Home / Sách tóm tắt / Tóm tắt sách Thế Giới Phẳng

Tóm tắt sách Thế Giới Phẳng

Thế Giới Phẳng
Tác giả: Thomas L. Friedman

Phần I : Bạn có ngạc nhiên không : Thế giới bây giờ là phẳng !

Cách đây nhiều ngàn năm , thế giới này của chúng ta được loài người nhận thức như là phẳng . Một thế giới phẳng rộng lớn mà con người không bao giờ đi đến được chân trời giới hạn của nó. Người Trung quốc nói đến khái niệm trời tròn đất vuông và nhà toán học vĩ đại Euclide của Hy Lạp vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên đã đưa ra năm định đề xây dựng nên một nền hình học phẳng mà ngày nay chúng ta vẫn còn học.

Nhưng đến thế kỷ 16 , Copernic và Galileo đã chứng minh quả đất có hình cầu và chuyển động quanh trục của nó cũng như xoay quanh mặt trời . Nhận thức con người về một thế giới phẳng đã chấm dứt .Hình học phẳng chỉ có thể áp dụng cho không gian Euclide , mà một không gian chỉ có thể được xem là phẳng khi nó ở cấp độ cực nhỏ . Bây giờ , nền vật lý hiện đại đang nói tới khái niệm không gian đa chiều . Một thế giới phẳng là không tồn tại.

Nhưng vào đầu thế kỷ 21 này, Thomas Friedman, một nhà báo và là một nhà kinh tế học người Mỹ , bằng những chứng minh thực tiễn và đầy sinh động, đã thuyết phục chúng ta tin vào sự tồn tại của một thế giới phẳng mới , một thế giới phẳng về mặt kinh tế, hay đúng ra, đang được san phẳng vì đang được biến thành siêu nhỏ . Ông phát biểu sự “ đại ngộ “của mình trước hết bằng lời thì thầm với vợ qua điện thoại “ Anh nghỉ thế giới này là phẳng “ ( khác với Archimède vừa chạy vừa la“ Eureka “ trên phố khi tìm ra lời giải cho một phép cân hóc búa ), Phát hiện này của Friedman xảy ra sau khi ông gặp gỡ Nandan Nilekani , một người Anh , chủ tịch tập đoàn công nghệ Infosys nổi tiếng và nghe ông này nói : “Sân chơi đang trở nên công bằng “.

Một sân chơi đang trở nên công bằng, Friedman chợt nghỉ, chính là một sân chơi đang được san phẳng . Và nếu sân chơi đó là thế giới , thế giới đó đang được làm phẳng. Một thế giới nếu đang được làm phẳng bởi nhiều nhân tố do con người liên tục tạo ra, kết quả cuối cùng đạt được chắc chắn sẽ là một thế giới phẳng ! Friedman nhận định rằng hệ thống thế giới phẳng là sản phẩm của sự hội tụ giữa máy tính cá nhân (cho phép các cá nhân trở thành tác giả của sản phẩm số ) với cáp quang ( cho phép các cá nhân tiếp cận với các sản phẩm số trên thế giới gần như miễn phí ) và phần mềm xử lý công việc( cho phép các cá nhân trên khắp thế giới công tác trên cùng cơ sở dữ liệu số , bất kể từ nơi đâu với khoảng cách như thế nào ). Sự hội tụ đó , theo ông , chỉ mới vừa diễn ra, vào khoảng năm 2000.

Friedman cho rằng có đến mười nhân tố làm phẳng thế giới. Nhưng thật ra chỉ có ba nhân tố ông phân tích đầu tiên mới thực sự là các nhân tố cơ bản, các nhân tố khác chỉ là những tác nhân nối tiếp tiến trình làm phẳng thế giới đã được khởi động bởi ba nhân tố đầu tiên .

