Home / Sống / Tại sao người trẻ thích trì hoãn?

Tại sao người trẻ thích trì hoãn?

Rất nhiều người bị bệnh trì hoãn quấy nhiễu. Chúng ta thường tải rất nhiều tài liệu từ trên mạng về nhưng cuối cùng chỉ khiến chật ổ cứng chứ chẳng xem bao giờ.

Chúng ta mua một đống sách, dự định sẽ đọc hết những tác phẩm kinh điển đó để hoàn thiện bản thân. Nhưng trên thực tế, số sách ấy sau khi được mang về nhà đặt lên giá sách song chẳng bao giờ được rút xuống, ngày này qua ngày khác bụi chồng bụi.

Cho dù là thế, chúng ta vẫn vui vẻ tải hết tài liệu này tới tài liệu kia, mua hết cuốn sách này tới cuốn sách kia về không biết mệt mỏi, nghĩ rằng một ngày nào đó trong tương lai, lương tâm trỗi dậy sẽ xem/đọc hết chúng. Kết quả, ổ cứng càng lưu càng đầy, sách càng chất càng cao nhưng chẳng hề liên quan gì tới kế hoạch của bạn.

Vậy tại sao mọi người đều có hành vi trì hoãn rất phổ biến như thế? Thông qua nghiên cứu, các nhà tâm lý học cho rằng, nguyên nhân gây ra bệnh trì hoãn có mấy loại sau:

1. Áp lực quá lớn
Công việc càng nhiều, áp lực càng lớn, càng dễ trì hoãn. Còn có người tin rằng, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn khi có áp lực về mặt thời gian; hoặc chần chừ lần nữa không chịu làm việc khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn một chút.

2. Sợ thất bại
Những người ưa trì hoãn sợ thất bại. Vì vậy, họ thà bị người khác nghĩ rằng chưa tập trung toàn bộ sức lực và ý chí vào công việc chứ không muốn bị người ta chê cười là kẻ thiếu năng lực.

3. Chủ nghĩa hoàn mỹ
Có những người luôn muốn mọi việc được làm ở mức hoàn hảo nhất, nghĩ ra đủ mọi kế hoạch nhưng mãi chẳng chịu hành động. Những người theo chủ nghĩa hoàn mỹ thường quá để ý tới cảm nhận của người khác. Anh ta hy vọng lấy lòng người khác nên luôn lo lắng rằng nếu mình chưa hoàn mỹ thì không có ai thích.

4. Không biết cách tự khống chế cảm xúc cá nhân
Ví dụ, khi đang viết kế hoạch năm thì dừng lại ăn đêm; sau đó thấy tủ lạnh hơi bẩn, đứng dậy lau rửa dọn dẹp; cuối cùng là quét dọn cả căn phòng luôn.

5. Khuynh hướng cưỡng ép
Những người có khuynh hướng này luôn tìm kiếm sự đối lập với nguyện vọng của mình một cách vô thức. Kết quả là càng muốn tiến lên phía trước, lại càng thụt lùi. Có những người ngày nào cũng hạ quyết tâm phải đi ngủ sớm nhưng thường xuyên thức tới nửa đêm canh ba, vừa mắc bệnh trì hoãn vừa mắc chứng cưỡng bức.

6. Không tự tin, dễ trốn tránh
Phân tích từ mặt tâm lý cho thấy có một số người không tự tin vào năng lực làm việc của bản thân. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới hành vi trì hoãn. Chuyên gia tâm lý cho rằng những người từng gặp thất bại nặng nề trong công việc, không có niềm tin vào bản thân dễ nảy sinh tâm lý trốn tránh, thường lấy cớ tâm trạng không tốt, thời gian không đủ để trì hoãn tiến độ công việc. Các chuyên gia còn cho rằng, thực tế những công chức này rất để tâm tới việc người khác đánh giá thế nào về mình. Họ thà để mọi người cho rằng do họ thiếu thời gian, không đủ cố gắng chứ không muốn bị đánh giá là người thiếu năng lực.

7. Nhiệm vụ lặp đi lặp lại, thiếu động lực.
Trong guồng quay công việc, nhiệm vụ được giao bị lặp đi lặp lại, không có tính thử thách nhưng bản thân lại không thể tự do điều tiết hay quyết định mà bắt buộc phải làm. Vì vậy, khi làm bạn thấy không có cảm giác mới mẻ hay thỏa mãn mà lâu dần dễ xuất hiện tình trạng trì hoãn. Việc này thuộc vấn đề của động lực. Kiểu trì hoãn ấy, trên lý thuyết thì bị cho do là người không có ý chí; thực tế do họ không đủ động lực. Phải làm công việc mà mình không thích, vậy thì đợi tới lúc không thể trì hoãn được nữa mới làm.

Trong vô số những nguyên nhân ở trên, nhiều khi chúng còn có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Vì vậy, một khi rơi vào vòng xoáy của sự trì hoãn thì rất khó thông qua việc giải quyết một vấn đề mà khiến bản thân quay trở lại trạng thái bình thường. Đây cũng là một nguyên nhân khiến những người mắc bệnh trì hoãn khó chữa được bệnh triệt để.

Về việc hình thành những nguyên nhân ở trên, phần sau của cuốn sách sẽ phân tích kỹ qua từng ví dụ cụ thể, đồng thời có giải pháp cho từng trường hợp.

Nguồn: Sưu tập