Made In Korea – Câu chuyện cuộc đời Chung Ju Yung & Công cuộc gây dựng đế chế Huyndai từ gian khó
Tác giả: Richard. M. Steers
Gới thiệu sách:
Made In Korea kể lại câu chuyện của Chung Ju Yung, người đã tự đứng lên từ nghèo khó để gây dựng nên một đế chế lớn nhất, thành công bậc nhất thế giới – Hyundai – nhờ vào sự sáng tạo, kiên trì, nhờ lựa chọn thời điểm phù hợp, nhờ năng lực chính trị, và nhờ chiến lược kinh doanh mà ít ai trong số đối thủ của ông có thể lĩnh hội được.
Với những trang ảnh màu chưa từng được công bố tại phương Tây, bao gồm cả thông tin về chuyến thăm Bắc Triều Tiên mang tính lịch sử của ông năm 1998, Made In Korea kể lại câu chuyện đời của Chung Ju Yung, những cống hiến của ông cho xã hội và những bài học từ sự nghiệp của ông để lại cho những doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết.
“Một cuốn sách đáng đọc, hấp dẫn, chi tiết và đầy bất ngờ… Đây không phải là một cuốn tiểu sử như người ta vẫn nghĩ mà là một thước phim chân thực, trong đó những khó khăn về kinh tế, những rào cản chính trị hay những bất đồng mang tính xã hội dường như đã làm nền để tinh thần doanh nhân và khả năng lãnh đạo thăng hoa.” – P.Christopher Earley.
Tóm tắt nội dung sách:
Tại Triều Tiên những năm đầu thế kỉ XX, trong một xã hội phong kiến và chịu sự đô hộ của Nhật Bản, Chung Ju Yung 16 tuổi, con trai trong một nhà nông nghèo đói, cảm thấy nghề nghiệp của gia đình mình quá khổ cực mà còn không đủ ăn nên quyết định rời khỏi nhà lên thành phố tìm một con đường mới. Sau ba lần bỏ đi thất bại phải quay về trong sự xấu hổ, đến lần thứ tư, ông đã thành công. Nhờ tài giỏi và sự tâm huyết, ông trở thành chủ của một cửa hàng buôn gạo, rồi mở một cửa hàng sửa chữa xe hơi, sau đó đi theo đam mê xây dựng để thành lập Công ty Công trình Công chính Huyndai.
Sau tất cả mọi nỗ lực, kiên trì, với khả năng sáng tạo và năng lực kinh doanh của mình, Chung Ju Yung được nhắc đến như một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới, “người đã tự đứng lên từ nghèo khó để gây dựng nên một đế chế lớn nhất, thành công bậc nhất trên thế giới – Huyndai”.
Made in Korea kể lại câu chuyện của Chung Ju Yung, vị chủ tịch sáng lập Tập đoàn Kinh doanh Huyndai của Hàn Quốc, người đã góp phần rất lớn đưa Hàn Quốc đi lên từ đống tro tàn của chiến tranh, từ một nước đói kém lạc hậu thành một trong bốn con rồng châu Á. Với những trang ảnh màu chưa từng được công bố tại phương Tây, bao gồm cả thông tin về chuyến thăm Bắc Triều Tiên mang tính lịch sử của ông năm 1998, Made in Korea kể lại câu chuyện đời của Chung Ju Yung, những cống hiến của ông cho xã hội và những bài học từ sự nghiệp của ông để lại cho những doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết.
