Sách Tư Duy Tối Ưu – First Things First
Tác giả: Stephen R. Covey, Rebecca R. Merill, A. Roger Merrill
Với sự lôi cuốn, sâu sắc, Tư duy tối ưu đã giúp chúng ta tiếp cận các nguyên tắc và quy trình tạo sự chuyển biến tích cực với kỹ thuật quản trị thời gian, đem đến cho chúng ta “cái la bàn” để chỉ ra điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc đời.
PHẦN I CHIẾC ĐỒNG HỒ VÀ CÁI LA BÀN
CHƯƠNG 1 – TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH
Chiếc đồng hồ tượng trưng cho sự cam kết, các lịch trình, mục tiêu, các hoạt động, tức những việc cụ thể chúng ta định làm và cách chúng ta quản lý thời gian.
Còn cái la bàn tượng trưng cho tầm nhìn, các giá trị, nguyên tắc, sứ mệnh, lương tâm, phương hướng, tức những điều chúng ta cho là quan trọng và cách chúng ta dẫn dắt cuộc đời mình.
Chúng ta không thể nào làm được tất cả những điều cần làm. Chúng ta đã dành hết tâm trí để leo chiếc thang danh vọng và để lại phía sau những mối quan hệ bị tan vỡ. Chúng ta mất thăng bằng, không đủ lòng tin để tìm giải pháp khác.
Đột nhiên, có một người thân ra đi vĩnh viễn, hay phát hiện đứa con trai vị thành niên của mình nghiện ma túy, hoặc công ty cắt giảm nhân lực, chúng ta mất việc làm. Khi có “những tiếng chuông cảnh tỉnh” như thế, chúng ta không có dịp thực sự đối đầu với những vấn đề rất quan trọng của cuộc sống; Vì chúng ta đã không bao giờ dừng lại để tự hỏi, điều gì chúng ta đang làm có thực sự là quan trọng nhất hay không.
Để quản trị thời gian, thế hệ thứ nhất sử dụng “các công cụ nhắc nhở”, bạn luôn mang theo bên mình bản liệt kê để khỏi quên việc định làm. Ở thế hệ thứ hai thì “lập kế hoạch và chuẩn bị” xác lập mục tiêu. Thế hệ thứ ba thì “lập kế hoạch, đặt ưu tiên và kiểm soát”. Rồi người ta nhận ra rằng, có sự khác biệt thực sự giữa điều người ta muốn và điều họ thực sự cần trong cuộc sống. Nhưng tất cả vẫn có khoảng cách giữa những điều thực sự quan trọng và cách họ sử dụng thời gian. Nên họ chẳng còn sự thanh thản trong lòng, sự thăng bằng trong cuộc sống. Chúng ta cần vượt lên trên quản trị thời gian để đến với sự lãnh đạo cuộc sống dựa trên mô thức của một cuộc sống có chất lượng.
CHƯƠNG 2 – THÓI QUEN KHẨN CẤP
Hai yếu tố chính thúc đẩy sự lựa chọn cách sử dụng thời gian của chúng ta là: tính khẩn cấp và tầm quan trọng của sự việc.
Tính khẩn cấp tạo ra cảm giác bị tress, chịu áp lực căng thẳng, kiệt sức. Nhưng đôi khi có cũng làm chúng ta cảm thấy hưng phấn, cảm thấy có ích, mình được đề cao, nó cho ta một sự mãn nguyện tức thì. Thế rồi, nó lôi kéo chúng ta tiếp tục, giữ nhịp điệu, quay cuồn trong sự bận rộn, làm việc quá sức.
Thói quen khẩn cấp là một hành vi tự hại mình, nó tạm thời lấp chỗ trống do các nhu cầu chưa được đáp ứng. Hằng ngày chúng ta chỉ tập trung chú ý cho sự việc có tính khẩn cấp mà thôi, nên nó có hại chẳng kém các thói nghiện ngập khác. Bản thân yếu tố khẩn cấp không phải là vấn đề, vấn đề là ở chỗ chúng ta đã để cho yếu tố khẩn cấp, chứ không phải là tầm quan trọng chi phối cuộc sống của chúng ta, chi phối nền văn hóa của chúng ta.
Bí quyết là phải biết nhìn nhận tất cả các hoạt động của chúng ta dưới góc độ của tầm quan trọng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể lấy lại thời gian bị đánh mất do sự đánh lừa của tính khẩn cấp. Vì mức độ chi phối của tính khẩn cấp cũng chính là mức độ mất đi sự chi phối của tầm quan trọng của chúng ta.
CHƯƠNG 3 – BỐN NHU CẦU VÀ NĂNG LỰC CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI: SỐNG, YÊU, THƯƠNG, HỌC TẬP VÀ ĐỂ LẠI DI SẢN
Khi chúng ta chuyển từ tính khẩn cấp sang tầm quan trọng, chúng ta gặp phải một vấn đề cơ bản: “Những điều quan trọng nhất” là gì? Làm cách nào để dành ưu tiên trước hết cho nó trong cuộc sống?
