Home / Review sách / Review sách Sống Tự Lập Chứ Đừng Cô Lập

Review sách Sống Tự Lập Chứ Đừng Cô Lập

Sống Tự Lập Chứ Đừng Cô Lập
Tác giả: Cách Tử San

Giới thiệu sách:
SỐNG TỰ LẬP CHỨ ĐỪNG CÔ LẬP – thay đổi cách sống, tạo lập quan hệ
Trong cuộc sống hiện nay, các bạn trẻ luôn mong muốn được thể hiện bản thân là một người mạnh mẽ, cá tính và độc lập. Từ đó, xu hướng “sống tự lập” lên ngôi và trở thành một phong cách sống mới lạ được các bạn ưa chuộng. Tuy nhiên, có vẻ như mọi người vẫn thường hay bị nhầm giữa các khái niệm này, sống tự lập hay là sống cô lập, điều nào mới thực sự phù hợp, hãy để cuốn sách này làm ngọn đèn sáng tỏ hơn cho bạn. Bằng giọng văn gần gũi thân thiện nhưng không kém phần thẳng thắn, Cách Tử San sẽ mang đến cho bạn đọc một cái nhìn mới mẻ hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân thông qua việc “làm phiền”.

Chúng ta thường hay sợ nhờ cậy, nhờ giúp đỡ từ những người xung quanh vì quan niệm rằng như vậy là đang làm phiền đến đối phương. Sợ làm phiền, thực ra chính là không muốn thừa nhận mình cần người khác, đồng thời cũng cắt đứt những nhu cầu của người khác đối với mình. “Hễ là người sợ làm phiền người khác, “vòng bạn bè” sẽ càng ngày càng nhỏ”. Đúng vậy, nếu bạn không muốn làm phiền người khác, mối quan hệ giữa bạn và người đó cũng không thể thành lập, đây chắc hẳn không phải dự tính ban đầu của bạn, bởi vì sống trên thế giới này chẳng có người nào mà không khao khát tình cảm.

Review sách:
Bạn có thể mua giúp mình một cái bánh được chứ?
Bạn mở giúp mình cái cửa nha?
Dạo này mình đang hơi kẹt, bạn cho mình vay ít tiền nhé?
Những câu nói chuyện trên các bạn thấy quen thuộc chứ, nghe tưởng chừng như nó chỉ là một lời nhờ cậy đơn giản, có người thấy nó bình thường nhưng cũng có người coi đó là một việc khá là phiền phức và không thích như vậy. Đấy không phải lỗi của ai cả, người không đồng ý cũng không hẳn do họ keo kiệt, xấu tính, người đồng ý cũng chưa chắc đã là một người tốt 100% nhưng có một điều chắc chắn rằng những câu nói trên sẽ giúp chúng ta mở đầu, hoặc ít nhất duy trì một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Đấy là những gì mình đã rút ra được từ cuốn sách “Sống tự lập chứ đừng cô lập”.

Về mặt nội dung, cuốn sách được chia thành 5 chương chính với các câu chuyện trải dài mỗi chương đi qua các vấn đề, từ cá nhân cho đến các quan hệ rộng rãi hơn, tình bạn, tình yêu hoặc gia đình.

Tạo dựng mối quan hệ bằng cách làm phiền nghe thì có vẻ khá kì cục nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này mình mới ngộ ra nhiều điều. Bản chất của việc làm phiền người khác, nhờ cậy người khác để lấy cái điểm mạnh của người khác làm cái lợi cho bản thân mình và những lần như vậy sẽ góp phần nào đó giúp cải thiện hơn mối quan hệ hiện tại mà bạn đang hướng tới. Cuộc sống là những lần Cho đi và nhận lại, có thể chưa chắc cho đã được nhận, nhưng chắc rằng nếu không cho thì sao có thể mong chờ được nhận lại cơ chứ.

Có một phân đoạn mà mình khá ưng ý và cũng suy nghĩ khá nhiều:
“Hễ là người sợ làm phiền người khác, “Vòng bạn bè” sẽ càng ngày càng nhỏ.”
Đúng vậy, nếu bạn không muốn làm phiền người khác, mối quan hệ giữa bạn và người đó cũng không thể thành lập, đây chắc hẳn không phải dự tính ban đầu của bạn, bởi vì sống trên thế giới này chẳng có người nào mà không cần đến các mối quan hệ, cũng chẳng có người nào mà không khao khát tình cảm cả.

