Home / Sách tóm tắt / Tóm tắt sách Tư Duy Đột Phá

Tóm tắt sách Tư Duy Đột Phá

Tư Duy Đột Phá
Tác giả: Hibino Shozo, Grald Nadler

Giới thiệu sách:
Một cuốn sách cực kì hay và bổ ích, chỉ nghe đến tên thôi mình bảo đảm mấy bạn cũng sẽ bị kích thích như mình-Tư duy đột phá. Thông thường giới trẻ ngày nay thường có xu hướng đi theo đám đông bởi vì họ nghĩ rằng đám đông là an toàn, tuy nhiên nếu cứ đi theo đám đông thì mãi vẫn không thể tiến bộ được, vì vậy cuốn sách này rất thiết thực cho những ai có suy nghĩ muốn thay đổi điều đó nhưng chưa định hướng được phải làm như thế nào.

Sách là tập hợp những mẩu chuyện hay những kinh nghiệm của tác giả, nó sẽ chỉ ra những hướng đi mới mà không lệ thuộc vào người khác, đây thực sự là điều quan trọng, bởi chỉ khi mình là người có những sáng kiến đột phá thì đó mới chính là thành công lớn nhất.

Về tác giả:
Shozo Hibino là Tiến sĩ, Giáo sư Đại học Chukyo – Nhật Bản. Ông là chủ tịch, phó chủ tịch nhiều hiệp hội ở Nhật Bản và toàn cầu. Ông từng nhận nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới.
Gerald Nadler là Tiến sĩ, Giáo sư Đại học Southern California, và nhiều Đại học khác ở Hoa Kỳ. Ông là Giám đốc, chuyên gia của nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ.

Nội dung chính
Tư duy Đột phá là “phần mềm cho trí não”, một phương pháp suy luận toàn cuộc, mở rộng quá trình sáng tạo. 7 Nguyên tắc của Tư duy Đột phá sẽ giúp bạn sẵn sàng để phát triển và áp dụng cho những thay đổi khả thi nhất ngay từ hôm nay.

PHẦN 1: BẠN – CON NGƯỜI TRUYỀN THỐNG
Chương 1: Tùy thuộc ở bạn

Việc xác định mục đích để giải quyết vấn đề giúp bạn tập trung nỗ lực vào các lĩnh vực mà bạn có thể tạo ra kết quả hữu hiệu.

Nhưng bất kỳ vấn đề nào cũng có nhiều tầng mục đích khác nhau, nên bạn hãy đặt câu hỏi: “Mục đích của mục đích của hành động này là gì”. Tầng mục đích này chứa đựng nhiều giải pháp, trong đó một số giải pháp có thể không bao giờ được xem xét tới, nhưng đó chính là những giải pháp mang đến sự đột phá.

Bài học rút ra được từ các nguyên tắc Tư duy Đột phá là: 1. Nguyên tắc về sự Khác nhau Độc đáo. 2. Nguyên tắc Triển khai Mục đích. 3. Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo. 4. Nguyên tắc Thiết lập Hệ thống. 5. Nguyên tắc Thu thập Thông tin Giới hạn. 6. Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia. 7. Nguyên tắc Thay đổi và Cải tiến Liên tục.

Năng lực sáng tạo và hoạt động hiệu quả của chúng ta thật sự bắt nguồn từ việc phối hợp áp dụng 7 nguyên tắc này một cách nhất quán. Nhưng các tổ chức không thể giải quyết vần đề được. Chính năng lực tư duy của cá nhân – mà cụ thể là chính bạn – mới là yếu tố không thể thiếu để khơi nguồn hành động có ý nghĩa cho tổ chức.

Chương 2: Vấn đề kéo theo vấn đề

Những vấn đề của con người gần như là vô tận, vì mỗi vấn đề luôn kéo theo nhiều vấn đề khác. Nhưng các vấn đề phát sinh rất khó dự đoán và không có quy luật, nên giải pháp cho vấn đề này rất hiếm khi thích hợp với vấn đề khác.

