Home / Sống / Viết cho tuổi 22

Viết cho tuổi 22

Viết cho tuổi 22 – Tony Buổi Sáng

Hai bạn đều 1996, tốt nghiệp ĐH, cởi bỏ tấm áo kỹ sư, cử nhân tài năng, bỏ danh hiệu học sinh trường chuyên thi ĐH hai mấy điểm, lên đường đi working holiday, tức lao động chân tay để kiếm tiền đi chơi trong 1 năm. Nhưng các bạn cũng phải tốt nghiệp cao đẳng hay ĐH nhé, không có bằng tốt nghiệp là bên nước ngoài không nhận theo các chương trình working holiday này đâu, đừng có ngây ngô bỏ học nửa chừng khi chưa có 1 lựa chọn khác rõ ràng.

Hai bạn này đã đi nước ngoài vác chuối theo chương trình thực tập sinh nông nghiệp, ngày vác mấy tấn, từ sáng tới tối. Xin boss cho thêm việc, để có thêm kinh nghiệm, có thêm chút tiền công. Rảnh là 2 bạn ngồi học tiếng Anh, đọc sách, giúp đỡ bạn bè, đá bóng giao lưu với công nhân và sinh viên các nước khác.

Boss tư bản lạnh lùng, chưa xúc động trước bất cứ ai, mà thấy 2 thèng nhỏ trắng trẻo lúc nào cũng quần quật, đã xúc động nói 22 tuổi mà đã chịu khó như vậy, có đầu óc như vậy thì giàu có phồn vinh là điều chắc chắn. Việt Nam rồi sẽ thành quốc gia nông nghiệp mạnh nhất Đông Nam Á với thế hệ trẻ. Vì tụi mày không phải là công nhân chuyên nghiệp, tụi mày chịu làm chân tay nhưng lại có đầu óc, đó là cái quan trọng.

Người có đầu óc mà CHỊU lao động chân tay, thì tư duy phát triển rất nhanh, thành tựu về sau rực rỡ, vì óc quan sát và sự tinh tế, sự tháo vát và óc sắp xếp….chỉ có thông qua lao động. Giống người thích đọc sách vậy, họ có đầu óc, đọc mới hiểu, mới thấy hay, mới thích đọc tiếp, mới chủ động đọc (còn nhóm bắt đọc thì thường không hiểu hết, hoặc hiểu sai. Còn nhóm không đọc sách mà cũng không chịu lao động chân tay….thì không cần phải nhắc đến vì sẽ tốn thời gian).

Hai bạn kể ban đầu làm tay chân không quen, mệt đến lả người, nhưng cứ mệt thì uống nước, rồi nắm chặt tay đứng lên tiếp tục làm. Rồi bị quản lý hay boss rầy la vì làm sai, làm chậm. Trời mùa hè thì nóng như thiêu như đốt, mùa đông thì lạnh thấu xương.

Nhiều lần cũng muốn bỏ cuộc, chán nản, nhưng rồi tự nhủ cố gắng, cố gắng, rồi cơ thể cũng quen với cường độ lao động cao. Còn trẻ còn khoẻ, phục hồi rất nhanh. Boss chủ trang trại chục triệu đô, con cái họ đang là học sinh chứ cũng nhào vô làm quần quật y chang mình, thậm chí còn làm nhiều thời gian hơn, nên những khái niệm NGẠI khi lao động chân tay tự dưng biến mất. Về nước thì việc to việc nhỏ gì cũng làm được. Hai bạn mỗi lần nghe chửi là chăm chú tiếp thu, rồi gặp boss hứa không tái phạm, ghi lại vô sổ cho mình. Mỗi lần được tăng ca, làm tới 14h/ngày thì rất thích thú vì tuổi 22, cần được thử thách. Bóc lột càng nhiều càng trưởng thành hơn.

Hai bạn thấy tuổi thơ của mình đã dại dột. Suốt ngày chỉ học và học luyện thi nên đầu óc non nớt, ra trường chả ai cho cơ hội gì để sử dụng chất xám cả. Xin việc lương ngàn đô cho xứng công sức học hành nhưng chả ai nhận, chỉ toàn những việc tháng lương dăm bảy triệu, không đủ sống ở đất Sài Gòn Hà Nội, 2 thành phố này việc thì rất nhiều, nhưng toàn việc lương thấp cả, việc lương cao chỉ dành cho 1 thiểu số người cực kỳ tài năng hoặc có kinh nghiệm. Ngẫm lại thì thấy mình tự ảo tưởng sức mạnh và sĩ diện bằng cấp, chứ có chất xám gì mà đòi người ta trả lương cao.

Thế giới nhiều người quá giỏi, mình chỉ là tép riêu, tứ cố vô thân, thôi tính đường khác vào đời. Một năm mình đi xuất khẩu lao động là 1 năm đi rèn luyện thể lực, COI NHƯ ĐI TẬP GYM CÓ TIỀN NGÀN ĐÔ. Vác chuối coi như đẩy tạ. Tập gym cả 10 tiếng/ngày là 1 cơ hội lớn để đổi thể hình. Cơ bắp sau 4 tháng ở xứ người đã cuồn cuộn, ngực nở, tay to, tăng mấy cân so với thời ngồi ôm máy tính dặt dẹo ở Việt Nam.

Quan trọng là được tận mắt chứng kiến những ông chủ nước ngoài tổ chức sản xuất, tổ chức kinh doanh, tổ chức quản lý….để bắt chước. Phải quan sát và chính tay mình làm trực tiếp trong một thời gian dài thì mới hiểu, mới nhớ. Đó là cái học lớn nhất mà hai bạn có được chứ không phải là lương bổng tiền công.

Vì đây là chuyến đi working holiday nên tiền làm ra chủ yếu là để holiday, nên chỗ nào các bạn cũng đi chơi, chứ không phải mục đích là xuất khẩu lao động. Tuổi trẻ thế giới cũng làm y chang vậy, gọi là gap year, thậm chí con cái của tỷ phú đô la vẫn chọn gap year 1 năm lao động chân tay ở nước khác để rong chơi, trước khi trở về làm việc chính thức lĩnh vực chuyên môn họ đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ ở châu Âu hay các chuyên viên tài chính ở phố Wall, đều chọn gap year là working holiday 1 năm, ví dụ đi hái nho ở New Zealand hay trồng cacao ở châu Phi hay phục vụ nhà hàng ở Nha Trang.

Mặc dù đi chơi là chủ yếu (working holiday nghĩa là từ holiday là từ chính, working là từ bổ nghĩa), tuy nhiên tháng tháng, các bạn cũng tiết kiệm gửi về một ít, dành tiền mua đất nông nghiệp rồi năm sau về nước làm farm. Tằn tiện chắt chiu, rồi ước mơ sẽ được. Tay trắng vào đời thì phải chịu cực, ai cũng vậy. Tất cả những tỷ phú tự thân đều mới có thể giữ được cơ nghiệp, vì đó là tiền họ làm ra.

Anh K mỗi tháng nhận tiền 2 em gửi về hùn mua đất, cứ đọc những dòng “gửi anh tiền vác chuối của em” thì bật khóc. Thương em. Mừng em.

Có những tuổi 22 tuyệt đẹp.

Nguồn: Tony Buổi Sáng