Con đường của Chung Ju Yung và con đường của Hàn Quốc
Lịch sử của Hàn Quốc được ghi chép lại có bề dày lên đến 5000 năm với những cuộc đấu tranh, xung đột và thay đổi. Bắt đầu từ triều đại Tân La (Silla), thời kỳ được cho là có chế độ phong kiến phát triển cực thịnh nhất. Văn hóa Trung Quốc phát triển rực rỡ dưới triều đại Tân La và Phật giáo là tôn giáo chính thức của đất nước này. Tiếp đến là vương quốc Cao Ly
(Koryo) với sự phát triển của Nho giáo, hình thành chuẩn mực trong ứng xử trong xã hội thời đó và vẫn ảnh hưởng rất sâu sắc tới ngày nay. Giống như Việt Nam, trẻ em Hàn Quốc ngày nay vẫn được dạy bảo theo những giáo lý của đạo Nho, thậm chí Hàn Quốc có phần khắt khe và coi trọng hơn. Sau đó, vương quốc Triều Tiên (Choson) đánh dấu giai đoạn phát triển vượt bậc về kinh tế và văn hóa, đặc biệt là dưới thời vua Thế Tông (Sejong). Vua Thế Tông hiểu được rằng nghiên cứu khoa học cần được phát triển để giải quyết các vấn đề của đất nước chứ không phải những điều mê tín dị đoan.
Trong thời đại trị vì của ông, rất nhiều những phát minh đã được tạo ra để khắc phục những khó khăn trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong nông nghiệp: đồng hồ nước tự động, máy đo lượng mưa, dựng đồng hồ mặt trời công cộng,… Ngoài ra, vua Thế Tông là người đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trên thế giới và phát minh ra bảng chữ cái tiếng Hàn – hangul.
Nhưng sau đó, Hàn Quốc rơi vào chiến tranh và xung đột liên miên, bị nhòm ngó bởi các nước hàng xóm và phương Tây, trở thành thuộc địa của Nhật Bản với chế độ cai trị tàn ác trước khi đạt được sự phát triển thịnh vượng như ngày nay.
Quá trình lịch sử dài 5000 năm của Hàn Quốc được tác giả Richard M.Steers tóm gọn lại trong vòng 20 trang. Ông cho rằng hiểu về văn hóa và con người Hàn Quốc là rất quan trọng nếu muốn hiểu được những gì Chung Ju Yung đã làm để gây dựng nên Hyundai, bởi tinh thần doanh nhân của Chung Ju Yung gắn liền với tinh thần dân tộc, sự phát triển của Huyndai và sự phát triển của đất nước Hàn Quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau: Hàn Quốc phát triển nhờ những người như Chung Ju Yung và những tập đoàn lớn như Huyndai, còn Huyndai phát triển vì con đường mà Chung Ju Yung đã chọn cũng chính là con đường của Hàn Quốc.
Thiếu tướng Park Chung Hee đã lãnh đạo một cuộc đảo chính vào thời kì Hàn Quốc còn nghèo đói hoang tàn sau chiến tranh thế giới II và đang sống dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ. Một nhà quan sát thời đó nhận định:
“Vào cái đêm đảo chính mọi thứ gần như rơi vào hỗn loạn, từ kinh tế, chính trị đến xã hội. Bắc Triều Tiên đã bỏ xa chúng tôi, họ đã huy động được lực lượng hơn 10 năm rồi. Người dân ở đó làm việc chăm chỉ và đã mang lại kết quả thấy rõ…
Từ Tổng thống đến kẻ ăn xin đều có chung tâm lý ăn mày. Tư duy chung lúc đó là ‘chúng ta cần thêm viện trợ, chúng ta cần Mỹ giúp thêm’. Đến một nửa ngân sách nhà nước là dựa vào viện trợ chính phủ [Hoa Kỳ]”
Mặc dù chính phủ của Tổng thống Park Chung Hee bị chỉ trích nặng nề vì sự chuyên quyền độc đoán, sẵn sàng đàn áp những trường hợp chống đối nhưng có thể thấy rõ mục tiêu của Park Chung Hee chính là lãnh đạo đất nước Hàn Quốc phát triển và thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Ngay từ những ngày đầu tiên, ông đã ra sức kêu gọi đồng bào mình làm việc không biết mệt mỏi để phát triển đất nước, xây dựng những chính sách và kế hoạch để phát triển kinh tế. Táo bạo và có chiến lược, Park Chung Hee đã dẫn Hàn Quốc những bước đi đầu tiên vươn lên từ đống đổ nát lạc hậu.