Ví dụ, năm 1986, Quốc hội Hoa Kỳ cải cách bộ luật thuế Liên bang nhằm đơn giản hóa các tờ khai thuế và tái phân phối thu nhập cá nhân một cách công bằng hơn. Sau đó, bản hướng dẫn thi hành dài 2.000 trang, nhưng Quốc hội nhận thấy một “rừng” vấn đề mới phát sinh và chắc chắn họ phải “vật vã” trong nhiều năm sau đó nữa.

Trong cuộc sống, ngay khi nghĩ rằng chúng ta đã xử lý được một vấn đề, thì chúng ta lại nhìn thấy một vấn đề mới. Vì cuộc sống là một chuỗi vấn đề hỗn hợp hoặc nối tiếp nhau, và Tư duy Đột phá sẽ trang bị cho bạn quy trình suy luận để đi đến các ý tưởng đột phá và giúp bạn tiên liệu hay nhận ra những vấn đề cần phải tiếp tục xử lý.

Chương 3: Tiến đến sự đột phá mở rộng cơ hội thành công của bạn

Trong tư duy truyền thống, con người có nhiều cách giải quyết vấn đề. Mỗi cách có thể đưa đến các giải pháp khác nhau.

Đầu tiên, với niềm tin định mệnh, người ta cho rằng các sự vật, hiện tượng là do ý trời, nên không khuyến khích việc giải quyết vấn đề một cách chủ động. Rồi đến phương cách ngẫu nhiên, cho rằng yếu tố ngẫu nhiên chi phối mọi năng lực của con người, nêu có những phát hiện không cần tìm kiếm. Tiếp đến, con người giải quyết các vấn đề theo cách cảm tính, tức chịu sự chi phối của tình cảm, cảm xúc, trực giác và linh cảm. Sau đó, phương pháp lý tính ra đời, thành công phi thường của phương pháp lý tính trong khoa học qua việc phân tích hệ thống, logic. Phương pháp lý tính rất hữu ích trong việc phát triển lý thuyết khái quát hóa hoạt động nghiên cứu đã giải quyết một số vấn đề lớn.

Tuy nhiên, các phương pháp trên lại không phù hợp cho việc giải quyết vấn đề trong một số lĩnh vực khác mà chúng ta gặp phải ngày nay.

Thực tế đòi hỏi phải có một phương pháp giải quyết vấn đề mà trước hết chúng ta phải xác định mục đích, sau đó định rõ phương cách hành động để đạt mục đích đó. Đây là phương pháp hoàn toàn mới của Tư duy Đột phá. Phương pháp này dựa trên những bằng chứng khoa học đáng tin cậy từ những phát hiện gần đây của ngành thần kinh học về hai bán cầu não của con người.

Tư duy Đột phá kết hợp chặt chẽ và thay thế cho tất cả các phương pháp giải quyết vấn đề trước đây. Để thay đổi cuộc sống, con người phải thay đổi và thể hiện một cách tư duy mới.

PHẦN 2: TĂNG CƯỜNG HIỆU NĂNG HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN
Chương 4: Nguyên tắc về sự Khác nhau Độc đáo

Một trong những sai lầm phổ biến nhất trong quá trình giải quyết vấn đề là cho rằng, vấn đề này cũng giống hệt vấn đề kia.

Nếu tin tưởng vào sự khác biệt của vấn đề ngay từ đầu, sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề trở nên thực tế và đưa ra giải pháp hợp lý nhất.

Bạn phải nhớ phương châm về khác nhau cụ thể như sau: Không có hai hoàn cảnh nào giống hệt nhau, mỗi vấn đề đều thuộc về một chuỗi các vấn đề độc đáo khác có liên quan. Giải pháp cho mỗi vấn đề trong tổ chức này khác với giải pháp cho một vấn đề tương tự trong một tổ chức khác.

Khi vừa tiếp cận vấn đề, bạn hãy xác định ngay những điểm khác biệt độc đáo của nó, chưa vội đồng ý với nhận định cuối cùng về vấn đề trong lần thảo luận đầu tiên. Hãy tự hỏi chính mình về các mục đích của việc xử lý vấn đề và đâu là điều kiện lý tưởng. Khi đã có giải pháp, bạn cũng nên nhớ rằng, đó chỉ là giải pháp của hôm nay, có thể sẽ không phù hợp cho những năm tới, vì vậy, phải luôn luôn sẵn sàng cho sự thay đổi và lựa chọn mới.

