ trợ tài chính của vợ là dấu hiệu của hèn kém.

Mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình truyền thống, cha mẹ tôi đặt kỳ vọng như nhau giữa tôi, em gái và em trai tôi. Cả ba chúng tôi được khuyến khích phải học thật giỏi trong trường, chia sẻ việc nhà một cách công bằng.
Con gái cũng có thể làm bất cứ việc gì con trai làm được kể cả mọi con đường sự nghiệp. Chỉ cách bà tôi hai thế hệ, sân chơi dường như đã cân bằng. Đây là xu hướng chung cho cả nước.

Phụ nữ có đủ kỹ năng để lãnh đạo trong công việc là chuyện không có gì để bàn. Tuy nhiên, có những tính cách do giới quy định đã ăn sâu trong tâm thức con người. Vì thế, họ cho rằng phụ nữ thường phải được che chở và nam giới thì bạo dạn.

Hình mẫu người phụ nữ trong công việc không mấy hấp dẫn: Văn học thường mô tả phụ nữ thành công trong công việc luôn bị đắm chìm trong sự nghiệp đến mức không còn đời sống riêng. Nếu phụ nữ phải dành thời gian cho gia đình và công việc một lúc, thế nào cô ta cũng rối bời và tội lỗi.

Cho nên, sợ hãi là gốc rễ của nhiều rào cản mà phụ nữ phải vượt qua. Sợ không được yêu quý. Sợ đưa ra lựa chọn sai lầm. Sợ thu hút sự chú ý không tốt. Sợ mình vươn xa quá. Sợ bị người ta đánh giá. Sợ thất bại. Và nỗi sợ lớn nhất: sợ là một người mẹ, người vợ, người con không tốt.

Không sợ hãi! Phụ nữ có thể theo đuổi để thành công trong sự nghiệp và trong cuộc sống; tự do lựa chọn một trong hai – hay cả hai. Tôi tin rằng chúng ta cần phải khuyến khích phụ nữ vươn đến những vị trí lãnh đạo. Chúng ta cần tạo một thế giới bình đẳng hơn về giới. Phải khuyến khích phụ nữ tin vào bản thân và có tham vọng lãnh đạo. Cần khuyến khích nam giới chung tay tìm giải pháp bằng cách ủng hộ phụ nữ trong công việc và trong gia đình.

Chương 2 – Ngồi vào bàn

Trong buổi họp cùng Bộ tài chính tại Facebook. Các thành viên nữ của Bộ tài chính không ngồi vào bàn, họ chọn ngồi vào những chiếc ghế đặt hai bên tường. Họ có quyền tham gia buổi họp như những thành viên khác, vì họ là những người được mời. Nhưng vị trí ngồi của họ như người quan sát hơn là người tham dự. Phụ nữ đã tự cản trở bản thân, tôi cảm thấy thất vọng. Nhưng tôi cũng hoàn toàn thấu hiểu sự bất an của họ, họ có cảm giác rằng họ là người mạo danh với kỹ năng và năng lực hạn chế.

Phụ nữ thường đánh giá kết quả của mình thấp hơn bản chất thực tế. Khi họ thành công, họ cho rằng là nhờ yếu tố bên ngoài, “ăn may” hay “được nhiều người giúp đỡ”. Khi họ thất bại, họ thường tin rằng do bản thân thiếu năng lực. Lối suy nghĩ này dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về sau.

Chúng ta thường thấy, người cực kỳ tự tin (mặc dù chẳng có gì để tự tin), thế rồi họ làm được rất nhiều việc. Hoặc khi ta đang ở trong hoàn cảnh bực bội, tức giận ai đó, nhưng cố gắng giả tạo mọi thứ bình thường trước mặt mọi người, cơn tức giận, bực bội lại qua nhanh và mọi thứ sẽ trở lại tuyệt vời.

