Trích đoạn hay trong sách “Không Gia Đình”
Buổi diễn tập xong, thầy bảo tôi:
– Này con! Con xem con có thể theo nghề diễn trò được không?
– Con không biết.
– Con có thấy chán không?
– Không. Con có phần thích.
– Như thế thì tốt lắm. Con có tư chất thông minh và có nết, quý hơn nữa là sự chú ý. Chú ý và dễ bảo thì làm gì cũng được. Con hãy trông những con chó của ta và so sánh nó với con Giôlicơ. Có lẽ con khỉ lanh lợi hơn, nhưng nó rất khó bảo. Nó dễ thuộc, nhưng dễ quên. Nó không bao giờ vui lòng làm những điều ta sai bảo nó, lại hay hục hặc, bướng bỉnh. Đó là bản tính của nó, nên ta không bực tức. Giống khỉ không như giống chó, nó không có ý thức về bổn phận và do đó kém xa giống chó. Con có hiểu không?
– Dạ!
– Vậy con ơi! Con phải chú ý, phải dễ bảo. Phải hết lòng, hết sức vào công việc con làm. Trong đời phải như thế.
– Thầy thực là hiện thân của sự nhẫn nại. Suốt buổi diễn tập, lúc nào cũng bình tĩnh không hề gắt gỏng với con hay với các con vật bao giờ.
Ông Vitali mỉm cười:
– Từ trước đến giờ con chỉ ở cạnh những người dân quê quen tàn nhẫn với loài vật. Họ tưởng muốn sai khiến loài vật lúc nào cũng phải có cái gậy trong tay.
– Mẹ con rất tốt với con Russet.
– Thế là bà ấy biết lẽ phải. Bà ấy sáng suốt hơn những người khác, bà hiểu rằng ngọt ngào hơn hung hãn. Ta không bao giờ đánh những con vật ta nuôi. Chúng sẽ khiếp sợ, sự khiếp sợ làm nhụt trí khôn. Hơn nữa, ta cũng không bao giờ nổi giận lên với chúng, vì nếu ta phải khùng thì ta không phải là ta nữa, ta sẽ không giữ được cái tính kiên trì mà con đã nhận thấy. Chính những kẻ dạy người ta học lại học được nhiều điều. Ta đã cho những con chó của ta bao nhiêu bài học, thì ngược lại, ta đã nhận của chúng bấy nhiêu bài. Ta mở mang trí khôn cho chúng, chúng tu dưỡng tính tình cho ta.
Nghe câu nói lạ, tôi cười.
– Con cho thế là lạ lùng phải không? Một con chó có thể dạy được người? Thế mà thực đấy. Con thử nghĩ xem. Con có nhận thấy rằng một con cho bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của chủ không?
– Điều đó đúng lắm.
– Vì thế, khi đã bắt tay vào việc giáo hoá một con vật, người chỉ phải giữ gìn tư cách. Trong khi dạy Capi, giả sử ta phát khùng, phát cáu, Capi sẽ làm gì? Nó cũng sẽ theo gương ta phát khùng, phát cáu rồi thành ra hư hỏng. Con chó thường là tấm gương phản chiếu của người nuôi. Cho ta xem con chó của con, ta có thể bảo con là người thế nào. Quân ăn cướp có con chó ăn cướp, kẻ trộm có con chó ăn trộm. Người quê mùa có con chó thô tục. Người phong nhã có con chó đáng yêu.
Mỗi ngày, chúng tôi phải đi cho hết đoạn đường hoặc dài, hoặc ngắn tuỳ theo những làng ở cách xa hay gần. Chúng tôi phải diễn trò mỗi khi gặp chỗ đông đúc có thể thu được tiền. Chúng tôi phải luyện lại những vai trò của các con chó và con Giôlicơ. Chúng tôi còn phải nấu cơm bữa sáng, bữa chiều. Xong những việc đó, mời là thì giờ để học chữ hay học nhạc. Nơi dừng chân để học phần nhiều là trong quán chợ, dưới gốc cây hay trên đống đá, lấy bãi cỏ hay vệ đường làm bàn để bày những miếng gỗ. Cách học tập này khác hẳn cách học tập đối với phần đông những trẻ bằng tuổi tôi được đến nhà trường. Chúng không phải làm lụng gì, chỉ có việc học. Thế mà nhiều khi chúng còn phàn nàn là không đủ thì giờ để làm bài. Nhưng có một điều quan trọng gấp mấy thì giờ để học tập, đó là sự chuyên cần. Không phải dành nhiều thời gian để học bài là có thể ghi được bài đó vào ký ức của ta đâu, mà cái chính là sự tập trung tư tưởng kia. May cho tôi, tôi đã tập trung hết tâm trí vào việc học không bị thú chơi đùa cám dỗ. Nếu tôi chỉ có việc ngồi trong phòng với hai tay bịt tai, hai mắt dán vào quyển sách như vài đứa trẻ ù lì khác, thì liệu tôi sẽ học được gì? Chẳng được gì cả, vì chúng tôi không có buồng để giam mình, và trong khi đi đường, tôi phải luôn nhìn xuống chân cho khỏi vấp ngã.