Con người có một số nhu cần cơ bản, nếu không được đáp ứng, chúng ta sẽ cảm thấy trống trải, không hoàn thiện. Đó là nhu cầu: “Sống, yêu thương, học tập, để lại di sản”. Những nhu cầu này có thực, có sự tương tác cao và sâu sắc.
Khi nào chúng ta nhận thấy mối liên hệ tương hỗ và sức mạnh hiệp lực của cả bốn nhu cầu này, chúng ta mới có khả năng đạt được mục đích, tạo ra sự cân bằng nội tâm thực sự, vui sướng và mãn nguyện sâu sắc. Đây là một trong những ưu điểm của sự lãnh đạo cá nhân, trong khi sự quản lý hướng về giải quyết vấn đề, thì sự lãnh đạo hướng về tìm kiếm cơ hội.
Làm thỏa mãn cả bốn nhu cầu một cách đồng bộ cũng giống như sự kết hợp các nguyên tố trong hóa học. Khi chúng ta đạt đến “khối lượng tới hạn” của sự hợp nhất, chúng ta sẽ chứng kiến một sự bùng nổ tự phát – châm ngòi cho ngọn lửa bên trong và đem đến một tầm nhìn, sự đam mê và một tinh thần mạo hiểm cho cuộc sống.
Trong cuộc sống, thách thức được tạo ra bởi môi trường, sau đó là các phản ứng của cá nhân, tổ chức xã hội, rồi thách thức khác, phản ứng khác, lập đi lập lại, được hệ thống hóa thành các nguyên tắc. Chúng được xác lập vững chắc, chúng trở thành bộ phận trong suy nghĩ và hành động của chúng ta. Chúng là chân lý tổng quát, muôn thuở.
Giữa tác nhân và phản ứng có một khoảng trống, giữa khoảng trống đó là quyền lựa chọn của chúng ta, phản ứng lại quyết định sự trưởng thành và tự do của mỗi chúng ta.
Bốn tiềm năng thiên phú của con người trong việc tự do lựa chọn phản ứng đó là sự tự nhận thức, lương tâm, ý chí độc lập và trí tưởng tượng sáng tạo.
Hầu hết mọi người thực sự muốn thuộc về thế hệ quản trị thời gian thứ tư. Họ muốn đặt yếu tố con người lên trước lịch công tác, cái la bàn lên trước chiếc đồng hồ. Họ muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa và có cống hiến. Họ muốn sống, yêu thương, học tập và để lại di sản với sự cân bằng và niềm vui.
PHẦN II GIỮ CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG LUÔN LÀ QUAN TRỌNG
CHƯƠNG 4 – QUY TRÌNH ƯU TIÊN CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Bạn hãy lập phiếu công tác hàng tuần để có thể thấy được bối cảnh rộng hơn về điều chúng ta định làm. Khi bắt đầu tổ chức công việc cho tuần tới, bạn hãy kết nối nó với điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn.
Sau đó, bạn nhận diện các vai trò. Vai trò thể hiện trách nhiệm chúng ta, bạn có thể hoàn thành rất tốt công việc của một phó chủ tịch công ty, nhưng lại không làm tốt vai trò của một người cha hay người chồng. Việc sắp đặt các vai trò sẽ cho chúng ta một khuôn khổ tự nhiên để tạo ra trật tự và sự cân bằng. Nó sẽ đem lại cảm giác về sự trọn vẹn trong cuộc sống.
Ngoài các vai trò mà bạn đã nhận diện, một vai trò khác rất quan trọng là “mài sắc lưỡi cưa”, tức nâng cao năng lực bản thân về thể chất, xã hội, trí tuệ và tinh thần. Điều quan trọng nhất bạn cần làm trong tuần để cho từng vai trò tạo tác động tích cực nhất là bạn hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm mình. Hãy tập trung vào tầm quan trọng thay vì tính khẩn cấp.
Bạn giữ cho điều quan trọng nhất luôn được ưu tiên khi bạn trải qua những cơ hội và thách thức bất ngờ hàng ngày. Cho nên, phải nhìn trước toàn cảnh một ngày làm việc tức bỏ ra vài phút để kiểm lại kế hoạch của bạn.
Khi thực hiện ưu tiên, bạn cần chú ý những mục bạn đã đưa vào kế hoạch tuần, không kể ưu tiên đối với các cơ hội và thách thức nằm ngoài dự kiến.
Vào cuối tuần, bạn hãy dừng lại để tự hỏi bản thân; những mục tiêu nào bạn đã đạt được ? Những thách thức nào bạn đã đương đầu? Bạn đã có những quyết định nào? Khi đưa ra quyết định, bạn có ưu tiên cho điều quan trọng nhất không?
