Mạn Đàm Nhân Sinh
Tác giả: Matsushita Konosuke
Về tác giả:
Matsushita Konosuke, là doanh nhân người Nhật, sáng lập ra tập đoàn Matsushita. Ngoài ra ông còn sáng lập ra trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP. Được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật, người anh hùng dân tộc của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Giới thiệu sách:
Cuốn sách viết về triết lý sống của Matsushita Konosuke, người sáng lập và gây dựng tên tuổi cho tập đoàn điện tử lừng danh Panasonic (Nhật Bản) vừa được ra mắt. “Xây dựng một xã hội kết nối khắp mọi nơi” và “Cùng hòa hợp với môi trường toàn cầu”, đó là phương châm kinh doanh của Panasonic dựa trên nền tảng triết lý sống của Matsushita: “Hạnh phúc chân chính hội tụ ba điều kiện: Tự mình cảm thấy hạnh phúc, những người khác trong xã hội cũng tán đồng với niềm hạnh phúc chính đáng đó và con người khi sống giữa tự nhiên phải hành động và sống theo đúng nguyên lý của trời đất và tự nhiên”.
Với hơn 200 trang, cuốn sách đi vào lòng người đọc bằng một giọng văn đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục. Đó là sự đúc kết về kinh nghiệm, trải nghiệm của cả một cuộc đời cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm và đầy nhiệt huyết của Matsushita. “Ông đã vừa viết, vừa cho đăng tải từng phần về trải nghiệm, suy ngẫm trong suốt cuộc đời hơn 90 năm của mình cho đến khi mất và cuốn sách này chính là tập hợp của các bài viết nói trên”, dịch giả Phạm Thu Giang cho biết.
Những điều vĩ đại thường giản dị đến không ngờ và điều này độc giả sẽ tìm thấy khi đọc cuốn Mạn đàm nhân sinh của Matsushita. Đó là những đúc kết tưởng như giản đơn nhưng lại đưa người ta trở về căn cội sâu xa trong sự phát triển của nhân loại, những điều mà trong dòng xoáy cuộc đời không phải ai cũng có cơ hội đứng lại và nhìn nhận được. Đây có thể chính là bí quyết thành công của Panasonic, một tập đoàn điện tử danh tiếng của Nhật Bản trên toàn thế giới.
Tóm tắt nội dung:
Ai đó đã nói những điều vĩ đại thường giản dị đến không ngờ. Điều này rất đúng với Matsushita Kõnosuke! Mạn đàm nhân sinh với những đúc kết tưởng như giản đơn nhưng lại đưa người ta trở về căn cội sâu xa trong sự phát triển của nhân loại những điều mà trong dòng xoáy cuộc đời không phải ai cũng nhìn nhận được. Có thể nói, đó chính là bí quyết thành công của tập đoàn điện tử Matsushita và cũng là một trong những biểu trưng của triết lí kinh doanh Nhật Bản, yếu tố tối quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước tiên tiến bậc nhất thế giới này.
Với tựa đề Mạn đàm nhân sinh chắc hẳn cuốn sách sẽ khiến nhiều người trẻ ngần ngại để đọc nó vì họ sẽ nghĩ rằng họ chưa đến tuổi để đọc những cuốn sách về triết lí cuộc sống, về nhân sinh quan hay cuốn sách sẽ chứa đựng những bài học mà họ không thể hiểu được. Có thể tôi đã từng là một trong những bạn trẻ như vậy nhưng sau khi quyết định đọc cuốn sách này tôi nhận ra là mình đã sai.
Qua những trải nghiệm trong suốt cuộc đời nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại của mình, Matsushita Kõnosuke đã nêu ra quan điểm của mình về mọi khía cạnh của đời sống con người. Từ nhỏ Matsushita Kõnosuke đã có cuộc sống đầy vất vả: năm 11 tuổi thì cha mất, năm 18 tuổi mẹ cũng không còn nữa, ông lại mang trong mình nhiều bệnh tật, người luôn ốm yếu, ngay cả khi bố mẹ vẫn còn, ông đã phải xa gia đình để đi làm thuê ở nơi xa.
