Home / Sống / Óc tinh tế – Bài: 10

Óc tinh tế – Bài: 10

Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT

Óc tinh tế – Bài: 10

Chơi với người tinh tế rất thích, vì nó đồng nghĩa chơi với người thông minh và nhạy cảm. Người tinh tế luôn thấy được các điều li ti nhỏ xíu trong người khác, trong mọi sự việc. Óc tinh tế, phần lớn là do bẩm sinh, cứ sinh ra tự nhiên nó thông minh tinh tế.

Một đứa trẻ mầm non có gương mặt sáng bừng, biết quan sát đám đông để phản ứng sao cho phù hợp, ví dụ nó biết nhịn, không da-bian ( ta ben tiếng Trung Quốc là ị ) lúc cha mẹ đang ăn cơm là 1 đứa trẻ tinh tế. Tinh tế, nôm na là đi guốc trong bụng. Mày nghĩ gì, tao đều biết hết. Rút lui khi thấy dấu hiệu cần phải rút. Tiến tới, quẹo trái quẹo phải lúc được bật đèn xanh.

Nhưng vấn đề quan trọng là, óc tinh tế có đào tạo được không. Câu trả lời là được. Vì sao phải đào tạo sự tinh tế cho mỗi đứa trẻ? Bởi vì vì tương lai của nó. Dù là kỹ sư hay bác sĩ, giáo viên hay công nhân, giao tiếp vẫn là chìa khoá để thành đạt. Ví dụ như là công nhân, nếu có sự quan sát,hướng dẫn người khác làm theo, đọc được ý nghĩ của lãnh đạo….thì khả năng làm nhóm trưởng, phân đội trưởng hay quản đốc nhà máy rất cao. Không ai đề bạt cái đứa lù đù, ăn trên ngồi trước, không dòm không ngó…Tầm nhìn chỉ thấy có mỗi dĩa thịt heo trước mặt thì thua.

Người làm kinh tế thì càng phải được chú trọng rèn luyện kỹ năng này. Giao tiếp trong kinh doanh rất nhiều, óc tinh tế sẽ giúp họ luôn đạt được điều họ muốn. Và muốn tinh tế, người ta tổng kết phải có hai điều: yêu người, và tập trung khi nói chuyện.

1. Yêu người
Nhân ái, nhân là người, ái là yêu. Lòng nhân ái chính là lòng thương người, thế thôi. Nếu nhìn người đối diện với ánh mắt thờ ơ, vô hồn, nhìn Tony thanh tú như vậy mà cứ như đang nhìn cái vỉa hè, thì thôi, không đào tạo được. Chỉ khi ta yêu người 1 cách thật lòng và tự nhiên, nhìn ai ta cũng tìm cái hay cái đẹp của người đó, thì mới tinh tế được.

Người kém tinh tế chơi rất chán, vì phải nói huỵch toẹt ra thì họ mới hiểu. Yêu cầu mới làm. Là dạng người vô tâm và kém cỏi trong giao tiếp. Sống cùng hay làm việc cùng với họ, mình rất mệt vì cảm giác họ hơi ngu ngu. Đặc trưng của nhóm này là không có óc quan sát, cứ làm theo ý mình, không nghĩ về người khác. Người ta nói khéo, nhắc khéo, có một số cử chỉ ám chỉ này nọ…họ nhìn trơ trơ như mắt cua, thường hay nói “phải nói tui mới biết chớ….”, hay ” nói ngứa đi, tui gãi cho”. Trời ơi, dân châu Á mà, ngượng thấy mồ, ít ai dám nói mình ngựa quá….nhưng rất mong được gãi.

Ví dụ: Một người đến thăm mình, trời thì nắng nóng, môi miệng cháy khát. Mình nhào vô nói chuyện 3 tiếng đồng hồ liền, quên rót ly nước cho họ là thiếu tinh tế.

