Home / Sách tóm tắt / Tóm tắt sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Tóm tắt sách Sapiens Lược Sử Loài Người

Sapiens Lược Sử Loài Người
Tác giả: Yuval Noah Harari

Giới thiệu sách:
Nhà sử học người Israel Yuval Noah Harari đưa đến với độc giả quá trình phát triển của loài người thông qua bốn giai đoạn: Cách mạng nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, Sự thống nhất của loài người, Các mạng khoa học. Cả một tiến trình dài, gói gọn trong hơn 500 trang sách một cách hài hước, thông minh. Một quyển sách rất rất nên đọc vì vô cùng hay. Có rất nhiều câu hỏi đáng quan tâm và suy nghĩ ví như câu cuối sách.

“Do chúng ta cũng có thể sớm thiết kế nên những khát vọng của mình, nên có lẽ câu hỏi chúng ta thực sự phải đối mặt không phải là ‘Chúng ta muốn trở thành gì’ mà là ‘Chúng ta muốn mình muốn gì?’”

Tóm tắt sách:
70.000 năm trước đây, Homo Sapiens, vẫn chỉ là một loài động vật tầm thường, nhỏ bé, yếu ớt, vô danh nằm ở giữa của chuỗi thức ăn và thường chỉ chú tâm đến công vệc của mình ở một góc châu Phi xa xôi hẻo lánh. Vậy mà chỉ trong vài thiên niên kỉ tiếp theo, nó tự biến mình thành bá chủ toàn bộ hành tinh và kẻ khủng bố đối với hệ sinh thái.

Giờ đây, nó đang đứng bên ranh giới trở thành một vị thần, sẵn sàng để có được sự tiến hóa hoàn hảo lên Homo Deus – giống loài thần thánh, trẻ mãi không già, mang trong mình sức mạnh của cả đấng sáng tạo và kẻ hủy diệt. Vậy điều gì đã khiến Homo Sapiens vượt xa các loài sinh vật khác và đạt được những thành tựu đó? Lí giải cho câu hỏi trên, đã được học giả người Israel Yuval Noah Harari đưa ra rất thuyết phục trong cuốn sách “Sapiens – Lược sử loài người”. Cuốn sách dẫn chúng ta vào một cuộc hành trình tuyệt vời của lịch sử loài người, từ nguồn gốc của sự tiến hóa, trải qua 3 cuộc Cách mạng, đến thời đại của khoa học công nghệ và kỹ thuật di truyền. Harari không phải là một giảng viên dạy bạn những kiến thức giáo điều nặng nề và khô khan, ông kể chuyện cho bạn, với một ngôn ngữ tuyệt vời và hướng tiếp cận mới mẻ so với các cuốn sách khoa học khác khiến bạn không thể quên được.

“Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari tập trung vào 3 giai đoạn quan trọng, định hình tiến trình lịch sử: Cách mạng nhận thức đã khởi động lịch sử cách đây 70.000 năm, Cách mạng nông nghiệp tăng tốc lịch sử khoảng 12.000 năm trước đây. Còn cuộc Cách mạng khoa học mới chỉ bắt đầu cách đây 500 năm. Ba cuộc cách mạng này đã tác động đến loài người và các loài sinh vật khác như thế nào?

CHÚNG TA KHÔNG LÀ NHỮNG CON NGƯỜI DUY NHẤT TỪNG TỒN TẠI
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, loài người đã có mặt từ rất lâu, động vật gần giống con người hiện đại xuất hiện lần đầu khoảng 2,5 triệu năm trước. Qua nhiều thế hệ, chúng cũng không có gì nổi trội so với các sinh vật khác cùng chia sẻ môi trường sống với mình. Tổ tiên chúng ta là loài vượn loại lớn. Họ hàng gần nhất của chúng ta là tinh tinh, khỉ đột và đười ươi. Loài người chúng ta là loài Sapiens (tinh khôn) thuộc về chi Homo (người), đó là lí do tại sao chúng ta được gọi là Homo Sapiens. Chúng ta cảm thấy tự hào vì mình là những con người duy nhất, bởi lẽ trong 10.000 năm trở lại đây, chúng ta là những Homo duy nhất tồn tại.