Thứ nhất là điều mà Friedman cho là một kỷ nguyên sáng tạo mới, bắt đầu với sự sụp đổ các bức tường chính trị của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sự xuất hiện mang tính chất toàn cầu của phần mềm Windows của Microsoft . Nhân tố này làm cho các xã hội trở nên phẳng hơn, và Friedman xác định: ” Sân chơi sẽ không công bằng nếu chỉ thu hút và trao đặc quyền cho một nhóm gồm những người sáng tạo, nhưng nó hoàn toàn công bằng vì đang thu hút và trao đặc quyền cho cả những người đàn ông và đàn bà giận dữ, căm phẫn và bị làm nhục “.

Nhân tố thứ hai dẫn đến sự làm phẳng thế giới được Friedman gọi là “kỷ nguyên kết nối mới “xuất hiện với sự phổ cập rộng rãi không kém của mạng toàn cầu (world wide web ) và sự ra đời vĩ đại của Internet . Mọi người ở bất cứ ngõ ngách nào trên toàn thế giới, trên nguyên tắc đều có thể truy cập vào mạng một cách dễ dàng. Điều đó đã đặt nền móng cho một sự cộng tác toàn cầu của các cá nhân trên các lãnh vực công nghệ, thương mại, cung cấp dịch vụ, trao đổi và tiếp cận thông tin, hợp tác sản xuất , kinh doanh với một phí tỗn ngày càng thấp .

Nhân tố thứ ba là sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của phần mềm xử lý công việc. Friedman cho rằng đây thực sự là một cuộc cách mạng. Ông nói “ Cuộc cách mạng này cho phép nhiều người hơn từ nhiều nơi hơn tham gia vào thiết kế, trưng bày, quản lý và tiếp cận dữ liệu kinh doanh mà trước đây chỉ có thể xử lý thủ công.Nhờ đó, công việc bắt đầu lưu thông dễ dàng trong các công ty và giữa các công ty với nhau, giữa các lục địa với nhau ở mức độ chưa từng thấy. “

Ba nhân tố cơ bản này đã làm nảy sinh thêm các tác nhân làm phẳng khác mà Friedman gọi là các hình thức cộng tác mới đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu , mọi người ở mọi quốc gia đều đang tham gia vào sự cộng tác đó một cách tích cực tuy ở các cấp độ khác nhau . Đó là các hoạt động tãi lên mạng (uploading), thuê làm bên ngoài (outsourcing) , chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring ), chuỗi cung (supply-chaining), thuê bên ngoài làm ( insourcing ) và cung cấp thông tin (in-forming) . Những hoạt động này đang góp phần làm phẳng thế giới một cách liên tục và đều đặn.

Ông nêu lên những thí dụ điển hình: Những chuyên gia kế toán ở Ấn Độ đang cung cấp dịch vụ khai thuế theo hình thức thuê làm bên ngoài cho các doanh nghiệp Mỹ với giá rẽ hơn và với một khối lượng công việc đang gia tăng theo cấp số nhân. Năm 2003, chỉ có khoảng 25.000 tờ khai thuế ở Mỹ được thực hiện tại An Độ. Đến năm 2005, con số này là 400.000 và đang tiếp tục tăng. Trong khi đó, tại vùng duyên hải phía đông Trung Quốc, một thành phố đang cung cấp hầu hết các gọng kính mắt trên thế giới, gần đó một thành phố đang sản xuất hầu hết các đầu lọc thuốc lá dùng một lần trên thế giới và thành phố kế bên sản xuất hầu hết các màn hình của máy tính cho hãng Dell. Chỉ riêng ở khu vực đồng bằng Chu Giang phía bắc Hồng Kông, đã có đên 50.000 nhà cung cấp phụ tùng điện tử cho thị trường Trung Quốc và thế giới.