Chương 5: Nguyên tắc Triển khai Mục đích

Việc mở rộng các mục đích thành một trình tự hệ thống là yếu tố then chốt để giải quyết thành công vấn đề.

Mục đích ban đầu chỉ là mục đích sơ khởi, nhiều mục đích lớn hơn nẩy sinh thông qua sự suy xét kỹ lưỡng. Nguyên tắc triển khai mục đích hướng dẫn cách tư duy mở rộng, mở cửa cho nhiều giải pháp khả thi hơn; chỉ ra cách nắm bắt cơ hội để thay đổi vấn đề một cách hiệu quả, đồng thời, giúp bạn tránh xử lý một vấn đề được xác định sai.

Mỗi vấn đề luôn có hai mặt cơ bản: Sự tồn tại độc lập và các giá trị. Tồn tại độc lập bao gồm tất cả các điều kiện của một tình huống cụ thể mà bạn muốn thay đổi. Các giá trị của vấn đề gồm khát vọng, cảm hứng và nhu cầu sẽ thúc đẩy mong muốn xử lý vấn đề.

Nếu mục đích này không được chọn, hãy áp dụng các tiêu chí cho mục đích tiếp theo; và cứ thế cho đến khi bạn đến được mục đích có thể làm trọng tâm. Mục đích trọng tâm của bạn là tìm ra cơ hội, chứ không phải chỉ giải quyết vấn đề.

Nếu thường xuyên sử dụng cách tư duy và những trợ giúp về lý luận của nguyên tắc triển khai mục đích, bạn sẽ phát triển được một trực giác nhạy bén và tầm nhìn rộng mở. Một ý tưởng đột phá hiếm khi xuất hiện như những tia sét bất ngờ. Chúng chỉ xuất hiện khi tinh thần bạn được chuẩn bị, được kích thích, mở ra và sẵn sàng đón nhận các cơ hội.

Chương 6: Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo

Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo cho rằng, sự thay đổi hoặc hệ thống mà bạn thiết lập trong hiện tại phải căn cứ vào những kết quả mà giải pháp sẽ mang lại trong tương lai.

Tất cả mọi vấn đề đều có những mối liên hệ nào đó với tương lai. Bằng cách tự đặt mình vào một thời điểm của tương lai, bạn sẽ tự giải phóng mình, lúc đó sự thông tuệ mà bạn đạt được sẽ giúp bạn cải tiến mạnh mẽ các giải pháp tức thời đang áp dụng nhằm thỏa mãn các yêu cầu tương lai. Vì giải pháp hiện tại không phải là giải pháp cuối cùng, nhưng là một bước chuyển tiếp đến tương lai tốt đẹp hơn.

Tương lai sẽ thay đổi, nhưng tại sao chúng ta phải quan tâm đến điều đó vào lúc này? Bởi vì, giải pháp tiếp theo trong tương lai có liên quan trực tiếp đến suy nghĩ và định hình giải pháp cho vấn đề hiện tại. Những người giải quyết vấn đề theo cách truyền thống, họ thường mong đợi sự thay đổi toàn diện xảy ran gay lập tức và thế là xong nhiệm vụ, họ tư duy theo lối cũ, luôn áp dụng kiến thức trực tiếp và việc giải quyết vấn đề. Còn bạn tư duy kiểu mới, sử dụng kiến thức để tạo ra những khái niệm mới về các hệ thống mục tiêu lý tưởng. Bạn phải suy nghĩ vượt ra ngoài vấn đề hiện tại và giải pháp khả thi đầu tiên để hình dung về hình ảnh của bạn hoặc công ty, tổ chức, sản phẩm hoặc dịch vụ trong tương lai.

Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên với nhận thức về các cơ hội. Đây là cách để “đón bắt” ước mơ và đưa ra những kế hoạch hành động để đạt được ước mơ đó.