“Thu nhập trên đầu người của Hàn Quốc trong thời gian cầm quyền của ông (giai đoạn 1960 – 1980) tăng 94 đô la lên 1.589 đô la, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 33 triệu đô la lên 17 tỷ đô la; tuổi thọ tăng thêm 10 năm, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm xuống còn một nửa. Rõ ràng người Hàn Quốc đã có những bước tiến dài trong quá trình phát triển kinh tế.”
Những mong muốn của vị Tổng thống này cũng là những mong muốn của Chung Ju Yung, tầm nhìn của ông cũng giống như của vị Chủ tịch lúc đó. Vì vậy, có thể nói Huyndai và Hàn Quốc lúc đó đã đi trên cùng một con đường, hai nhà lãnh đạo cũng trở nên thân thiết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, góp sức tạo nên một đất nước hưng thịnh.
Tinh thần doanh nhân và tinh thần “làm được” của Huyndai
“Điều kiện ở đây thật không tưởng, nhưng chúng tôi vẫn sống được. Tôi biết là có thể làm được.” – Quản lý dự án của Huyndai tại sa mạc ở Iran, 1975
Từ khi còn là một công ty xây dựng, Chung Ju Yung cùng những nhà lãnh đạo Huyndai đã có một tinh thần táo bạo. Chung Ju Yung cho rằng phải mở rộng hoạt động ra ngoài biên giới Hàn Quốc và quyết định Hàn Quốc là thị trường không đủ lớn đối với ông. Ông đã chớp lấy những cơ hội để mang tên tuổi và uy tín của Huyndai ra thế giới: xây dựng đường cao tốc băng rừng tại Thái Lan với rất nhiều khó khăn và thua lỗ 3 triệu đô la, kiếm hợp đồng xây dựng tại Việt Nam nhờ quân đội Mỹ,…
Ngoài những dự án tại nước ngoài đưa Huyndai trở thành một đối thủ đáng gờm quanh vành đai Thái Bình Dương, hai dự án lớn trong nước khác với vô vàn khó khăn được kể lại trong cuốn sách này cũng góp phần củng cố danh tiếng của Huyndai và giúp Chung Ju Yung dành được sự tin tưởng của Tổng thống Park.
Bấy giờ thì Huyndai đã trở thành công ty xây dựng hàng đầu Hàn Quốc và Chung Ju Yung đã ở tuổi 50, thời điểm mà các doanh nhân thường dành thời gian củng cố doanh nghiệp thay vì đi tìm những cuộc phiêu lưu mới. Nhưng với Ju Yung, Huyndai phải trở thành một trong những đại tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc chứ không chỉ là một công ty xây dựng nhỏ bé. Một lần nữa, Tổng thống Park và Chủ tịch Chung lại có chung một chí hướng: Hàn Quốc phải phát triển công nghiệp nặng, và Huyndai luôn sẵn sàng đi đầu. Chung Ju Yung từng có một cửa hiệu sửa chữa xe hơi, nhưng ông chưa từng sản xuất bất kỳ phụ tùng nào chứ đừng nói là cả một chiếc xe.
Nhưng ông tin làm mình sẽ làm được, ông sẽ vừa học vừa làm, giống như cách mà ông đã làm việc ở cửa hàng buôn gạo, ở cửa hàng sửa xe và thành lập Huyndai. Trong cuốn sách này, Richard đã nghiên cứu và tìm hiểu rất chi tiết về quá trình thâm nhập vào thị trường xe hơi của Huyndai và cách Ju Yung vượt qua những khó khăn để đưa Huyndai trở nên thành công trong lĩnh vực này.