Đó là một số trong vô số bằng chứng khác cho thấy tác động làm phẳng thế giới của chỉ riêng hai hoạt động thuê làm bên ngoài và chuyển sản xuất ra nước ngoài đang diễn ra tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới . Hai nước này, bằng những chính sách thích nghi đúng đắn của họ với tiến trình làm phẳng thế giới , đang tranh thủ được những lợi ích to lớn. Họ đang lớn mạnh và sẽ trở thành một thách thức cho các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ . Một quan chức ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã không ngần ngại thừa nhận “Thoạt tiên chúng tôi sợ sói, rồi chúng tôi muốn nhảy múa với sói, và bây giờ chúng tôi muốn trở thành sói”.

Friedman cho rằng: “Trung Quốc và Ấn Độ trước tiên sẽ tập trung giải quyết các vấn đề của họ bằng cách khai thác lao động giá rẽ, công nghệ cao, sức sáng tạo và tư duy lại về tương lai của chính họ. Sau đó, họ sẽ tập trung đối phó với chính nước Mỹ. Nước Mỹ phải chuẩn bị về con người, rất nhiều người để làm những việc tương tự. Đây là hồi chuông báo động cuối cùng đối với nước Mỹ “.

Một thế giới phẳng có vẻ là cơ hội phát triển cho bất cứ một quốc gia nào, một xã hội nào, một doanh nghiệp nào và một cá nhân nào thích nghi được với môi trường phẳng của thế giới và biết cách ứng xử hợp lý, tức là tranh thủ vươn lên trên các ngọn sóng làm phẳng của nó bằng cách sử dụng tốt nhất các công cụ mà nó đã tạo ra. Bằng những luận cứ của mình, Friedman mong muốn trình hiện một thế giới phẳng theo cách nhìn của ông, trong đó sự hợp tác giữa các cá nhân trên toàn thế giới trong việc sử dụng một cách công bằng và với hiệu quả tối ưu mọi nguồn lực của hành tinh sẽ là động lực từ nay về sau cho sự tiến bộ của toàn nhân loại mà không cần đến sự can thiệp, định hướng của các tôn giáo, các học thuyết chính trị, các chính phủ hay thậm chí các công ty, dù đó là công ty siêu quốc gia. Các công ty trong tương lai sẽ là một tập hợp phẳng của những cá nhân có năng lực sáng tạo riêng, hành xử một cách đúng đắn và có trách nhiệm các công việc thuộc chức năng được phân công cho mình với một hiệu quả hơn hẳn.

Thế giới là phẳng trong ý nghĩa sự bùng nổ công nghệ ở bất cứ nơi nào trên hành tinh cũng được nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng tại một nơi xa xăm, và sự cung ứng các sản phẩm tốt hơn với giá thành rẻ hơn phát xuất từ công nghệ mới đó có thể được thực hiện tại bất cứ đâu để phục vụ nhu cầu ở những nơi xa xăm khác. Khái niệm khoảng cách không còn ý nghĩa, thế giới sẽ trở nên siêu nhỏ theo cách nhìn của Friedman.

Tuy nhiên, đó là một thế giới phẳng có điều kiện. Thế giới của Friedman phẳng nhờ những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và , một mặt nào đó, về sự phân công lao động rộng rãi xuyên quốc gia đang xảy ra trên toàn cầu. Điều kiện của nó là sự tự do chuyển giao , tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới cũng như sự công bằng cần thiết trong phân công lao động toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là những điều kiện dễ dàng có được trong một thế giới không phẳng về các giá trị triết học, đạo đức, văn hoá và thẩm mỹ, về lợi ích của quốc gia và của các nhóm quyền lợi siêu quốc gia và trên hết về cách nhìn của mỗi chúng ta về chính thế giới mà chúng ta đang sống.

Điều hiển nhiên là mỗi người chỉ thấy thế giới theo cách nhìn của riêng mình. Thế giới chỉ là một sự trình hiện chủ quan dưới mắt của một chủ thể, nó không có tính khách quan, vì cả chủ thể và thế giới đều không có tự tính, như nhận thức của đại sư Long Thọ trong Trung Quán luận .

