Bớt sĩ diện, thêm cống hiến
(Vô tình đọc được bài viết rất hay nên post lại chia sẻ cùng mọi người.)
Lúc mới tới Israel, bước chân xuống khỏi xe buýt, anh em tụi mình được đổ dàn cả ra trên một bãi cỏ ven đường, đợi các ông chủ tới bắt về, như nô lệ thời xưa. Khi các boss đến, cả đám cùng bu quanh lại, dù mệt mỏi lắm, nhưng vẫn phải ráng làm mặt cười duyên với các boss, để họ thấy dễ thương hiền lành khỏe mạnh mà nhận về. Lỡ mà tất cả các boss từ chối hết vì đánh giá thái độ không tốt, thì trường phải ra tay sắp xếp bố trí, thường sẽ vào các farm tệ hơn nhiều, ngày làm 14-16 tiếng như công nhân luôn.
.
Anh em bọn mình đều là sinh viên đại học cả, là tầng lớp gọi là trí thức ở trong nước đấy. Nhưng qua đến đây, người ta chỉ xem là lao động phổ thông thôi. Giữa sa mạc hoang vắng toàn cát giữa xứ người xa lạ, chỉ mong được nhận về làm cho nhanh là mừng lắm rồi, làm sao dám nghĩ tới chuyện đòi hỏi gì hơn nữa. Quyền lựa chọn là ở trong tay các ông chủ, mình ở thế yếu hơn, thì đành phải chịu như vậy.
Người ta nói trưởng thành là khi hiểu và chấp nhận được những tình huống không vừa lòng mình. Có khi thì là bị sếp mắng, hoặc bị nhà tuyển dụng từ chối, rồi khách hàng không mua hàng, hoặc bị từ chối tình cảm. Dù là hoa hậu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, nhưng MPT kể rằng có lần cô bước chân vào một quán Starbucks, hỏi nhân viên bán hàng thì không có ai nhận ra cô là ai cả, còn bị hỏi ngược lại rằng chắc là chị đi thi The Voice phải không nhỉ. Khoảnh khắc của sự thật khi bạn nhận ra mình cũng chỉ là một con người bình thường như tất cả mọi người, và không có ai quan tâm đến bạn là ai trừ phi bạn làm được điều gì đó cho họ.
.
Bạn có học trường top sang chảnh nào đó đi chăng nữa, thì lúc ra trường đi phỏng vấn việc làm, cũng sẽ trải qua cảm giác như vậy. Cầm bộ hồ sơ trên tay trong lòng hồi hộp khấp khởi, tới gõ cửa nhà người ta để xin một công ăn việc làm mà, rồi trong lúc chờ đợi người ta hỏi đến lượt mình thì cũng phải cẩn thận quan sát nét mặt điệu bộ của họ để còn lựa lời mà nói sao cho êm tai, chỉ mong đừng lỡ lời làm họ phật ý rồi đánh rớt mình.
Ai đó nói đi phỏng vấn tìm việc làm là đi trao đổi sức lao động sòng phẳng, không có phải đi “xin việc”, không việc gì phải khép nép hết, cứ bán buôn qua lại bình đẳng thôi. Thì xin thưa đó là do bạn quên đi quy luật thị trường, món hàng thuộc tầm bảo vật, giá trị cao đem ra bán, thì mới có người xúm lại mua, chứ chỉ là một món hàng phẩm cấp thông thường không có gì nổi bật, thì sẽ phải đứng rao hàng tới khản cả giọng, có khi ế chỏng chơ đến mức ngủ gục bên gánh hàng, mà người qua đường còn chẳng thèm liếc mắt nhìn đến.
.
Giá trị của một con người phụ thuộc vào sự cống hiến, phụng sự cho kẻ khác, chứ không phải là thông qua những lời ngợi khen, bằng cấp, trường lớp, hay những học vị học hàm mà họ sở hữu. Nếu như bạn không có quan hệ, địa vị gì, lại không có thực lực, chỉ có tấm bằng đại học mà chính bạn cũng thừa biết là suốt thời đi học, mình đã dùng Google, Wikipedia, Copy and Paste để có được nó, thì bạn cũng tự đánh giá được phẩm cấp hàng hóa sức lao động của mình rồi còn gì, nên thôi, hãy bỏ qua hết mọi tự ái, mọi sĩ diện hão, mọi cái hào nhoáng hữu danh vô thực bên ngoài, biết mình là ai để bớt than thân trách phận.
.
Nếu chúng ta hiểu được rằng chúng ta sinh ra trên đời này là để cống hiến, phụng sự cho mọi người, để đổi lại là sự yêu quý, chấp nhận, tôn trọng, và tiền công, thì sẽ thấy việc phát triển bản thân, rồi trao ban giá trị, và rồi giành được sự chấp thuận của người khác là một hành trình rất cao quý và hạnh phúc. Bạn giỏi hơn người bên cạnh, bạn được chọn vào công ty, là bởi vì bạn có khả năng cống hiến cho tổ chức nhiều hơn người ta. Tổ chức nhìn thấy cơ hội để dùng được bạn nhiều hơn so mức họ phải trả ra để có bạn. Khi bạn yêu một người cũng vậy, bạn phải đầu tư vào bản thân mình, đẹp hơn, giỏi hơn, là để trao giá trị đó cho người bạn thương, để người ta “xài” cái đẹp của bạn, để giúp đỡ được họ khi cần thiết.
.
Làm ở farm, ai cũng quý các anh người Thái Lan. Họ rất hiền lành, làm việc thì nhanh, năng suất chắc gấp 3 lần bọn mình, lại rất chuyên nghiệp, đi làm luôn đúng giờ, lúc làm thì hăng say, không có cà kê nghỉ giải lao tán dóc. Trong sinh hoạt thì hài hước không thể tả nổi, chọc tụi mình cưới tới bể bụng, và rất tốt tánh, lúc tụi mình mới tới thì cho gạo, cho mượn nồi cơm điện, lâu lâu cho bia uống, giết gà mời ăn chung, lúc thì rủ nhậu cùng không tốn tiền gì. Vì hữu dụng và chuyên nghiệp, nên dù chỉ là lao động phổ thông không có bằng cấp chức vị, nhưng boss rất tôn trọng và yêu quý, hơn tất cả sinh viên tụi mình. Hiện nay Israel chỉ cấp visa lao động chính thức cho người Thái là chủ yếu, các nước khác chỉ dám cho visa thực tập 1 năm đối với tầng lớp sinh viên và người đã qua đào tạo lâu năm mà thôi, nhằm sàng lọc bớt thành phần chưa văn minh tràn vào nước họ.
.
Bỏ qua cái tôi nhỏ bé đi, vì thế giới này rất rộng lớn và còn rất nhiều việc để làm.
.
Trước đây đọc sách mình có biết tới những nguyên tắc này, nhưng vì chỉ đọc mà không đi, không làm, nên chỉ hiểu được có 0,0001% những gì sách viết. Phải đi, phải làm thì mới kiểm định được những lý thuyết ở thực tiễn.
“bạn phải có tố chất, có trí, có chí, và có tâm thế mở, luôn luôn tiếp nhận cái mới, học hỏi, phát triển bản thân, không được sĩ diện hão, không được than phiền, nói xấu, nói móc, nói chuyện châm biếm chua cay tiêu cực, không có được sợ thất bại, không được hoài nghi yếm thế, và không được nói dối, không được lười biếng.”
Nguồn: https://www.facebook.com/martin.tr.79/posts/969195656754942
Xem thêm: Tuổi 22 của giới trẻ Việt Nam