Home / Review sách / Review sách Bước Ra Thế Giới

Review sách Bước Ra Thế Giới

Bước Ra Thế Giới
Tác giả: Giáo sư John Vũ

Về tác giả:
Có 20 năm làm kỹ sư cao cấp và từng giữ chức Phó Chủ Tịch tập đoàn Boeing, giáo sư (GS) John Vũ còn là nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle, Mỹ. Tại Việt Nam, ông được biết đến dưới cái tên dịch giả Nguyên Phong (dịch và phóng tác các ấn phẩm nổi tiếng như Hành trình về phương đông, Hoa trôi trên sóng nước…).

Dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài hàng chục năm, nhưng ông vẫn luôn dành tâm huyết cho bạn trẻ Việt Nam, thông qua các bài viết hướng dẫn sinh viên trên trang blog (science-technology.vn) và những cuốn sách viết cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Review sách:
CON NGƯỜI TRONG “THỜI ĐẠI TRI THỨC” THÔNG QUA GÓC NHÌN” BƯỚC RA THẾ GIỚI” GIÁO SƯ JOHN VU

“CON NGƯỜI” trong thời đại tri thức là yếu tố quan trọng quyết định sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế khẳng định Công nghiệp hoá là một quá trình xây dựng một nền Công nghiệp có khả năng cải tạo Nông nghiệp.

Trong thời đại ngày nay, thời đại thông tin, kinh nghiệm và tri thức thì yếu tố “KỸ NĂNG” có giá trị kinh tế cao vì nó đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội tri thức – xã hội mà cả nhân loại mong muốn đạt tới. Cho nên, người lao động có kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội hơn người không có kỹ năng. Họ nhận được nhiều chính sách thuận lợi về: Công việc, tiền lương, môi trường… thậm chí là các chính sách nhập cư…

Yếu tố “KỸ NĂNG” là yếu tố mấu chốt cho sự thịnh vượng của một công ty. Kỹ năng của người làm việc sẽ được người quản lý lựa chọn dựa trên kỹ năng đó thay vì dựa vào bằng đại học. Sau đó được người quản lý sàng lọc thông qua hiệu suất làm việc với những thách thức trong quá trình đào tạo.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường thì người làm việc phải biết rất nhiều kỹ năng trong công việc. Chính vì thế, họ phải học hỏi, mở rộng tri thức, học mọi lúc mọi nơi mà không cần trường học truyền đạt.

GS.JONH VU đã nhắc đến 6 kỹ năng then chốt mà người làm việc phải trang bị, đó là:

+ KỸ NĂNG GIAO TIẾP NGOẠI NGỮ: Nếu chỉ biết một thứ tiếng thì bạn sẽ không có cơ hội trong thế giới kết nối này.
+ KỸ NĂNG MÁY TÍNH: Bạn không là người Lập trình, nhưng ít nhất bạn phải biết cái gì về công nghệ thông tin, dùng máy tính trong công việc.
+ KỸ NĂNG TÀI CHÍNH: Biết cách giữ cho công ty vận hành hiệu quả, cân bằng với việc sinh lời là điều quan trọng.
+ KỸ NĂNG QUẢN TRỊ: Là kỹ năng quan trọng nhất, đây là kỹ năng nhận diện cơ hội và nắm bắt cơ hội trước người khác.
+ KỸ NĂNG THÚC ĐẨY: Trong thế giới thay đổi thì không nên chờ đợi mà phải hành động nhanh và bao giờ cũng sẵng sàng cho cơ hội tiếp theo.
+ KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM: Là kỹ năng chứng tỏ thái độ cộng sự, mức độ hợp tác và thái độ làm việc. Kỹ năng này giúp cho hiệu suất công việc đạt đến mức tối đa, khơi gợi được ý tưởng và tinh thần làm việc.

Để đáp ứng được nhu cầu của “thời đại tri thức” buộc con người phải HỌC TẬP và KHÔNG NGỪNG HỌC TẬP. Học để duy trì công việc trong môi trường làm việc cạnh tranh, học để tri thức không bị xói mòn, học để thay đổi và phát triển. Đây là thói quen cần được xây dựng từ khi bước vào con đường học tập.

Bạn hãy đến với cuốn sách “BƯỚC RA THẾ GIỚI” của GIÁO SƯ JONH VŨ – Nó sẽ giúp bạn hiểu được vai trò và vị trí của bạn trong thời đại ngày nay – thời đại của tri thức.