Thế giới dưới mắt của Friedman là phẳng, nhưng dưới mắt của nhiều người khác, thế giới là không phẳng , tuy rằng những người này cũng tiếp cận được tất cả những công cụ mới, những công nghệ mới đang làm phẳng thế giới như Friedman đã nêu . Với Bin Laden và những học trò cuồng tín của ông ta, thế giới này không thể được làm phẳng . Ong ta thà cho nổ tung thế giới hơn là thấy nó bị san phẳng theo ý đồ của người Mỹ.

Đối với những ai khác có tầm nhìn thực tế hơn , điều quan trọng không phải là tìm xem thế giới này phẳng hay không phẳng. Điều quan trọng là quan điểm và lập luận của Friedman về một thế giới phẳng có thể cung cấp một “ cẩm nang “ hành động thích hợp giúp cho những quốc gia, những doanh nghiệp , những cá nhân biết vận dụng tốt lời khuyên của ông đạt đến thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hoá đầy khó khăn thách thức hiện nay , và từ nay về sau , trên con đường đi đến thịnh vượng của ho.

Phần II : Các Nước Đang Phát Triển Phải Làm Gì Trong Một Thế Giới Phẳng?

Friedman gọi kỷ nguyên toàn cầu hoá hiện nay là “Toàn cầu hoá 3.0“. Nó tạo ra một động lực mới cho phép các cá nhân trên khắp thế giới cọng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong điều kiện đó, ông cho rằng các nước đang phát triển muốn thành công phải biết nhìn lại mình để có một đánh giá trung thực và đúng mức. Ông nói: “ Một đất nước, cũng như người dân và giới lãnh đạo cần phải thẳng thắn với chính bản thân họ, phải nhìn nhận rõ ràng và chính xác họ đang ở đâu trong tương quan với các nước khác và trong mối quan hệ với mười nhân tố làm phẳng. Họ cần phải tự hỏi: Đất nước của tôi có thể tiến đến đâu hoặc bị bỏ xa như thế nào trong quá trình làm phẳng của thế giới, và có thể thích ứng và khai thác những lợi thế của hệ thống thế giới phẳng đến mức nào trong quá trình hợp tác và cạnh tranh ?

Đây chính là những vấn nạn chủ chốt của những cộng đồng dân tộc đang có hoài bão tiến bộ, không chấp nhận tình trạng tụt hậu của đất nước. Đối với những vấn nạn này, Friedman đã cung cấp những lời giải thoả đáng. Ông cho rằng một chiến lược phát triển quốc gia đúng đắn cần tập trung vào 3 yếu tố cơ bản để thực hiện được một sự đổi mới mà ông gọi là đổi mới theo chiều sâu .

Thứ nhất, xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, từ băng thông Internet đến điện thoại di động giá rẻ, sân bay và đường sá hiện đại …. và một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích tích cực nhằm cho phép sự tiếp cận dễ dàng của công chúng với các phương tiện hạ tầng này để tạo nên sự kết nối ngày càng nhiều giữa các tổ chức và công dân của quốc gia với nền tảng thế giới phẳng. Xây dựng một cơ sở hạ tầng kỷ thuật tốt không phải là việc quá khó, nhưng thiết lập một cơ chế khuyến khích hỗ trợ người dân tiếp cận các cơ sở kỷ thuật này một cách thông thoáng, cởi mở, với giá rẽ lại không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo đất nước thấu hiểu và tin vào một thế giới phẳng và cho phép mọi sự diễn ra phù hợp với tiến trình đó.

Thứ hai, xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, ngang tầm với các tiêu chuẩn của thế giới nhằm đào tạo ngày càng nhiều người có tư duy sáng tạo, có kỷ năng đầy đủ để có thể làm việc trong hệ thống thế giới phẳng  tương tự trường hợp các chuyên viên kế toán người Anh có thể khai thuế cho các doanh nghiệp Mỹ. Friedman nêu trường hợp thành công của Ireland trong việc tiến hành đổi mới ngành giáo dục của mình theo chiều sâu, đào tạo được một lực lượng đông đảo nhân tài trong nước đồng thời có chính sách thu hút nhân tài từ các nơi đổ về Ireland. Nhờ vậy, đất nước này đã trở thành quốc gia giàu có nhất của Liên Minh Châu Âu, chỉ sau Luxembourg.

