Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất
Tác giả: Jonas Jonasson
Review sách:
Cuốn tiểu thuyết với giọng điệu hóm hỉnh trào lộng, dẫn dắt người đọc chu du cùng cụ già trăm tuổi – Allan Karlsson qua những tình huống giả tưởng làm bật lên cái nhìn tưng tửng về thế giới này. Nếu bạn đang cần tìm thứ gì đó hài hước, dí dỏm, đáng yêu để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống thì đây chắc chắn là cuốn sách bạn nên tìm kiếm và thưởng thức ngay.
Cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu lạ đời của cụ già Allan Karlsson, người Thụy Điển, một cụ già quái chiêu đã bỏ trốn khỏi viện dưỡng lão vào đúng ngày sinh nhật thứ 100 của mình. Trên đường đi, cụ đã tiện tay “vô tình” chôm một chiếc va li chứa 50 triệu crown của tổ chức tội phạm, kết bạn với một tay trộm, một bác chủ tiệm bánh mì từng là sinh viên của hàng chục trường đại học (ý là học nhiều vẫn chưa tốt nghiệp), và cô chủ của một con voi. Băng nhóm được kết hợp một cách lạ đời này đã thành công trong việc trốn tránh sự truy đuổi của báo giới cũng như cảnh sát trên khắp Thụy Điển nhờ khả năng không giống ai của các thành viên. Hành trình đuổi bắt hấp dẫn không thua kém gì tiểu thuyết trinh thám.
Cái hay của Ông trăm tuổi chính là xây dựng một nhân vật Allan thờ ơ nhất mọi thời đại. Allan rất thông minh nhưng ổng không hề tham vọng. Ví dụ như ổng chỉ cần cơm ngon, rượu ngọt thế là thiên đường rồi. Ngoài ra, người ta còn nhận thấy tuyến nhân vật làm bạn Allan cũng chẳng bình thường. Như Herbert Einstein (người em ngu ngốc của thiên tài Albert Einstein), Amanda (nữ tổng thống dốt đến nỗi không bao giờ phục vụ được đúng đồ uống mà khách gọi), bác Benny (học tất cả các trường đại học nhưng chưa bao giờ tốt nghiệp),… Túm lại, không có ai bình thường ở câu chuyện này hết và dù ít dù nhiều đều tưng tưng như cụ Allan.
Qua cách tác giả lồng nhân vật Allan vào lịch sử, cuốn sách đã chỉ ra những dấu mốc vàng son của lịch sử thế giới những năm trước Đại chiến thế giới thứ nhất đến cuộc Thế chiến thứ hai. Khiến người đọc như được cùng Allan (một kẻ chẳng quan tâm gì sự đời) tham gia vào cuộc chiến của các nước hùng mạnh nhất. Tái hiện lịch sử bằng cách gài một điệp viên (không có ý niệm gì về chính trị) là cách kể về lịch sử thành thật nhất mà lại … phi logic nhất. Vì thế, Ông trăm tuổi vừa có thể là một bộ câu chuyện hài, vừa đóng vai trò như một quyển sách lịch sử mà học sinh nào cũng muốn dành thời gian để đọc.
Về lối viết, phải nói mình rất thích tác giả này. Văn phong hài hước, hài theo kiểu nghiêm túc ấy, gây cười rất tự nhiên. Mỗi nhân vật đều được xây dựng có nét riêng, từ chính đến phụ. Dù kể song song quá khứ và hiện tại nhưng khi đọc lại không thấy rời rạc mà trái lại, cả hai mạch truyện đều cuốn hút, gây cấn, khiến người đọc không thể rời mắt. Tóm lại, nếu bạn muốn đổi gió, thích các câu chuyện có yếu tố lịch sử, thì nên đọc ngay đừng chần chừ. “Hài hước, thú vị và kiến thức rộng lớn” nên việc đọc do đó có thể chậm chạp. Vì có nhiều đoạn phải dừng lại để nghĩ, thậm chí phải tra google về nhân vật được viết trong cuốn sách. Vì thế, khi đọc bạn hãy kiên nhẫn với tác phẩm này vì mình chắc chắn đây là một cuốn sách xứng đáng với sự kiên nhẫn của bạn.
Bài học sau khi đọc cuốn sách:
Không miễn cưỡng. Mọi việc như thế nào cứ để thuận theo tự nhiên. Kiểu, mọi việc rồi sẽ có trời xanh an bài vậy.
Luôn lạc quan, ngay cả ở những tình huống bi quan mất phương hướng nhất cũng cố gắng tìm cho mình 1 điểm sáng.
Chuẩn bị tốt cho mình, Cuộc sống thay đổi, thế thời thời thế cũng xoay chuyển không ngừng. Tương lai là cái khó đoán định trước. Việc của mình là cứ chuẩn bị thật tốt cho chính mình, ít ra là nên có trong tay cái ngón nghề nào đó để không lo chết đói hoặc không lo không có người trọng dụng mình.
Không đặt nặng tư tưởng chính trị, phe cánh. Như ông Allan, ở thế trung dung, không ủng hộ và không bị áp đặt bởi bất kỳ một tư tưởng chính trị nào. Có lẽ vậy nên ông ấy mới có thể vừa là bạn với Harry Truma, vừa được Mao Trạch Đông sủng ái.
Tạo thói quen thích nghi với mọi sự thay đổi. Điều này giúp ông í luôn linh hoạt, dễ dàng ứng phó trong nhiều hoàn cảnh, khi gặp nhiều con người ở nhiều màu da, tôn giáo chính trị khác nhau.
Theo: Dennis