Khi bạn bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về khía cạnh tầm quan trọng, bạn đã bắt đầu nhìn thời gian một cách khác đi. Bạn sẽ trở nên có sức mạnh để đặt ưu tiên cho điều quan trọng nhất cuộc đời bạn.
CHƯƠNG 5 – SỨC MẠNH CỦA VIỄN CẢNH
Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo từng sống sót qua trại tập trung Đức Quốc xã, ông nhận ra rằng, yếu tố quan trọng nhất là một ý thức về viễn cảnh tương lai – niềm tin không lay chuyển luôn thôi thúc những người này phải sống sót để hoàn thành một sứ mệnh, một sự nghiệp quan trọng.
Viễn cảnh là biểu hiện rõ nhất của trí tưởng tượng sáng tạo và là động lực chủ yếu đối với hành động của con người. Đi là khả năng nhìn xa hơn thực tại để xây dựng, sáng tạo ra điều chưa tồn tại. Nó sẽ đem đến cho chúng ta năng lực để sống bằng trí tưởng tượng thay vì ký ức.
Viễn cảnh có ảnh hưởng đến sự lựa chọn và cách sử dụng thời gian của chúng ta. Khi đề cập đến “sức mạnh của viễn cảnh”, tức nói đến một năng lượng sâu xa, bền vững, bắt nguồn từ một cái nhìn toàn diện, dựa trên các nguyên tắc, các nhu cầu cơ bản. Nó bao gồm làm rõ mục đích sống, định ra phương hướng, và cho chúng ta sức mạnh hành động vượt quá nguồn lực chúng ta có. Giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ, sự hoài nghi, nản chí và các trở ngại khác ngăn cản chúng ta hoàn thành và cống hiến.
Cách khai thác tốt nhất sức mạnh của viễn cảnh là xây dựng bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân và gắn kết cuộc sống của bạn với nó.
Theo một nghĩa nào đó, chúng ta ai cũng có ba cuộc sống: cuộc sống cộng đồng, cuộc sống riêng tư và cuộc sống có ý nghĩa nhất là cuộc sống trong nội tâm sâu kín của chúng ta. Đây là nơi chúng ta gắn kết với những khả năng thiên phú của con người về sự tự nhận thức, lương tâm, ý chí độc lập và trí tưởng tượng sáng tạo.
Lương tâm không chỉ đưa chúng ta tiếp xúc với cái riêng của mình, nó còn giúp chúng ta tiếp xúc với các nguyên tắc phổ quát tạo ra chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, tạo lập và sống theo tuyên ngôn sứ mệnh của bản thân sẽ có nền tảng toàn diện, sâu sắc và dựa trên nguyên tắc để tạo ra sức mạnh và nó làm cho chúng ta đam mê với nhận thức về sự cống hiến độc đáo của mình.
CHƯƠNG 6 – GIỮ CÂN BẰNG CÁC VAI TRÒ
Trong thực tế, những vai trò của chúng ta là các bộ phận của một tổng thể có liên quan chặt chẽ với nhau, một hệ sinh thái sống động trong đó mỗi bộ phận tác động vào bộ phận kia.
Sự hiệp lực của các vai trò giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và sức lực khi giải quyết vấn đề. Hiểu rõ sự hiệp lực này sẽ giúp chúng ta vượt qua được những phân vân khi cần lựa chọn giữa các vai trò.
Thành công ở một vai trò không thể biện minh cho thất bại ở các vai trò khác. Chúng ta đang sống trong môi trường tràn ngập những con người đang hành động nhiều hơn là những con người đang sống, nên chúng ta dễ bị mất thăng bằng đến mức nó không còn phản ảnh sứ mệnh hay các nguyên tắc. Thay vì được thúc đẩy bở sứ mệnh, chúng ta bị thúc đẩy bởi sự cấp bách. Chỉ khi chúng ta giữ mối liên hệ mở với cuộc sống nội tâm của mình, chúng ta mới có đủ sự sáng suốt để lựa chọn tốt nhất.
Chúng ta phải nhớ rằng, mỗi vai trò đều có tất cả bốn khía cạnh là tinh thần, vật chất, xã hội và trí tuệ. Hiểu rõ “sự cân bằng” và “các vai trò” một cách tổng thể cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những hạn chế thông thường do sự áp đặt của thời gian tuần tự. Thời gian có thể là một nguồn lực hạn chế, nhưng chúng ta không phải vậy. Khi chúng ta tạo ra sự hiệp lực giữa các vai trò trong cuộc sống của mình, thì chúng ta làm được nhiều việc hơn trong cùng quãng thời gian mà chúng ta có.
CHƯƠNG 7 – SỨC MẠNH CỦA CÁC MỤC TIÊU
Đặt ra mục tiêu là một quy trình có sức mạnh, nó dựa trên cơ sở nguyên tắc chung, nó là biểu hiện của trí tưởng tượng sáng tạo và ý chí độc lập. Nó là một nguyên lý thiết thực về việc “làm từng bước”, biến viễn cảnh thành việc có thể thực hiện được.
