Totto – Chan Bên Cửa Sổ
Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko
Totto Chan Bên cửa sổ – đó là một trong những quyển sách thiếu nhi rất hay mà mình được đọc.
Totto-chan bên cửa sổ – với thông điệp đầy ý nghĩa “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra phẩm chất tốt ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính”, đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới.
Truyện kể về cô bé Totto Chan bị đuổi học ngay những ngày đầu vào học lớp 1, mẹ cô đã phải vất vả rất nhiều để tìm một ngôi trường mới cho cô. Cuối cùng thì bà cũng tìm được- ngôi trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật.
Tại ngôi trường sử dụng phương pháp giáo dục trẻ em rất mới mẻ, đầy tình yêu thương và trân trọng bọn trẻ, mỗi ngày đến trường với các em đều là một ngày vui và được học hỏi nhiều thứ: sự cảm thông, tình yêu thương đối với con người, động vật, trách nhiệm với bản thân với người khác…cho đến sau này dù có người không có điều kiện tiếp tục học nữa thì họ cũng rất tự tin về bản thân và thành công theo một cách nào đó và tác giả là một trong những đứa trẻ đã học tại ngôi trường này.
Totto-chan bên cửa sổ giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thế giới của trẻ thơ, những thứ mà người lớn nghĩ nó chẳng là gì lại có thể là tất cả đối với một đứa trẻ. Như đối với Totto-chan học lớp 1 thì mong ước cả đời của cô bé là…….được bố mẹ mua cho gà con. Ngoài ra, xuyên suốt cuốn sách có thể dễ dàng bắt gặp những câu nói vô cùng hài hước mang đậm phong cách Totto-chan.
Câu chuyện dễ thương rất phù hợp cho các bạn nhỏ và các bạn lớn chuẩn bị làm phụ huynh hoặc đang làm phụ huynh.
Một vài đoạn trích trong sách:
“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn kế hoạch của các thầy cô nữa.”
“Thầy hiệu trưởng phê phán nền giáo dục hiện đại quá phụ thuộc vào chữ viết và ngôn từ đã phá hỏng giác quan biết cảm thụ thiên nhiên bằng trái tim, biết lắng nghe lời thì thầm của thần linh, biết chạm vào ngọn nguồn cảm xúc của trẻ em”
“Trên đời này điều đáng sợ nhất là có mắt mà không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai mà không nghe thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý…”
Xem thêm:
Review sách Người bà tài giỏi vùng Saga
Trich dẫn hay trong sách “Chiến Binh Cầu Vồng”