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, mức độ cạnh tranh càng lúc càng dữ dội. Sinh viên cần phải chủ động tìm hiểu và chuẩn bị những hành trang cần thiết vì nghề nghiệp và cuộc sống tương lai của chính mình. Bạn không thể phụ thuộc vào trường học, bạn không thể phụ thuộc vào xã hội. Bạn không thể chờ đợi và kỳ vọng vào người khác. Bạn chỉ có thể dựa vào chính bạn!” – Giáo sư John Vũ

Dưới đây là 4 lời khuyên xây dựng sự nghiệp rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay mà GS dành riêng cho bạn trẻ Việt.

1. Độc lập trong lựa chọn sự nghiệp chứ đừng phụ thuộc vào bạn bè hay bố mẹ
Độc lập trong quyết định ngành học và công việc, chứ không quyết định dựa trên bạn bè hay ý kiến bố mẹ là một lời khuyên đặc biệt của GS John Vũ. “Bạn không nên để bạn bè ảnh hưởng tới quyết định riêng của bạn. Lựa chọn của bạn là tương lai của bạn, là cuộc sống của bạn, không phải của họ”, ông nói trong cuốn Khởi Hành – Lời Khuyên Sinh Viên Việt Nam.

Về việc tham khảo ý kiến phụ huynh, GS nói: “Ngày nay các bậc phụ huynh thường quá bận rộn. Họ không có thời gian để nghiên cứu thị trường việc làm, cũng không nhận thức đủ tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho con trẻ. Thật nguy hiểm khi các bậc phụ huynh dung túng và tạo cơ hội, đẩy hết mọi trách nhiệm liên quan đến việc lựa chọn tương lai cho bản thân lên vai bố mẹ. Khi họ thất bại, họ đổ lỗi và cho rằng bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của họ.

Hiện tượng này khiến cho phần lớn sinh viên ra trường trở nên ỷ lại và bị động đến mức không có khả năng để tự lo liệu và xử lý vấn đề của bản thân. Có rất nhiều sinh viên thậm chí còn không biết cách chuẩn bị hồ sơ xin việc làm, cũng không có kỹ năng tối thiểu để thích ứng với công việc để rồi bị đào thải, trở thành phần tử thất nghiệp, không ý chí, không tương lai”.

GS John Vũ cho rằng một quyết định ngành học, công việc đúng đắn dựa trên 2 tiêu chuẩn: “Lựa chọn lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành mà bạn thích. Hãy học thứ mà bạn muốn”, và “hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm sống được bằng nghề đó”.

2. Học tập suốt đời
Trong thế giới thay đổi nhanh chóng này, mọi người đều cần có kỹ năng học tập suốt đời. Kỹ năng này yêu cầu tính tự giác kỷ luật và kiên trì vì mỗi người phải chịu trách nhiệm cho việc học của mình.

GS John Vũ đề cập trong cuốn sách Bước Ra Thế Giới”: “Khi làm việc, bạn thường ít để ý đến nhu cầu thay đổi của thị trường việc làm. Hãy tạo thói quen đọc về xu hướng thị trường, xu hướng công nghệ có liên quan đến nghề nghiệp của mỗi người. Bạn phải tự hỏi: “Mình có mọi thứ mà công ty cần, hay ngành nghề đang tìm kiếm không? Kỹ năng của mình có được cập nhật không?”

Ông khẳng định: “Nếu bạn có thể duy trì thói quen học tập suốt đời này, bạn sẽ có khả năng giữ được công việc lâu hơn, đạt năng suất cao hơn”.

Bên cạnh đó, GS nhấn mạnh việc “tự giáo dục” cho bản thân, bởi trong thời đại CMCN 4.0, hệ thống giáo dục bạn trẻ nhận được đôi khi không theo kịp những thay đổi như vũ bão đang xảy ra: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ buộc mọi người, mọi công ty, và mọi quốc gia phải xem xét lại hệ thống giáo dục của họ và hỏi: “Cách giáo dục hiện thời có thích hợp cho cuộc cách mạng này không? Hệ thống giáo dục hiện thời có chuẩn bị cho sinh viên tri thức và các kỹ năng tương hợp với cuộc cách mạng này không? Sinh viên có thể tìm thấy kỹ năng đúng ở đâu để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này? Có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt ở những quốc gia mà cách nhìn truyền thống vẫn còn chi phối. Nhiều người không thấy sự khẩn thiết hay vẫn có thái độ “đợi xem sao”, thay vì tiến hành những thay đổi cần thiết”.

Một người trẻ không thể thành công nếu bị động, “dậm chân tại chỗ” bởi những gì ở hiện tại mà không quan sát những gì đang và sẽ thay đổi trong xu hướng, trong thị trường: “Bạn phải đọc nhiều hơn về các xu hướng công nghệ, xu hướng thị trường và xu hướng nghề nghiệp và đoán xem điều gì sắp xảy ra. Công việc nào đang có nhu cầu cao trên thị trường và bạn có đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra hay không. Bạn cần phát triển những kỹ năng nào? Lập ra một danh sách các kỹ năng bạn cần bổ sung và vạch ra kế hoạch thực hiện”.

“Thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng, nên nếu luôn cập nhật các kỹ năng mới thì bạn không cần sợ bất kỳ thay đổi nào, vì bạn bao giờ cũng sẵn sàng”, ông kết luận.

3. Sau ngày tốt nghiệp, đừng nản lòng nếu chưa tìm được công việc “bằng bạn bằng bè”
“Nhiều sinh viên bị căng thẳng, vì thế họ không thể suy nghĩ về các phương án khác. Họ so sánh bản thân mình với người khác và cảm thấy cay đắng. Thỉnh thoảng họ phàn nàn: “Chúng em học cùng thời gian như nhau ở đại học, cùng nỗ lực như nhau nhưng một số người có việc làm tốt, lương cao, còn chúng em thậm chí không được gọi phỏng vấn”, GS chia sẻ nỗi niềm với những ai gặp khó khăn sau ngày rời trường đại học.

GS John Vũ khuyên người trẻ không nên có cảm giác tiêu cực trong hoàn cảnh này, bởi đơn giản, chưa có việc làm sau khi tốt nghiệp không có nghĩa là họ sẽ không thành công trong cuộc sống, hay không có khả năng tận hưởng cuộc sống.

Ông đưa ra dẫn chứng:

“Brad Pitt đã học về báo chí nhưng không thể kiếm được việc làm vì trượt một môn trong năm cuối. Anh chuyển sang làm người mẫu thời trang trước khi tìm được việc làm diễn viên.

Tiger Woods học kinh tế, không thể tìm được việc làm nên mới trở thành vận động viên golf chuyên nghiệp.

Matt Damon học ngành văn học Anh, làm việc ở nhà hàng trong nhiều năm trước khi làm diễn viên. Bây giờ khi đã nổi tiếng và đã kiếm sống tốt, anh ấy bắt đầu viết tiểu thuyết (đam mê của anh ấy).

Tỷ phú Donald Trump đã học kinh tế và muốn là một giáo sư đại học nhưng không thể tìm ra việc làm. Ông trở thành thầy giáo trung học và đầu tư vào đất đai, nhờ đó mà trở thành tỷ phú. Bây giờ ông lại mở đại học riêng, ở đó ông sẽ thoải mái làm giáo sư”.

Vài người thành công sau đại học, nhiều người dành nhiều năm làm những việc chẳng có gì liên quan tới nền tảng giáo dục của họ, nhưng chừng nào họ còn theo đuổi mơ ước và đam mê, thì chắc chắn thành công sẽ gõ cửa một ngày nào đó.

4. Có tầm nhìn xa cho sự nghiệp của mình
Cuối cùng, trong cuốn Kết Nối, GS John Vũ nhắc đi nhắc lại vai trò của tầm nhìn dài hạn khi lên kế hoạch trong sự nghiệp của mình: Từ việc hình dung con người họ muốn trở thành trong 5 năm, 10 năm nữa đến việc “kế hoạch dự phòng” khi thất nghiệp.

“Bất kể bạn đang làm công việc gì, một người khôn ngoan luôn có “kế hoạch dự phòng” cho trường hợp bị mất việc. Tôi bao giờ cũng khuyên mọi người nên có một kế hoạch nghề nghiệp “dự phòng” vì không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Có lẽ bạn nghĩ hiện nay không cần phải xây dựng “kế hoạch dự phòng” trong khi vẫn đang ổn định với công việc hiện tại, nhưng nếu chuẩn bị trước một kế hoạch, bạn có thể đối phó được với mọi hoàn cảnh bất khả kháng”, ông cho biết.

GS nói thêm: “Bạn cần xây dựng một tầm nhìn xa cho nghề nghiệp dựa trên cơ sở những gì bạn đang làm và những gì bạn muốn làm trong một năm, năm năm, mười năm sau. Bạn phải tự hỏi bản thân mình muốn làm gì trong cả năm tới. Và tự hỏi bản thân cảm thấy thế nào về quãng đời đã qua. Bạn phải tự hỏi mình cần gì, mình muốn gì, mục đích của cuộc đời bạn là gì, công việc hiện tại như thế nào, để biết bản thân bạn cần hoàn thiện những kỹ năng nào để giữ được việc làm và tiếp tục thăng tiến trong công việc“.

Thế giới đang chuyển động, thay đổi từng ngày. Đừng chủ quan, dậm chân một chỗ… Hãy nên nhớ – tương lai thành hay bại, tươi sáng rạng rỡ hay không là do chính bạn – không do bất kỳ ai khác quyết định“, GS kết luận.