Mỗi chúng ta đều có cái gọi là “tài khoản chính trực cá nhân” phản ảnh mức độ niềm tin vào bản thân mình. Khi chúng ta đưa ra lời hứa và thực hiện mục tiêu tức là đã gửi một khoản vào tài khoản, niềm tin tăng lên, số dư cao dần tạo sức mạnh an toàn. Ngược lại, khi không đạt mục tiêu giống như ta đã rút một khoản ra khỏi tài khoản, theo thời gian chúng ta mất niềm tin, dẫn đến chủ nghĩa nghi ngờ, viện lý.
Có nhiều lý do làm chúng ta không đạt mục tiêu của mình: mục tiêu đặt ra không thực hiện, chưa phản ánh sự tự nhận thức, dựa vào ảo tưởng, không tôn trọng nguyên tắc của sự phát triển tự nhiên, đôi khi do hoàn cảnh thay đổi, cơ hội mới xuất hiện, sự xuất hiện của một người khác hay chúng ta có cách nhìn khác.
Chìa khóa là ở việc sử dụng bốn khả năng thiên phú của chúng ta một một cách hiệp lực trong việc đặt ra và thực hiện các mục tiêu dựa vào nguyên tắc. Chúng ta sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo để hình dung, để nhận thức các khả năng vượt qua kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta. Chúng ta sử dụng ý chí độc lập để đưa ra lựa chọn. Điều quan trọng là chúng ta phải dựa trên sức mạnh của lương tâm. Một trong những cách để đánh giá sức mạnh này là đưa ra ba câu hỏi quan trọng: cái gì? Vì sao? Bằng cách nào? Sự tự nhận thức là lắng nghe tiếng nói của lương tâm, nó giúp ta nhận ra sự thực là có những nguyên tắc không phụ thuộc vào chúng ta. Nó giúp ta biết khiêm tốn, cởi mở đối với sự phát triển thay đổi, và, chúng ta có thể hành động với sự chính trực nếu chúng ta không cởi mở trước sự thay đổi đó.
Khi đặt mục tiêu của mình bạn nên ghi nhớ năm đặc điểm:
1. Chúng được lương tâm thúc đẩy
2. Mục tiêu lựa chọn là quan trọng, nhưng không nhất thiết là khẩn cấp
3. Chúng phản ảnh bốn nhu cầu cơ bản và năng lực của chúng ta
4. Chúng nắm vai trò trọng tâm của tiêu điểm của chúng ta
5. Chúng thường liên quan đến sự quyết tâm hoặc sự tập trung.
Đặt ra và thực hiện mục tiêu là một hành động can đảm. Qua thời gian, chúng ta sẽ làm cho niềm tin và lòng can đảm tăng cao theo đường xoắn ốc, cho phép chúng ta không ngừng ưu tiên cho điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
CHƯƠNG 8 – LẬP KẾ HOẠCH HÀNG TUẦN
Thời gian một tuần lễ tiêu biểu cho một mắt xích hoàn chỉnh của chuỗi thời gian sống. Hơn nữa, nó còn cho chúng ta ba cách nhìn thực tế hữu ích sau: 1. Sự phục hồi cân bằng 2. Tổng thể – bộ phận – tổng thể 3. Đặt nội dung vào bối cảnh.
Thường chúng ta có một ngày trong tuần được dành để suy ngẫm và tái cam kết, và các hoạt động phục hồi sức khỏe, sự kiện xã hội hoặc cùng với gia đình và bạn bè. Lãnh đạo bản thân là biết dùng trí tuệ để nhận ra nhu cầu phục hồi và để đảm bảo hàng tuần có hoạt động nghỉ ngơi giải trí đích thực.
Chúng ta thường dựng các bức tường ngăn cách giữa công việc, gia đình và thời gian cho cá nhân. Chúng ta hành động cứ như là hễ hoạt động trong lĩnh vực này thì không có ảnh hưởng gì đến hoạt động trong lĩnh vực khác, nhưng hàng rào đó giả tạo. Cuộc sống là một tổng thể không thể chia cắt. Tư duy tổng thể – bộ phận – tổng thể giúp chúng ta nhìn thấy các mối quan hệ và tạo ra các liên kết dẫn đến sự trưởng thành, cống hiến, sự mãn nguyện thay vì sự phân tán, thất vọng, ích kỷ. Đó là cách nhìn phong phú và lối sống phong phú.
Cách tổ chức công việc hàng tuần đặt nội dung – các hoạt động trong cuộc sống – trong bối cảnh của những điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Để làm cho nội dung phù hợp với bối cảnh, việc tạo ra các vùng cấm về thời gian và dành thời gian cho công việc chuẩn bị là rất bổ ích đối với nhiều người, vì nhiều hoạt động đã trở thành khẩn cấp do thiếu sự chuẩn bị chu đáo. Vùng cấm về thời gian là một lượng thời gian lớn, có thể hoán đổi được, được dành riêng cho các hoạt động quan trọng cụ thể.