Nhưng Harari đã tiết lộ một bí mật động trời: Homo Sapiens có anh chị em, chúng ta không phải là Homo duy nhất trên Trái Đất. Đã có thời điểm, ít nhất tồn tại 6 loài Homo sống cùng với Sapiens. Vậy những người anh em của chúng ta, những Homo Erectus, Neanderthal đã đi đâu về đâu? Khi nghiên cứu về bản đồ gen của người Neanderthal đến từ thung lũng Neander, các nhà khoa học nhận thấy có một phần bộ gen của họ tương đồng với gen của người châu Âu hiện nay, liệu có phải Sapiens đã giao phối chéo với các anh chị em của mình, dần tạo ra một chủng người thống nhất hiện nay? Giả thuyết thứ hai được nhiều người tin tưởng hơn, rằng: Sapiens với sự vượt trội của mình đã tiêu diệt những loài Homo khác, có thể bằng cách giết họ hoặc đơn giản hơn là cướp nguồn thức ăn của họ để chiếm thế độc tôn? Có lẽ cả 2 giả thuyết đều đúng. Sapiens vừa giao phối với các Homo khác, vừa tiêu diệt họ để trở thành loài người duy nhất trong suốt 10.000 năm qua.

CÁCH MẠNG NHẬN THỨC – SAPIENS CHIẾM ĐẦU CHUỖI THỨC ĂN
Homo Sapiens vốn là một loài yếu ớt, nhỏ bé, chúng ta không có bộ móng vuốt sắc nhọn của báo, không có bộ sừng vĩ đại của tê giác. Chúng ta chỉ nằm ở giữa của chuỗi thức ăn, chúng ta sợ hãi các loài thú lớn hơn và chỉ có thể săn bắt hái lượm với các sinh vật nhỏ hơn mình. Vậy điều gì đã giúp Sapiens chỉ trong một thời gian ngắn leo lên đỉnh chóp? Đó là một bước nhảy vọt 70.000 năm trước, một thời kì gọi là cuộc Cách mạng nhận thức. Loài người tìm ra lửa, phát minh ra những công cụ, bắt đầu trao đổi hàng hóa bằng những mảnh sò, mảnh ốc…đặc biệt đó là khả năng ngôn ngữ, truyền tải một lượng lớn thông tin về thế giới xung quanh, về các quan hệ xã hội, giúp các Sapiens có thể lập thành các cộng đồng nhỏ lên tới 150 thành viên thực hiện các hoạt động phức tạp như săn sư tử và bắt bò rừng. Một con khỉ có thể báo động cho đồng loại ở thác nước đằng kia có sư tử.

Nhưng một Sapiens có khả năng ngôn ngữ có thể lập kế hoạch với đồng loại rằng: “Có một con sư tử ở gần suối, chúng ta có thể gọi những anh em khác hợp sức đặt bẫy đi săn nó và tiện thể lấy nước về cho làng”. Mặt khác theo thời gian, Sapiens bắt đầu tin tưởng vào những cộng đồng hư cấu, những trật tự tưởng tượng, những điều không tồn tại như thần linh, dân tộc…Khi tất cả cùng có một niềm tin chung, loài người sẽ có khả năng hợp tác với nhiều người lạ hơn, cộng đồng mở rộng ra hơn. Các tôn giáo, các tập đoàn, các đế chế đều khởi sinh như thế, bắt đầu từ niềm tin chung, liên chủ quan vào những điều hư cấu và không tồn tại. Khởi đầu ở châu Phi, Sapiens bắt đầu đi chinh phục toàn thế giới.

Cuộc cách mạng nhận thức đã cải thiện tư duy của con người. Khi tư duy phát triển, bộ não to ra, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, cơ bắp ít phải vận động hơn dần teo lại. Tuy nhiên có những thứ không thay đổi, có những nhu cầu từ xa xưa, được hình thành trong tự nhiên, vẫn sẽ tiếp tục được cảm nhận ở thời điểm hiện tại dù nó không còn thực sự cần thiết nữa. Lấy ví dụ: tại sao thời nay chúng ta thường thích ăn ngọt, vì đơn giản tổ tiên chúng ta hàng ngàn năm trước sinh sống bằng hái lượm thường thích hái hoa quả ngọt để ăn.

CÁCH MẠNG NÔNG NGHIỆP – ĐỊNH HÌNH LỐI SỐNG SAPIENS
Trong thời kì cách mạng nhận thức, các Sapiens sống phong cách du mục nay đây mai đó, săn bắt và hái lượm. Chúng ta hái hoa quả trên cây, săn thú vật dưới đất, lấy nước tại bất cứ con sông, dòng suối nào chúng ta đi qua. Cuộc sống có vẻ khá đơn giản và nhàn nhã. Ở đây hết thỏ rồi ư, không sao, chúng ta có thể sang cánh rừng phía Bắc, ở đó động vật đa dạng và dồi dào hơn. Cuộc sống của người hái lượm khá rảnh rang, họ sống hôm nay và cũng không cần lo đến bữa ăn ngày mai.