Cảm thấy tự tin, giả vờ cảm thấy tự tin là cần thiết để tiếp cận cơ hội. Vì cơ hội không được dâng tặng, người ta phải giành giật lấy nó. Thế giới đang chuyển động rất nhanh, nên việc nắm bắt cơ hội lại quan trọng hơn bao giờ hết.
Không bao giờ có sự phù hợp tuyệt đối khi bạn tìm một cơ hội lớn. Nắm bắt và biến cơ hội sao cho vừa với bạn, thay vì ngồi đợi theo hướng ngược lại. Phụ nữ ít có khuynh hướng giơ tay cao, chúng ta phải điều chỉnh hành vi này, vi khi ta hạ tay xuống, ngay nhà quản lý có ý định tốt nhiều khi cũng không để ý đến ta.

Tôi biết thành công của mình là nhờ tôi làm việc chăm chỉ, được nhiều người giúp đỡ. Tôi trân trọng và biết ơn sâu sắc những người đã cho tôi cơ hội và ủng hộ tôi. Không ai tự mình làm được hết. Nhưng tôi cũng biết là để tiếp tục phát triển và thử thách bản thân, tôi phải tin vào năng lực của mình. Tôi vẫn phải đối mặt những tình huống mà theo tôi là vượt quá khả năng. Tôi vẫn có những lúc cảm thấy mình là người giả mạo. Nhưng giờ đây tôi đã biết hít thở sâu, giữ cho tay giơ cao, và tôi đã học được cách ngồi vào bàn.

Chương 3 – Thành công và yêu quý

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, người ta kết luận rằng: Thành công và được yêu quý là hai yếu tố song hành đối với nam giới nhưng lại ngược chiều đối với nữ giới.

Với nền văn hóa đã ăn sâu, người ta đánh giá con người dựa trên khuôn mẫu: Nam giới là người bảo bọc, quyết đoán, quyết tâm. Nữ giới là người chăm lo gia đình, nhạy cảm, sống cộng đồng. Nam giới có khả năng lãnh đạo và phụ nữ có khả năng vun vén. Những định kiến bất công này chính là cốt lõi khiến phụ nữ bị kềm hãm.

Nếu một phụ nữ kiên quyết cho công việc hoàn tất, nếu cô ấy có tính cạnh tranh, quan tâm đến kết quả hơn làm hài lòng người khác; cô ấy cư xử như đàn ông, người ta sẽ ghét cô.

Nếu một phụ nữ có năng lực, cô ấy có vẻ như thiếu yếu tố dịu dàng. Nếu một phụ nữ tỏ ra dễ thương, người ta lại đánh giá cô ấy dễ thương nhiều hơn là có năng lực.

Để đối mặt với các phản ứng tiêu cực này, người phụ nữ làm giảm nhẹ mục tiêu nghề nghiệp của mình. Họ tự hạ mình trước khi người khác tác động.

Có những lúc, người phụ nữ rơi vào tình cảnh làm cũng chết, không làm cũng chết. Điều này đặc biệt đúng khi thương lượng về chế độ lương thưởng, lợi ích, chức danh và các quyền lợi khác. Cho nên, buộc họ phải ngồi vào bàn và tạo dựng thành công cho mình. Nhưng chính hành động này làm người ta bớt yêu quý họ.

Khi thương lượng, để gia tăng cơ hội đạt được kết quả mong muốn, phụ nữ phải tỏ ra hòa nhã, nhưng kiên trì, không khoang nhượng. Thường xuyên nở nụ cười, bày tỏ sự trân trọng, nhấn mạnh đến mục tiêu lớn hơn với những mối quan tâm chung.

Trước khi chúng ta đến đích, tôi lo rằng phụ nữ sẽ phải tiếp tục hy sinh sự yêu quý để đánh đổi lấy thành công. Hãy học cách chống chọi với những ác ý, tấn công. Có lúc phải cho phép mình phản ứng theo cảm xúc, cảm nhận sự giận dữ hay buồn bã, nhưng rồi nhanh chóng cho chúng vào lãng quên để bước tiếp. Hãy nhìn vào trẻ con để làm gương, có thể nó khóc lúc này nhưng rồi lại chạy nhảy vui đùa ngay.
Thay đổi sẽ đến khi phụ nữ nắm quyền năng không còn là ngoại lệ. Nếu phụ nữ nắm 50% vị trí lãnh đạo, việc ghen ghét với quá nhiều người như vậy sẽ không còn khả thi.