Nói như vậy để thấy rằng chính cuộc sống khốn khó, không được học hành đầy đủ lại là chìa khóa để ông vươn lên và đạt được thành công như những gì chúng ta đã chứng kiến. Với giọng văn đầy chân thật, giản dị và trong sáng, cuốn sách như một người bạn tâm tình đầy cuốn hút dành cho mỗi bạn đọc. Những triết lí được đúc kết trong cuốn sách không phải là lời giáo huấn khô khan, nó chính là kết quả của hành trình lao động không biết mệt mỏi và những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời đầy thăng trầm của người sáng lập tập đoàn Matsushita (tập đoàn Panasonic).
Sức khỏe và bệnh tật
Có lẽ quan điểm của Matsushita về bệnh tật là điều khiến người đọc dễ ngạc nhiên nhất gọi là “Nhất bệnh trường mệnh”, tức là người mang trong mình một căn bệnh nào đó thì thường chú ý đến sức khoẻ và có khi sẽ sống lâu hơn những người khoẻ mạnh, không có bệnh tật.
Từ nhỏ cơ thể tôi đã yếu ớt. Mùa hè năm 20 tuổi, có lần tôi ra bãi biển Hamadera chơi. Trên tàu đi về, không hiểu sao tôi thấy tức ở ngực và ho ra đờm có lẫn máu.
Tôi có tám anh chị em nhưng khí đó sáu người đã mất, chỉ còn lại tôi và một người chị. Anh trai trên tôi và anh kế tiếp đã mất vì viêm phổi, nên tôi cũng lo mình bị như vậy… Nhưng lúc đó tôi không có tiền tiết kiệm, lại là thời chỉ làm công nhật, nên nghỉ ngày nào là túng bấn ngày đó. Bởi vậy trong vòng hơn một năm tôi cứ đi làm và cả tuần chỉ nghỉ một ngày… Một năm tôi phải nghỉ ở nhà mấy lần… Trong tình cảnh đó, không biết từ bao giờ tôi đã nghĩ mình sinh ra đã yếu ớt, nên không phải cố gắng quá sức để trở thành một người cường tráng, mà cứ giữ gìn thân thể yếu ớt một cách tự nhiên như vậy. Thế là tôi không sợ bệnh tật nữa, mà luôn có ý chí sống chung với chúng. Bằng lối suy nghĩ đó, tôi đã sống đến tận hôm nay (tức 90 tuổi).
Người ta nói: “Nhất bệnh trường mệnh”, trường hợp của tôi là đúng như vậy đấy… Những người yếu ớt sẽ có cách làm ăn thích hợp với họ. Tôi yếu ớt nên không thể đứng đầu điều hành công việc kinh doanh. Dù là việc gì tôi cũng nhờ người khác đứng ra thay mặt. Mà như vậy thì mười hay một trăm người cũng đều có thể nhờ cậy và khối lượng công việc sẽ được nhiều lên. Trong trường hợp của tôi, bệnh tật lại là thứ mang lại không ít điều tốt lành… Bởi vậy, có được như ngày hôm nay có thể nói là nhờ tôi thiếu sức khỏe.
Thành công
Matsushita cho rằng, mỗi con người đều có một vận mệnh riêng. Tức là, khi mọi sự trôi chảy thì đó là do mình may mắn, còn khi gặp khó khăn thì nên nghĩ là do cách hiểu của mình dở. Chắc chắn, quan điểm đó sẽ làm cho mọi người thoải mái hơn.
Matsushita Kõnosuke là con người thành đạt. Tập đoàn điện tử Matsushita của ông đã có hơn ba trăm nghìn nhân viên với mạng lưới hàng trăm các công ty trực thuộc lớn nhỏ đang hoạt động ở hầu khắp các nước trên thế giới. Thương hiệu này đã trở thành một trong những biểu tượng của nền kinh tế Nhật Bản và ngày càng củng cố chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Ông có một nguyên tắc “Vạn nhất tâm như”, có nghĩa là đồ vật và trái tim con người như mặt trước và mặt sau của một tờ giấy, đó cũng là ý nghĩa của tấm lòng người sản xuất với sản phẩm dành cho khách hàng. Ông lý giải việc sản phẩm của mình có thể bán giá cao hơn so với thị trường nhờ việc kèm thêm với mỗi sản phẩm bán ra tất cả tấm lòng của người sản xuất. Bởi một điều quan trọng là, ông coi trong đồ vật cũng ẩn chứa tâm hồn, đó vừa là động lực, vừa là thách thức khiến người sản xuất chú tâm làm việc.