Nhưng cách lập kế hoạch hàng tuần với tầm nhìn xa hơn là cách nhìn và lối sống hoàn toàn mới. Để hiểu rõ sự khác biệt này, cách tốt nhất là qua trải nghiệm.
Cuộc sống trở thành một chu kỳ hữu ích của sự phát triển và học tập không ngừng, của sự hoàn thiện các mối quan hệ và sự cống hiến có ý nghĩa. Tầm nhìn hàng tuần nuôi dưỡng sự cân bằng và cho chúng ta bối cảnh để có sự lựa chọn có hiệu quả, theo từng thời điểm, về những điều chúng ta quyết định dành ưu tiên trong cuộc sống.
CHƯƠNG 9 – TÍNH CHÍNH TRỰC TRONG THỜI KHẮC RA QUYẾT ĐỊNH
Có thể mỗi ngày bạn đều có những thách thức bất ngờ, những cơ hội mới, những lý do, hay những cái cớ để bạn không làm điều bạn đã có kế hoạch làm. Dù cách tổ chức công việc có tốt như thế nào cũng không thể giúp ta biết trước mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào, cũng không giúp chúng ta kiểm soát được chúng.
Khoảnh khắc đưa ra lựa chọn là khoảnh khắc thử thách tính cách và năng lực của chúng ta.
Điều quan trọng là, thời khắc đưa ra lựa chọn, chúng ta phải chịu tác động bở sự khẩn cấp, tấm gương xã hội, kỳ vọng của bản thân, kỳ vọng của người khác, những giá trị nội tâm, giá trị thực tế, khả năng nhận thức, lương tâm… Tất cả các yếu tố có tác động đến chúng ta trong thời khắc lựa chọn là yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Nên, chúng ta dừng lại cân nhắc ở khoảng trống giữa tác nhân và phản ứng để chủ động lựa chọn phản ứng nào gắn kết sâu sắc với các nguyên tắc, các nhu cầu và năng lực. Điều quan trọng bạn cần nhận ra là sự thông thái được nẩy sinh từ sự kết hợp giữa con tim và khối óc. Có những lúc trí tuệ của con tim vượt trội hơn sự thông minh của khối óc.
Chìa khóa để có hành động chính trực đơn giản chỉ là biết cách lắng nghe – cả tiếng nói từ lương tâm cũng như phản ứng của mình. Lắng nghe rồi đáp ứng; lắng nghe, đáp ứng…
Theo thời gian, việc lắng nghe và sống theo lương tâm sẽ trở thành thói quen cơ bản của con tim. Ở đây là làm thế nào nâng cao tính cách và năng lực để lắng nghe nó, sống theo nó, hành động với sự chính trực vào thời khắc lựa chọn.
CHƯƠNG 10 – HỌC TỪ CUỘC SỐNG
Giá trị của mỗi tuần làm việc không chỉ giới hạn trong phạm vi các công việc chúng ta đã làm trong tuần; nó còn bao gồm những điều chúng ta học tập được từ đó và trở thành một phần của kết quả công việc. Do đó, một tuần làm việc chưa thể coi là hoàn thành nếu, không có hành động xem xét đánh giá kết quả. Đánh giá kết quả là bước cuối cùng
– và cũng là bước đầu tiên – trong một chu kỳ sống và học tập nhằm đưa đến sự trưởng thành và phát triển theo đường xoắn ốc. Nó đưa chúng ta trở lại điểm xuất phát của quá trình một lần nữa nhưng với năng lực cao hơn.
Chúng ta tổ chức công việc, hành động, đánh giá… tổ chức, hành động, đánh giá… và lại tổ chức, hành động, đánh giá… tuần lễ của chúng ta biến thành những chu kỳ lập đi lập lại việc học tập và trưởng thành.
Chu kỳ sống và học tập cũng được coi là cốt lõi của tinh thần kaizen – thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa l à không ngừng cải tiến.
Bạn có thể tiến hành đánh giá kết quả công việc theo hàng tháng hay hàng quí. Hãy xem xét việc hiểu sâu sắc và làm theo sáu bước sau đây để giúp bạn ưu tiên cho điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn như thế nào:
Gắn kết sứ mệnh giúp bạn tiếp cận với tiếng nói “có” bùng cháy trong nội tâm. Rà soát l ại các vai trò của bạn cho phép bạn kết nối lại với những cách thức mà qua đó bạn có thể làm những điều quan trọng nhất trong trạng thái cân bằng, hiệp lực. Nhận diện các mục tiêu của bạn. Tổ chức tuần làm việc. Rèn luyện tính chính trực và đánh giá kết quả.
Sự biến đổi ở đây là chuyển từ làm nhiều việc hơn, trong thời gian ngắn hơn, sang làm những việc quan trọng nhất một cách có hiệu quả, cân bằng và hiệp lực.