Một ví dụ khác, đi chung với 1 nhóm người, mình mải nói chuyện riêng với 1-2 người, số còn lại không tham gia được vì không biết đề tài đó, có vẻ không hào hứng câu chuyện đó, mình vẫn cứ thao thao nói là người kém tinh tế.
Một đứa trẻ muốn ăn nhưng không dám, mình nhìn ánh mắt của nó và nhận ra ngay. Mình thương nó và nhường cho nó ăn. Chứ hẻm phải ngồi ăn ngon lành, nhai kêu cót két, nước bọt phun ra 2 khoé miệng, nhả xương đầy bàn, kệ ai thèm thì mặc. Nhìn cái miệng nó nhai mà muốn vả 1 cái cho gãy răng.

Trong bàn tiệc, mình thấy khách có vẻ ăn ít, thì có thể món ăn không phù hợp, nên gọi thêm món khác. Hay họ chưa có chén đũa muỗng, mình gọi phục vụ mang ra, hay thấy họ chưa có chỗ ngồi, mình đứng lên nhường. Chứ hẻm phải nhào vô là ăn lấy ăn để, lấy đũa bơi móc lựa miếng ngon ăn, miếng dở chừa lại. Ăn xong lấy móng tay xỉa miếng thịt dính trong kẽ răng ra, thấy ngon bỏ lại vào mồm. Vừa ngậm tăm vừa nói chuyện. Có phụ nữ trẻ con mà hút thuốc phà phà. Hay có bạn hay lấy ngón út móc ráy tai ( cứt ráy) ra, rùi đưa lên mũi ngửi. Rùi nhăn mặt…nói sao hẻm thơm.

Người kém tinh tế còn thể hiện việc hay khoe ở chỗ không phù hợp. Lạc lõng và kệch cỡm. Giữa khu nhà lụp xụp, quất lên 1 cái biệt thự 12 tỷ. Giữa khu công nhân ở trọ, quất luôn 1 con chó ngao, ngày ăn 1 ký thịt bò Úc. Giữa lúc bà con nông dân miền Tây đang thu hoạch đồng áng, đang cắt lúa gánh lúa nắng nóng mệt thấy bà, nàng ở Sài Gòn về chơi, mặc váy hồng cánh sen- áo 2 dây màu xanh đọt chuối, mang guốc cao gót, qua cầu dừa vừa đi vừa nhún, tay cầm theo cái dù màu tím hoa cà. Nhìn muốn xô xuống ao cá vồ.

Nhiều người vào nơi công cộng mà nói to như chốn không người. Hôm bữa dượng ngồi cà phê làm việc, 3 cô bên cạnh kể chuyện tình yêu, gào thét như đấm vào tai. Mọi người nhìn khó chịu, một số chuyển bàn, một số tính tiền rồi lật đật đi…nhưng 3 cô vẫn thao thao bất tuyệt. Dượng mới qua nói 3 bạn ơi, vui lòng điều chỉnh âm lượng cho vừa đủ nghe thôi, nãy giờ chuyện tình tay ba giữa cô Tuyết và thằng Bình thằng Hân tôi nghe mồn một hết. Rồi chuyện quần dây áo nhợ của mấy cô size nào, khách ở đây cũng rành. Dượng góp ý dễ thương vậy mà 3 cô đó nói gọi điện cho xã hội đen chạy tới quánh dượng…Là sao? Why?

Mình càng thương người, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, ….thì sự tinh tế càng cao. Sự tinh tế không có trong loại người yêu tiền bạc hơn mọi thứ, tức loại phàm phu tục tử. Thể loại phàm phu tục tử không bao giờ đọc sách, thấy chữ nhiều là ớn, nên cũng dễ nhận ra. Coi kịch buồn hẻm bao giờ buồn, vì không có đồng cảm. Nên tâm hồn khô héo, dẫn đến cốt cách thô lỗ, ăn nói bạt mạng, không biết nên nói gì vào lúc nào với ai.

2. Tập trung khi nói chuyện
Thứ 2, muốn có sự tinh tế, phải tập trung khi nói chuyện . Nói chuyện với ai thì chú tâm vào NGƯỜI nói chuyện và CÂU CHUYỆN đang nói. Đừng vừa nói chuyện vừa nhìn đồng hồ, vừa nói chuyện vừa tính toán ngày mai đi chợ mua gì…
Chú tâm vào nghe. Nghe là 80% của sự giao tiếp. Nghe với trái tim, nghe với ước muốn được chia sẻ và đồng cảm, nghe với tư cách của một người hỗ trợ. Đặt mình vào hoàn cảnh của người nói, thấu hiểu hoàn toàn họ. Nghe mà như nuốt từng lời.