Chương 4 – Khung leo trèo thay thế chiếc thang

Thời kỳ gia nhập tổ chức rồi bám trụ ở đó nhằm leo lên từng nấc thang đã qua rồi. Sự nghiệp là một khung leo trèo, không phải chiếc thang.

Chiếc thang có tính hạn chế – người ta có thể đi lên đi xuống hay có thể rời khỏi nó. Khung leo trèo mang lại nhiều khám phá sáng tạo hơn. Chiếc thang thì chỉ có một cách để lên đến đỉnh, nhưng với khung leo trèo thì có nhiều đường lên đỉnh hơn.
Khung leo trèo phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ mới bắt đầu sự nghiệp, đang chuyển đổi sự nghiệp hoặc quay lại công việc sau một thời gian rút lui. Nó có khả năng tạo ra một con đường độc đáo với những đoạn tuột dốc, đường vòng, hay thậm chí ngõ cụt. Nhưng người ta thấy hài lòng với thành công của mình. Trên chiếc thang, đa số người leo thang bị buộc phải nhìn mông của người đứng trên.

Chúng ta đều muốn có công việc hay nhiệm vụ thật sự thú vị gắn kết với mình. Bạn phải có giấc mơ hay mục tiêu cuộc đời để giúp bạn đi đúng hướng. Ngay cả một mục tiêu mơ hồ cũng giúp bạn vẽ ra hướng đi, một tầm nhìn xa xăm để tiến về phía trước.

Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp là làm trợ lý nghiên cứu tại Ngân hàng thế giới. Ở đây tôi được tham gia nhóm thực tế về y tế tại Ấn Độ với nỗ lực loại bỏ bệnh phong đáng sợ ở đây. Sau đó, tôi trở lại Washington với kế hoạch học trường luật, nhưng Pritchett thuyết phục tôi theo con đường kinh doanh. Tôi quay lại Cambridge tham gia CLB phi lợi nhuận với giáo sư Kash Rangan. Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh tôi nhận làm việc tư vấn tại McKinsey & Company; rồi sau đó quay lại Washington làm ở bộ Tài chính; một thời gian ở đây tôi trở thành trưởng phòng quản lý tài chính của Bộ.

Đợt bùng nổ công nghệ lần thứ nhất, giấc mơ của tôi lại trỗi dậy, tôi quyết định chuyển đến thung lũng Silicon, tôi được mời làm việc cho Google. Tôi là người đầu tiên giữ chức vụ “Giám đốc điều hành đơn vị kinh doanh”. Nhưng thực chất chẳng có gì để kinh doanh, công việc rất mơ hồ. Tôi quyết định chào đón rủi ro lần nửa và đến với Facebook. Người ta hỏi tôi tại sao lại chấp nhận một vị trí “cấp thấp” hơn và làm việc cho anh chàng mới 23 tuổi?
Tôi nhớ lại lời khuyên của Eric: “Tiêu chuẩn quan trọng khi chọn công việc – tăng trưởng nhanh”. Tôi đặt ưu tiên cho khả năng tăng trưởng nhanh và sứ mệnh của công ty lên trên chức vụ. Đó là câu trả lời của tôi cho câu hỏi trên.

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ cần phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp – rủi ro lớn nhưng phần thưởng nếu có lại càng lớn hơn. Dĩ nhiên, tránh xa rủi ro là điều tốt, nhưng tránh né rủi ro thường dẫn đến trì trệ. Nhiều phụ nữ chọn hướng đi an toàn và yên vị có thể khiến họ ngần ngại đón nhận các trách nhiệm thử thách lớn.
Hãy thay đổi lối suy nghĩ “tôi chưa sẵn sàng làm việc này” sang suy nghĩ “tôi muốn làm việc này, để học tập thêm”.
Chấp nhận rủi ro, quyết tâm phát tri ển, thách thức bản thân và đề nghị được thăng tiến là những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp.

Chương 5 – Bạn có phải là cố vấn của tôi

“Người cố vấn cho tôi đây phải không?”, nếu ta đặt câu hỏi, thì câu trả lời thường là không. Khi ta tìm được người cố vấn, ta không cần phải hỏi mọi thức đã rõ ràng.