PHẦN III SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC
CHƯƠNG 11 – HIỆN THỰC CỦA TÍNH TƯƠNG THUỘC
Mọi người đều cho rằng, những điều thực sự quan trọng đối với họ đều có liên quan với người khác. Chất lượng cuộc sống, xét về bản chất mang tính tương thuộc. Các vai trò của chúng ta, những thành tích của chúng ta, ngay cả sự thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và các năng lực của chúng ta cũng mang tính tương thuộc.
Tình yêu thương, học tập để trưởng thành, để lại di sản đều mang tính tương thuộc. Điều thiết yếu trong cuộc sống là khả năng cùng làm việc với người khác, học hỏi người khác và giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.
Chúng ta vẫn thường nhìn nhận “sự thành đạt” dưới góc độ thành tích độc lập của cá nhân. Ai có đủ sức mạnh của tính cách để vượt qua hoàn cảnh, tấm gương phản chiếu của xã hội và các tác động tiêu cực của môi trường thì có khả năng được “sự thành đạt”. Nhưng, ngoài tính chính trực của cá nhân, những vấn đề lớn nhất của chúng ta, và tiềm năng lớn nhất của chúng ta để tác động đến cách sử dụng thời gian và chất lượng cuộc sống, đều nằm trong lĩnh vực tương thuộc.
Chúng ta hãy xem xét một số hệ quả của thực tế tương thuộc này:
– Mọi hành vi tập thể xét đến cùng đều là hành vi cá nhân: các vấn đề xảy ra trong tổ chức là do các hệ thống, nhưng con người làm ra hệ thống. Nếu con người được rèn đúc tư tưởng cạnh tranh, tâm lý hẹp hòi, nếu họ không liên kết với các nguyên tắc, điều này sẽ có ảnh hưởng đến những kết quả trong các tổ chức xã hội. Do đó, lý do vì sao phải rèn luyện cuộc sống nội tâm và tính chính trực lại quan trọng như vậy.
– Cuộc sống là một thể thống nhất không thể chia cắt: nếu chúng ta giả dối hay thiếu trung thực trong bất cứ một vai trò nào, thì điều đó sẽ có ảnh hưởng đến tất cả vai trò khác trong cuộc sống của chúng ta.
– Niềm tin bắt nguồn từ sự đáng tin cậy: sự tin cậy là điều mà bạn không thể ngụy tạo được vì nó chủ yếu phụ thuộc vào tính cách. Nếu không có nền tảng của sự đáng tin cậy, thì lòng tin chỉ có tính chất tạm thời mà thôi.
Sự chuyển từ mô thức độc lập sang mô thức tương thuộc tạo ra một cách nhìn hoàn toàn mới. Trong thực tế tương thuộc, chúng ta có thể sử dụng các khả năng thiên phú đặc biệt của mình để tương tác với người khác, với sự chính trực một cách gắn bó chặt chẽ để đạt được mục đích chúng. Sức mạnh của từng cá nhân bổ khuyết những yếu điểm của nhau, để có thể cùng nhau ưu tiên cho điều quan trọng nhất một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
CHƯƠNG 12 – CÙNG NHAU ƯU TIÊN CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Trong hầu hết các tình huống, sự hợp tác tạo ra kết quả lớn hơn là sự cạnh tranh, và trong thực tế tương thuộc, giải pháp cùng thắng là giải pháp vững bền duy nhất.
Khi tư duy cùng thắng, chúng ta sẽ tìm kiếm lợi ích chung trong mọi quan hệ tương tác. Mục đích của giao tiếp là để người khác hiểu mình. Tính khiêm tốn là nguyên tắc loại bỏ
sự ngạo mạn, chúng ta bớt quan tâm đến khía cạnh ai đúng mà chỉ quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh cái gì đúng. Khi họ nhìn vấn đề khác với chúng ta, trước hết chúng ta cần lắng nghe để hiểu thật rõ quan điểm của họ. Thực sự lắng nghe là dấu hiệu của sự tôn trọng, nó tạo ra sự tin cậy, tạo điều kiện cho người khác hiểu rõ chúng ta. Khi hai bên đều hiểu rõ cách nhìn của nhau, chúng ta cảm thấy như đứng về một phía để cùng nhau tìm giải pháp.
Tư duy cùng thắng kết hợp với việc lắng nghe, thấu hiểu sẽ tạo ra kết quả đồng tâm hiệp lực. Nó là một phép cộng kỳ diệu, khi mà 1 + 1 = 3 hoặc lớn hơn thế, nó vượt hản giải pháp của từng bên đưa ra riêng rẽ. Cách thức cụ thể để có thể áp dụng tư duy cùng thắng là chúng ta xem xét về viễn cảnh chung và vai trò mục tiêu của sự đồng tâm hiệp lực.
