Home / Review sách / Review sách Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế

Review sách Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế

Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế
Tác giả: Inamori Kazuo

Giới thiệu sách:
Đây là một cuốn sách “2 trong 1”, bạn đọc sẽ được tìm hiểu cùng một lúc, triết lý kinh doanh của một nhà kinh doanh tài ba hàng đầu Nhật Bản hiện đại – Inamori Kazuo, và tư tưởng làm người mẫu mực của một võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân – Saigo Takamori.

Tình đồng hương, lòng ngưỡng mộ của Inamori dành cho người samurai chân chính Saigo được bộc lộ rõ trong sách nhưng nó không phải là những lời tán dương sáo rỗng mà là những lý giải đầy tâm tư của chính tác giả với những kinh nghiệm của bản thân. Và quan trọng hơn cả, hai nội dung trong sách đều xuất phát từ những ưu tư của những công dân yêu nước tột cùng. Saigo Takamori trăn trở trước những thay đổi của xã hội Nhật đương thời khi đương đầu với văn minh Âu – Mỹ, Inamori Kazuo trăn trở trước những nhiễu nhương của xã hội Nhật Bản hiện đại trên đường chạy gìn giữ vị trí cường quốc kinh tế. Vậy mà lạ thay, hai xã hội Nhật Bản ở cả hai thời đại khác nhau xa hàng trăm năm đấy đều là hai xã hội, hai thời kỳ mà người Việt Nam ta đang ngưỡng mộ, đang khao khát vươn đến.

Đọc Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế, bạn sẽ nhận ra chúng ta yêu nước bằng cách ngưỡng mộ hình mẫu, khao khát vươn lên không thôi chưa đủ, mà phải ngay lập tức, từ bây giờ, mỗi người chúng ta phải thay đổi, dám dấn thân trên con đường đầy chông gai của cuộc đời bởi “hưng suy của một quốc gia đồng nhất với trạng thái tâm hồn của quốc dân” (Inamori Kazuo). Có như vậy, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn.

Review sách:
Saigo hay tên đầy đủ là Saigo takamori (7/12/1827 – 24/7/1877) (*)

Tôi biết đến ông qua tựa sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế của tác giả Inamori Kazuo. Những triết lý kinh doanh của Kazuo (một trong những nhà kinh doanh tài ba hàng đầu Nhật Bản) trong tựa sách đều đến từ những tư tưởng làm người mẫu mực của một võ sĩ Samurai chân chính bậc nhất nước Nhật. Những tư tưởng này không chỉ nói đến con đường chính đạo để làm người mà còn là con đường chính đạo của một chính phủ, mội dân tộc.

Với ngôn từ dễ hiểu, càng đọc, càng dễ dàng nhận ra tính thời đại trong các tư tưởng của Saigo, dù những điều ông nói đều lấy ví dụ bằng những con người, sự kiện thời bấy giờ hay thậm chí là quá khứ trước đó.

41 điều di huấn của Saigo dưới đây được tôi tập hợp lại theo thứ tự từ 1 đến 41. Trong sách thì Kazuo diễn giải theo ý nghĩa nên thứ tự sẽ lộn xộn. Các bạn có thể đọc trước 41 điều trước ở dưới này. Tuy nhiên theo tôi đọc sách sẽ khiến các bạn mở mang hơn trong vấn đề rút ra những bài học.

Điều di huấn thứ 1
Điều hành chính phủ quốc gia tức “thay trời hành đạo” phải thuận theo tự nhiên, đất trời, nên không được xen lẫn tư lợi dù chỉ một chút. Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, phải giữ trái tim công bằng, đi con đường đúng đắn, tuyển lựa người hiền minh khắp nơi, trao chính quyền cho những con người chấp hành nhiệm vụ một cách trung thực thì mới đạt “thiên ý”, tức đạt được trái tim thần thánh. Vì vậy, nếu tìm được người hiền minh phù hợp thì ngay lập tức nhường lại chức vụ của mình cho người ấy.

Ngược lại, dựa vào công trạng đối với đất nước để khen thưởng bằng cách đặt người không thích hợp vào chức quan là việc tồi tệ nhất. Nên nhớ, chức quan là thứ để tuyển người chứ không phải là phần thường để chu cấp cho người có thành tích.

