Home / Ôn thi THPT / Ôn thi THPT môn Văn / Phân tích các đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng

Phân tích các đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng

Phân tích các đoạn thơ trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng

Đề thi 1: Phân tích Hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
I. MỞ BÀI
Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc… nhưng thành công nhất vẫn là thơ ca. Các tập thơ tiêu biểu của Quang Dũng được bạn đọc biết đến nhiều như “Mây đầu ô”, “Mùa hoa gạo”… Nhưng tên tuổi của Quang Dũng có lẽ đã gắn liền với bài thơ Tây Tiến. Bài thơ ra đời vào năm 1948 in trong tập “Mây đầu ô” là bài thơ tiêu biểu nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc mà tiêu biểu là đoạn thơ sau đây:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mầu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn sứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

II. THÂN BÀI
1. Khái quát trước khi phân tích: Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập đầu năm 1947. Thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới phía Tây. Năm 1948, Tây Tiến giải thể để thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng cũng chuyển sang đơn vị khác. Sau khi rời đơn vị cũ chưa được bao lâu Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này. Đoạn thơ ta đang phân tích là đoạn thơ thứ ba trong bài Tây Tiến.

2. Hai câu thơ đầu Quang Dũng khắc họa vẻ đẹp bi tráng của người lính:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm

– “Bi” là đau thương. “Tráng” là hùng tráng, hào hùng. Nghĩa là trong đau thương vẫn hào hùng lẫm liệt. Đầu tiên là cái bi thương của người lính được gợi lên từ ngoại hình ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá. Đoàn quân trông thật kì dị: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Sở dĩ người lính Tây Tiến đầu trọc danh xanh là do hậu quả của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa như tàu lá. Những cơn sốt rét rừng ác tính ấy không chỉ có trong thơ Quang Dũng mà còn để lại dấu ấn đau thương trong thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung:
Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán đẫm mồ hôi
(Chính Hữu)

Cuộc đời gió bụi pha xương máu
Đói rét bao lần xé thịt da
Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh
Đâu còn tươi nữa những ngày hoa!
Lòng tôi xao xuyến tình thương xót
Muốn viết bài thơ thấm lệ nhoà
Tặng những anh tôi từng rỏ máu
Đem thân xơ xác giữ sơn hà
(Lên Cấm Sơn – Thôi Hữu)

– Đó còn là hình ảnh bộ đội ta cạo trọc đầu để dễ dàng trong sinh hoạt và đánh giáp lá cà. Thời kháng Pháp những anh lính như vậy còn gọi là anh “Vệ túm”, “Vệ trọc”. “Quân xanh màu lá” là trang phục màu xanh áo lính, màu xanh của lá ngụy trang, màu của núi rừng.

– Bên cạnh cái bi ta còn thấy cái Hào hùng: thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ của người lính. “Không mọc tóc” là cách nói ngang tàng rất lính, hóm hỉnh vui đùa với khó khăn gian khổ của mình. Mặt khác cái hào hùng còn hiện lên qua cách dùng từ Hán Việt “Đoàn binh” . Chữ “đoàn binh” chứ không phải là đoàn quân đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường của sự hùng dũng, trong đó có dáng dấp của “Quân đi điệp điệp trùng trùng” trong thơ Tố Hữu, của “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (Sức mạnh ba quân nuốt trôi trâu) trong thơ Phạm Ngũ Lão. Ba từ “dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ. “Mắt trừng” là đôi mắt dữ tợn, căm thù, mạnh mẽ, nung nấu quyết đoán làm kẻ thù khiếp sợ.

3. Hai câu thơ tiếp theo là vẻ đẹp của tâm hồn của những chàng trai Hà Nội lãng mạn, hào hoa:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

– Hai chữ “Mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: mắt trừng là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ thề sống chết với kẻ thù. Nhưng đôi mắt trừng ấy còn “gửi mộng qua biên giới” là đôi mắt có tình, đôi mắt thao thức nhớ về quê hương Hà Nội về một dáng kiều thơm trong mộng trong mơ. Với ý nghĩa ấy ta thấy, người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa, những con đường mùa thu thơm lừng hoa sữa… hay chính xác hơn là nhớ về một dáng kiều thơm, bóng dáng của những người bạn gái Hà Nội yêu kiều, diễm lệ. Có một thời người ta hiểu rằng câu thơ này mang mộng tiểu tư sản quá nhiều làm giảm đi chất chiến đấu. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng đó là một vẻ đẹp của tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, hướng về Thủ đô. Người lính dẫu ở nơi biên cương hay viễn xứ xa xôi nhưng lòng lúc nào cũng hướng về Hà Nội, về quê hương. Chính quê hương tăng thêm cho họ sức mạnh để đi “Lấy máu nó trả thù này”.