Chạy theo tìm hay ép buộc cho mối quan hệ hình thành thường không hiệu quả. Các mối quan hệ bền chặt phải bắt nguồn từ sự kết nối thật sự và sau nhiều nỗ lực từ cả hai phía.

Đề nghị một người lạ làm cố vấn cho mình hiếm khi đạt được, ngược lại, nếu tiếp cận một người lạ với một câu hỏi gai góc, có suy nghĩ nghiêm túc có thể mang lại kết quả. Các nghiên cứu cho thấy người cố vấn chọn người được cố vấn dựa trên năng lực và tiềm năng. Bằng trực giác, họ chọn đầu tư cho những người có tài năng nổi bật sẽ thật sự phát triển nếu được giúp đỡ.

Tôi may mắn gặp được những người cố vấn và tài trợ rất giỏi. Họ chỉ dạy tôi bằng chính cuộc đời họ, sự thông thái của họ giúp tôi tránh được sai lầm. Tôi cũng đã cố gắng làm người cố vấn cho những người khác, tôi may mắn được làm việc cùng họ và nhiều tài năng khác trong quá trình sự nghiệp của mình.

Cố vấn là một quan hệ hai chiều, đặc biệt trong những tình huống khi hai người đã cùng làm việc trong một công ty. Họ sẽ có thêm thông tin hữu ích, gắn kết, cảm giác sống trọn vẹn và tự hào hơn. Mỗi người đều học được từ chuyên môi và tài năng của người kia. Mối quan hệ đó có thể trở thành tình bạn, nhưng trên hết vẫn là mối quan hệ công việc.

Phụ nữ trẻ thường đưa thông điệp “tìm người cố vấn và bạn sẽ nổi bật”, đó là quan niệm sai lầm, thay vào đó, chúng ta phải nói với họ là “nổi bật và bạn sẽ tìm ra người cố vấn”.

Nhiều phụ nữ tránh tiếp xúc gần gủi với lãnh đạo nam vì e ngại lối suy diễn, hễ là nam, nữ gặp nhau là có yếu tố tình cảm không tốt. Suy nghĩ này cần phải chấm dứt. Người có liên quan cũng phải đảm bảo họ có hành vi và thái độ chuyên nghiệp để phụ nữ và nam giới cảm thấy an toàn trong bất kỳ tình huống nào.

Nhiều công ty đang bắt đầu chuyển từ cố vấn phi chính thức vốn lệ thuộc vào từng cá nhân sang các chương trình bài bản hơn, các chương trình này làm giảm bớt áp lực cho các phụ nữ trẻ.

Chương 6 – Tìm sự thật và nói lên sự thật

Nhiều người không nói thẳng nói thật những gì họ nhìn thấy. Khi phải nghĩ nói sao cho phù hợp, người ta đã đánh mất sự chân thật. Họ thường xuyên tránh né sự thật để bảo vệ mình và người khác vì thiếu can đảm.
Nhiều phụ nữ phát biểu trung thực trong môi trường làm việc thường đi kèm với nhiều nỗi sợ: sợ bị xem là không hòa nhập, sợ bị đánh giá tiêu cực, sợ sẽ thu hút sự chú ý về mình có thể dẫn đến bị tấn công.

Để khắc phục vấn đề trên và để giao tiếp hiệu quả, chúng ta cần kết hợp chân thật và phù hợp, tìm được điểm cân bằng một cách tinh tế chứ không trần trụi. Bản thân tôi dứt khoát cần được giúp đỡ về mặt này và may mắn tôi đã tìm được sự hỗ trợ.

Sự thật nên được nói ra bằng lời đơn giản, mang nhiều sắc thái và tế nhị. Người ta không muốn tổn thương nhau, đặc biệt là làm tổn thương sếp. Nói thẳng, nói thật trong công việc đã khó, nói thật khi phản hồi cho cá nhân lại càng khó hơn. Tại Facebook, tôi và Mark cam kết sẽ phản hồi cho nhau những gì mình không hài lòng vào cuối mỗi tuần, khi thành thói quen, chúng tôi lên ti ếng ngay khi có vấn dề chứ không đợi đến cuối tuần. Chia sẻ phản hồi trung thực trở thành một phần trong mối quan hệ của chúng tôi. Với chúng tôi, việc này cực kỳ quan trọng.
Nếu đồng nghiệp của tôi không dám nói ra sự thật, có nghĩa là tôi chưa cho họ biết tôi sẵn sàng đón nhận phản hồi.

