Kỹ Năng Làm Cha Mẹ
Tác giả: ThS. Phạm Thị Thúy – GS.TS. Vũ Gia Hiền
Món quà hữu ích cho các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ 0 – 6 tuổi
“Làm cha mẹ là công việc dài nhất của một đời người, một công việc mà bạn không thể xin nghỉ việc, không thể mua bảo hiểm, không thể từ chối, càng không thể bị sa thải. Chúng gắn chặt vào bạn, nhiều khó khăn, đầy thử thách, nhiều vinh dự, đầy hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sống cả đời chỉ với vai trò làm cha, hay làm mẹ. Bạn có nhiều vai trò khác và đừng từ chối sống tử tế với bản thân mình. Và nếu có thể, hãy cho phép mình thêm một vai trò: là bạn của con. Vì từ tình bạn, sẽ có một mối quan hệ cộng sinh bình đẳng: mẹ chăm sóc con, và con chăm sóc mẹ; mẹ yêu thương con, và con yêu thương mẹ. Mẹ rửa chén, con quét nhà, dù cây chổi của con bé tí xíu chẳng quét được bao nhiêu, nhưng hãy cho con được bình đẳng trong mối quan hệ cộng sinh với cha mẹ mình. Bạn là người sinh ra con, nhưng cũng có thể tìm được tình bạn đích thực nơi ấy. Vì sao ư? Đơn giản vì chia sẻ với người bạn, dù sao, cũng dễ dàng hơn!”(Con và cha mẹ: mối quan hệ cộng sinh)
Ngoài việc làm bạn của con mình, để việc dạy con thuận lợi hơn, các bậc làm cha mẹ cần có một số kỹ năng đặc biệt. Với những kỹ năng này, việc dạy dỗ con cái không chỉ trở nên nhẹ nhàng hơn mà bạn sẽ được tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc khi được làm cha mẹ.
“Kỹ năng làm cha mẹ” được chia làm 3 phần:
Phần 1: Kỹ năng làm cha mẹ trong thời đại mới: với các bài viết sâu sắc về mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, dạy trẻ biết yêu thương, hay cha mẹ làm gì khi con bướng bỉnh, bí quyết giúp trẻ hay ăn chóng lớn, những sai lầm thường gặp trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ từ 0 – 6 tuổi… là những kỹ năng mà cha mẹ trong thời đại mới cần phải có để giúp con mình.
Phần 2: Những kiến thức cha mẹ cần có với đặc điểm tâm lý trẻ từ 0 – 6 tuổi, các kỹ năng giáo dục cảm xúc cho trẻ, hay dạy con học bằng trò chơi. Có thể nói đây là những kiến thức rất thiết thực và hữu ích mà bất kỳ cha mẹ nào cũng nên biết và vận dụng sáng tạo tùy theo từng tính cách của con trẻ.
Phần 3: Gỡ rối: Tư vấn cách dạy con. Đây có lẽ là phần được các cha mẹ quan tâm nhất. Với những câu hỏi khó trả lời xuất phát từ thực tế của mỗi gia đình như: Làm thế nào khi trẻ ganh tỵ với em; khi con học ô sin chửi thề, con hư tại hàng xóm, khi trẻ mê game online, trẻ học làm “chuyện người lớn”… Cuốn sách sẽ giúp cha mẹ có những câu trả lời cho những trăn trở về cách dạy con của mình.
Đánh mắng nhiều chỉ làm trẻ bướng thêm. Người lớn thường có nhiều biện pháp buộc trẻ phải nhượng bộ ý muốn của mình như dùng đòn roi, bỏ đói, giam cầm… Nhưng cuối cùng, người thất bại lại chính là cha mẹ chứ không phải con cái, bởi đó chỉ là sự đàn áp chứ không phải giáo dục. Chính những hành vi bạo lực kể trên đã hủy hoại sự phát triển cá tính của đứa trẻ.
Khi con cái có lỗi, cha mẹ hãy bình tĩnh nhận xét về khuyết điểm đó, không nên ngay lập tức buông ra những lời lẽ ám chỉ kiểu: “Con không hư thì làm sao họ nói con như vậy!”. Nếu lỡ con mình có mắc phải sai lầm hay gặp vướng mắc gì thì cha mẹ cũng không nên dùng những lời nói nặng như: “Sao mày ngu thế, dốt thế!”. Với những lời nhận xét như vậy, thì cha mẹ đã vô tình xúc phạm trẻ và hất bỏ tất cả mọi cố gắng phấn đấu của trẻ từ trước đến nay, điều đó sẽ gây phản ứng tiêu cực nơi trẻ. Dù cho cha mẹ có giận dữ đến mức nào thì cũng không được quyền xúc phạm nhân cách hay tính tình con cái.
Làm cha mẹ là công việc vô cùng vất vả nhưng cũng vô cùng thiêng liêng. Hãy làm điều đó bằng cả tình yêu thương dành cho trẻ và nhất là hãy yêu thương đúng cách với những kiến thức, hiểu biết của mình về trẻ là điều mà “Kỹ năng làm cha mẹ” mong muốn gởi gắm đến tất cả các bậc cha mẹ.
(Nếu có điều kiện quý độc giả nên mua bản gốc tại các cửa hàng sách trên toàn quốc để ủng hộ tác giả.)
Download ebook : PDF