Mối quan hệ được xây dựng trong quá trình làm phiền lẫn nhau, tình cảm cũng từ từ được vun đắp trong quá trình đó.
Bạn thân mến, hãy bước ra khỏi thế giới của bạn, cho người khác một cơ hội để hiểu bạn! Sự tốt đẹp của bạn đáng được tất cả mọi người nhìn thấy, bạn xứng đáng có một thế giới rộng lớn hơn, có nhiều bạn thân, bạn tốt hơn.”

Bằng giọng văn gần gũi và thân thiện, các câu chuyện mà tác giả mang lại như một đòn đánh vào tâm lý cực mạnh, một lời trò chuyện tâm tình chứ không phải như lời kêu gọi ép buộc hùng hồn. Tác giả chia sẻ như là trải nghiệm của bản thân của một con người từng trải.

“Sống tự lập chứ đừng cô lập” không những giúp mình hâm nóng lại được tình yêu mà nó còn mang lại cho mình rất nhiều những bài học mới về việc làm phiền và cách làm phiền người khác sao cho hiệu quả. Để không những có thể giải quyết được vấn đề mà còn thắt chắt được mối quan hệ, để mình tự lập nhưng không hề cô lập.

Cuốn sách “Sống tự lập chứ đừng cô lập” là một cuốn sách mình cho rằng phù hợp với các bạn vẫn đang còn mông lung trong các mối quan hệ không biết đấy là bạn là bè, các bạn vẫn đang gặp khó khăn trong việc hòa đồng và mở rộng các mối quan hệ cá nhân. Một cuốn sách nhẹ nhàng và dễ khiến bạn cuốn hút ngay từ đầu với những câu chuyện chẳng của riêng ai. Cuốn sách này đã khiến mình nhận ra khá nhiều điều về bản thân hiện tại. Làm thế nào để có thể học cách nói “Không” với người đối diện. Cân bằng và tiết chế lại cảm xúc với người khác.

NHỮNG CHỮ “ĐỪNG” KHÔNG NÊN CÓ ĐỂ CẢI THIỆN MỘT MỐI QUAN HỆ

Trong cuộc sống hay trong công việc, có những mối quan hệ kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí là cả đời nhưng cũng có những mối quan hệ chỉ kéo dài vài ba tháng. Vấn đề đôi khi không nằm ở những xích mích đời thường mà lại nằm ở những chi tiết rất nhỏ. Hãy cùng tham khảo một số những chi tiết chúng ta nên lưu ý để có những mối quan hệ tốt đẹp và bền vững hơn nhé

1. ĐỪNG SỢ LÀM PHIỀN

Chúng ta luôn giữ trong mình những suy nghĩ “nước sông không phạm nước giếng”. Nếu như người khác không liên quan đến mình, mình cũng sẽ không làm phiền và quan tâm đến họ. Việc gì mình có thể tự làm nhất quyết sẽ làm chứ không chịu nhờ cậy hay hỏi ý kiến một ai. Nhiều người nghĩ rằng như vậy là bản thân khá tự lập và là một người mạnh mẽ, kiên định. Thực tế rằng, điều ấy lại không chứng tỏ rằng bạn là một người mạnh mẽ mà lại chứng tỏ rằng bạn là một người cô độc.

“Sợ làm phiền” xét cho cùng là một chứng bệnh không của riêng ai. Chúng ta luôn e dè với các mối quan hệ và nhiều khi lại quên mất rằng nếu mình không ngỏ lời thì đôi khi người khác cũng không muốn nhờ đến bạn. Bạn chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm phiền người khác thôi chứ thực ra họ lại không nghĩ như vậy. “Làm phiền” thực chất không phải là khiến cho người khác cảm thấy khó chịu mà là mình đang chứng tỏ rằng bản thân họ là một người có giá trị. Sẽ chẳng có ai làm phiền đến bạn khi bạn không mang lại cho họ một giá trị nào đó cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Vậy nên đừng “sợ làm phiền” ai cả, hãy chủ động “làm phiền” một cách đúng mức để có thể mở rộng các mối quan hệ của mình hơn.