Chương 7: Nguyên tắc Thiết lập Hệ thống

7/8 của vạn vật là phần chìm của một tảng băng trôi

Tư duy Đột phá có cách giải quyết “phần chìm” của những vấn đề và giải pháp bằng một công cụ có hiệu quả được gọi là Ma trận Hệ thống.

Một Ma trận có thể được mở rộng đến vô cùng và được bổ sung bởi những Ma trận phụ nhằm bao hàm tất cả các yếu tố liên quan đến vấn đề hoặc giải pháp. Ma trận không chỉ vạch rõ mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau của các thành tố mà còn , quan trọng nhất, là tạo ra một sự tổng hợp đầu đủ tất cả các chi tiết cần thiết, nghĩa là, không bỏ soát một yếu tố cần thiết nào.

Nguyên tắc Thiết lập Hệ thống của Tư duy Đột phá mang đến cho bạn: Một ngôn ngữ chung để trao đổi và mô tả ý kiến và đề xuất; những đặc điểm chi tiết của cấu trúc nền tảng tồn tại sau khi được xác lập và thực hiện; Thông tin về cấu trúc hoặc giải pháp sẽ hoạt động như thế nào khi chúng được kích hoạt; Những hoạt động và sự kiện chính cần có; Các tài liệu về mục tiêu giải pháp tiếp theo; Ngăn ngừa thái độ tự mãn; Suy đón tương lai và tập trung vào các yếu tố và xu hướng quan trọng.

Kết quả và tác động tích cực của Ma trận Hệ thống là rất lớn:
Nó cho phép bạn nhìn thấy sự đơn giản nằm ở đâu và hiệu dụng như thế nào. Ma trận sẽ thiết lập một quy trình đánh giá các lựa chọn của toàn hệ thống hoặc bất kỳ bộ phận nào bên trong hệ thống. Việc học hỏi liên tục được tác động bởi các tác nhân của nhiều ô trong từng ma trận có thể đòi hỏi một giải pháp. Các năng lực và nguồn lực chủ yếu cần thiết cho việc triển khai hệ thống được xác định và tính sẵn có của chúng cũng được định rõ.

Tất cả những lợi ích trên giúp bạn khám phá cơ hội, vì thông tin cơ bản trong các ô ma trận cho phép bạn hành động nhanh hơn khi cần thiết. Cảm xúc, hình ảnh và niềm tin của bạn được kích thích qua việc hạn chế những đánh giá sai lầm về các ý tưởng, quan điểm hoặc kiến nghị của người khác.

Chương 8: Nguyên tắc Thu thập Thông tin có Giới hạn

Đừng cố trở thành một chuyên gia giải quyết vấn đề

Để áp dụng Nguyên tắc Thu thập Thông tin có Giới hạn, trước tiên bạn hãy xác định các mục đích của thông tin về hệ thống hoặc vấn đề mà bạn nghĩ là bạn cần thu thập. Vì nếu bạn chỉ nghĩ tìm kiếm thông tin thì bạn chỉ nhận được thông tin mà thôi.

Thông tin chỉ là một sự miêu tả của thế giới hiện thực. Bạn hãy đặt một chút nghi vấn về nó, bất cứ thông tin nào cũng có một phần định kiến hoặc khuynh hướng không thể loại bỏ được. Trên thực tế, thu thập thông tin chính xác không phải là việc dễ dàng, thế nhưng, các quyết định vẫn luôn cần thông tin có mục đích và có liên quan để đảm bảo tính hiệu quả của quyết định.

Để thông tin tìm được có thể đáp ứng yêu cầu, trước hết, bạn hãy phát triển các mục đích và hệ thống mục đích cho bất kỳ yêu cầu, đề xuất hoặc gợi ý nào mà thông tin cần được thu thập. Trả lời các câu hỏi phát sinh từ sự phát triển của các lựa chọn giải pháp tiếp theo của vấn đề; các câu hỏi giúp đưa các thông tin cần tìm vào một tổng thể rộng lớn hơn. Sử dụng thông tin và kiến thức của nghiều người khác, chia sẻ thông tin với mọi người, nghiên cứu ma trận hệ thống của giải pháp tiếp theo, sử dụng mô hình và các phương pháp định lượng.

