Home / Review sách / Review sách Người bà tài giỏi vùng Saga

Review sách Người bà tài giỏi vùng Saga

Người Bà Tài Giỏi Vùng Saga
Tác giả: Yoshichi Shimada, Saburo Ishikawa

Đây là một cuốn sách có nội dung vô cùng ấm áp và dịu dàng, tác giả kể lại những ngày tháng sống chung cùng với bà ngoại của mình, mà theo như trong mắt cậu, bà ngoại chính là người tài giỏi nhất vùng Saga này.

Bà ngoại không phải kiểu tài năng theo nghĩa là hiểu biết về mọi kiến thức lĩnh vực, không phải là tài giỏi ở việc biết năng khiếu nghệ thuật. Mà bà là người giỏi giang và tháo vát trong chính cuộc sống hàng ngày. Từ việc bà biết cách tiết kiệm chắt chiu, thu gom tích cóp đồ phế liệu để lo cho cuộc sống hàng ngày, đến cách bà tận dụng những thứ bỏ đi để tái chế chúng thành những món đồ vô cùng tiện ích trong cuộc sống – tất cả đã tạo nên hình tượng một người bà vô cùng chăm chỉ chịu thương, chịu khó.

Theo chân cậu bé Akihiro, chúng ta dần hiểu thêm về cuộc sống của người dân Nhật Bản lúc bấy giờ: nghèo đói vất vả và lam lũ, vẫn còn đó những cảnh nghèo xác xơ ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh. Thế nhưng chính nhờ cách sống lạc quan của người bà ngoại, cậu bé Akihiro chưa bao giờ thấy tủi thân hay tự ti về cuộc sống của mình. Bà đã dạy cho cậu biết trân trọng từng khoảnh khắc, biết sẻ chia với mọi người và giàu lòng nhân ái với mọi thứ xung quanh.

Dù cuộc sống tuy nghèo, nhưng là cái nghèo vui nghèo vẻ, chứ không phải là sự nghèo khó vất vả. Ở cạnh bà, mỗi ngày của cậu bé Akihiro luôn là một ngày học được nhiều điều bổ ích, chúng ta có thể nghèo về của cải vật chất, nhưng không bao giờ nghèo về tình thương và lòng nhân từ.

“Có hai loại nghèo. Nghèo ủ ê và nghèo vui vẻ.
Nhà mình là nghèo vui vẻ. Với lại có phải gần đây mới nghèo đâu, cháu đừng lo.
Cứ tự tin lên. Nhà mình nghèo truyền kiếp từ đời cụ tổ rồi”.
Phải thật lâu rồi tâm hồn mình mới lại được tưới rửa bằng những dòng văn mát mẻ và ngọt ngào đến vậy. Thật như thể đang uống nước của dòng suối trong một khu rừng mùa hè.

8 năm sống với người bà “tài giỏi” vùng Saga. Tác giả đã học được một cách sống lạc quan bất chấp “cái nghèo” từ bà của mình. Một người bà coi dòng sông trước nhà như một cái siêu thị hàng ngày “phân phát” rau củ trôi dạt từ thượng nguồn. Một người bà tận dụng không sót loại nguyên liệu nào để chế thức ăn từ bã trà đến xương cá đến mặt nạ dưa hấu mà cháu mình vừa được bạn tặng. Người bà dỗ cháu ngủ sớm để tránh cái đói mỗi đêm.

Chính trong cảnh khổ ấy, mà tinh thần sống lạc quan của người bà đã bồi đắp nên tính cách vui vẻ, hài hước, yêu cuộc sống của người cháu sau này. Đối với bà, nghèo khổ không giới hạn một cuộc sống vui vẻ, “đủ đầy”. Trong cảnh nghèo khổ, bà không kẹo kiệt, trái lại đầy phóng khoáng, tử tế và không ngơi nghỉ dành tình thương yêu cho người cháu và những người khác.

“Lòng tốt, sự tử tế thật sự là khi không để ai nhận ra việc mình làm.”

Chính bà đã dạy cho người cháu điều ý nghĩa nhất về sự tử tế: “Sự tử tế thực sự là khi ta không để ai nhận ra điều mình làm (cho họ)”. Sự tử tế của những thầy cô giáo mỗi năm một lần đến hội thao đều “bất ngờ” bị đau bụng để có cớ đổi hộp cơm của mình với hộp cơm đạm bạc của người cháu. Sự tử tế của người bán đậu phụ cố tình làm vỡ những bìa đậu để bán cho bà cháu với giá siêu rẻ. Sự tử tế của những người dân sống ở một vùng quê còn nghèo đói và thiếu thốn ấy đã mang đến cho tác giả một bài học sâu sắc về nhân sinh.

Người bà rắn rỏi, tưởng hờ hững, lạnh lùng nhưng hoá ra lại là nguồn yêu thương vô bờ bến. Người đã dạy cho cháu biết cách tự nấu cơm, yêu thích chạy bộ. Người tiết kiệm từng xu ấy lại sẵn sàng cầm tờ 10000 yên đi gõ cửa cửa hàng bán giày mua cho bằng được đôi giày đắt nhất tặng cháu. Người giấu nước mắt không ngoái nhìn cháu để cháu vững bước đi đến trường học mới nơi sẽ không có bà ở bên nữa.

Cuốn sách ngắn nhưng khiến đủ khiến bạn cười khúc khích hay rưng rưng nước mắt. Bức tranh về tình người đôn hậu, chân phương mà đẹp đẽ dần dần hiện rõ. Mỗi chương đều rất ngắn nhưng đọng lại nhiều chi tiết ấn tượng. Khiếu hài hước của tác giả làm cho không khí của cuốn sách bao trùm sự vui vẻ, lạc quan. Hay chính đây là phương châm sống của những con người ở Saga, của người bà đã ảnh hưởng đến tác giả.

Hạnh phúc không phải là thức được định đoạt bằng tiền.
Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta.

Theo: Sơn Đoàn

Xem thêm:
Trich dẫn hay trong sách “Chiến Binh Cầu Vồng”
Trích dẫn hay trong sách “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”