2. ĐỪNG SỢ TỪ CHỐI

Có một điều chắc chắn rằng chúng ta ai rồi cũng sẽ phải học một lần cách nói “không” hay từ chối người khác. Bạn nghĩ rằng việc họ nhờ cậy đến mình và mình nên đồng ý mọi chuyện, vậy mới hợp tình hợp lý, nhưng thực chất không phải như vậy. Không ai có nghĩa vụ phải làm hộ ai một điều gì nếu bản thân họ không thực sự muốn làm điều đó. Từ chối và bị từ chối là một trạng thái bình thường của con người. Việc bạn từ chối làm một việc gì đó không làm giảm đi mức độ thân thiết hay sự tín nhiệm giữa người với người. Điều này chứng tỏ rằng bạn tôn trọng mối quan hệ, cảm xúc của cá nhân mình và đồng thời hạn chế được những rủi ro hết mức có thể việc xích mích giữa hai người bạn.

Nhận lời giúp 1 lần, 2 lần và chắc chắn sẽ có những lần sau đó. Hãy đồng ý chấp nhận nếu như đấy là sự nhờ cậy thực sự cần thiết và xứng đáng. Đừng để bản thân trở thành người dễ dãi, bị lợi dụng bởi sự “lười biếng” của người khác.

3. ĐỪNG GIỮ THỂ DIỆN

Trong các mối quan hệ, thể diện không quan trọng như bạn nghĩ, quan trọng là giải quyết được vấn đề. Không biết thì hãy hỏi, nếu cần giúp hãy nhờ cậy người khác. Vào những thời khắc quan trọng, việc bạn sợ mất thể diện hay e dè trước người khác không thể giải quyết được vấn đề.
Chót nhận lời những việc quá sức với bản thân nhưng lại không dám từ chối vì sợ mất thể diện, sợ rằng người ta sẽ đánh giá mình.

4. ĐỪNG QUÁ KÌ VỌNG

Bạn nghĩ rằng là cứ cho đi là sẽ được nhận lại nhưng thực chất lại không phải vậy. Đừng quá kỳ vọng vào những gì mình cho người khác. Đôi khi lúc mình giúp đỡ người khác điều nhận lại không những không được như ý, hay thậm chí còn bị trách ngược. Khi ấy, đừng quá thất vọng hay buồn phiền, mình giúp được người ta và đã cố hết sức chứ không phải là làm một cách hời hợt.

Tương tự như vậy, khi mình chủ động làm phiền người khác, chuyện đầu tiên chúng ta cần làm chính là bỏ qua những kỳ vọng của bản thân về kết quả, chỉ cần đối phương chịu nỗ lực, cho dù là hiệu quả không tốt, không giúp được việc, thậm chí giúp còn phản tác dụng thì cũng vẫn đáng được cảm kích. Mà làm như vậy cũng có lợi cho việc bồi dưỡng mối quan hệ tốt giữa hai bên.

5. ĐỪNG LỢI DỤNG

Người khác giúp bạn là tình cảm, không giúp bạn là giữ bổn phận. Không ai có nghĩa vụ phải giúp đỡ ai cũng như đó không phải là trách nhiệm của họ nếu như việc của bạn làm chưa được tốt. Tất cả vấn đề đều nằm ở phía bản thân mình, “làm phiền” đừng để trở nên “phiền toái”. Đừng ỷ lại và trông chờ người khác chỉ vì họ luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Trên đây là một vài gợi ý nhỏ được trích từ cuốn sách “Sống Tự Lập Chứ Đừng Cô Lập”. Một cuốn sách có thể được coi là cẩm nang quý báu giúp các bạn trẻ có thể xây dựng các mối quan hệ bền vững trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Bạn đã vấp phải bao nhiêu chữ ĐỪNG rồi, nếu như vẫn đang còn mông lung không biết nên cải thiện những yếu điểm này của bản thân thì hãy để cuốn sách “Sống tự lập chứ đừng cô lập” giúp bạn làm điều đó.