Khi người ta cởi mở và chân thật, bạn cảm ơn họ trước mặt mọi người sẽ giúp họ tiếp tục duy trì hành động này, đồng thời cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những người khác.

Mặc dù tôi vẫn thường cố gắng thuyết phục người ta chia sẻ suy nghĩ chân thật, đôi lúc tôi vẫn gặp nhiều thách thức. Khảo sát cho thấy, đa số phụ nữ tin khóc ở công sở không phải là ý hay. Tôi không bao giờ có ý định làm thế. Nhưng trong những lúc hiếm hoi tôi cảm thấy bức xúc, bực mình, hay tệ hơn, bị phản bội, nước mắt tôi vẫn tràn mi.
Việc chia sẻ cảm xúc thật sự cần thiết và tạo mối quan hệ sâu sắc. Giờ đây tôi thật sự tin vào việc đem cả con người vào công việc. Tôi không còn cho rằng người ta không phải mang một bộ mặt chuyên nghiệp suốt cả tuần. Nhưng không phải văn phòng nào và đồng nghiệp nào cũng rộng lượng và biết chia sẻ.

Có thể một ngày nào đó, rơi nước mắt ở công sở không còn bị xem là xấu hỗ hay yếu đuối, mà chỉ đơn thuần là sự tỏ bày tình cảm chân thật. Và có thể sự nhạy cảm, thông cảm đã từng là rào cản của phụ nữ sẽ trở thành điểm mạnh giúp họ là người lãnh đạo thực sự trong tương lai. Chúng ta phải thúc đẩy sự thay đổi bằng cách cam kết với bản thân sẽ tìm kiếm và nói lên sự thật.

Chương 7 – Đừng từ bỏ trước khi rút lui

Từ khi còn nhỏ, các em gái được nhồi nhét thông điệp rằng, chúng phải chọn lựa giữa thành công trong công việc hay là một bà mẹ tốt. Khi lớn lên, người phụ nữ nghĩ đến những đánh đổi giữa mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp.

Nhưng nếu lập kế hoạch quá sớm trong vấn đề kết hợp nghề nghiệp và gia đình có thể làm cho cánh cửa đóng lại thay vì mở ra. Vì phụ nữ hiếm khi đưa ra một quyết định lớn là từ bỏ công việc, thay vào đó, họ đưa ra những quyết định nhỏ từ từ như chịu nhường bước và hy sinh từng chút một để giúp được gia đình, rồi họ từ bỏ dần công việc trước khi rút lui.
Tôi đồng tình với việc chuẩn bị có suy tính. Nhưng do không tìm kiếm cơ hội thử thách bản thân trong những năm chờ đợi làm mẹ, họ đã tụt lại phía sau.

Làm mẹ là một chọn lựa tuyệt vời và cần thiết đối với nhiều người. Đây là một công việc quan trọng đòi hỏi nhiều trọng trách và cũng mang lại nhiều niềm vui. Nhưng rút lui khi cần thiết hay khi đứa bé chào

đời, chứ không phải trước đó. Những tháng năm chuẩn bị có con không phải là lúc rút lui mà là lúc quan trọng phải tiến tới. Vì khi quay lại làm việc sau khi sinh con, bạn sẽ cảm thấy không được cống hiến trọn vẹn, lúc này bạn sẽ hạn chế tối đa tham vọng của mình.

Một người càng vui với vị trí của mình, người đó càng ít khả năng từ bỏ. Quay lại làm việc sau khi làm mẹ là nhờ bản chất công việc đầy thử thách. Nhiều người có kết luận rằng nếu có hỗ trợ từ chồng và bạn bè, người thân, họ có thể làm tốt cả hai. Tôi không bao giờ khuyên mọi phụ nữ đều phải tiến tới bất kể tình huống.