– Thơ ca kháng chiến chống pháp cũng đã khắc họa bao gương mặt nỗi nhớ như thế. Đó là nỗi nhớ ruộng đồng “Ba năm rồi gửi lại mái lều tranh/ Luống cày đất đỏ/ Tiếng mõ đêm trường/ Ít nhiều người vợ trẻ / Mòn chân trên cối gạo canh khuya” (Hồng Nguyên). Đó là nỗi nhớ “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Mỗi gương mặt nỗi nhớ ấy là lính nông dân hay lính thành thị thì nỗi nhớ ấy cũng là nỗi nhớ của những tâm hồn luôn hướng về đất nước, tổ quốc, quê hương.

4. Hai câu thơ tiếp, Quang Dũng đã làm hình ảnh người lính ngời lên vẻ đẹp lí tưởng của thời đại: Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Quang Dũng đã viết nên những câu thơ đầy chất tráng ca:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

– Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” toàn từ Hán Việt gợi không khí cổ kính: “biên cương”, “viễn xứ” là nơi biên giới xa xôi, nơi heo hút hoang lạnh. Nhà thơ nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, miêu tả về cái chết, không né tránh hiện thực. Những nấm mồ hoang lạnh vô danh mọc lên dọc đường quân hành nhưng không làm chùn bước chân Tây Tiến. Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Vì thế cho nên câu thơ tiếp theo dữ dội như một lời thề sông núi: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

– Chiến trường là đạn bom ác liệt là hi sinh mất mát. Đời xanh là tuổi trẻ của mỗi người ai cũng quý cũng yêu. Vậy mà người lính lại “chẳng tiếc đời xanh” . Câu nói ấy vang lên chắc nịch mang cái vẻ bất cần, mang cái vẻ ngạo nghễ rất lính. Họ đã ra đi không tiếc tuổi thanh xuân là họ đã hiến trọn đời mình cho tổ quốc, đất nước. Bởi chết cho tổ quốc chính là chết cho lí tưởng. Còn quyết tâm nào cao quý và thiêng liêng hơn thế nữa chăng ?

– Ta chợt nhớ tới tích Kinh Kha sang đất Tần hành thích bạo chúa Tần Thủy Hoàng, bên bờ sông Dịch chàng dứt áo ra đi với khẩu khí yêng hùng tráng sĩ: ” Sông Dịch ù ù gió thổi/ Tráng sĩ một đi không trở về”. Vậy là người lính cụ Hồ không chỉ mang vẻ đẹp của thời đại mà còn mang một vẻ đẹp cổ kính đượm màu hiệp sĩ xa xưa.

5. Hai câu thơ cuối ca ngợi sự hi sinh bi tráng của những người lính Tây Tiến:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

– Áo bào là áo vua ban cho những người làm nên công trạng. Ở đây, điều kiện thiếu thốn đủ bề, người lính ra đi trong manh chiếu rách nhàu bọc lấy thân rồi vùi xuống đất. Nhưng qua câu thơ của Quang Dũng, manh chiếu rách ấy đã trở thành áo bào. Bởi vậy, cuộc tiễn đưa trở nên bi tráng.

– Sự ra đi của người lính được Quang Dũng dùng nghệ thuật nói giảm nói tránh “anh cề đất” làm dịu đi cái đau thương nhưng không tránh cho người đọc khỏi ngậm ngùi. “Anh về đất” là về với đất mẹ. Đất mẹ giang rộng vòng tay đón các anh trở về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt sự hi sinh ấy không chỉ làm cảm động đến con người mà còn làm cảm động đến cả thiên nhiên Tây Bắc. Con sông Mã xuất hiện ở đầu bài thơ trong nỗi nhớ chơi vơi của nhà thơ thì ở đoạn thơ này sông Mã lại xuất hiện trong tiếng gầm dữ dội. Đó là “khúc độc hành” của thiên nhiên đang tấu lên khúc nhạc thiêng liêng, trầm hùng đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng.

