– Năng lực của một người trẻ nhìn thấy ở đâu? Hãy ở chung với họ và lúc nào cũng thấy cái bếp ga sạch boong sáng bóng (Mr Soichiro Honda, chủ tịch hãng Honda đã từng nói như vậy với sinh viên ĐH Tokyo khi được hỏi, theo kinh nghiệm của ông thì làm thế nào để nhận biết 1 người có năng lực?).
Xã hội thi cử khoa bảng nên nhiều bạn cứ ưu tiên việc học và không chịu làm cái gì khác ngoài học. Khi giao cho trồng 1 cái cây, vì chỉ biết học, nên không tưới cây, cây chết. Khi giao thêm việc ngoài việc học, họ cảm thấy phiền toái. Cuối cùng giải pháp là: không nuôi con gì, không trồng cây gì, để dành tập trung cho học. Câu cửa miệng là “đang bận học”, dành quá nhiều thời gian một ngày cho 1 động từ. Rồi thành một chứng bệnh trầm kha khó chữa, di chứng để lại suốt đời là “chẳng biết gì ngoài học”.
Những người này, dù học có giỏi đến đâu đi nữa, ra đời cũng chật vật để kiếm sống, 100%. Hoặc ai đầu óc xuất sắc lắm, hiểu biết thông thái lắm, thì cũng chỉ đủ 1 giấc mơ nho nhỏ 1234 (1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh, già rồi chết vô danh). Họ không thể quán xuyến nổi bất cứ cơ nghiệp nào, đầu óc không thể làm được nhiều việc, không sắp xếp được thời gian để sống cuộc đời đầy màu sắc, đầy thành tựu.
Họ làm sao có thể quản lý nổi xí nghiệp resort công ty trăm người ngàn người và ngàn việc phát sinh trong cùng 1 lúc nếu từ nhỏ không có kinh nghiệm quản lý 1 cái phòng trọ nhỏ? Họ không thể làm tướng được vì họ từ nhỏ chỉ có 1 năng lực là HỌC (học là động từ chỉ việc bắt chước người khác, lặp lại ý của người khác, tư duy theo người khác, nhắc lại đúng y chang thì được 10 điểm, khen là học giỏi). Học giỏi không có ý nghĩa gì cả, làm giỏi mới là cái đáng nói. Người làm giỏi mới là nhân tài của quốc gia.
Ai lúc nhỏ chỉ biết ngồi học (theo lịch của trường, theo bài tập của thầy cô giao cho, theo lịch các kỳ thi) thì ra đời, chỉ biết ngồi làm (theo lịch của cơ quan, theo lệnh của sếp, theo các công việc có sẵn). Người sáng sớm chỉ biết thay đồ đi học, tối về mải giải bài tập về nhà thì lớn lên, sáng sớm cũng chỉ biết thay đồ đi làm và tối về lướt mạng xã hội. Họ không thể làm quản lý hay lãnh đạo được, vì phải chờ “bài tập” của người khác giao cho.
Một người giỏi thật sự là họ tập trung học thật nhanh, còn nhiều động từ khác cơ mà. Ví dụ bằng IELTS chẳng hạn, lúc học cấp 3 hay ĐH, thì mọi giá học để thi lấy 6.5 cho xong, chứ ra trường mà còn ngồi học tiếng Anh thì phí thời gian vô cùng. Hoặc bằng lái xe ô tô, cũng nên lấy khi vừa 21 tuổi (xe có thể mua sau nhưng bằng nên có trước). Hộ chiếu, mình muốn là cũng phải có ngay vào tuần sau, chứ sao lại từ từ, đến lúc cần thì cuống cuồng làm, không kịp hạn nộp chương trình gì đó thì sao?
Người có đầu óc, họ sẽ vừa làm – vừa học, học thông qua làm, learning by doing. Học cũng giỏi mà chơi cũng giỏi, làm cũng giỏi. 1 ngày của họ có nhiều trải nghiệm chứ không lặp đi lặp lại 1 cái gì. Họ thoả mãn được hết các quan hệ trong đời họ, với người thân, với bạn bè, với thầy cô, với hàng xóm, với bồ bịch, với người ngoài xã hội,….Họ sắp xếp thời gian để cân bằng được hết, để sau này có thể làm được nhiều việc trong quỹ thời gian ít ỏi của mình.
Năng lực tự học (1), quán xuyến đa nhiệm (2), sắp xếp thời gian (3) là bí mật của một người MUỐN GÌ ĐƯỢC NẤY. Lớn lên họ sẽ làm được nhiều thứ mà với người thông thường, người ta sẽ tự hỏi “không biết ông ấy/bà ấy lấy đâu ra thời gian mà làm được nhiều việc như thế?”.
P/S: Người còn nhỏ, chịu đổ mồ hôi ròng rã, động não động tay động chân, đầu tắt mặt tối mày mò làm đủ thứ cả ngày….thì trước sau gì cũng có thành tựu. Còn học cho lắm mà không chịu làm, thì sau này mọi của cải xã hội sẽ dồn hết về cho người biết làm. Họ chỉ đạo mình. Họ lập trình mình. Họ lấy hết mọi thứ, ăn trên ngồi trước, sống vinh hoa phú quý, còn mình thì tức tối bất đắc chí, bất mãn này nọ, nói những lời cay đắng với cuộc đời.
Tất cả là do mình không có năng lực LÀM đấy thôi. Học, rốt cục là để LÀM chứ không phải chỉ để BIẾT.
Theo Tony Buổi Sáng