Sự chào đời của đứa con, ngay lập tức thay đổi định nghĩa của chúng ta về bản thân: vợ chồng thành cha mẹ, các ưu tiên của chúng ta hoàn toàn thay đổi. Nhưng bao nhiêu thời gian và tiền bạc đã đầu tư cho sự nghiệp bản thân và nếu từ bỏ cũng không hợp lý.

Nếu may mắn có cơ hội để chọn lựa, hãy để ngõ các lựa chọn này. Đừng để chân vào sự nghiệp mà đã tìm đường thoát. Đừng để chân trên bàn đạp thắng. Hãy tăng tốc, giữ chân trên bàn đạp ga đến khi nào bạn đã có quyết định. Đấy là cách duy nhất để đảm bảo rằng khi thời điểm đến, bạn sẽ ra quyết định thật sự nghiêm túc.

Chương 8 – Bạn đời phải thật sự là bạn đời

Trước khi sinh con, người mẹ nào cũng trải qua những cơn đau khủng khiếp. Khi tôi sinh cháu đầu tiên, đặc biệt tôi sinh chậm, là một ca khó, bác sĩ phải can thiệp. Sáng hôm sau, tôi bước chân xuống giường, bước đi một bước và ngã quỵ xuống sàn; tôi phải mang nạng suốt một tuần. Dave, chồng tôi, trở thành người chăm sóc em bé.

Đáng lẽ, trước khi sinh, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều hơn. Chúng tôi đã bàn bạc với nhau về cách làm này nọ, nhưng đa phần chỉ là mơ hồ, thiếu thực tế vì chưa có kinh nghiệm.

Dave và tôi không làm việc cùng trong thành phố. Sau khi em bé chào đời, Dave phải bay đi, bay về nhiều lần trong tuần. Đây không phải là giải pháp tốt mặc dù anh rất cố gắng đến mệt mỏi. Cuối cùng, Dave phải hy sinh công việc, trở về cùng làm trong một thành phố. Chúng tôi suy nghĩ rằng, là bạn đời không chỉ trong công việc chúng tôi làm mà còn trong trách nhiệm, mỗi người đều cố gắng làm trọn vẹn những gì cần làm. Chúng tôi phân công việc không bao giờ đạt tỷ lệ 50-50 công bằng hoàn hảo; sự cân bằng mỏng manh này phải liên tục được duy trì trong giao tiếp, chân thành và tha thứ.

Anh bạn Scott của tôi, mỗi lần đi công tác xa, thường nhận được điện thoại của vợ, hỏi cách chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa cho các con như thế nào. Câu chuyện “đổi ngôi” này cũng không lạ, được Scott kể ra vừa dễ thương vừa buồn cười. Các bậc làm mẹ trời sinh có năng khiếu chăm sóc con cái, nhưng người cha cũng làm tốt không kém nếu có kiến thức và nỗ lực; vấn đề là phát xuất từ sự nhận thức.

Bạn muốn có người bạn đời thật sự thì phải đối xử với người kia như một người bạn ngang hàng, một người đối tác ngang cơ. Còn kỹ năng? Nếu nửa đêm anh ta thức giấc để thay tã cho con mà không được vợ kêu, bạn cứ vui vẻ ngay cả khi anh ta mặc tã cho con không đúng cách; dần dần anh ta cũng rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Đừng để anh ta suy nghĩ mình làm giúp chứ không phải vì nhiệm vụ.

Khi bạn muốn đặt nền tảng gia đình, hãy tìm một người thật sự là bạn đời ngang hàng. Một người muốn phụ nữ phải thông minh, nói lên suy nghĩ của mình và có tham vọng. Một người biết trân trọng sự công bằng và hy vọng, hay tốt hơn, muốn chia sẻ phần việc của mình trong nhà. Sự chia sẻ trách nhiệm bình đẳng giữa vợ và chồng là dấu hiệu của hạnh phúc và còn là hình mẫu cho thế hệ con cái.

Giờ đây, chúng ta biết rằng phụ nữ cũng có thể làm được những gì nam giới làm được. Nhưng chúng ta lại không biết nam giới có làm được những gì phụ nữ làm được không. Chúng ta nên cho họ cơ hội chứng tỏ mình.