Khi trò hỏi xác nhận “theo Thượng thư (Kinh thư – bộ sách cổ kinh điển của Trung Quốc) trong Tử lệnh thư của Trọng Hủy (tướng hiền của vua nhà Thương thời Ân) có viết “trao quan vị cho người đức cao, thưởng hậu hĩnh cho kẻ có công”, tức sắp xếp thích hợp giữa đức và chức tước, đối ứng khéo léo giữa công trạng và khen thưởng phải không ạ?” thì Nam Châu Ông lấy làm tâm đắc, đáp rằng “đúng vậy”.

Điều di huấn thứ 2
Nếu không tập trung người tài thành một khối thống nhất, chính quyền không có phương châm rõ ràng, quốc gia không có thể chế nhất định thì cho dù có thu nhận kế sách của bao nhiêu người vẫn không thể xác định nên áp dụng cái nào, bỏ qua cái nào, công việc sẽ không được thu gọn mà bị phân tán, không thể nào dẫn đến thành công. Mệnh lệnh của chính phủ đưa ra hôm qua, hôm nay lại thay đổi thì không thể thống nhất mọi người được, đó là do không có phương châm chính trị.

Điều di huấn thứ 3
Căn bản của chính trị là phải thực hiện triệt để 3 việc: thúc đẩy giáo dục để nâng cao học vấn, tăng cường khả năng tự vệ quốc gai bằng việc chuẩn bị quân bị, động viên nông nghiệp để ổn định đời sống. Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác nhưng hết thảy đều là các phương pháp để hỗ trợ 3 vấn đề trên. Tùy từng thời đại, hay tùy theo biến chuyển của thời đại, trật tự ưu tiên của 3 vấn đề này sẽ thay đổi nhưng nhất định không được để vấn đề này ra sau để thực hiện các chính sách khác trước.

Điều di huấn thứ 4
Người đứng đầu vạn dân luôn phải thận trọng, hành xử đúng đắn, tránh lãnh phí, thực hành tiết kiệm, dốc hết sức làm việc để làm gương cho dân, nếu không khiến dân cảm động, thương cảm về sự cần mẫn của mình thì khó thực thi mệnh lệnh chính phủ.
Hiện nay vừa mới bắt đầu Duy Tân mà chỉ nghĩ đến nhà cao cửa rộng, áo lụa quần là, hầu thiếp đẹp xinh, chăm chăm tích trữ, làm giàu cho bản thân thì không thể đạt thành tựu Duy Tân đúng nghĩa.
Mỗi lần nhắc đến cuộc chiến tranh chính nghĩa Boshin mà kết quả chỉ làm khuếch trương tư lợi, tham vọng cá nhân, Saigo chảy nước mắt nói rằng mình không thể đối mặt với quốc dân, với những người đã tử chiến.

Điều di huấn thứ 5
Có lần, Saigo đọc bài thơ thất tuyệt và tuyên bố với học trò nếu Saigo trái lời, tức lời nói không đi đôi với việc làm thì hãy từ mặt ông.
“Cơ lịch tân toan chí thủy kiên
Trượng phu ngọc toái quý chuyên toàn
Nhất gia di sự nhân tri phủ
Bất vi nhi tôn mãi mỹ điền”
(Dịch ý: Ý chí của con người là kết tinh sau bao nhiêu lần trải qua khổ đau, cay đắng. Đường đường một đấng nam nhi phải biết lấy việc rèn giũa bản thân sao cho sáng như ngọc làm trọng, và phải biết xấu hổ khi không có ý chí, chỉ biết sống như một mảng sành. Về điều này, ta truyền đạt lời răn trong gia đình, đó là không mua ruộng tốt cho con cháu, tức không để lại tài sản.)

Điều di huấn thứ 6
Nếu nghiêm khắc mà quá phân biệt quân tử (người có đầy đủ đức hạnh) và tiểu nhân (người có nhân cách thấp kém) trong tuyển dụng thì ngược lại, sẽ gặp họa. Bởi từ thuở khai thiên lập địa, ở đời mười người thì hết bảy, tám người là tiểu nhân. Niên chỉ cần nghĩ đến tâm tư của họ, tận dụng sở trường, giao việc để họ phát huy tài năng và kỹ nghệ của họ.
Fujita Toko (*) tiên sinh đã nói thế này: “tiểu nhân có tài năng và kỹ nghệ nên phải giao việc cho họ làm. Nhưng không vì vậy mà giao chức vụ bên trên, trọng trách cho họ, có thể họ sẽ phá hoại quốc gia. Nhất định không để họ lên trên.”
(*): Fujita toko (1806-1855): Học giả phái Mito học, thời kỳ Bakumatsu.

