Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm
Tác giả: Masanobu Fukuoka
Giới thiểu sách:
“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.
Review sách:
Phải nói trước điều này là cuốn sách không hoàn toàn viết về nông nghiệp mà nó còn ẩn chứa những vấn đề sâu rộng hơn thế. Nông nghiệp chỉ là cách để tác giả truyền đi thông điệp của mình.
Vào thập niên 1940 – 1960 Cách mạng xanh ra đời giúp con người đủ lương thực đối phó với bùng nổ dân số. Cũng trong thời gian ấy một người Nhật – ngài Masanobu Fukuoka – thực hiện, minh chứng một phương pháp nông nghiệp khác, nông nghiệp tự nhiên. So sánh giữa nông nghiệp hiện đại (dựa trên cách mạng xanh) và nông nghiệp tự nhiên (cách mạng rơm, :D), ta thấy có mấy điểm chú ý sau:
Nông nghiệp hiện đại sử dụng hoá chất, phân bón, cơ giới hoá ruộng đồng, dùng các loại giống được biến đổi. Lợi ích ngay trước mắt là tăng nhanh về sản lượng trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu của con người. Hậu quả là nông sản ngày càng giảm chất lượng( hết ngon, hết bổ) và độc hơn( do dùng nhiều hoá chất). Đất thoái hoá, môi trường ô nhiễm. Cây trồng chống chịu kém. Người nông dân bận bù đầu bù cổ và càng lệ thuộc vào các tập đoàn hoá chất và giống.
Nông nghiệp tự nhiên không cày xới đất, không dùng phân hoá học, không làm cỏ bằng việc cày xới hay thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào hoá chất. Cơ bản là “chẳng làm gì cả”, trừ vất vả một chút lúc thu hoạch. Nông nghiệp tự nhiên hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đến thiên nhiên. Và vì thế thực phẩm vừa ăn ngon, vừa là thuốc chữa bệnh. Môi trường được giữ nguyên vẹn. Người nông dân thảnh thơi và no đủ. Yếu điểm của nông nghiệp tự nhiên đó là cần thời gian dài để những kết quả trên thành hiện thực, khi ban đầu con người đã tác động đến thiên nhiên rồi
Viết về nông nghiệp tự nhiên, ông Fukuoka hết sức nhẹ nhàng và khiêm nhường.Ông đơn giản kể lại câu chuyện cuộc đời mình; không bảo ban chỉ dạy. Những triết lí mà ông “thoáng thấy qua” có sức mạnnh như những cọng rơm được phủ lên khắp cánh đồng, để cho hạt giống cỏ dại chính là người đọc tự nảy nở và vươn lên. Chậm, chắc và lâu dài.
Một cọng rơm có ý nghĩa nhiều hơn bản thể của nó. Ông Fukuoka đã mất tới tận bốn mươi năm để đúc kết được điều này, làm thay đổi nhận thức không-thể-thay-đổi của rất nhiều người.
Đằng sau cái vẻ ngoài nghiêm nghị, quắc thước của ông Fukuoka là một cánh đồng, một cánh đồng vô canh hoàn toàn tự nhiên, nơi những cành lúa trĩu hạt vàng ươm mọc xen kẽ không-theo-một-trật-tự nào với những hắc mạch và đại mạch – thứ ngũ cốc mùa đông dễ chịu và an toàn, phía dưới là lớp phủ xanh của cỏ ba lá hoa trắng và cỏ dại được kiểm soát nhẹ nhàng và quy củ chứ không-cần-phải-nhổ-đi. Cái cánh đồng trải rộng vượt ngoài tầm mắt đó nó khơi lên rất nhiều thứ, cả một bồ kiến thức đắp đổi bằng tháng năm tuổi trẻ nay sẵn sàng truyền bá rộng rãi cho thế giới lẫn cái bản tính hiền lành, ôn hòa của một bậc hiền triết nghề nông, vốn xem Tự nhiên như người bạn thân thiết nhất của mình.
Cọng rơm của ông Fukuoka y hệt những cọng rơm vàng ruộm ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, nhưng ở trong cánh đồng của ông nó trở thành một cuộc cách mạng đúng nghĩa thật sự. Ông trả lại nó toàn vẹn về đất mỗi khi thu hoạch xong một vụ và để nó hoàn thành phận sự của mình, tức là trở thành một thứ phân mùn làm màu mỡ, tươi tốt đất đai năm này qua năm khác. Từ cọng rơm bé nhỏ đó ông đề ra bốn nguyên tắc trong nông nghiệp tự nhiên của mình: không cày xới đất; không dùng phân hóa học hoặc phân ủ; không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ; không phụ thuộc vào hóa chất. Bốn nguyên tắc này khiến người ta sốc, ngỡ ngàng và hoang mang bởi nó đi ngược với sự phát triển của máy móc và khoa học, nhưng hoàn-toàn-đúng, cứ nhìn hàng chục ngàn hecta đất trồng của ông thì biết.
Từ thuở xưa, con người luôn sống chan hòa với Tự nhiên trong một mối quan hệ tương hỗ và đôi bên cùng có lợi. Cái chỉnh thể vẹn tròn của Tự nhiên luôn có mặt con người trong đó. Ấy vậy mà càng tiến bộ, con người càng mang cái tư duy khắc nghiệt và kiêu ngạo là có thể đàn áp và đứng trên Tự nhiên. Ông Fukuoka luôn kịch liệt phản đối điều đó. Ông hướng đến một một nền nông nghiệp không-làm-gì-cả, một cuộc sống không-làm-gì-cả, sống như khí trời, như cỏ cây non nước, để Tự nhiên hoàn hảo làm những công việc hoàn hảo của Tự nhiên, con người chỉ nên can thiệp rất ít, hoặc chẳng cần can thiệp gì. Khoa học công nghệ trong vài thế kỷ chẳng thể nào qua mặt nổi dòng chảy trơn tru hàng tỷ năm của Tự nhiên, cứ tiếp thu và vận dụng điều đó, sẽ có hạnh phúc.