Thứ ba, tổ chức việc quản trị vĩ mô tốt, từ việc xây dựng một hệ thống quản lý hành chánh trong sạch, hiệu quả, một hệ thống pháp luật công bằng và dễ hiểu theo chuẩn mực thế giới , một chính sách tiền tệ và tài chánh thích hợp , đúng đắn có thể hỗ trợ một cách hữu hiệu nhất cho các doanh nghiệp và công dân của mình, giúp họ làm việc với năng suất cao nhất trong thế giới phẳng. Ông trích dẫn báo cáo của IFC (Công Ty Tài Chánh Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế Giới) so sánh cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giữa các nước: “Mất 2 ngày để mở 1 công ty ở Australia, 203 ngày ở Haiti và 215 ngày ở Cộng hoà Dân chủ Congo. Không mất tiền để mở 1 công ty mới ở Đan mạch, nhưng ở Campuchia phải mất số tiền bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người và ở Sierra Leone là hơn 13 lần. Hồng Kông, Singapore và Thái Lan và hơn 30 nền kinh tế khác không đòi hỏi công ty mới phải có vốn ban đầu. Ngược lại, luật pháp ở Syria yêu cầu vốn tương đương 56 lần thu nhập bình quân đầu người… “

Friedman còn lưu ý về một sai lầm thường mắc phải trong chiến lược phát triển kinh tế ở nhiều nước đang phát triển: vì mục tiêu giải quyết công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhiều nước đã duy trì một khu vực doanh nghiệp quốc doanh lớn, sử dụng nhiều lao động nhưng làm việc với mức lương thấp và năng suất lao động kém . Hậu quả là đầu tư không hiệu quả, nợ nần chồng chất, nền kinh tế quốc gia bị hao hụt tài nguyên, hao tỗn nội lực và mất đi năng lực cạnh tranh cần thiết. Friedman cho rằng giải quyết công ăn việc làm không phải là mục tiêu duy nhất mà các quốc gia phải nhắm tới và cũng không quá khó để họ đạt được, nhưng tăng năng suất và hiệu quả lao động để tăng thu nhập cho người lao động và tăng cường lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia mới là mục tiêu thiết yếu có tính chất sinh tử hơn .

Ông nhấn mạnh “thay vì bảo vệ công ăn việc làm trong các dây chuyền sản xuất với giá rẻ, nên chú trọng vào việc tạo ra các việc làm có giá trị gia tăng cao“. Cạnh tranh bằng nhân công giá rẽ không phải là một sự cạnh tranh tốt và cũng không phải là một chiến lược tốt trong lâu dài. Hiện nay, Trung Quốc đang lập ra một mức sàn cho toàn cầu không chỉ về lương thấp, mà cả về luật lao động lỏng lẻo, và các tiêu chuẩn làm việc thấp. Đó là điều mà các nhà phân tích kinh tế gọi là “ Giá Trung Quốc “và điều đó đang trở thành một tiêu chuẩn ảo về lợi thế cạnh tranh đang làm lạc hướng các nước đang phát triển. “ Điều đáng sợ là Trung Quốc không thu hút nhiều đầu tư toàn cầu chỉ bằng việc chạy đua với mọi người xuống mức đáy. Đây chỉ là một sách lược ngắn hạn. Trung Quốc cũng thực sự chú trọng đến việc cải tiến chất lượng và tăng năng suất “. Ở điểm này, họ đang bỏ xa các nước đang phát triển khác .