Những người đàn ông bản lĩnh, nhạy cảm, tuyệt vời ở mọi độ tuổi vẫn còn tồn tại ngoài kia. Khi phụ nữ ngày càng đánh giá cao sự tử tế và hỗ trợ từ bạn trai, nam giới sẽ còn thể hiện nó nhiều hơn nữa.

Chương 9 – Hoang tưởng về người đa năng

“Vẹn cả đôi đường”. Có thể nói đây là cái bẫy lớn nhất của phụ nữ. Chắc hẳn nó chỉ là hoang tưởng, nó cũng có ích trong vai trò cảnh báo.
Theo đuổi cả phát triển sự nghiệp và đời sống cá nhân là một mục tiêu cao cả và cũng có thể đạt được đến một mức độ nào đó, nhưng chúng ta có những giới hạn nhất định.
Nữ bác sĩ Laurie Glimcher nói: “Tôi phải quyết định điều gì là quan trọng, điều gì không, và tôi học được cách chỉ cố hoàn hảo trong những điều thật sự thiết yếu”.

Tôi nghĩ, bà là một thiên tài. Chúng ta đều bị hạn chế về thời gian và tính kiên nhẫn. Dù có lập kế hoạch thế nào thì cũng không thể chuẩn bị được hết cho những thử thách liên tục đến, không thể kiểm soát các biến cố trong việc làm mẹ. Và cũng thật khó để phân biệt các khía cạnh nào là cần thiết trong công việc. Đôi khi tình hình không rõ ràng và lằn ranh cũng không dễ xác lập.

Theo tôi, làm được còn hơn chờ làm hoàn hảo. Nhắm đến hoàn hảo chỉ tạo thêm sự bực bội, thậm chí còn làm tê liệt bạn. Mọi thứ sẽ có chút lộn xộn, nhưng phải chấp nhận sự lộn xộn. Nó sẽ phức tạp, nhưng hãy vui trong sự phức tạp đó. Làm được, mặc dù vẫn là thách thức, hóa ra dễ đạt hơn và tạo sự thoải mái hơn.
Ngày nay, công nghệ đã làm giảm tầm quan trọng của thời gian trong văn phòng, vì công việc được thực hiện qua mạng (Tôi đã làm việc khi con tôi ngủ say và khi chúng chưa thức dậy).

Chúng ta nên tạo lập quan niệm mới, chuyển sang tập trung vào kết quả sẽ đem lại lợi ích cho cá nhân và giúp công ty hoạt động hiệu quả và cạnh tranh hơn. Như tướng Colin Powell nói: “Tôi trả tiền cho chất lượng công việc, không phải cho thời gian trong văn phòng”.

Tôi yêu công việc của mình, yêu những con người tuyệt vời và thông minh cùng làm việc với tôi. Tôi cũng yêu khoảng thời gian dành cho con cái.
Nếu phải chọn một định nghĩa về thành công, thì theo tôi, thành công là đưa ra chọn lựa tốt nhất và chấp nhận chúng.

Chương 10 – Hãy bắt đầu thảo luận

Đôi lúc tôi tự hỏi, cuộc đời mình như thế nào nếu không bị gán nhãn theo giới. Người ta gọi tôi “nữ giám đốc”. Chữ “nữ” nói lên điều gì? Không ai muốn mình thành công nhưng chỉ được miêu tả như một tính từ.

Câu chuyện cười về một phụ nữ theo học khóa nghiên cứu nữ quyền nhưng lại nổi giận khi người ta gọi cô là nhà nữ quyền. Đó cũng chính là thái độ của tôi khi theo học đại học. Chúng ta không nhìn thấy tác dụng ngược của nó đến phụ nữ khác xung quanh mình. Tôi vẫn mang thái độ này khi đi làm. Tôi nghĩ đơn giản nếu sự phân biệt giới tính vẫn còn, tôi sẽ chứng minh nó sai. Tôi sẽ làm công việc của mình thật tốt, tôi không biết rằng làm ngơ là vấn đề chính về kỹ thuật sinh tồn cơ bản.

