Home / Sống / Hãy cho tôi lên đường

Hãy cho tôi lên đường

Hãy cho tôi lên đường – Tony Buổi Sáng

“Có những phút làm nên lịch sử”, đó là khi ta ra quyết định cho cuộc đời mình. Chọn A hay B, rẽ trái hay phải, dấn thân hay ngại, chơi tiếp hay thôi, bước tới hay quay đầu,….

Chấp nhận trả giá, chấp nhận đánh đổi, chấp nhận chơi tiếp, chấp nhận 5 ăn 5 thua, 1 mất 1 còn, 1 là ăn cả (ăn hết) 2 là ngã về zero (ngã về không), đi xa và phiêu lưu, các vùng đất mới là cơ hội và thú vui chinh phục….là tố chất của các dân tộc thuộc hệ khai phá (Tây Âu, Bắc Á) nên họ ngày xưa mới dám đi tìm thuộc địa, đi chinh phục các vùng đất mới, loài người mới có nước Mỹ, Canada, châu Mỹ, châu Úc phồn vinh. Còn cư dân Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi…. thì đặc trưng là quẩn quanh, nghĩ nhỏ, sợ đi xa, cái gì cũng sợ, SỢ là đặc trưng của cư dân khu vực này. Và mở miệng là nói XA.

Tuỳ theo tầm vóc mỗi cá nhân về đầu óc mà từ XA khác nhau. Có người đang ở Cà Mau, hỏi chuyện ở Cao Bằng họ nói rất gần, đi ngay, trong nước mà xa xôi gì. Còn có người thì đầu óc bé nên “làng bên” thì đã rất xa, họ cũng muốn nhưng mọi thứ chỉ nên cạnh nhà họ thì họ mới tham gia được. Nên các bạn có thể rủ ai đó đi chơi, họ mà nói xa, ngại, cân nhắc tiền nong,…thì thôi biết là người tào lao rồi, không nên tiếp xúc nhiều, ảnh hưởng đến tầm vóc của mình. Bạn bè ít thôi, nhưng phải là người cá tính, chịu chơi, chơi tới bến, làm gì cũng làm hết nấc. Mới xứng đáng 2 chữ “bằng hữu”.

Cha mẹ mà mở miệng là cản con cái (nói xa) thì cám ơn cha mẹ đã sinh ra mình, nhưng không nên nghe lời họ nữa, họ kéo mình bé nhỏ xuống giống họ, 1 đời không thành tựu gì. Thầy cô hay bất cứ ai nói chữ XA thì mình cũng không nên nghe, tầm óc bé quá, không đáng theo học nữa, thầy gì lạ vậy. Bạn bè hay ai đó cứ mở miệng nói xa, thì lẳng lặng unfollow, không theo dõi tư duy ấy trên FB vì nó sẽ nhiễm cái tính “bé mọn” vô người mình. Người mà có chữ XA trong đầu thì tâm địa cũng hẹp hòi, vì không nghĩ rộng nghĩ lớn được.

Có ông thầy nọ, họp học trò về khởi nghiệp làm ăn, ổng hẹn bên Singapore. Hết 2/3 lớp nói XA, có đứa cũng bận thật sự nhưng cũng có đứa ngại vì tốn tiền, có đứa ngại vì không biết đi lại thế nào….nên bữa họp chỉ có vài đứa. Nhưng những đứa đi họp đó, ổng cho tiền hết lại vé máy bay và đưa lên ăn ở một nhà hàng trên tầng cao nhất của Singapore để “doanh nhân, phải dám đi, dám làm, ở trên nhìn xuống”, có nhiều bạn sau đó thì nói “biết ổng đài thọ vậy thì tao cũng đã đi, mà sao không họp ở trong nước, họp ở Singapore chi mà xa quá xa”.