Điều di huấn thứ 7
Dù là việc lớn, hay chuyện nhỏ đến đâu, phải luôn đi con đường đúng đắn, dốc hết chân tâm, quyết không nghĩ đến những toan tính, giả dối. Phần đông con người ta thường dùng kế sách nào đó một lần được rồi thì nghĩ về sau, chỉ cần tùy tình hình mà bỏ chút công nữa là xong nhưng thường những lo lắng từ lúc lên kế sách chắn chắn sẽ xuất hiện và đó là lúc con người ta thất bại. Đi con đường đúng đắn trước mặt có thể giống như con đường vòng nhưng chỉ cần tiết lên trước thì ngược lại, sẽ mau chóng thành công.

Điều di huấn thứ 8
Nếu muốn tiếp nhận rộng rãi chế độ các nước, hướng đến văn minh khai hóa thì trước tiên, phải khơi dậy bản sắc quốc gia, dốc lòng làm cho đất nước hưng thịnh, truyền bá phong tục giáo hóa, sau đó dần dần tiếp nhận sở trường, ưu điểm của ngoại quốc. Nếu không, chỉ đơn thuần là chạy đuổi theo sau ngoại quốc, nếu quốc thể suy yếu, phong tục giáo hóa sẽ khó lòng cứu chữa. Và rồi đất nước sẽ gặp nguy hiểm khi bị ngoại quốc chế ngự.

Điều di huấn thứ 9
Trung hiếu, nhân nghĩa, giáo hóa là ba đạo đức căn bản trong chính sự, có giá trị muôn đời, không thể đánh đổi được dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này – đó là “đạo”. Mà “đạo” là lẽ tự nhiên của đất nước, ngay cả ở phương Tây cũng không khác.

Điều di huấn thứ 10
Khai phá trí tuệ con người là khai phá lòng ái quốc, lòng trung hiếu. Nếu đường đi làm người minh bạch, tận lực vì quốc gia, cần mẫn vì gia đình thì hết thảy sự nghiệp sẽ tiến bộ theo suy nghĩ đó. Còn nếu chỉ biết trầm trồ trước thành tựu điện tín, đường sắt, máy chạy bằng hơi nước v…v… mà không quan tâm đến sinh hoạt thường ngày, không màng lý lẽ lợi hại, tổn thất ra sao, chỉ nhắm mắt chạy theo bắt chước phong cách ngoại quốc từ nhà cửa cho đến cả đồ chơi, đua đòi xa hoa không phù hợp thân phận, tiêu xài phung phí thì sức mạnh quốc gia sẽ yếu đi, lòng người sẽ nông cạn, rốt cuộc Nhật Bản chỉ còn con đường sụp đổ mà thôi.

Điều di huấn thứ 11
Văn minh là từ dùng để chỉ đạo nghịch lý được thực hiện rộng rãi chứ không phải chỉ cung điện nguy nga tráng lệ, áo xống tơ lụa đắt tiền hay vẻ bề ngoài hào nhoáng. Thử hỏi mấy ai biết văn minh là gì, hay man rợ (chưa khai hóa) là gì. Ta từng tranh luận với một người. Ta nói phương Tây man rợ nhưng người ấy nói phương Tây văn minh.

Tại sao ta nhất định cho rằng người phương Tây man rợ ư? Nếu thật sự phương Tây văn minh thì họ đã đem tấm lòng từ bi, yêu thương mà thuyết phục và dẫn dắt các nước đi con đường văn minh khai hóa. Vậy mà, họ chỉ biết tính toán lợi ích của chính mình mà đối xử tàn nhẫn với các nước chưa được khai hóa, tri thức nghèo nàn, đạo lý còn u mê. Vậy rõ ràng man rợ chứ còn gì nữa. Nói đến đó thì người kia chỉ còn biết im lặng, không đáp trả được gì.

Điều di huấn thứ 12
Luật pháp phương Tây thật sự sâu sắc khi lấy tinh thần căn bản khuyên răn, lưu tâm hướng con người đến lương thiện, tránh dùng nhục hình tàn nhẫn. Vì vậy, dù là phạm nhân trong nhà giam vẫn được đối xử tử tế, được phát sách vở khuyên răn, tùy trường hợp còn được phép gặp mặt người thân, bằng hữu. Khi xưa, thánh nhân ra hình phạt cũng là vì xuất phát từ lòng từ bi, buồn thương, lo lắng cho những phận người không nơi nương tựa trong tâm hồn trung hiếu, nhân ái mà rơi vào vòng tội lỗi nhưng không thấy sách vở nào ghi lại thực tế đã đạt được như phương Tây chưa. Ta thật sự cảm nhận văn minh phương Tây ở điểm này.