Một viễn cảnh chung được mọi người chia sẻ có khả năng tạo ra một sức mạnh hiệp lực của mọi người. Nó giải phóng và liên kết các sức mạnh, tài năng và năng lực của những người liên quan.
Viễn cảnh chung có tác dụng như bản hiến pháp, một chuẩn mực cho việc ra quyết định của tập thể. Viễn cảnh chung có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, chúng ta thấy mình trở thành những thành phần đóng góp cho cái tổng thể chung lớn hơn.
Sự đồng cảm chân thật là cơ sở cho sự hiệp lực có hiệu quả. Nó tạo ra sự cởi mở, thông cảm và đoàn kết để cùng nhau giải quyết vấn đề. Lúc đó, sự ủy quyền thường trở thành sự ủy quyền bổn phận, người được giao nhiệm vụ sẽ không cảm thấy bị “đùn đẩy” trách nhiệm mà thấy mình có trách nhiệm tham gia, “cùng nhau ưu tiên cho điều quan trọng nhất” đòi hỏi phải có sự trao quyền. Đó là cách tốt nhất để dịch chuyển điểm tựa từ tỷ lệ “một đơn vị cho một kết quả” sang tỷ lệ “một đơn vị cho một ngàn kết quả”. Không có một kỹ thuật quản trị thời gian nào có thể tiếp cận được kết quả lớn như vậy.
CHƯƠNG 13 – TRAO QUYỀN BẮT ĐẦU TỪ BÊN TRONG
Trao quyền không thể áp đặt, nó phải tự lớn lên. Đó là vấn đề nuôi dưỡng các điều kiện để tạo ra nó. Càng tạo ra nhiều điều kiện cho sự trao quyền, thì văn hóa trao quyền càng cao.
Cốt lõi của trao quyền là sự đáng tin cậy – hệ quả của tính cách và năng lực. Tính cách và năng lực bao gồm: tính chính trực, sự chín chắn, tâm lý dồi dào, năng lực kỹ thuật, năng lực nhận thức và năng lực quan hệ tương thuộc.
Nuôi dưỡng tính cách và năng lực là điều có sức mạnh nhất mà chúng ta cần làm để thực hiện việc trao quyền trong tổ chức. Một tổ chức đáng tin cậy chỉ khi nào các cá nhân trong tổ chức đó đáng tin cậy.
Khi người ta tạo ra các thỏa thuận cùng thắng, khi cá nhân và tập thể tự cai quản, khi các cơ cấu và hệ thống được liên kết và việc xác định trách nhiệm là một quá trình đang tiếp diến, thì sự tin cậy sẽ còn tăng hơn nữa. Đây là một quá trình có tính lặp lại. Trong quá trình này, chúng ta không ngừng tìm kiếm thông tin phản hồi 3600. Chúng ta có sự khiêm tốn để nhận ra những điểm yếu của bản thân và học tập điểm mạnh của người khác, qua đó nâng cao chất lượng của mình. Chúng ta cũng có sự khôn ngoan để nhận ra rằng sự phản hồi giúp chúng ta hiểu rõ người đã phản hồi cho chúng ta, cũng như giúp chúng ta hiểu rõ mình hơn.
Hãy khuyến khích mọi người dùng óc sáng tạo để tìm ra cách giải quyết vấn đề nhanh hơn, tốt hơn. Hãy để mọi người chịu trách nhiệm về kết quả, chứ không phải phương pháp.
“Thực hiện nhiệm vụ thông qua con người” là một mô thức khác biệt so với mô thức “xây dựng con người thông qua thực hiện nhiệm vụ”. Với mô thức đầu, bạn có thể hoàn thành được công việc. Với mô thức sau, bạn có thể hoàn thành được công việc với tính sáng tạo, sự đồng tâm hiệp lực và tính hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Một nền văn hóa tin cậy và sự trao quyền luôn luôn do tổ chức tự xây dựng nên. Chỉ có cách hành động phù hợp với các nguyên tắc đúng đắn, có tinh thần kiên trì, khiêm tố, dũng cảm, bạn có thể tự mình thay đổi và có ảnh hưởng tích cực đến tổ chức của bạn. Bạn chỉ có thể tạo ra sự trao quyền từ bên trong.
PHẦN IV SỨC MẠNH VÀ SỰ BÌNH YÊN CỦA LỐI SỐNG DỰA VÀO NGUYÊN TẮC
CHƯƠNG 14 – TỪ QUẢN TRỊ THỜI GIAN ĐẾN LÃNH ĐẠO BẢN THÂN
Bạn hãy nhìn một ngày làm việc dưới góc độ những con người và các mối quan hệ. Bạn sẽ nhìn các quá trình đang tiếp diễn như các khả năng mới để đóng góp cho sứ mệnh của tổ chức. Nó không phải chỉ là vấn đề khi nào làm cái gì, mà là vấn đề có nên làm điều đó hay không, qua việc trả lời các câu hỏi tại sao và bằng cách nào.