Huyndai tiếp tục lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như công ty Xi măng Huyndai, công ty Kỹ thuật Huyndai, công ty Đường ống Huyndai,… với tham vọng trở thành tập đoàn toàn cầu và cũng để hỗ trợ cho hai nghành chủ đạo là xây dựng và chế tạo xe hơi. Chung Ju Yung không chỉ muốn đem lại tiền tài cho bản thân mình mà còn vì sự thịnh vượng của quốc gia và niềm tự hào dân tộc của người dân Hàn Quốc, và ông quyết định Huyndai sẽ tham gia vào ngành công nghiệp đóng tàu. Với kinh nghiệm là con số không, Ju Yung lại gặp vô vàn khó khăn và những lời từ chối từ các đối tác coi ông là một tay ngựa non háu đá:
“Đại diện của Barclay dẫn lại lời của chính Hiệp hội Đóng tàu Hàn Quốc rằng quốc gia này chưa có khả năng tạo ra những con thuyền có kích cỡ như vậy. Chung Ju Yung đáp:
Các vị nên biết rằng người tin sẽ làm được mới là người làm được. Nếu doanh nghiệp đóng tàu nào của Hàn Quốc cũng tin rằng những gì tôi đề xuất là điều khả dĩ thì họ đã đua nhau làm rồi. Nhưng chính vì họ không nghĩ là sẽ làm được nên họ mới chẳng thèm thử. Thế nên họ cũng chẳng mất gì khi đưa ra đánh giá như vậy. Tôi tin rằng dự án này khả thi, và vì tôi tin như thế nên tôi sẽ làm mọi điều có thể để biến nó thành hiện thực.”
Và một lần nữa, Chung Ju Yung và Huyndai lại làm được.
Đến cuối thập niên 70, Chung Ju Yung nhận thấy hai ngành trụ cột của Huyndai là xây dựng và công nghiệp nặng vẫn chưa đủ mạnh, và Huyndai bắt đầu những bước đi chập chững vào lĩnh vực điện tử. Thị trường thiết bị điện tử là một miếng bánh béo bở với Huyndai và Ju Yung quyết tâm phải dành lấy một miếng trong chiếc bánh này. Qua nhiều vấp ngã và bài học từ thất bại, Chung Ju Yung và Huyndai đã đạt được mục đích của mình, càng củng cố tinh thần “làm được” thêm vững chắc.
Ảnh hưởng tới xã hội và chính trị
Sự phát triển của các tập đoàn lớn như Huyndai nói riêng và Hàn Quốc nói chung đã tạo ra ảnh hướng lớn tới xã hội. Ngày càng có nhiều người trẻ từ các vùng nông thôn đổ về các thành phố để thoát khỏi cảnh nghèo đói, từ bỏ nghề nông và tham gia vào ngành công nghiệp. Cũng như nhiều công ty khác, Huyndai coi nhân viên là khối đoàn kết giữ vai trò trung tâm bảo đảm cho sự thành công của công ty và tổ chức nhiều hoạt động hướng tới việc phát triển nhân viên.
“Tại sao nên làm việc cho Huyndai? Một nhân viên có thâm niên 14 năm làm việc tại Công ty Huyndai Motor nhớ lại trong một lần phỏng vấn: “Cha tôi là nông dân, và tôi tốt nghiệp trường phổ thông ở nông thôn. Lúc bấy giờ tôi nghĩ Huyndai Motor là chốn thiên đường. Tôi rất được cấp trên tin tưởng. Huyndai quan tâm đến những công nhân chăm chỉ. Tinh thần Huyndai chính là trụ cột của cả công ty.””
Vốn có tinh thần chăm chỉ theo tinh thần Nho học lại được công ty liên tục đào tạo tại chỗ, công nhân Hàn Quốc chẳng mấy chốc được ghi nhận là những người làm việc chăm chỉ nhất:
“Năm 1986, một công nhân người Hàn Quốc trung bình làm việc 54 giờ mỗi tuần, nhiều hơn bất cứ nước nào khác… Trong nhiều nhà máy, do phải làm thêm bắt buộc nên con số này lên đến 70 hay thậm chí cao hơn nữa. Số liệu thống kê cho thấy trong thời kỳ này, trung bình một công nhân nam người Hàn làm việc 2.833 giờ mỗi năm, trong khi của Nhật là 2.168 giờ, Mỹ là 1.898 giờ, và Đức là 1.625 giờ. Tương tự, mặc dù được hưởng khá nhiều, nhưng trung bình công nhân Hàn Quốc chỉ nghỉ thực tế 4,5 ngày mỗi năm, trong khi ở Nhật là 9,6 ngày, Mỹ là 19,5 ngày, còn Tây Đức là 30,2 ngày. Vì thế mà nhiều công nhân người Hàn còn chê công nhân Nhật Bản là “người châu Á mà còn lười””.