Điều di huấn thứ 13
Bỏ thuế để làm giàu đời sống dân chúng chính là nuôi dưỡng sức mạnh quốc gia. Vì vậy, cho dù quốc gia có nhiều sự việc đáng lo, tài chính thiếu thốn đi chăng nữa thì vẫn phải gìn giữ chế độ thuế đã được định ra, giai cấp thượng tầng phải chấp nhận tổn thất để hỗ trợ những người ở giai cấp hạ tầng. Cứ nhìn lịch sử từ cổ chí kim mà xem.

Thời đạo lý không được xem trọng, tài chính thiếu hụt, không có quan tốt nào lại đi dùng những kẻ khôn lõi để dùng thủ đoạn thu thuế vượt qua thiếu thốn nhất thời cả. Bởi những kẻ khôn vặt đó không từ thủ đoạn, ngược đãi dân chúng bằng cách đưa ra luật thuế không phù hợp, gian dối khiến con người ta không phân biệt hiền ác, người tầng lớp này kẻ giai cấp nọ cắn xé nhau, quan lại và dân chúng trở nên đối lập, cuối cùng là đất nước phân ly, sụp đổ.

Điều di huấn thứ 14
Công việc thu chi, kế toán của quốc gia là căn bản của mọi chế độ. Có thể nói đây là việc quan trọng nhất trong sự nghiệp xây dựng và quản lý đất nước, vì vậy phải vô cùng thận trọng. Nếu phải chỉ rõ phương pháp tổng quát thì không gì khác ngoài việc phải tính toán toán được thu nhập để điều tiết chi xuất. Dự liệu thu nhập một năm và đưa ra hạn định cho mọi công việc, người quản lý kế toán phải hết mình giữ quy định, không cho phép chi tiêu vượt quá dự toán đã được quy định ra.

Nếu không làm vậy mà chỉ biết phó mặc cho thời thế, để chi vượt quá giới hạn, ưu tiên chỉ tiêu rồi mới nghĩ cách tính toán thu nhập thì rốt cuộc chỉ còn mỗi cách tách thuế lên quốc dân. Nếu là vậy thì cho dù có chút tiến triển nhưng thực chất sức mạnh quốc gia sẽ bị xiêu vẹo, khó lòng chống đỡ.

Điều di huấn thứ 15
Quân số thường trực, tức sức mạnh quốc phòng văn phải nằm trong phạm vi tài chính, không được mở rộng quân bị, phô trương thanh thế. Chỉ cần nâng cao tinh thần binh sĩ, xây dựng quân đội tinh nhuệ thì dù ít quân và phải đối đầu với ngoại xâm vẫn có thể ngăn chặn được uy hiếp từ bên ngoài.

Điều di huấn thứ 16
Nếu đánh mất tâm hồn tiết nghĩa, liêm sỉ, sẽ không thể duy trì quốc gia. Các nước Tây dương cũng vậy. Nếu người đứng trên chỉ biết đòi hỏi kẻ dưới chiến đấu vì lợi ích riêng mình, quên mất con đường đúng đắn thì kẻ dưới cũng bắt chước, chạy theo tiền của, đâm ra hẹp hòi, lâu dần không còn trong sạch, lòng tự trọng nữa.

Cha mẹ, con cái, anh em tranh dành tại sản, nhìn nhau căm thù. Nếu xảy ra tình trạng này rồi thì làm sao duy trì quốc gia được.
Tokugawa (*) đã thống nhất đất nước bằng trái tim dũng mãnh nhưng bây giờ so với thời chiến quốc, cần phải có trái tim mạnh mẽ hơn thế bội lần mới có thể đối đầu với các nước trên thế giới. Trong cuộc chiến tranh Đức – Pháp, nước Pháp với 300.000 binh lính và lương thực đủ dùng cho 3 tháng vậy mà văn phải đầu hàng là do tính toán tiền của, vật chất sai lầm.
(*) Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616): Chinh di đại tướng quân đầu tiên, thống nhất đất nước Nhật Bản, mở ra thời kỳ trị vì hơn 200 năm của dòng họ Tokugawa.