12.000 năm trước, cuộc cách mạng nông nghiệp diễn ra đã chấm dứt cuộc sống du canh du cư của Sapiens. Đặc thù của ngành nông nghiệp là sản phẩm cố định, kéo dài và xuyên suốt khiến Sapiens bắt đầu chuyển sang lối sống định canh định cư. Sapiens ngày ngày trồng hoa màu, thuần hóa các loài động vật. Đây là một quá trình dài hơi, nông nghiệp cần nhiều nhân công hơn, người gieo hạt, người cày, người bừa, người tưới tắm, người thu hoạch. Mặt khác sự phát triển của nông nghiệp đã tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào, hiệu quả, trữ lượng lớn, khiến Sapiens không thể quay trở về lối sống du canh du cư như xưa nữa.

NHỮNG GIÁ TRỊ DO SAPIENS TẠO DỰNG
Nhờ vào việc sống cố định tại một chỗ giúp Sapiens có thời gian hình thành nên những giá trị như tiền, tôn giáo, đế chế, những yếu tố liên chủ quan được hình thành dựa trên niềm tin về những cộng đồng tưởng tượng đã và đang chi phối con người. Đối với tiền, đó là hệ thống phổ quát nhất và hiệu quả nhất của niềm tin từng được phát minh ra. Bạn là người bán táo, bạn muốn trao đổi táo với một người bán giầy.

Nhưng bạn không rõ đôi giầy có giá trị tương ứng bao nhiêu quả táo. Và tiền tệ ra đời. Tiền sẽ vẫn luôn có giá trị chừng nào con người vẫn còn tin vào nó, nó tạo ra sự gắn kết giữa những người xa lạ. Hai người không biết nhau, cách nhau nửa vòng Trái Đất vẫn có thể trao đổi giao dịch mua bán với nhau qua Amazon.com bởi họ cùng có niềm tin vào giá trị của những tờ Dollar xanh.

Harari đưa ra một sự thật: lịch sử không có chân lý, kẻ thắng cuộc là chính nghĩa. Hầu hết các nền văn hóa rồi sẽ bị các đế quốc xâm lăng và chìm vào lãng quên. Đề quốc có hai đặc tính quan trọng: cai trị một số lượng lớn các dân tộc với đường biên giới xác định, mang trong mình những bản sắc riêng; thứ hai, đường biên giới linh hoạt cùng tham vọng vô cùng tận, ví dụ tiêu biểu đó là Anh Quốc – đế chế mà mặt trời không bao giờ lặn. Cuối cùng các đế quốc cũng sẽ sụp đổ, nhưng thường để lại các di sản phong phú, lâu dài. Vạn Lý Trường Thành và kim tự tháp Keop là những ví dụ điển hình. Hầu hết chúng ta, những con người hiện đại của thế kỷ XXI đều là hậu duệ một đế quốc nào đó.

Harari quan niệm tôn giáo là một hệ thống các quy chuẩn và giá trị con người được xây dựng dựa trên niềm tin về một trật tự siêu nhiên. Tôn giáo mang tính phổ quát và truyền giáo. Bóng đá được hàng tỉ người tôn thờ nhưng không phải là tôn giáo bởi con người tự nghĩ ra nó và bất cứ lúc nào họ cũng có thể thay đổi kích thước cầu môn hay bãi bỏ luật việt vị.

Tôn giáo dựa trên niềm tin chung vào các thế lực siêu nhiên. Bắt đầu từ đa thần giáo, không quan tâm đến ham muốn của con người, do vậy thật vô nghĩa khi cầu xin họ. Thấu hiểu đa thần giáo giúp con người khoan dung hơn với các tôn giáo khác. Đó là lí do các tín đồ đa thần giáo đi xâm lược các quốc gia khác thường không cố tìm cách cải đạo quần chúng sở tại. Thậm chí còn tiếp thu một số nét đẹp của họ.

Khi một tín đồ đa thần giáo quá yêu mến một vị thần nào đó, độc thần giáo sẽ ra đời, Ngài là Đấng tối cao có thể thỏa hiệp và cầu xin được. Đa thần giáo còn sinh ra tôn giáo nhị nguyên, thiện – ác, tại sao có đau khổ, tại sao điều xấu lại xảy ra với người xấu…Harari cũng dành phần lớn trang sách trong chương tôn giáo để nói về Phật giáo, theo đó, đau khổ xuất phát từ tham ái, cách duy nhất thoát khỏi tình trạng này là giải thoát bản thân khỏi tham ái, dập tắt ngọn lửa tham ái (Niết bàn chính là mang ý nghĩa dập lửa).