Nếu kiên trì áp dụng Nguyên tắc, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí và sức lực bỏ ra; chất lượng thông tin cao hơn, tương tác tốt hơn giữa người phụ trách dự án và người chịu tác động của dự án; lưu trữ báo cáo ít hơn.

Chương 9: Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia

Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia xuất phát từ quan niệm rằng cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nếu không có những người xung quanh. Quan điểm và ý kiến của người khác nên được xem là sợi dây cơ bản cho việc giải quyết vấn đề.

Bất kỳ ai cũng có tiềm năng trở thành người đóng góp có giá trị. Vấn đề là phải tạo ra một bầu không khí thúc đẩy sự đóng góp cao nhất đối với mỗi cá nhân. Cần chủ động lôi kéo mọi người vào việc thiết kế và giải quyết vấn đề là một yêu cầu chứ không chỉ là một giá trị xã hội đang mong đợi.

Trên thực tế, những người thiết kế giải pháp nên mở rộng sự tham gia đến các khách hàng và nhà cung cấp cũng như các cổ đông trực tiếp. Ai cũng muốn tham gia vào việc ra quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hình thức tự quản cũng rất cần thiết để đạt được chất lượng và năng suất, các công ty cần phải chú ý đến.

Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia sẽ: Xử lý những thực tế của các cá nhân và nhóm, Chia sẻ ý nghĩa và hiểu biết về thực tiễn, Hướng đến mục tiêu trở thành nhà vô địch, phát triển năng lực của mỗi cá nhân, xây dựng kỹ năng làm việc nhóm của từng nhóm, đảm bảo chọn lọc đúng thông tin cần thiết từ những nguồn thông tin rộng lớn. Nguyên tắc này còn có tác dụng nâng cao khả năng sáng tạo, khả năng khai thác yếu tố con người, khắc phục tính kiêu ngạo của người đảm nhiệm dự án, tránhh được những sai lầm trong quá khứ, vượt qua những trở ngại về tình cảm, văn hóa và môi trường, tránh xu hướng áp dụng những hệ thống kiểm tra, giám sát thái quá.

Ngoài ra, nguyên tắc này còn đem đến những lợi ích là tạo điều kiện cho mọi người thực hiện tốt công việc với tinh thần tự tin, lòng nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp của tổ chức, công ty.

Chương 10: Nguyên tắc Cải tiến Liên tục

Biết khi nào cần cải tiến

Không có sự chắc chắn nào về “tuổi thọ” của sự thay đổi hiện tại. “Sửa chữa trước khi hỏng” là một lời kêu gọi có tiếng vang lớn trong thế giới cạnh tranh hiện tại. Để giữ một hệ thống khỏi bị phá vỡ, chúng ta nên vạch kế hoạch thực hiện những thay đổi sâu rộng dựa vào Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo và Nguyên tắc Cải tiến Liên tục.

Không chỉ vấn đề phát sinh ra vấn đề mà cả giải pháp cũng vậy. Giải pháp này luôn kéo theo giải pháp khác tức “một thay đổi chứa đựng hạt giống của những thay đổi tiếp theo”.

Nguyên tắc Cải tiến Liên tục bao gồm mục đích và các mục tiêu sau:
– Sử dụng lợi thế từ tầm nhìn dài hạn của Nguyên tắc Triển khai Mục đích, Nguyên tắc Giải pháp Tiếp theo và Nguyên tắc Thiết lập Hệ thống.
– Đảm bảo sự thành công của một hệ thống
– Duy trì lực đẩy về hướng một tổ chức phản ứng nhanh
– Học hỏi liên tục trong một môi trường thay đổi với tốc độ cao
– Tránh rơi vào tình trạng “bất ngờ” của khủng hoảng

Tại mỗi thời điểm trong lịch trình cải cách, bạn cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống cho đến thời điểm đó. Hãy làm mọi điều để thể hiện niềm tin rằng thay đổi đó sẽ được thực hiện thành công, giải pháp tiếp theo có thể đạt được ở mốc thời gian đã định, chi phí để cải thiện chính sách, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, chất lượng, năng suất luôn khả thi.