Điều di huấn thứ 17
Nếu không có được tinh thần quyết liệt theo đuổi con đường đúng đắn, dù có vấp ngã hay đất nước phải lầm than thì không thể giao tế bình đẳng với nước ngoài. Nếu khiếp sợ thế lực của ngoại quốc, chỉ mong cầu viện viên mãn mà bẻ gãy ý định của mình, theo lời ngoại quốc thì sẽ bị họ lấn lướt, quan hệ thân mật bị phá bỏ, cuối cùng dẫn đến kết quả bị ngoại quốc áp chế.

Điều di huấn thứ 18
Khi đề cập đến việc nước, đáng lưu ý nhất là nhiệm vụ của chính phủ. Cho dù bị nước ngoài xem thường hay toàn thể quốc gai có sắp sụp đổ đi nữa, chính phủ vẫn phải tận lực, hướng đến con đường đúng đắn, đạo nghĩa mà đi. Lúc nói chuyện tài chính, tiền bạc, của cải thì ra vẻ anh hùng hào kiệt nhưng đến khi đụng đến vấn đề gay go, đổ máu thì co rúm người lại, chỉ mong nhắm mắt cho qua chuyện. Nếu vì sợ một chữ “chiến” mà quên mất nhiệm vụ căn bản của một chính phủ thì chỉ như một sở quản lý thương mại chứ có còn là chính phủ một nước đâu.

Điều di huấn thứ 19
Từ xưa đến nay, không có thời đại nào yên bình khi cả chủ quân và hạ thần đều cho mình hoàn hảo rồi điều hành chính trị. Chính khi không tự cho mình hoàn hảo thì ta mới biết lắng nghe lời người khác nói. Khi ta cho rằng mình hoàn hảo, ta sẽ dễ dàng nổi giận khi có ai đó chỉ ra khuyết điểm của mình. Và hiền nhân, quân tử sẽ chẳng ai ra tay giúp đỡ những người như vậy.

Điều di huấn thứ 20
Cho dù có lý luận, phương pháp hoàn hảo đến đâu mà chính người nói không phải là người tốt thì khó mà thực hiện. Trước tiên, phải có người tốt rồi mới có phương pháp. Con người là tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất. Chính chúng ta phải cố gắng trở thành con người như vậy.

Điều di huấn thứ 21
Đạo là đạo lý căn bản, tự thân trong trời đất nên để đạt được sự tận cùng của học vấn, phải luôn tâm niệm lấy câu “Kính Thiên Ái Nhân” làm mục tiêu tu thân. Mục tiêu thật sự của việc kiềm chế bản thân nằm trong câu “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” (Luận ngữ) (*). Mọi người ở đời đều thành công nếu kềm chế được bản thân, nhưng sẽ thất bại nếu quá yêu bản thân mình.

Hãy nhìn lại các nhân vật trong lịch sử, hầu hết họ thường đi đến bảy, tám phần thành công trên con đường gầy dựng sự nghiệp nhưng ít ai đi trọn hai, ba phần đường còn lại. Bởi ban đầu họ biết kềm chế bản thân, thận trọng trong công việc nên thành công, tạo nên danh tiếng.

Nhưng cùng với thành công và sự nổi tiếng, trái tim yêu cái tôi trỗi dậy, ý thức cảnh giác, thận trọng trở nên yếu đi, tư tưởng cao ngạo mạnh lên, lộng ngôn cho rằng mình có thể làm bất kỳ việc gì, để rồi gánh chịu thất bại. Đó là kết quả do chính bản thân tạo ra. Vì vậy phải thường xuyên chiến thắng bản thân mình, ngay cả những lúc không có ai theo dõi, nhắc nhở, hỏi han, quan trọng là phải luôn cảnh giác với bản thân.”
(*): Không áp đặt ý của mình để đánh giá, không nhất thiết miễn cưỡng, không cố chấp, không nghĩ đến cái tôi.

Điều di huấn thứ 22
Vì cố gắng chiến thắng bản thân mình chỉ trong một thời điểm, trong một tình huống nên khó lòng thành công. Phải luôn luôn phấn đấu tu thân khắc kỷ từ tinh thần.