…oOo…
Thầy Vitali xưa nay vẫn giữ tôi luôn bên cạnh, bây giờ mới thả cho tôi tự do. Thầy bảo tôi:
– Ngẫu nhiên đã đưa con đi khắp nước Pháp trong khi những đứa trẻ bằng tuổi con đang cắp sách đi học, vậy con phải mở rộng mắt ra, nhìn lấy và học lấy. Có điều gì con không hiểu, có điều gì làm con bối rối, con cứ hỏi ta, đừng ngại. Có lẽ ta không thể trả lời được tất cả những câu hỏi của con vì ta không dám tự phụ là biết hết, nhưng có lẽ nhiều câu ta cũng có thể giải thích làm thoả được ý con. Vốn dĩ, ta có chuyên là ông bầu của những con vật làm trò rong đâu, vì ta đã học những điều khác, không phải những điều để “giới thiệu Capi hay Giôlicơ trước quý khán giả” như bây giờ đâu.
– Thầy đã học nghề gì ạ?
– Để một ngày nào đó ta sẽ cho con biết. Bây giờ con hãy biết rằng một người làm nghề “trình diễn chó” cũng có thể có địa vị trong xã hội. Và con cũng nên hiểu rằng nếu bây giờ con đang ở bậc thang dưới cùng trong xã hội, nếu con quyết chí, con có thể dần đạt một bậc cao hơn. Điều đó tuỳ thuộc hoàn cảnh một tý, còn tuỳ thuộc ở con rất nhiều. Con ơi! Con hãy nghe những bài học của ta, những lời khuyên của ta. Sau này khôn lớn, con sẽ nhớ đến – ta mong thế – nhớ đến người nghệ sĩ giang hồ già nua đã rứt con từ trong tay người mẹ nuôi, chắc con phải ngậm ngùi và biết ơn, vì ta yên trí rằng cái duyên gặp gỡ giữa ta và con sẽ đem lại hạnh phúc cho con.
…oOo…
Thầy Vitali bảo tôi:
– Chúng ta đang ở bãi Lăngđơ đấy. Còn phải đi trong sa mạc này từ hai mươi đến lăm dặm nữa. Con phải dồn hết can đảm vào hai chân con đấy.
Tôi nghĩ không những phải dồn hết can đảm vào hai chân, mà con phải để vào óc và tim nữa, vì đi trên con đường hình như vô tận này, tôi cảm thấy một nỗi buồn khó có thể xua tan được. Sau này, tôi đã nhiều lần đi biển. Mỗi khi tôi ở giữa biển khơi mà không trông thấy bóng một cánh buồm nào là lòng tôi lại thấy phảng phất một nỗi buồn khôn tả như nỗi buồn mà tôi cảm thấy trong bãi sa mạc này. Khác nào như ở trên biển cả, chúng tôi đứa mắt nhìn khắp bốn phương, cho tới chân trời chìm đắm trong màn sương mù, chẳng thấy gì cả, chỉ thấy màu đất xám mênh mông, hiu quạnh ở trước mặt chúng tôi.
…oOo…
Tôi đang cố gắng tự đặt mình vào trong đám lộn xộn nào mái nhà, nào gác chuông, nào tháp đang mất hút sau sương mù và khói thì thầy Vitali bước lại tới bên cạnh tôi.
– Thế là đời chúng ta thay đổi rồi, thầy nói, chỉ bốn tiếng đồng hồ nữa chúng ta sẽ tới Paris. Và… ở Paris, chúng ta sẽ chia tay nhau.
Tôi đưa mắt nhìn thầy Vitali, thầy cũng nhìn tôi, mặt tôi tái đi, môi tôi run lên, tất thảy đều nói lên cho thầy biết những gì đang diễn ra trong tôi.