Mặc dù điều kiện đã được cải thiện rất nhiều nhưng công nhân Hàn Quốc vẫn muốn được hưởng nhiều hơn từ sự thịnh vượng của đất nước. Có rất nhiều những cuộc biểu tình, bãi công thậm chí biểu tình bạo lực, phá hoại đã diễn ra gây thiệt hại nặng nề về tài chính và ảnh hưởng đến quan hệ xã hội, và những tập đoàn lớn với số công nhân khổng lồ như Huyndai phải chịu thiệt hại rất lớn. Sau nhiều vụ đình công và biểu tình, các công nhân của Huyndai đã được tăng lương, giảm giờ làm, có điều kiện tốt hơn rất nhiều so với những công nhân khác thời bấy giờ nhưng vẫn tiếp tục đòi nhiều quyền lợi hơn nữa.
Vị Tổng thống mới đắc cử theo hướng dân chủ Kim Young Sam cũng phải lên tiếng công khai chỉ trích những người tổ chức đình công là họ “cần hiểu rằng nếu có những hành động ích kỷ thái quá, họ sẽ gây tổn hại đến không chỉ doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế quốc gia nữa, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chính lợi ích của họ mà thôi” và quan ngại “liệu có phải công nhân Huyndai giờ đây đã quá đề cao cái tôi hay không?”
Vì bị công chúng thờ ơ, lạnh nhạt, những người đình công đã phải nhận lỗi và rút lui, nhưng trong mối quan hệ này vẫn còn nhiều biến động theo những diễn biến của nền kinh tế Hàn Quốc và thế giới.
“Ở đâu xuất hiện nhu cầu kinh tế, ở đó chính trị sẽ nối gót” – Chung Ju Yung
Đến giữa thập niên 1980, Chung Ju Yung và công ty của ông đã gặt hái được rất nhiều thành công, nhưng ông vẫn luôn coi sứ mệnh của mình là phát triển công ty và xây dựng đất nước, và ông không hề có ý định dừng lại. Mặc dù Huyndai và Hàn Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trong những năm thập niên 80, nhưng đất nước lại bị cô lập về mặt chính trị. Có nhiều nước, trong đó có Nhật Bản và các nước Tây Âu, đều tránh dây dưa vì không muốn quan hệ với Liên Xô hay Trung Hoa Đại Lục, các quốc gia này không muốn bị cộng sản tẩy chay.
Với Chung Ju Yung, ông thấy rằng đã đến lúc thế giới công nhận những thành tựu công nghiệp hóa mà Hàn Quốc đã đạt được và tái lập lại quan hệ với các nước láng giềng. Ông đặt mục tiêu chinh phục bốn thử thách mà mọi người đều cho là bất khả thi: giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 1988 về cho Seoul, mở rộng quan hệ thương mại và chính trị với Liên Xô, kẻ địch cũ của Hàn Quốc, viếng thăm CHDCND Trung Hoa, một kẻ địch khác vào thời điểm đó và cuối cùng, ông sẽ là doanh nhân đầu tiên của Hàn Quốc viếng thăm Bắc Triều Tiên nhằm mục tiêu hòa giải hai đầu bán đảo.
Trong cuốn sách, quá trình chinh phục những thử thách không tưởng kia của Chung Ju Yung được thuật lại rất chi tiết, gồm cách Hàn Quốc giành được quyền đăng cai trước đối thủ Nhật Bản dù bị chơi xấu, thiết lập mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc trong vai trò đại sứ thương mại tự phong, chuyến đến thăm Bắc Triều Tiên lịch sử khiến quan hệ giữa hai bên có sự chuyển biến.