Nhưng mặc kệ giới tính không được thừa nhận công khai, nó vẫn lấp lửng ngay rất gần bề mặt. Theo thời gian, tôi bắt đầu nhìn thấy các bạn nữ và đồng nghiệp nữ dần dần rút lui khỏi công việc do ý muốn, do bực mình, do không được phép làm theo thời gian linh hoạt hoặc do ông chồng không phụ được phần việc nuôi dậy con cái. Phần khác vẫn tiếp tục đi làm nhưng tự hạn chế tham vọng.

Tôi thường được mời nói chuyện ở nhiều hội nghị hoặc trên Facebook về đề tài “Phụ nữ làm thế nào để thành công trong công việc”. Phụ nữ trên thế giới chia sẻ, họ nói họ tự xây dựng sự can đảm để tìm thêm cơ hội; tin vào bản thân mình nhiều hơn; “ngồi vào bàn” nhiều hơn. Họ lên tiếng khuyến khích nhiều người khác cùng lên tiếng. Cần phải phá vỡ thế bế tắc. Nói chuyện có thể làm thay đổi tư duy, từ đó thay đổi hành vi, và dẫn đến thay đổi thể chế.

Đóng cổng thảo luận là tự thua cuộc và làm hạn chế tiến bộ. Chúng ta trò chuyện và lắng nghe và tranh luận và phản bác và hướng dẫn và học hỏi và tiến hóa.

Mọi công việc đều đòi hỏi sự hy sinh. Vấn đề là phải tránh được những hy sinh không cần thiết. Sự chú ý của dư luận gây cho ta cảm giác hơi sợ sẽ có người phản đối. Hành động khó khăn, nhưng lợi ích rất nhiều. Chúng ta không thể thay đổi những gì chúng ta không nhận thức được, và một khi đã nhận thức, chúng ta không thể không thay đổi, để có thể mang lại hạnh phúc đến cho mọi người.

Chương 11 – Chung tay vì một thế giới bình đẳng

Bình đẳng thật sự vẫn còn lẩn tránh chúng ta. Vậy chúng ta phải tiến lên như thế nào?

Bình đẳng chỉ đến khi có thêm nhiều phụ nữ vươn tới vị trí lãnh đạo cấp cao trong mọi chính phủ, mọi ngành nghề. Nhưng chúng ta tự hỏi tại sao trong khi tập trung ủng hộ việc lựa chọn cá nhân, chúng ta lại không khuyến khích phụ nữ vươn tới. Đã đến lúc phải tung hô những cô nàng hay bà mẹ muốn ngồi vào bàn, tìm kiếm thách thức, và bước mạnh mẽ vào sự nghiệp.

Cơ hội ngang bằng không được xem là ngang bằng trừ khi mọi người được khuyến khích nắm bắt cơ hội này. Chỉ khi đó cả nam lẫn nữ mới phát huy hết tiềm năng của mình. Nam giới cần ủng hộ nữ giới, phụ nữ cũng phải ủng hộ phụ nữ. Giáo sư Stanford Deborad Gruenfeld đã lập luận: “Chúng ta cần phải che chắn cho nhau, làm việc cùng nhau, và ứng xử như một khối liên mình. Xét trên từng cá nhân, quyền lực của chúng ta rất thấp. Chung tay nhau. Chúng ta chiếm 50% dân số và đó là quyền lực thực sự”. Mặc dù nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng trong quá khứ, phụ nữ không phải lúc nào cũng chung tay. Thực tế, có nhiều ví dụ đáng buồn về phụ nữ hành động theo hướng ngược lại.

Chúng ta là thế hệ mới, chúng ta cần một cách tiếp cận mới. Chúng ta nên cố gắng nhanh chóng giải quyết những khác biệt, và ngay cả khi chúng ta bất đồng, hãy tập trung vào mục tiêu chung. Đây không phải là lời van xin mọi người bớt tranh luận, chỉ là nên tranh luận một cách xây dựng.
Cựu ngoại trưởng Madeleine Albright từng nói: “Địa Ngục có một chỗ đặc biệt dành cho những phụ nữ không chịu giúp nhau”.