Chẳng hạn bên ngoài bán một mặt hàng với giá mười ngàn yên. Có khi chúng ta lại bán với giá mười ngàn năm trăm yên. Vậy thì khách hàng sẽ hỏi:
– Tại sao cửa hàng ông lại bán đắt hơn chỗ khác vậy?
– Cùng là một sản phẩm, nhưng ở chỗ tôi lại có đồ kèm thêm
– Thế ông cho tôi thêm gì nào?
– Tôi sẽ kèm thêm cả tấm lòng mình nữa!
Liệu khi đó chúng ta có thể nói được như vậy không? Tôi muốn mình có thể trở nên tự tin với giá trị tấm lòng đã gửi gắm trong công việc kinh doanh đó.
Tình cảm con người
Với người chủ tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này, tình cảm con người là vô cùng thiêng liêng và quý giá. Bằng tất cả trải nghiệm cuộc sống của bản thân, ông nhắn nhủ với giới trẻ thời đại ngày nay rằng, họ đang hạnh phúc hơn thế hệ ngày xưa. Hạnh phúc hơn ở chỗ, họ có thể đáp trả công ơn sinh thành của cha mẹ, vì bây giờ họ có khả năng để phụng dưỡng cha mẹ, điều mà ông cảm thấy day dứt khôn nguôi. Bởi bản thân ông, khi thành công thì cha mẹ đã không còn nữa.
Học đến hết đời
Ông quan niệm xã hội là trường học cuộc đời:
Nói chung, sau khi tốt nghiệp ra đi làm mọi người thường đánh mất tinh thần học hỏi. Những người như vậy sẽ không trưởng thành lên được nữa. Chẳng hạn, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một người dù không giỏi nổi bật, nhưng sau khi ra làm mà vẫn cần mẫn đi theo đúng con đường phải đi, học những điều phải học thì sau đó sẽ trưởng thành lên rất nhiều.
Như vậy mới có thể thành công được.
Sống bằng trái tim trong sáng
Người ta thường nói nếu thấy một chú chim cúc cu không hót, Nobugana sẽ giận dữ bảo: “Chim cúc cu nếu mi không gáy ta sẽ giết chết mi!”. Hideyoshi thì bình tĩnh hơn: “Chim cúc cu nếu mi không gáy ta sẽ đợi cho đến khi nào mi gáy”… Nhưng tôi nghĩ, việc gì cũng cầu kì như vậy thì không thể thành công được. Nếu là mình tôi muốn nói thế này: “Chim cúc cu, nếu mi không gáy thì cũng không sao.”
Nghĩa là hãy để mọi việc theo hướng tự nhiên như nó vốn có, hãy để trái tim mình trở nên trong sáng và không vướng bận bởi điều gì. Có như vậy thì mới ít vấp phải sai lầm. Bởi vì đó chính là chìa khóa để con người tìm về với nguyên lí của tự nhiên, về với căn nguyên của mọi sự vật, hiện tượng. Từ đó sẽ có thể hoàn thành mọi việc.
Bàn về hạnh phúc
Mục đích cuối cùng của con người là làm sao có thể sống hạnh phúc được. Với Matsushita, đó lại là điều vô cùng giản đơn. Hạnh phúc chân chính là hội tụ của ba điều kiện: tự mình cảm thấy hạnh phúc, những người khác trong xã hội cũng tán thành với niềm hạnh phúc chính đáng đó, cảm thấy hạnh phúc trong việc làm lợi cho xã hội, mang đến hạnh phúc cho những người xung quanh.
Bản chất của hạnh phúc chính là sự song hành của bất hạnh và hạnh phúc, khi bạn muốn có hạnh phúc, bạn bắt buộc phải trải qua bất hạnh, và ngược lại, khi hạnh phúc rồi, bạn sẽ tiếp tục nếm trải bất hạnh. Đừng băn khoăn nhiều nhé, vì đó là bản chất của cuộc sống!