Để đưa ra quyết định, bạn nên gắn kết với lương tâm của mình, và bạn phải: tự chất vấn, lắng nghe chân thành, thành động dũng cảm.
Khi quyết định điều gì là quan trọng nhất để hành động, bạn nên nghĩ về các điều kiện trao quyền và cân nhắc nên tập trung sức lực của mình vào đâu để có được kết quả dài hạn lớn nhất.
Hãy lôi kéo những người có liên quan tham gia giải quyết vấn đề và cùng nhau tìm ra giải pháp. Dù bạn có phải là người lãnh đạo chính thức của tập thể hay tổ chức hay không, không thành vấn đề, hãy tập trung đặt câu hỏi, lắng nghe, cân nhắc, giúp nhau suy nghĩ xem làm cách nào chúng ta có thể nâng cao hiệu quả, để có bước tiến vượt bậc? Đây không phải là câu hỏi quản lý, mà là câu hỏi lãnh đạo.
Công việc đem lại cơ hội cho sự trưởng thành, sự hoàn thiện cá nhân. Hãy lắng nghe ý kiến của người khác, dừng lại suy nghĩ và lắng nghe tiếng nói của lương tâm, chúng ta có thể làm thay đổi hệ thống làm việc, nâng cao hiệu quả, sức sáng tạo kỳ diệu xuất hiện. Bạn cảm thấy đã làm được điều gì đó và cảm thấy mình trưởng thành, có sự đóng góp. Bạn đã tạo ra sự khác biệt.
CHƯƠNG 15 – SỰ BÌNH YÊN CỦA CÁC KẾT QUẢ
Khi chúng ta ở giữa cảnh thiên nhiên, chúng ta cảm nhận được thực tại và sự vận hành tuyệt đối của quy luật tự nhiên. Chúng ta cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé, không thể thay đổi, không thể kiểm soát thiên nhiên. Nhưng chính suy nghĩ này theo một cách nào đó lại làm chúng ta yên tâm. Yên tâm vì chúng ta cảm thấy mình là một bộ phận của một cái gì đó đáng quý trọng, và sự hiện diện của nó “ở ngoài kia” là không thể tranh cãi.
Trong thiên nhiên có sự cân bằng và hài hòa, cuộc sống là chu kỳ tự nhiên của sự phát triển và thay đổi, kể cả hiện tượng gây bất ngờ như bão, lụt, động đất…
Sự bình yên và chất lượng cuộc sống chỉ có thể có được khi chúng ta khám phá và liên kết với các quy luật cơ bản của cuộc sống. Sự bình yên là biểu hiện của cuộc sống nội tâm của chúng ta, nó được hình thành ở ngay giữa cuộc sống, không phải rút lui khỏi cuộc sống. Sự bình yên về cơ bản là một kết quả của việc ưu tiên cho điều quan trọng nhất mà chỗ dựa là sống, yêu thương học tập, để lại di sản là kết quả của sự nhận thức, lương tâm, ý chí độc lập và trí tưởng tượng sáng tạo.
Thế gian có những nguyên tắc, còn con người có lương tâm, hai yếu tố này là nguồn sức mạnh tạo ra mọi sự thay đổi. Sự cống hiến và lương tâm kết hợp lại giúp chúng ta nhận ra đâu là đích đến và làm thế nào để đến được cái đích đó. Chỉ khi nào chúng ta tập trung cho việc cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, chúng ta mới có thể có được sự bình yên trong mọi mặt của cuộc sống.
Để trở thành con người dựa vào nguyên tắc, chúng ta phải phấn đấu suốt đời, chúng ta phải linh hoạt và chủ động hơn, coi cuộc sống như một cuộc phiêu lưu. Xem trọng con người, chúng ta tạo các mối quan hệ phong phú và hữu ích với người khác. Sống đồng tâm hiệp lực, không ngừng học tập và cống hiến, luôn tạo ra những kết quả đặc biệt, nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch tâm lý lành mạnh, không chi tiêu tiền bạc và sức khỏe quá mức mà phải đặt ra giới hạn cho mình. Luôn trung thực, lạc quan, tin tưởng, tạo lối sống cân bằng để tạo ra năng lượng tích cực. Vun đắp cuộc sống nội tâm phong phú để tận hưởng cuộc sống.
Bên cạnh đó, chúng ta phải trút bỏ những mô thức ảo tưởng, trút bỏ những thứ không phải là “những điều quan trọng nhất”, trút bỏ những mặc cảm tội lỗi không cần thiết, nếu nó xuất phát từ tấm gương xã hội, nên trút bỏ nó; nếu nó xuất phát từ lương tâm, chúng ta đối diện nó, làm bất cứ điều gì đó bù đắp và tiến lên. Hãy xác tín rằng, chính đốm lửa thiêng bên trong mỗi chúng ta lôi kéo chúng ta hướng đến cuộc sống phụng sự và cống hiến dựa vào các nguyên tắc.
Người tóm tắt Trần Phú An