Bữa ăn đó, gặp 1 cô bé tiểu học người Singapore khoảng 10 tuổi, cô bé hỏi các bạn (đang là chủ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam) là “các anh chị từ đâu tới”, sau khi nghe là “we are from Vietnam” thì cô bé nói “oh, nearby, we are neighbors- ồ rất gần, chúng ta là hàng xóm”. Tầm vóc của 1 cô bé tiểu học ở Singapore, các nước Đông Nam Á là rất gần, muốn đi là thay đồ đi. Kinh tế 1 nước phát triển hay mãi mãi ở cái bẫy thu nhập trung bình là do văn hoá của dân tộc đó quyết định rất nhiều. Xoá đói thì dễ, nhưng thoát nghèo, chỉ có người CÁ TÍNH mới làm được. Với họ, không có khái niệm “xa”, không có khái niệm “đắt” hay “tiếc tiền”, hay “ngại, sợ, cân nhắc tới lui”… vì những khái niệm này sẽ khiến chúng ta lừng khừng không bao giờ thoát được cái vòng nghèo hèn. Nghèo thì thường đi đôi với hèn, rất tiếc. Cái khó sẽ bó cái khôn, nên nếu không dám mạnh dạn phá vỡ tư duy trong đầu mình, thì cái khôn sẽ không bao giờ xuất hiện.

Từ điển 1 người trẻ hiện nay trên thế giới, không có từ XA (far, far away, remote area). Khi bạn nói chuyện với 1 người Hàn Quốc ở Busan, mình nói sẽ thăm họ, thì họ nói “đến Seoul thì tao sẽ lái xe lên, rất gần, chỉ hơn 300km”. Khi hỏi 1 người Trung Quốc hay Nhật Bản, thì họ nói chúng ta đều ở châu Á mà, gần lắm, rủ cái tao sẽ đi ngay. Hỏi 1 người châu Âu, thì họ nói “Từ XA, nếu có, thì chỉ là nói chuyện ở cung trăng. Mấy ngàn năm loài người ban đêm nằm nhìn trên đó và nghĩ là rất xa xôi. Nhưng loài người đã đặt chân được lên đó”. Với họ, mọi thứ trên trái đất này đều rất nhỏ, rất chật chội, rất gần.

Nhớ nhé các bạn. Cứ nghe ai nói “xa” thì im lặng và biết họ là ai. Mình lẳng lặng làm người có đầu óc lớn. Ai rủ thì đi ngay. Có thông tin, có cơ hội thì lẳng lặng làm hồ sơ đi, ai cản cũng không được, chỉ thông báo cho họ biết khi việc đã xong, vé máy bay đã xuất. Israel như bạn này chỉ là 1 nước trong 200 nước trên thế giới.

Có tiền, còn trẻ khoan mua đất mua nhà, hãy đi khắp 63 tỉnh thành và 200 quốc gia đi. Già rồi thì muốn đi cũng khó vì sức khoẻ. Đi nhiều, cứ 1 ngày là có 1 “sàng khôn”, đi nhiều ngày sẽ có 1 “kho” khôn luôn. Mình không đi dài hạn được, thì các chuyến đi học khởi nghiệp, mạnh dạn bỏ tiền ra đi. Đừng để tiền làm giới hạn đầu óc tư duy và tầm vóc của mình. Tiền là cái dễ kiếm nhất, đi nhiều và thật nhiều, bạn sẽ hiểu điều này.

Hãy cho tôi lên đường. Ai cho, không ai cả. Chính là tư duy của mình, có cho mình hay không mà thôi. Không một ai được quyền quyết định chuyện đi, chuyện ở của mình cả. Đời mình là của mình, không phải của cha của mẹ hay của ai hết.

“Con tàu này lên Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, anh đi hem?
Bạn bè đã đi xa, sao anh cứ ru rú ở Sài Gòn Hà Nội?
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng.

Đất nước mênh mông, đời anh sao nhỏ hẹp?
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?”
Why?

Cứ đi rồi sẽ đến..
Đừng nghĩ nhiều..

Theo: Tony buổi sáng