Điều di huấn thứ 23
Người lấy học vấn, tri thức lập chí luôn phải mở rộng tri thức đó với quy mô lớn hơn. Nhưng nếu chỉ tập trung cho tri thức có khi lại quên tu thân nên phải luôn nhớ tu dưỡng tinh thần. Hãy mở rộng tầm hiểu biết và luôn nâng cao nhân cách. Trang nam tử cần độ lượng để thu nhận người khác vào cả trái tim mình và hãy nhớ rằng để người khác thu nhận mình là không nên. Ông nói vậy và viết một câu cổ ngữ dạy học trò:
“Khôi hoành kỳ chí khí giả
Nhân chi hoạn
Mạc đại hồ tự tư tư lận
An ư ti tục
Nhi bất dĩ cố nhân tự kỳ”
(Dịch nghĩa: Điều đáng lo nhất đối với người có chí khí muốn đạt thành mọi sự là không chịu học tập người xưa tu thân, kềm chế cái tôi, sống cuộc đời thanh bạch, không ham muốn.)

Điều di huấn thứ 24
“Đạo” là lẽ tự nhiên của đất nước, con người phải đi theo đúng con đường đó, trước tiên phải lấy mục đích kính Thiên. Trời ban tình yêu cho mọi người rất công bằng nên hãy luôn nhớ lấy trái tim yêu mình để yêu người giống mình.

Điều di huấn thứ 25
Hãy thường xuyên lấy “Thiên”, đừng lấy “Nhân” làm đối tượng. Lấy Thiên làm đối tượng để dốc hết lòng thành, không trách cứ người đời mà luôn tự vấn lòng thành bản thân.

Điều di huấn thứ 26
Yêu mình, hay nói cách khác, chỉ cần biết có mình, còn người khác thế nào cũng được là việc tồi tệ nhất. Không học hành tới nơi được, không thành công trong sự nghiệp, không tránh được thất bại, cao ngạo tự mãn với thành thích bản thân, hết thảy đều phát sinh từ một tâm hồn vị kỷ, chỉ yêu bản thân. Vì vậy nhất định không được làm những việc chỉ có lợi cho bản thân.

Điều di huấn thứ 27
Với những việc xảy ra trong quá khứ, nhìn ra được thất bại, sai lầm của mình là tốt. Vì chỉ cần quên đi thất bại, tiếp tục tiến lên bước tiếp theo. Cứ mãi ân hận, tiếc nuối chuyện đã qua và cứ lo lắng, phân vân cũng giống như làm vỡ tách trà rồi gom mảnh vỡ lại ngồi nhìn, chẳng nên tích sự gì.

Điều di huấn thứ 28
Thực hành chính đạo thì không còn phân biệt cao quý hay thấp hèn, ai cũng phải thực hành. Ví dụ, Nghiêu Thuấn làm vua trăm họ, nghề nghiệp thời xưa chính là dạy học. Hay như Khổng Tử đã từng gặp nhiều khó khăn ngay tại nước Lỗ của mình cũng như các nơi khác và ra đi với thân phận thấp kém. Nhưng ba ngàn đệ tử của ông lại tiếp tục theo lời dạy mà thực hành chính đạo.

Điều di huấn thứ 29
Hễ đã đi trên chính đạo thì chắc chắn gặp khó khăn, khổ nạn nên cho dù gặp cảnh khó khăn thế nào, không cần phải lo lắng thành công hay thất bại, sống hay chết nữa. Trong mọi việc đều có kẻ hay người dở, tùy việc mà có người làm tốt có người không làm được gì. Cũng có người dao động, cảm thấy bất an trước khi thực hành chính đạo.

Nhưng là người thì pải đi trên chính đạo nên việc thực hành hay đi trên đó không có người hay kẻ dở cũng chẳng có ai là không thể. Chỉ cần chăm chú đi, nếu có gặp khó khăn thì cần phải vượt qua, bất chấp kết quả ra sao vẫn tiếp tục đi trên con đường đó. Đến khi nghĩ lại thời trai trẻ bản thân đã gặp khó khăn vượt qua nó, bây giờ không bị dao động trước bất kỳ khó khăn nào nữa. Chỉ cần đạt được vậy đã là hạnh phúc.

Điều di huấn thứ 30
Đối xử với những người không màng tính mạng, không cần danh vọng, không cần cả quan vị, tiền tài rất khó. Nếu không có những con người “lớn” như thế sẽ không đại được thành công trong việc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, không thể phát hiện những người như thế này bằng mắt thường.
Trong “Mạnh Tử” có đề cập” “ở nơi thiên hạ ở, đứng đúng vị trí trong thiên hạ, làm việc lớn trong thiên hạ”.