6. Nghệ thuật: thành công của đoạn thơ là nhà thơ đã sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái cổ kính, trang nghiêm. Sử dụng nghệ thuật đối lập, nhân hóa, nói giảm nói tránh. Lời thơ hàm súc vừa đượm chất hiện thực vừa gợi chất hào hùng, bi tráng. Bút pháp lãng mạn và sử thi đã làm nên hình tượng người lính cụ Hồ trong chín năm kháng chiến gian lao mà oai hùng lẫm liệt.

III. KẾT BÀI
Tóm lại, đoạn thơ ta vừa phân tích ở trên là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ Tây Tiến. Qua đoạn thơ, Quang Dũng đã dựng nên tượng đài bất tử về người lính thời chống Pháp vừa oai hùng lẫm liệt vừa trẻ trung lãng mạn. Bức tượng đài ấy trải qua bao gió bụi thời gian cũng sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Xin được mượn bốn câu thơ của Giang Nam thay cho lời kết:
Tây Tiến biên cương mờ lửa khói
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy, con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông

Đề bài 2 : Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ thứ ba bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

BÀI LÀM
Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Để có được nền độc lập tự do như ngày hôm nay là là nhờ lao to lớn của biết bao người chiến sĩ đã hi sinh thân mình bảo về tổ quốc. Hình ảnh người lính bước vào thơ ca cách mạng Việt Nam từ đó cũng đã trở thành một chủ đề lớn mà rất nhiều ngòi bút hướng tới. Tây Tiến của Quang Dũng cũng là một trong những bài thơ như thế. Bài thơ là nỗi nhớ của nhà thơ về thời gian gắn bó với đoàn binh Tây Tiến. Đặc trong đoạn thơ thứ ba, nhà thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng mà bi tráng, hi sinh thân mình cho tổ quốc tự do.

Trên con đường hành quân và chiến đấu gian khổ, những người lính của đoàn binh Tây Tiến luôn phải chịu những khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng vẫn rất lạc quan, yêu đời với tâm hồn lãng mạn, trẻ trung:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều Thơm”

Trên con đường hành quân xa nhiều gian nan, dù nắng gió hãy bao táp thì những người lính vẫn luôn hướng về phía trước. Hậu quả của những trận mưa rừng như trút là những trận sốt rét đáng nhớ đối với người chiến sĩ. Rừng hoang, sương muối cùng thuốc men thiếu thốn, những trận sốt rét ấy khiến người lính Tây Tiến rụng tóc, đầu trọc “không mọc tóc” rồi da trở nên xanh xao yêu ớt “quân xanh màu lá”.

Hình ảnh thơ “đoàn binh không mọc tóc” thể hiện một cái nhìn vô cùng hài hước của nhà thơ. Đọc câu thơ người đọc liên tưởng đến hình ảnh tóc cũng không thèm mọc. Nó là một cái nhìn rất đỗi lạc quan của nhà thơ cũng như người lính. Nhà thơ cũng không nói các anh chiến sĩ gầy ốm xanh xao mà nói “quân xanh màu lá”. Cùng với hình ảnh thơ “giữ oai hùm”, hai câu thơ nhấn mạnh dù có khó khăn, vất vả và gặp nhiều gian nan đến đâu, người lính Tây Tiến vẫn luôn vô tư và lạc quan, luôn giữ một phong thái hiên ngang, bất chấp gian khổ để tiến lên phía trước. Không hề sơ hãi trước mũi súng kẻ thù, các anh luôn trong tư thế ngẩng cao đầu, oai phong như hùm khiến giặc phải khiếp sợ. Hai từ “mắt trừng” càng nhấn mạnh sự căm phẫn trước tội ác của kẻ thù và tâm thế luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Đó là một vẻ đẹp rất hào hùng của những người lính trong đoàn binh Tây Tiến.

