Home / Review sách / Review sách Từ Tốt Đến Vĩ Đại

Review sách Từ Tốt Đến Vĩ Đại

Từ Tốt Đến Vĩ Đại
Tác giả: Jim Collins

Giới thiệu sách:
Jim Collins – Tác giả của cuốn sách viết về giới kinh doanh Từ Tốt Đến Vĩ Đại vừa là người học và cũng vừa là người dạy tại các công ty vĩ đại và trường tồn. Trăn trở với câu hỏi lớn “Làm thế nào những công ty tốt, công ty bình thường, hay ngay cả công ty đang trong tình trạng tồi tệ cũng có thể đạt đến mức vĩ đại trường tồn?” Nên ông và các đồng sự đã mất một khoảng thời gian khá dài để nghiên cứu và khám phá ra cách thức để các công ty này tăng trưởng, đạt thành tích cao, chuyển mình và nhảy vọt từ “tốt” đến “vĩ đại”. Một vấn đề mà ai cũng quan tâm, muốn tìm hiểu nhưng không phải ai cũng có được sự kiên nhẫn tìm đến tận cùng câu trả lời.

Jim Collins cùng nhóm nghiên cứu đã miệt mài nghiên cứu những công ty có bước nhảy vọt và bền vững để rút ra những kết luận sát sườn, những yếu tố cần kíp để đưa công ty từ tốt đến vĩ đại. Đó là những yếu tố khả năng lãnh đạo, con người, văn hóa, kỷ luật, công nghệ… Những yếu tố này được nhóm nghiên cứu xem xét tỉ mỉ và kiểm chứng cụ thể qua 11 công ty nhảy vọt lên vĩ đại.

Mỗi kết luận của nhóm nghiên cứu đều hữu ích, vượt thời gian, ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mọi lãnh đạo và quản lý ở mọi loại hình công ty (từ công ty có nền tảng và xuất phát tốt đến những công ty mới khởi nghiệp), và mọi lĩnh vực ngành nghề.

Review sách:
Những công ty từ tốt đến vĩ đại, là những công ty chỉ tăng trưởng ở mức bằng hoặc thấp hơn hiệu suất trung bình của thị trường chứng khoán trong 15 năm, trước khi chuyển mình để trở nên “vĩ đại”, hay nói cách khác là tạo ra lợi nhuận tích lũy cao hơn ít nhất 3 lần thị trường chứng khoán chung trong 15 năm.

Nội dung cuốn sách đưa đến cho bạn phương pháp để đưa một doanh nghiệp ở mức bình thường, hay ở mức tốt, thành một công ty vĩ đại. Bằng việc nghiên cứu và phân tích nhiều năm từ những doanh nghiệp nổi tiếng và thành công hàng đầu trên thế giới, tác giả đã mang đến những quy tắc tuyệt mật để phát triển từ một công ty nhỏ trở thành công ty hùng mạnh, mang tầm thế giới. Sự phát triển của các công ty đều dựa trên những yếu tố như khả năng lãnh đạo, con người, nền văn hóa, những kỷ luật và công nghệ. Bản chỉ có thể xây dựng công ty của mình trở nên vĩ đại nếu bạn biết phát huy tuyệt đối những yếu tố được xem là điểm mạnh của doanh nghiệp bạn.

Những công ty từ-tốt-đến-vĩ-đại đều tìm được Khái niệm con nhím cho chính mình bằng cách tự hỏi 3 câu hỏi sau:

– Lĩnh vực nào chúng ta có thể làm tốt nhất?
– Lĩnh vực nào chúng ta đam mê?
– Những chỉ số kinh tế quan trọng nào chúng ta nên tập trung vào?

Họ coi công nghệ chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu, chứ không phải là mục tiêu.Các công ty từ-tốt-trở-thành-vĩ-đại suy tính cẩn thận liệu một công nghệ nào đó có thể giúp họ tiến nhanh hơn trên con đường đã chọn không. Nếu có, họ sẽ đi tiên phong áp dụng công nghệ đó, ngược lại họ sẽ bỏ qua hoặc chỉ theo mặt bằng chung của ngành.