– Con có vẻ lo lắng phải không? – Thầy nói, cũng khổ não như tôi.
– Chúng ta chia tay nhau! – Cuối cùng tôi nói khi những giây phút ngạc nhiên đầu tiên đã qua đi.
– Thằng bé tội nghiệp! – Câu nói này và nhất là giọng nói lên câu nói đó làm nước mắt tôi trào ra, đã lâu quá rồi tôi mới được nghe một câu nói đầy thiện cảm đến thế!
– Ôi! Thầy là con người tốt quá! – Tôi kêu lên.
– Con mới là cậu bé tốt, một trái tim tí hon dũng cảm. Con thấy đấy, ở đời có những lúc người ta cảm thấy sung sướng khi tìm thấy một người mà ta có thể dựa vào được. Ta sung sướng có con bên cạnh, thấy con nghe ta nói mà mắt nhoà lệ ta nhẽ nhõm hẳn người. Bời vì ta, chú Rémi bé bỏng của ta, ta cũng rất đau lòng.
Chỉ mãi về sau này, khi mà tôi đã có một người để yêu, tôi mới cảm nhận và hiểu thấu tất cả sự đúng đắn của câu nói này.
– Khổ một nỗi là, thầy Vitali nói tiếp, bao giờ người ta cũng phải chia tay đúng vào lúc cảm thấy ngược lại, tức là muốn gần nhau hơn nữa.
…oOo…
Espinassous kêu:
– Nếu mày ở lại đây với bác, bác sẽ đào tạo mày thành một nhạc sĩ lớn, nghe chưa cháu! Buổi sáng cháu cắt tóc cạo mặt, còn bao nhiêu thì giờ trong ngày bác sẽ cho cháu học nhạc. Đừng tưởng bác là thầy xoàng không dạy nổi cháu vì bác là thợ cắt tóc đâu nhé, người ta phải sống chứ, thế cho nên cạo mặt là việc tốt. Không phải vì làm nghề cạo mặt mà Jassmin không là nhà thơ giỏi nhất nước Pháp, Agen có Jasmin, Mende có Espinassous.
Nghe xong bài diễn văn này tôi nhìn Mattia. Nó sẽ trả lời thế nào đây? Tôi sắp mất bạn tôi, em ruột tôi chăng, cũng như đã liên tục mất tất cả những người mà tôi yêu quý? Tim tôi thắt lại. Tuy nhiên tôi không để mình bị chi phối vì tình cảm này.
– Hãy nghĩ đến cậu, Mattia ạ. – Tôi ngậm ngùi bảo.
Nhưng nó nhanh nhẹn đến chỗ tôi, cầm lấy tay tôi:
Phải rời bỏ bạn cháu ấy à? Cháu không thế. Cháu xin cảm ơn bác, bác ạ.
Espinassous nhấn mạnh rằng sau khi Mattia học xong nhạc lý cơ bản, ông sẽ tìm cách gửi nó đến Toulouse, rồi đến nhạc việc Paris, nhưng Mattia đáp:
– Bỏ Rémi ấy à? Không bao giờ!
Khi tới Mende tôi đã yêu Mattia lắm rồi, nhưng ra khỏi thành phố Mende tôi càng yêu nó nhiều hơn. Còn gì tốt đẹp hơn, dịu lòng hơn là cảm nhận được một cách chắc chắn tình yêu bởi người mà mình yêu? Và còn biểu hiện tình yêu thương nào lớn hơn khi mà Mattia từ chối lời đề nghị của Espinassous, có nghĩa từ chối sự yên ổn, sự an toàn, cuộc sống thoải mái, hiện tại thì được học hành, tương lai thì được giàu sang, để cùng tôi chia sẻ đời phưu lưu gian khổ không có tương lai thậm chí có lẽ không còn cả ngày mai nữa. Trước mặt Espinassous tôi không thể nói được với nó rằng lời nó kêu lên “Bỏ Rémi ấy à?” đã làm tôi xúc động đến thế nào, nhưng khi ra ngoài rồi, tôi cầm lấy tay nó, siết chặt mà nói:
– Cậu biết đấy, tình bạn giữa chúng ta trung thành với nhau đến trọn đời đấy nhé!
Nó mỉm cười nhìn tôi với đôi mắt mở to:
– Tớ đã biết điều đó từ trước ngày hôm nay rồi.
Xem thêm:
Trích dẫn hay trong sách “Bài giảng cuối cùng”
Trich dẫn hay trong sách “Chiến Binh Cầu Vồng”