Nền văn hoá của một dân tộc cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thích nghi của quốc gia với xu thế đổi mới theo chiều sâu của mô hình thế giới phẳng. Friedman viện dẫn lập luận của nhà kinh tế học David Landes trong quyển The Wealth and Poverty of Nations ( Sự giàu có và nghèo khó của những quốc gia ) cho rằng nhân tố chủ chốt cho sự tiến bộ công nghiệp hoá của mỗi quốc gia là “ tiềm năng văn hoá của đất nước, đặc biệt là khả năng đất nước đó tiếp nhận các giá trị lao động cần cù, tiết kiệm, trung thực, kiên trì và nhẫn nại, cũng như khả năng mở cửa đổi mới, tiếp thu công nghệ mới và bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ ”.

“ Friedman cũng dẫn lời của Jerry Rao , người An, Tổng giám đốc điều hành của MphasiS, cho rằng “các nền văn hoá mở và sẵn sàng thay đổi có lợi thế lớn trong thế giới này”. Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, đã có nhiều quốc gia chọn lựa sách lược mở cửa về kinh tế nhưng đóng cửa về văn hoá để giữ cái mà họ cho rằng bản sắc văn hoá của dân tộc. Nhưng sự đóng cửa về mặt văn hoá, “ thiếu tin tưởng vào những người lạ“, lại luôn luôn trở thành một bức tường khó vượt, ( tạo ra một phí tỗn lớn về thời gian và tiền bạc ) trên con đường tiếp nhận đầu tư, tiếp thu công nghệ và hợp tác làm ăn với các nước khác. Điều đó rất nguy hiểm vì nó sẽ dẫn đến sự thất bại của quốc gia trong một thế giới phẳng .

Trong bài viết về “ Bản Sắc và Toàn cầu Hoá “ (Doanh Nhân Cuối Tuần số 160, 18/8/2006), giáo sư Cao Huy Thuần đã nhận định “ Một nền văn hoá co cụm là một nền văn hoá yếu, biết trước mình sẽ thua “. Do đó, cách xử lý khôn ngoan hay không về văn hoá của mỗi cộng đồng dân tộc trong một thế giới phẳng sẽ quyết định trong tương lai vị trí của họ trên nấc thang thịnh vượng của toàn hành tinh. John Rose, Giám đốc điều hành Công ty Rolls Royce nhận định rằng : “ Trong thế giới phẳng, chúng ta sẽ càng ít đề cập về “ các quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển “ mà nói nhiều hơn đến “ các quốc gia thông minh, thông minh hơn và thông minh nhất “.

Cuối cùng, chúng ta hãy nghe lời khuyên quan trọng của Friedman đối với Mexico một nước đang mong muốn giành chiến thắng trong một thế giơi phẳng. Ông nói đến ý chi vô hình và sự tự tin. Mexico muốn thành công phải tự tin, ông nhắc lại lời của Luis Rubio, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Mexico: “càng tự tin thì mặc cảm của bạn càng giảm“, còn “ thiếu tự tin sẽ đưa một đất nước đến chỗ chỉ biết ngồi nhấm nháp quá khứ của mình”. Và ý chí mong muốn chiến thắng có ý nghĩa rất quyết định. “Nếu Mexico muốn phồn vinh phải có chiến lược đổi mới theo chiều sâu có khả năng đánh bại Trung Quốc ở bậc cao nhất, chứ không phải ở bậc thấp, vì Trung Quốc không chú trọng vào việc đánh bại Mexico bằng đánh bại Mỹ”. Phải luôn nhớ rằng “Trung Quốc không chỉ muốn làm giàu, Trung Quốc còn muốn hùng mạnh. Trung Quốc không chỉ muốn học cách làm ra những chiếc ô tô của hãng GM ( General Motors ), Trung Quốc còn muốn trở thành GM và đánh bật GM ra khỏi thị trường. “Trên đây là những lời khuyên mà Friedman bảo là dành cho Mexico, nhưng thật ra nó có giá trị với nhiều nước đang phát triển khác.

Xem thêm:
Tóm tắt sách Tỷ Phú Bán Giày
Tóm tắt sách Nhà Giả Kim