Cuốn sách này còn bàn về hạnh phúc. Hạnh phúc trong làm nông nhàn tản, ngọt lành. Hạnh phúc khi sáng sớm thức dậy, thấy cả cánh đồng phủ rơm sau một mùa vụ bội thu hàng trăm ngàn sợi tơ nhện giăng giăng mướt rượt, óng ánh dưới Mặt trời, đẹp đến nao lòng, đó là cái thứ hạnh phúc cực cùng giản đơn của Tự nhiên tuần hoàn, chỉ ban phát cho những ai biết tôn trọng, trân quý từng tấc đất, tấc cây.
Dĩ nhiên, vẫn còn đó hàng đống ý kiến trái chiều, phản bác. Suốt bốn mươi năm làm nông tự nhiên, ông Fukuoka đã trải qua tất thảy, và ông vẫn kiên định đến cùng. Có thể những chối bỏ của ông tới thành tựu công nghệ và khoa học có khắt khe, tới nền nông nghiệp thương mại có dữ dội, thì chẳng thể nào mà ghét ông cho được, khi thứ trái cây, hạt thóc ông trồng ra, dù ngoài thị trường có biến động giá thế nào, dù những người giàu có với nết ăn chẳng giống ai khi cứ thích cây quả trái mùa khiến việc trồng ra những thực phẩm đó lậm vào các phương pháp chóng vội làm suy giảm chất dinh dưỡng vốn có, dù ông vẫn khăng khăng cây trồng tự nhiên phải có giá rẻ nhất trong khi người mua với lối nghi-ngờ-công-nghiệp luôn sẵn sàng trả giá cao cho những thứ gắn mác tự nhiên, thì ông vẫn bền gan bền chí mà cống hiến, mà thúc đẩy nền nông nghiệp tự nhiên như thiền định của mình, sẵn sàng ươm mầm suy nghĩ cho thế hệ trẻ, mang vác cả cuộc đời của mình gửi gắm vào thiên nhiên, như chính thiên nhiên vẫn luôn như thế, ngàn đời nay.
Đi từ nông nghiệp ông bàn đến những vấn đề của con người, của xã hôi. Bắt đầu là những nhu cầu cơ bản của con người là thực phẩm. Người ta đang ăn những thức ăn không tốt, thậm chí ông còn nói đó không phải là thức ăn. Nguyên do là sự tham lam của con người khi muốn ăn những thức ăn trái mùa, không theo tự nhiên (ông có tạo ra một sơ đồ những thực phẩm theo mùa, theo tháng để dễ theo dõi). Sự tham lam đó còn làm con người xa rời khỏi tự nhiên dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh và những giải pháp để giải quyết thì lại được ca ngợi là những thành tựu vĩ đại. Ông còn lên tiếng phản bác những nhà khoa học, những triết nha, những học thuyết (điển hình như thuyết Âm-Dương), đối với ông những điều đó chỉ là một phần của bức tranh chứ không nên đem nó ra làm cái tổng thể.
Sẽ có nhiều điều về cách sống, nhân sinh quan mà ta sẽ suy ngẫm lại khi đọc tác phẩm này. Mỗi người sẽ thu được quả ngọt khác nhau. Nhưng chắc chắn “cuộc cách mạng – một cọng rơm” không chỉ để đọc dăm ba lần, mà cần nghiền ngẫm lâu dài. Bởi dù là bản dịch từ tiếng anh, nhưng câu chữ vẫn rất ngắn gọn và cô đọng, và cần thời gian để hiểu sâu sắc tư tưởng của ông.
Cuốn sách vừa “nông” vừa “triết”, đọc sách thấy tâm thanh thản nhẹ nhàng như thiền. Vâỵ nên đây xứng đáng là cuốn được xếp vào sách gối đầu giường của riêng ta.
Đoạn trích hay:
“Việc cắt đôi trải nghiệm cuộc sống rồi gọi một bên vật chất và bên kia tinh thần là hạn hẹp và rối rắm. Con người không sống phụ thuộc vào thức ăn. Rốt cuộc thì chúng ta không thể biết thức ăn là gì. Thậm chí sẽ tốt hơn nếu người ta thôi nghĩ về thức ăn đi. Tương tự như vậy, sẽ tốt đẹp cả nếu người ta thôi làm bản thân mình bận lòng về chuyện khám phá ra ý nghĩa của sự sống; chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết được những câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tâm linh, có không hiểu thì cũng chẳng làm sao cả. Chúng ta được sinh ra và sống trên mặt đất này là để trực diện với hiện thực của Việc Sống.”
“Đất là kẻ cung cấp hào phóng, nhưng nó mỏng manh và dễ bị tổn thương. Ta cần phải chú ý tới điều đó và hành động ! Bởi chữa lành đất đai cũng chính là chữa lành linh hồn con người”.
“Những thứ rau trái này là sự pha trộn hóa học mọng nước của nitơ, phốt pho và kali với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà thương mại thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hoc môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới hình dạng một quả trứng. Với những người nông dân tạo ra rau củ và trứng kiểu này, tôi gọi họ là nhà sản xuất”.
Trích Cách mạng một cọng rơm – Masanobu Fukuoka