Không chỉ mang vẻ đẹp lạc quan, yêu đời và rất đỗi hào hùng, những người lính Tây Tiến còn hào hoa và lãng mạn trog hình ảnh “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. Nếu tìm hiều về xuất thân của những người lính trong đoàn quân ấy, người đọc sẽ càng thấu hiểu được tâm hồn lãng mạn của các anh. Người lính trong đoàn quân Tây Tiến đều là những người trí thức trẻ tuổi, họ là học sinh, sinh viên gác bút nghiên, lên đường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Bởi thế nên tâm hồn người lính trẻ này từ lâu đã rất hào hoa, lãng mạn. Đêm đêm, người lính Tây Tiến mơ đến “dáng Kiều thơm” nơi Hà thành cũng là một điều thật dễ hiểu. Nhớ về dáng kiều cũng là nhớ về quê hương Hà Nội đã gắn bó với các anh suốt những năm tháng dưới mái trường, trước khi các anh lên đường nhập ngũ.

Miên man trong vẻ đẹp của những người lính Tây Tiến, hình ảnh người lính lại tiếp tục hiện lên thật đẹp đẽ, oai hùng mà bi tráng trong những vẫn thơ tiếp:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự thật của chiến tranh. Nơi khói lửa can qua, sau những trận đánh lớn, biết bao người lính hiên ngang đã ngã xuống. Nghệ thuật đảo ngữ “rải rác” đã thể hiện rõ sự thật ấy. Hình ảnh “ biên cương mồ viễn xứ” đều sử dụng các từ hán việt khiến câu thơ mang một màu sắc cổ kính hơn, bi hùng hơn. Câu thơ gợi lên một bức tranh về những nấm mồ rải rác nơi biên ải xa xôi sau những trận đánh ác liệt. Nhưng nói lên hiện thực ấy để nhà thơ khẳng định một điều rằng người linh dù hi sinh vẫn không hề nuối tiếc “chẳng tiếc đời xanh”. Bốn từ “chẳng tiếc đời xanh” như một lời thề sắt son của các anh, nguyện hi sinh vì đất nước, vì nhân dân và vì tự do cho dân tộc này. Đó là sự “ra đi không hẹn ngày về, lòng mang khát vọng trong tim”.

Hình ảnh sự hi sinh của người lính hiện lên trong thơ Tây Tiến không hề bi thương mà rất bi hùng. Điều đó thể hiện qua hình ảnh “áo bào”. Một người lính khi hi sinh nơi biên ải cũng chỉ được cuốn một manh chiếu. Nhưng qua cái nhìn hào hùng, bi tráng của nhà thơ cũng là một người lính thì đó là chiếc áo bào oai phong của người lính lúc “về đất”. Người chiến sĩ ra đi cũng thật hiên ngang như những vị tướng sĩ ngày xưa. “Về đất” không có nghĩa là cái chết, mà “về đất” là về với đất mẹ kính yêu rất đỗi nhẹ nhàng.

Câu thơ “sông Mã gầm lên khúc độc hành” mang một vẻ đẹp thật hào hùng, nó giống như một khúc ca vang lên thống thiết tiễn đưa những người lính. Hình ảnh “sông Mã gầm lên” cũng cho người đọc nhiều liên tưởng sâu sắc. Đến thiên nhiên cũng phải thổn thức gầm lên trước sự ra đi ấy, nó cũng thể hiện sự đau đớn biến thành sức mạnh để những người lính, những người đồng đội của các anh tiếp tục chiến đầu cho tổ quốc tự do, độc lập.

Bằng những hình ảnh thơ đặc sắc, ngôn ngữ giàu hình tượng, các biện pháp tu từ…, nhà thơ Quang Dũng miên man trong nỗi nhớ về đoàn binh Tây Tiến với nhiều kỷ niệm. Đoạn thơ đã khắc họa tài tình hình ảnh người lính của đoàn quân Tây Tiến rất đỗi trẻ trung, tâm hồn lãng mạn dù có đối đầu với bao khó khăn trong hành quân và chiến đấu. Đoạn thơ đã dựng lên một bức tượng đài hào hùng mà bi tráng về người lính Tây Tiến, đó mãi là hình tượng đẹp sống trong trái tim của thế hệ trẻ hôm nay.