Home / Sống / Học Đại Học hay Bán Hàng Rong Khởi Nghiệp?

Học Đại Học hay Bán Hàng Rong Khởi Nghiệp?

Học Đại Học hay Bán Hàng Rong Khởi Nghiệp?

Trên mạng có một chủ đề đang được chia sẻ khá rộng rãi: Nữ sinh đại học năm thứ hai bán mực xào chảo gang ở cổng trường sau này sẽ phát triển thế nào? Theo tôi thấy, cô ấy có thể sẽ thành công, cũng có thể đúc rút được kinh nghiệm, nhưng nhìn tổng thể thì không đáng.

Một sinh viên đại học không để tâm học hành lại chỉ nghĩ đến việc mở hàng rong khởi nghiệp; không để tâm tích lũy kiến thức chỉ nghĩ đến kiếm tiền, đó quả là thất bại của công tác giáo dục, biểu hiện của một xã hội ham muốn hưởng thụ vật chất, xốc nổi và bất an. Nếu ai cũng vứt bỏ tri thức, sẽ có một ngày xã hội bị tri thức vứt bỏ.

Tôi hoàn toàn không tán thành với cách nói “chỉ có học hành mới là cao quý nhất”, tôi càng không đồng ý chia con người ra thành năm bảy tầng lớp, nhưng tôi luôn băn khoăn một vấn đề – nếu học ngoài xã hội tốt hơn học trong nhà trường, vậy phụ huynh, giáo viên và vô số học sinh, sinh viên đều có vấn đề hết hay sao? Thi đại học khốc liệt như vậy mà vẫn cố gắng học hành mười mấy năm trời để đi thi, ra nước ngoài vất vả như thế mà cứ quyết định tha hương đất khách, học mấy chục năm trời chỉ có tốn tiền chứ chẳng kiếm được đồng nào… Tại sao nhiều người vẫn hy vọng con cái được học hành, được giáo dục, chứ không phải vừa đến tuổi đã cho đi bán hàng rong khởi nghiệp? Sớm bước chân vào xã hội không phải sẽ tai nghe mắt thấy, học được nhiều điều hơn sao? Việc gì phải khổ sở mười mấy năm để vào đại học rồi lại nghĩ đến chuyện tự khởi nghiệp?

Một đất nước cần nhân tài sáng sạo, những người đi đầu thời đại nên có tri thức, có văn hóa, có năng lực, có trách nhiệm, chứ không phải những người việc của mình còn làm không tốt đã chạy ra lăn lộn giang hồ, bắt chước người khác.

Thời đại trăm nghề tàn lụi đợi chấn hưng, trật tự hỗn loạn, phải dựa vào dũng khí và sức lực tay chân để trỗi dậy đã qua rồi. Rất nhiều người giữ tâm thế truyền thống, hùng hục bước ra ngoài xã hội mà chẳng có đầu óc, không những chẳng thành công, cuối cùng còn trở thành gánh nặng của đất nước, của gia đình. Khi anh mơ mộng viển vông, ăn to nói lớn, tẩu hỏa nhập ma, không thể chỉ nghĩ đến chuyện kiếm được tiền, hãy nghĩ xem, nếu thua lỗ, gánh nặng phiền phức sẽ nghiêm trọng thế nào!

Bạn trẻ, nếu bạn đang đi học mà không thể chuyên tâm học hành, tôi thật lòng khuyên bạn một câu: Tuổi nào làm việc ấy, lúc cần học thì phải học. Nếu không bạn sẽ phải nếm trải cuộc sống đầy kích thích kiểu “rối loạn kinh nguyệt”: lúc cần khởi nghiệp thì phải học, lúc cần học lại đi kiếm tiền nuôi gia đình, lúc cần nuôi sống gia đình vẫn còn đang khởi nghiệp.