Tất cả các công ty vĩ đại đều có một điểm chung gọi là lãnh đạo cấp độ 5. (5 cấp độ lãnh đạo: cá nhân có năng lực, thành viên trong nhóm có đóng góp, giám đốc có năng lực, nhà lãnh đạo hiệu quả, nhà điều hành cấp độ 5)

Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 không chỉ là những người xuất sắc hay những nhà quản lý đơn thuần họ còn mang mục tiêu chung của cả công ty. Đồng thời, họ cũng là một cá nhân khiêm tốn. Họ say mê thành tựu, và muốn công ty tiếp tục hoạt động tốt sau khi họ nghỉ. Không hề quan tâm đến cái tôi cá nhân. San sẻ trách nhiệm trong thành công của công ty, nhưng họ hạ thấp vai trò của mình trong thành công ấy, tuy nhiên khi có vấn đề xảy ra họ nhanh chóng gánh vác trách nhiệm (Lý thuyết Tấm gương và cái cửa sổ)

Con người đi trước, công việc theo sau
Câu hỏi “Ai” phải được ưu tiên trước khi đặt câu hỏi “Cái gì”. Để biến một công ty từ bình thường trở thành vĩ đại, phải bắt đầu bằng việc tuyển được đúng người và đào thải những người không phù hợp, thậm chí phải bắt đầu trước khi xác định hướng đi. Những công ty từ bình thường trở thành vĩ đại tập trung vào việc tìm những người có phong cách làm việc phù hợp hơn là khả năng chuyên môn, vì họ cho rằng những người phù hợp thì có thể đào tạo và hướng dẫn.

Có 3 nguyên tắc khi tuyển người và sử dụng người trong những công ty vĩ đại:
– Khi còn do dự, đừng tuyển vội và tiếp tục tìm kiếm. Các công ty vĩ đại không theo đuổi mô hình quản trị “”thử nhiều người, chọn một người. Thay vào đó, họ áp dụng phong cách sau:”Hãy dành thời gian khắc nghiệt tuyển những người A+ ngay từ đầu”.
– Giao cho người giỏi nhất có cơ hội tốt nhất, chứ không phải vấn đề lớn nhất.
– Khi biết phải thay đổi nhân sự, hãy hành động ngay. Do dự để người không phù hợp vẫn làm việc là không công bằng với những người phù hợp. Tệ hơn là điều này có thể đẩy những người phù hợp ra đi. Hai câu hỏi sau sẽ giúp bạn. Thứ nhất, nếu đây là quyết định tuyển người (chứ không phải là ‘liệu người này có phải ra đi không?’), liệu bạn có tuyển người này không? Thứ hai, nếu người này đến gặp bạn để nói rằng họ muốn ra đi để theo đuổi một cơ hội mới tốt hơn, liệu bạn cảm thấy rất thất vọng hay trong lòng lấy làm mừng rỡ?

Đối mặt với sự thật
Một nhiệm vụ chính trong việc đưa công ty từ tốt đến vĩ đại là tạo một văn hóa trong đó mọi người có nhiều cơ hội được lắng nghe, và đỉnh cao là sự thật được lắng nghe. Nó bao gồm bốn hành động cơ bản:

Lãnh đạo bằng câu hỏi, không phải bằng câu trả lời.
Tham gia vào các cuộc đối thoại và tranh luận, đừng ép buộc.
Thực hiện các cuộc phân tích, không đổ lỗi.
Thiết lập chế độ cờ đỏ để đưa thông tin lên thành thông tin không thể bỏ qua.
Những công ty nhảy vọt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như những công ty đối trọng, nhưng họ phản ứng lại rất khác nhau. Họ đối mặt trực diện với tình hình. Kết quả là họ trở nên mạnh mẽ hơn sau đó.

Văn hóa kỷ luật
Tổ chức vĩ đại = Văn hóa kỷ luật + Tinh thần dám nghĩ dám làm cao
Văn hóa kỷ luật: đề ra mục tiêu và thực hiện cho bằng được.
Công ty vĩ đại xây dựng sự tự do và trách nhiệm trong khuôn khổ: Văn hóa kỷ luật phải bắt đầu từ những con người kỷ luật, các công ty vĩ đại tuyên dụng những con người có kỷ luật và không cần phải được quản lý, sau đó họ quản lý hệ thống, chứ không quản lý con người. Các công ty đối trọng cố gắng nhảy ngay vào hành động kỷ luật.

Đây là một cuốn sách hay và thực sự lôi cuốn. Tác phẩm không phải được viết dựa trên những kinh nghiệm của tác giả, mà đó là cả một quá trình nghiên cứu, đúc kết của cả một nhóm. Các kết luận được đưa ra trên cơ sở phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng, do đó tính thực tiễn khi áp dụng các kết luận này khá cao. Đọc tác phẩm bạn sẽ được mở mang và tiếp xúc với nhiều quan điểm, khái niệm mới. Các khái niệm, quan điểm về quản trị, về xây dựng doanh nghiệp, …sẽ không giống với bất kỳ thứ gì bạn đã đọc, học trước đó. Việc áp dụng nó và áp dụng thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng vận dụng của mỗi người. Một cuốn sách hay để bạn bắt đầu xây dựng những điều vĩ đại!

Nguồn: Nguyễn Thúy Vi