Lập chí rồi thì cùng dân chúng hành đạo, nếu không có chí thì cần một mình mà đi. Người như vậy thì không làm vấy bẩn thân phận nếu giàu có, quyền uy, cũng không hạ mình luồn cúi nếu xuất thân thấp hèn, nghèo khổ. Ta cũng không thể dùng uy quyền, thế lực để khuất phục những người như vậy. Hỏi ông người như vậy mới đúng là trang nam tử phải không thì ông cười đáp “đúng vậy” bởi những người không sống chân chính thì không thể có tinh thần đó được.

Điều di huấn thứ 31
Những người sống đúng theo đạo nghĩa sẽ không bất mãn khi thiên hạ phê phán, cũng không thỏa mãn với bản thân mình khi được khen ngợi, bởi họ tin tưởng sâu sắc bản thân mình. Phương pháp để trở thành người như vậy là đọc và thấm nhuần bài văn ca tụng Bá Di (*) của Hàn Văn Công (Hàn Dũ, nhà văn đời đường)
(*) Bá Di – Thúc Tề: anh em nổi tiếng nhờ sự trung thành với nhà Thương, Trung Quốc. Đời sau thường dùng hình ảnh Di, Tề để nói về việc đi ở ẩn.

Điều di huấn thứ 32
Những người có chí theo chính đạo không cần phải tôn sùng sự nghiệp vĩ đại. Tư Mã Quang (học giả thời Bắc Tống, Trung Quốc) đã nói không có việc gì là không thể nói với tha nhân (*). Chân lý của việc thận trọng, giữ kẽ với người sẽ được đánh giá qua việc này. Nếu làm việc gì khiến người khác thán phục và bản thân thấy thỏa mãn với điều đó tức thu thân chưa thông suốt, cần phải xem lại mình.
(*) người khác.

Điều di huấn thứ 33
Người bình nhật (*) không thực hành đạo nghĩa, khi gặp sự gì sẽ lúng túng, không biết giải quyết thế nào cho đúng. Ví dụ, có hỏa hoạn gần nhà, người luôn có tâm thế đầy đủ sẽ không bị hoảng loạn, mau chóng ra tay đối ứng. Còn với người ngày thường không thực hành, chuẩn bị thì không có cách xử lý đúng đắn. Thời gian trước ta luôn nhắc nhở binh lính kiểm tra việc phòng bị đã đầy đủ chưa không bằng con mắt của một người cùng phe mà phải đặt mình vào tâm thế của định để xem xét, đó mới là cách phòng bị tốt nhất.
(*): Ngày thường

Điều di huấn thứ 34
Thường nhật, không nên tính toán, không nên dùng sách lược. Nhìn những việc làm có tính toán, kết quả rõ ràng là không tốt, thường đem lại cảm giác hối hận. Chỉ có trong chiến tranh là cần phải có chiến lược. Nhưng ngày thường mà luôn tính toán thì đến khi có biến, lại không nghĩ ra được kế sách hay. Chính nhờ không có kế sách gì mà Gia Cát Khổng Minh mới có thể có được những tính toán siêu phàm lúc có biến.
Saigo nói với người em trai Tsugumichi trên đường rút lui từ Tokyo: “ta chưa từng tính toán điều gì dù chỉ một chút nên sau khi rút lui khỏi đây, chẳng để lại vết nhơ. Hãy nhìn cho kỹ”.

Điều di huấn thứ 35
Làm việc gì mà lừa người, âm mưu mờ ám thì cho dù có dựng nên sự nghiệp vẫn không thoát khỏi con mắt tinh tường của thế gian. Và không có gì xấu xí bằng lừa lọc. Hãy đối xử với người đời thật công bằng và chân tình. Nếu không công bằng, không thể nắm bắt được trái tim người anh hùng.

Điều di huấn thứ 36
Người có tâm hồn thấp kém, trông gương thánh hiền mà không dám phấn đấu, không có chí trở thành người như vậy thì bạc nhược chẳng khác kẻ chưa ra trận đã chạy trốn. Chu Tử (Chu Hi)(*) đã nói những kẻ mới nhìn đối phương rút kiếm đã bỏ chạy thật chẳng ra làm sao. Nếu không tự mình trải nghiệm, tu thân và tinh thần lẫn thể xác bằng cả lòng thành như đã đọc sách vở thành hiền đúc kết và một đời thực hành, và chỉ dừng lại ở mức độ biết có nói như vậy, có sự nghiệp thế kia thì cũng chẳng ích gì.