Ngoài ra, Chung Ju Yung cũng từng đối đầu với chính phủ của Tổng thống Roh Tae Woo vì có những chính sách làm kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế Hàn Quốc, trải qua nhiều khó khăn chính trị như cáo buộc trốn thuế, tài chính không trong sạch từ phía vị Tổng thống trong thời gian này.
Năm 1992, Chung Ju Yung tuyên bố tranh cử tổng thống ở tuổi 76.
Tinh thần Huyndai
Cuối thập niên 1980, Chung Ju Yung dự định xây một cơ sở ý tế lớn nhất và hiện đại nhất Hàn Quốc, nơi sẽ là trung tâm đầu ngành của cả nước về nghiên cứu và chăm sóc y tế, những giữa chừng ông phát hiện ra một công ty đối thủ cũng đang xây dựng một bệnh viện tương tự tại Seoul, thậm chí còn có tiến độ nhanh hơn bệnh viện của ông.
Chung Ju Yung không thể để đối thủ vượt mặt. Ông triệu tập một cuộc họp và tuyên bố lịch thi công của Huyndai sẽ được đẩy nhanh lên 6 tháng. Các giám sát khi nghe tin này đều biết rằng đó là một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng không ai dám lên tiếng, ngoại trừ một kỹ sư trẻ tuổi.
“Chàng trai trẻ hít một hơi dài, xin được bày tỏ quan điểm và nói rằng anh đã nghiên cứu các bản vẽ rất kỹ, và tin chắc rằng đẩy nhanh tiến độ lên ngần đấy thời gian là điều không tưởng, và bị Ju Yung sa thải ngay lập tức. Anh ta hỏi mọi người có ai phản đối ý kiến này của anh không. Một lần nữa, im lặng vẫn bao trùm. Mọi người quay trở lại làm việc, và thực ra là làm việc gấp đôi. Cuối cùng, dự án hoàn thành sớm 6 tháng, và lễ khánh thành được tổ chức trước đối thủ chỉ vài tuần, đúng như dự đoán của Ju Yung. Huyndai lại chiến thắng.”
Xuyên suốt cuốn sách này là những câu chuyện như vậy, những ví dụ về sự thành công hoàn toàn phi logic trong lịch sử của Huyndai. Quyết tâm thành công bằng được bằng mọi giá, không có chỗ cho thất bại chính là tinh túy của tinh thần Huyndai. Làm nhân viên của Huyndai dường như là một công việc có độ thử thách cao nhất trên thế giới, nhưng dù thường xuyên phải xa nhà, xa gia đình, làm việc liên tục căng thẳng, nhân viên của Huyndai thực sự yêu thích công việc của mình và luôn thể hiện tinh thần cống hiến cho công ty, khiến nhiều lãnh đạo phương Tây phải ghen tị. Để có được điều đó, Huyndai đã luôn đầu tư mạnh vào vốn con người, nhưng đồng thời cũng yêu cầu kết quả làm việc cao. Những nguyên tắc quản lý nhân sự của Huyndai được ghi lại trong cuốn sách đã tạo nên sự khác biệt đó.
Trong một bài phỏng vấn trên báo năm 1996, Chung Ju Yung nói: “Tôi làm việc vì tôi không thể nghỉ ngơi. Làm việc chính là sở thích của tôi.” Cách làm việc và cả phong cách sống của Chung Ju Yung mang lại nhiều bài học cho những doanh nhân khác trên thế giới và cho chính những nhân viên của Huyndai, xây dựng nên tinh thần Huyndai mà doanh nghiệp nào cũng muốn học hỏi.
“…Tổng Giám đốc của Chứng khoán Huyndai đồng thời là cộng sự lâu năm của Ju Yung, Lee Ik Chi đã nói: “Với tôi Ju Yung quan trọng hơn tất cả những vị lãnh đạo trên thế giới cộng lại. Ông đã cứu đất nước thoát khỏi đói nghèo. Thật sự tôi thấy lấy làm vinh hạnh vì được làm việc cho người như ông, được cùng ông làm nên lịch sử.”