Hãy xây dựng mô hình mới trên đỉnh thành công hiện tại. Có nhiều trường hợp các quy định của một tổ chức sẽ bị phá vỡ, nhưng Tư duy Đột phá chỉ cho bạn cách phá vỡ các quy định đó một cách hiệu quả nhất.

PHẦN 3: BẠN – CON NGƯỜI HIỆU QUẢ
Chương 11: Sức mạnh của sự kết hợp 7 Nguyên tắc Tư duy Đột phá

Khi áp dụng Tư duy Đột phá, bạn phải rũ bỏ những thái độ và quan niệm cũ. Từ chỗ “sao chép giải pháp”, bạn phải vận dụng Nguyên tắc Sự khác nhau Độc đáo; từ chỗ một vấn đề đơn lẻ, hãy đặt câu hỏi mở rộng mục đích; và, từ chỗ giải pháp “một-cho-tất-cả”, hãy chuyển sang khái niệm “Giải-pháp-Tiếp-theo”. Áp dụng Nguyên tắc Thiết lập Hệ thống; Nguyên tắc Thu thập Thông tin có Giới hạn; Nguyên tắc Lôi kéo Người khác Tham gia, cuối cùng lên kế hoạch cho những Giải pháp Tiếp theo.

Cùng với 7 Nguyên tắc, ba từ sẽ tổng kết lại bản chất của quy trình Tư duy Đột phá là: Mục đích —> Mục tiêu —> Kết quả. Để có một trực giác nhạy bén bạn có thể học hỏi và phát triển thông qua việc áp dụng thường xuyên 7 Nguyên tắc và quy trình vào những dự án khác nhau.

Sự đột pháp có xu hướng ngày càng tăng, nếu bạn áp dụng các nguyên tắc thường xuyên lập đi lập lại, bạn sẽ càng gặt hái được kết quả tốt hơn và gia tăng những giải pháp tiên tiến hơn. Tư duy Đột pháp còn có ý nghĩa hơn cả thời khắc các phép màu xuất hiện, nó mang đến cho bạn cảm giác vỡ òa “À ra thế!” đầy cảm hứng.

Chương 12: Chúc mừng bạn đến với tương lai

Thế kỷ 21 là thời đại của sức sáng tạo mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử; là thời đại của những người biết vận dụng sức “sáng tạo toàn diện” bằng Tư duy Đột phá được đề cao và tưởng thưởng.

Áp dụng Tư duy Đột phá bạn sẽ tìm thấy sức mạnh của niềm tin và sức mạnh của hành động tích cực, không phải bằng tài năng kỳ diệu hoặc siêu nhân mà bằng cách khám phá ở bản thân bạn và người khác khả năng kiểm soát tình huống hiện tại, hướng nỗ lực đến những giải pháp lý tưởng lớn hơn.

Giả sử bạn không phải là một thiên tài, cũng không phải là người khờ dại, thì chính bạn và những người giống bạn là người cần luyện tập và thực hiện 7 Nguyên tắc của Tư duy Đột phá, cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn, môi trường làm việc sẽ sáng tạo và hiệu quả hơn.

Giả sử bạn không phải là người “chịu trách nhiệm” đầu tiên, bạn sẽ vận dụng Tư duy Đột phá vào cuộc sống cá nhân, rồi mạnh dạn tham gia vào các quyết định trong gia đình, khu phố, câu lạc bộ, công ty…

Sự học hỏi cả đời là rất thiết yếu đối với Tư duy Đột phá. Vì vậy, bạn năng thăm viếng các bảo tàng nghệ thuật, xem kịch, đọc sách, nghe nhạc, tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị… Tiếp thu cả những kiến thức dù không liên quan gì đến lãnh vực của bạn, nhưng đó là những điều cần thiết cho tri thức con người, vì Tư duy Đột phá sẽ là thách thức tiếp theo đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực suốt đời.

Người tóm tắt Trần Phú An