Tinh thần được đúc kết của thánh hiền không được truyền tải mà chỉ ở đầu môi chót lưỡi, không được quan tâm thực thụ. Nếu chỉ đọc sách thánh nhân hiền sĩ như đọc vè thì cũng như đứng bên cạnh nhìn kiếm thuật của người khác mà bản thân không thấy thuyết phục. Bản thân không thấy thuyết phục thì dù có được người khác thách đấu ngàn trận thì cũng chỉ bỏ chạy mà thôi.
(*) Chu Hi (1130-1200) là người đã phát triển học thuyết lý – khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa lý học thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lý học.

Điều di huấn thứ 37
Ở đời, thứ có thể khiến con người ta tin tưởng, bị khuất phục mãi mãi chỉ là lòng thành con người. Xưa nay, không thẻ đếm xuể những người con trả thù cho cha nhưng chỉ có chuyện anh em Soga là được lưu truyền đến tận ngày nay, già trẻ lớn bé ai cũng biết là do lòng thành sâu sắc vượt trội hơn bao người. Nếu không có lòng thành mà được người đời khen ngợi thì chỉ là may mắn nhất thời. Nếu lòng thành sâu sắc thì dù đường thời không ai biết nhưng vẫn sẽ là bạn tâm hồn cho hậu thế.

Điều di huấn thứ 38
“Cơ hội” mà con người ta thường nhắc đến là hạnh phúc, may mắn tình cờ có được. Nhưng “cơ hội” thật sự là những trường hợp xảy ra nhờ những hành động đạo lý, đánh giá thời thế đúng đắn. Những thành công có được từ việc lợi dụng tình thế mà không quan tâm đến quốc gia và dân chúng đều không kéo dài được lâu.

Điều di huấn thứ 39
Con người ngày nay cho rằng chỉ cần có tài năng và tri thức thì việc gì cũng có thể làm theo ý mình nhưng thật ra chỉ trông chờ vào tài năng thôi thì thật nguy hiểm đến mức không thể khoanh tay đứng nhìn. Mọi việc chỉ đạt thành khi nội dung bên trong rõ ràng. Nay chẳng còn thấy ai được như tiên sinh Nagaoka (5) ở Higo, nói rồi ông thở dài viết những câu cổ ngữ như sau:
Phu thiên hạ thành bất động
Phi tài bất trị
Thành chi chí giả
Cơ động dã tốc
Tài chi chu giả
Kỳ trị dã quảng
Tài dự thành hợp
Nhiên hậu sự khả thành
(Chú giải: Mọi sự ở đời, không có lòng thành không chuyển động, không có tài chức, tức tài năng và kiến chức cũng không thể trị vì. Nếu lòng thành sâu sắc thì việc cũng nhanh chóng. Nếu tài chức được trao đổi xung quanh, việc xung quanh cũng lan tỏa rộng rãi. Nếu tài chức và tấm lòng hợp thành thì mọi việc sẽ đạt thành).

Điều di huấn thứ 40
Sau một ngày dẫn chó băng đèo lội suối đi săn, đến chiều tối, về nhà tắm táp, cơ thể khỏe mạnh, sạch sẽ, tinh thần sảng khoái, ông đã nói rằng “tâm hồn người quân tử phải luôn thế này”.

Điều di huấn thứ 41
Cho dù đã tu thân, lập chí như người quân tử nhưng khi có hữu sự mà không ứng phó được thì cũng chỉ như một hình nhân bằng gỗ. Giả dụ bất ngờ có vài mươi khách đến chơi, gia chủ rất muốn tiếp đãi trọng thể nhưng không chuẩn bị đồ dùng thì cũng chỉ biết loay hoay, bối rối mà thôi. Nếu luôn chuẩn bị sẵn sàng thì du khách đến bất ngờ, bao nhiêu người đi nữa vẫn có thể tiếp đãi. Vì vậy, cố nhân đã viết dặn chúng ta tầm quan trọng của sự chuẩn bị thường trực:
Văn phi duyên tạm dã.
Tất hữu xử trị chi tài
Vũ phi kiếm thuẫn dã
Tất hữu liệu địch chi tri
Tài tri chi sở tại nhất yên nhi tị
(Tống, Trần Long Xuyên, Chước cổ luận tự văn)
(Dịch nghĩa: học vấn không chỉ là nghiệp văn bút. Mà đó là tài năng xử lý sự việc. Võ đạo không chỉ là tay cầm kiếm, khiên thành thạo mà là trí tuệ thông hiểu đối phương. Tài năng và trí tuệ phải song hành).

Theo: Sách hay cho bạn.