Nhìn người đối diện. Nhìn là 10% của giao tiếp. Nhìn thẳng vào, ánh mắt dịu dàng ấm áp, không phải nhìn trừng trừng như ăn tươi nuốt sống người ta. Cũng đừng nhìn lên trần nhà, nhìn xuống gầm bàn…Đừng nói chuyện mà mắt cứ nhìn ra đường, hay liếc lên màn ảnh tivi. Nhìn người đang nói sẽ giúp nghe rõ hơn và đúng hơn. Nhìn chính là nghe ngôn ngữ thân thể, đọc các cử chỉ tế nhị của cơ thể người ta, rồi phân tích và xử lý.

Và nói chính là 10% còn lại của giao tiếp. Lúc nói, làm ơn nói cho rõ ràng. Mình chưa nói hay được thì tập nói đúng trước. Nói rõ, gãy gọn, diễn dạt dễ hiểu một vấn đề, vì mục đích của nói là cho người ta biết ý trong đầu mình, đừng để cho người ta thấy trong đầu mình là một mớ các ý kiến bùng nhùng, nên nói năng ra nó mới lộn xộn thế. Nói chưa hay thì chỉ nên nói rõ ràng theo các ý, ý 1 là, ý 2 là, túm lại là…., đừng bắt chước vòng vo kiểu MC trên tivi. Mình nên lựa những lời tích cực, đồng cảm, cám ơn, khen ngợi….

Dùng chức năng nói giảm nói tránh với các vấn đề tế nhị, chẳng hạn như hôi nách, giữa chốn công cộng đông người mà móc cứt mũi, vân vê nặn mụn, ngậm tăm xỉa răng, rút chân ra khỏi giày, hút thuốc miệng mồm thúi quắc mà không nhai kẹo cao su …thì đừng nói thẳng kiểu dượng nói lúc nãy, họ nổi điên lên là họ quánh mình chết.

Tuy nhiên là ngoại trừ thể loại kém tinh tế quá, phải quát thẳng mới hiểu. Kiểu như ở Trung Quốc, ngay cả những khách sạn lớn hay sân bay, đi vệ sinh công cộng là một cực hình cho những người văn minh. Đàn ông con trai Trung Quốc không được hướng dẫn xiao-bian ( xèo ben là đái) phải ngay vào bồn cầu, nên cứ bắn toè loe ra ngoài, vàng cả thành bồn, ướt cả sàn, mùi hôi thối nồng nặc.

Nên người Trung Quốc thấy xấu hổ với bạn bè quốc tế sau Olympic Bắc Kinh, mới dán trên toilet những câu đại loại như ” một bước gần tới bồn cầu- một bước tới văn minh” hay ” bạn hãy đứng sát vào, cái đó của bạn không dài như bạn nghĩ..” nhưng hẻm có hiệu quả.

Dơ dáy vẫn hoàn dơ dáy vì thể loại này không được gia đình giáo dục từ nhỏ, nên chẳng để ý để tứ gì. Thế là bây giờ người ta sửa lại, ghi rõ luôn ” hãy tiểu thẳng vào bồn, đừng làm ướt sàn, đừng vứt thuốc lá vào, không được khạc nhổ nơi đây, không được rút chân ra khỏi giày trên xe buýt, máy bay, hay chốn công cộng, yêu cầu nói khẽ cười duyên..” vì tinh tế không nổi nữa. Và ghi rõ hình phạt luôn.

Tóm lại, yêu người và tập trung khi nói chuyện, mình sẽ thành người tinh tế.
Và tinh tế là lợi thế số một trong giao tiếp và ngoại giao. Mình cứ tập đi, rồi sẽ có.
Nếu rèn luyện óc tinh tế không xong, thì rèn luyện óc tinh tướng cũng được.

Tác giả: Tony Buổi Sáng

Xem thêm:
Bạn chỉ có một cuộc đời để sống
Sắp xếp thời gian – Bài: 12