CÁCH MẠNG KHOA HỌC – ĐỈNH CAO CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Con người thường sợ những gì họ không biết. Họ tin vào các vị thần, vào chúa Trời thay vì cố gắng tìm hiểu chân lý Khoa học. Họ nghĩ rằng chúa Trời kiểm soát vận mệnh của họ. Quan niệm này đã được thay đổi trong 500 năm trờ lại đây, khi phong trào khai sáng diễn ra ở Châu Âu, những cuộc cách mạng Khoa học đã được khởi đầu ngay trong lòng của tôn giáo, những nơi mà xã hội giáo điều, cứng nhắc và sùng đạo nhất lịch sử.

Bằng việc sẵn sàng thừa nhận sự ngu dốt của bản thân, cộng thêm sự tìm tòi, quan sát khám phá, vận dụng toán học (bộ môn khoa học của các khoa học) để tạo cơ sở lí thuyết, từ đó dẫn đến các thực nghiệm khoa học, con người đã đạt được bước tiến nhảy vọt trong hầu hết các lĩnh vực sinh học, vật lý, y học, giúp thế giới trở thành một nơi dễ sống hơn.

Các cuộc thám hiểm đã mở rộng thế giới, nhưng tại sao dù có điều kiện tốt hơn nhưng phương Đông lại tụt hậu so với phương Tây trong các cuộc phát kiến địa lý. Colombus khám phá tân thế giới năm 1492, James Cook đổ bộ lên Châu Úc năm 1730. Tất cả đều nhờ sự ham học hỏi và quyết tâm khám phá của dân Tây Âu so với châu Á. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc không có được sự can đảm và dám dấn thân, nghĩ xa được như Tây Âu. Cùng là những nhà thám hiểm, đội tàu của Colombus chỉ là hạt cát so với hạm đội của đô đốc Trịnh Hòa nhà Minh. Nhưng chính Colombus chứ không phải Trịnh Hòa mới là người đặt chân lên Tân Thế Giới.

Cuộc các mạng khoa học cũng sáng tạo ra các hình thái xã hội: chủ nghĩa nhân văn tự do coi trọng quyền cá nhân con người, vẻ đẹp trong mắt người nhìn, hãy tin vào tiếng nói bên trong bạn. Chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa đề cao tính cộng đồng, tập thể mạnh thì cá nhân mới tốt đẹp. Chủ nghĩa nhân văn cấp tiến nói rằng có một số giống người thượng đẳng hơn các loài khác.

CON NGƯỜI CÓ THẬT SỰ HẠNH PHÚC
Tổng kết lại cuốn sách, Harari đưa ra một câu hỏi đầy băn khoăn và trăn trở: cuộc sống đã tốt đẹp hơn trong suốt nhiều ngàn năm qua, 3 vấn đề quan trọng nhất: nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh đã bị đẩy lùi, nhưng liệu con người có hạnh phúc hơn so với tổ tiên chúng ta thời săn bắt hái lượm? Con người chúng ta đang tiến hóa quá nhanh với sự giúp sức của khoa học công nghệ, chúng ta đang can thiệp quá nhiều vào tự nhiên, chúng ta thí nghiệm trên các động vật mà bỏ qua các giá trị đạo đức, thờ ơ với sự đau đớn của chúng. Chúng ta thay thế các bộ phận hỏng hóc của cơ thể, trở thành các Cyborg. Chúng ta tiến hành dự án Gilgamesh với mục đích chống lại quy luật tự nhiên, đưa con người thành bất tử.

Nhưng cái giá phải trả sẽ là gì? Chúng ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhưng không biết làm gì với sức mạnh đó. Chúng ta trở nên vô trách nhiệm và tự làm bạn với các vị thần chúng ta tạo ra cùng các định luật vật lý. Bản thân chúng ta cũng đang tiến hóa thành các Homo Deus – con người thần thánh.

Hậu quả là chúng ta đang đẩy Mẹ thiên nhiên cùng các động vật anh em chúng ta vào con đường tuyệt diệt bằng tham vọng của mình. 4,6 tỉ năm là số tuổi Mẹ Trái Đất của chúng ta. Nếu coi quãng thời gian này là 46 năm thì Homo Sapiens mới chỉ tồn tại được 4 tiếng đồng hồ, cuộc cách mạng công nghiệp mới chỉ diễn ra chưa đầy 1 phút trước. Vậy mà trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, 50% diện tích rừng đã bị chúng ta hủy diệt. Quả thật chúng ta là những vị thần vô trách nhiệm, không thật sự biết mình cần làm gì.

– Ngọc Vũ

Xem thêm:
Tóm tắt sách Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn
Tóm tắt sách 90 Giây Để Thu Hút Bất Kỳ Ai