Rất nhiều người vẫn cảm thấy học hỏi tri thức không có tác dụng gì, nhưng trường đại học không chỉ dạy tri thức, trọng điểm không phải tri thức, mà là học tập. Trường học là nơi bồi dưỡng năng lực học tập của một con người. Tại sao lại gọi là năng lực học tập? Bởi năng lực đó giúp bạn rèn luyện được kỹ năng quan sát, phân tích, tính toán, đối chiếu, mô phỏng, suy ngẫm, sáng tạo một cách độc lập, không những thế còn giúp bạn có thể biểu đạt, giao lưu, trao đổi và hợp tác.

Hôm nay bạn cảm thấy bọn siêu sao trong lớp chỉ biết kiến thức sách vở, mình chỉ cần làm gì độc đáo khác thường đi ngược với số đông là có thể tung hoành xã hội như cá gặp nước, có thể ăn đứt bọn họ. Thật ra bạn đã nhầm. Những con mọt sách hôm nay bạn coi thường sẽ rèn luyện được thói quen học tập đúng đắn, nắm được phương pháp học tập đúng đắn, bồi dưỡng nguyên tắc xử sự đúng đắn, nắm vững quy phạm xã hội, đủ để ứng phó với những thử thách của cuộc sống. Người ta vào xã hội một hai năm là có thể nhanh chóng học hết mọi mánh khóe khôn vặt của bạn.

Xã hội có thể dạy bạn điều gì? Chẳng qua chỉ là mấy kỹ năng mềm “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, tạo quan hệ, chiếm lợi ích, những điều này không cần mở khóa học để giảng dạy. Nhưng ngoại ngữ, kỹ thuật, tay nghề, không có thầy dạy mà tự học, tự lĩnh hội thì rất khó thành tài.

Quả thật có rất nhiều doanh nhân thành công không học đại học, nhưng họ chỉ là trường hợp đặc biệt trong hàng chục triệu người. Đừng hở ra là lôi chuyện bỏ học khởi nghiệp của Bill Gates để nói. Chúng ta chỉ nhìn thấy một Bill Gates thành công mà lờ đi những mối quan hệ gia đình phía sau ông ta và hàng trăm hàng nghìn người khởi nghiệp thất bại khác.

Xã hội phát triển chóng mặt, người theo nghiệp kinh doanh càng lúc càng nhiều, chế độ dần quy phạm hơn, thị trường từng bước được mở rộng, ngày một chú trọng tri thức và bằng cấp, đã qua rồi cái thời chỉ cần liều lĩnh, có chút máu mặt là có thể thành công. Trong quá khứ, rất nhiều doanh nhân không phải không muốn đi học, cũng không phải bẩm sinh đã muốn khởi nghiệp, nhiều trường hợp là do hoàn cảnh, điều kiện ép buộc. Sự nỗ lực, tâm huyết của họ, trách nhiệm họ gánh vác, áp lực họ chịu đựng, rủi ro họ đối mặt là những điều người bình thường chưa chắc chịu đựng nổi. Ví dụ, người sáng lập thương hiệu nổi tiếng Lao Gan Ma , cả nước có mấy người như thế? Cả thế giới có mấy người như thế?

Nói cách khác, người ta chỉ vì một số nguyên nhân mà không thể đi học lúc muốn đi học, nếu ngày đó có cơ hội, dựa vào tố chất chăm chỉ cần cù cùng nỗ lực bấy lâu, họ vẫn có thể đạt được thành công nhờ học hành, thậm chí còn tiến xa hơn thời điểm hiện tại.

Có những người cứ viện cớ trường mình giảng dạy kém rồi không chịu học hành. Vậy xin hỏi, thời trẻ Mã Vân cũng không học mấy trường đại học nổi tiếng Trung Quốc như Thanh Hoa, Bắc Kinh, nhưng ông ấy có bỏ học tiếng Anh không?

Nói cho cùng, học tập là thái độ, tố chất, là lựa chọn, thói quen, trường học chỉ là cơ sở mà thôi. Nhân tố khách quan chỉ gây xúc tác dựa vào nhân tố chủ quan, nếu đến những nguyên lý cơ bản trong trường học được thầy cô dạy bảo, bạn bè giúp đỡ mà còn không học nổi, vậy sau này ra ngoài xã hội, bạn lấy gì đảm bảo mình có thể tự ngộ ra chân lý vận hành của thế giới?

Đừng dễ dàng bị quan niệm giàu lên trong một đêm tẩy não. Thời đại này không giống thời trung cổ nắm đấm của ai mạnh thì thế giới là của người đó; cũng không giống thời kỳ đại hàng hải ai thuyền to lắm đại bác thì thế giới là của người đó; lại càng không giống thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp ai phát minh ra cái gì mới thì thế giới là của người đó.

Trong thời đại này, chỉ những người sở hữu tri thức hoặc kỹ năng mới có thể kiếm được lợi nhuận thuộc về mình nhờ hoạt động sản xuất, khoa học kỹ thuật. Kỹ năng bạn sở hữu càng quý giá, càng không thể thay thế thì càng có giá trị. Nếu không, bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ tha hương nơi đất khách điên cuồng học hỏi tri thức mới, kỹ thuật mới để làm gì?

Chẳng qua là vì muốn đứng cao hơn một bậc, đi trước một bước, để nếu gặp những câu chuyện gợi cảm hứng kiểu Chicken soup for the soul có thể điềm đạm nói: “Tôi ít học, anh đừng lừa tôi.”

Thử ngẫm lại xem, vốn liếng, sức lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao thỏa mãn nhu cầu sản xuất của thị trường, bạn có những gì? Nếu chỉ có sức lao động, có thể dễ dàng bị mô phỏng và vượt qua. Nhiều người học hành như vậy đâu phải chỉ vì một tấm bằng? Nắm được kỹ thuật, kỹ năng độc đáo mới không thể bị thay thế, mới có tư cách bàn đến đặc quyền, đặc lợi. Có mơ ước và can đảm là tốt, nhưng không tuân theo nguyên lý kinh tế cơ bản thì những mơ ước, can đảm kia đều không đáng một xu.

Dù vì nguyên nhân gì, hoàn cảnh nào khiến bạn chán nản thất vọng, nhất định phải kiên cường và lý trí hơn. Trường học là nơi cung cấp vô số lựa chọn và khả năng, khi còn chưa đủ chín chắn, bạn sẽ không biết thế giới này rộng lớn nhường nào, cuộc sống này khó khăn đến đâu. Đừng lãng phí tháng ngày quý giá của tuổi thanh xuân, mà rơi vào những ảo tưởng không thực tế. Đừng vì thiếu hiểu biết, ấu trĩ mà bị xã hội tiêu dùng điên cuồng nuốt trọn.
Có người từng nói: “Ai cũng có quyền lựa chọn. Cuộc đời, lối đi của mình, mình tự chịu trách nhiệm.” Nhưng bạn có biết, tuổi thanh xuân và mơ ước khi đã mất đi, có thể cả đời này cũng không lấy lại được.

Trên đời này chẳng sợ mình không thích làm gì, chỉ e lúc mình thích việc gì đó lại phát hiện ra cánh cửa mơ ước đã khép lại mất rồi. Có những trách nhiệm và lỗi lầm ở một lứa tuổi nhất định bạn chẳng thể gánh vác, chỉ đành ôm nỗi hối hận cả đời!

Bạn thử nghĩ xem, bố mẹ nuôi bạn ăn học, bản thân lại học hành vất vả mười mấy năm là vì cái gì? Nghĩ xem trước khi vào đại học mình muốn gì? Một đời thật sự rất dài, có thừa thời gian cho bạn kiếm tiền, nhưng tuổi trẻ ngắn ngủi, thanh xuân quý giá ai cũng chỉ được trải qua một lần.

Làm việc cần làm vào đúng thời điểm mới không uổng phí một kiếp người!

Trích sách: “Mong bạn trải qua giông bão, quay về vẫn là thiếu niên”