Home / Review sách / Review sách Điểm Đến Của Cuộc Đời

Review sách Điểm Đến Của Cuộc Đời

Điểm Đến Của Cuộc Đời
Tác giả: Đặng Hoàng Giang

Giới thiệu sách:
Điểm đến của cuộc đời kể lại một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Dấn thân vào “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?

Kỳ lạ thay, những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến mức khiến ta nghẹn ngào: bản lĩnh để đi qua bi kịch khó diễn đạt bằng lời, thái độ bình tĩnh của con người tự do trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng. Đồng hành với họ, ta thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Gấp lại cuốn sách, ta có thể được rất nhiều: một nhận thức thấm thía về sự hữu hạn của con người, một thái độ điềm tĩnh trước điểm kết, lòng trân trọng cuộc sống, để từ đó bắt đầu rời xa những phù phiếm ồn ào, sắp xếp lại các ưu tiên, tập trung vào những điều cốt lõi khiến cuộc sống có ý nghĩa.

Một hành trình dũng cảm. Một cuốn sách tràn đầy tính nhân văn và và sức lay động tâm hồn.

Review sách:
“ĐIỂM ĐẾN CỦA CUỘC ĐỜI” – TÌM THẤY Ý NGHĨA CUỘC SỐNG QUA HÀNH TRÌNH ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI CẬN TỬ!

“Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang không phải là một cuốn sách triết lý về cái chết mơ hồ, lý thuyết. Đó là chuyến hành trình trải nghiệm sâu sát thực tế của tác giả khi tham gia cùng những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chứng kiến những thăng trầm, sụp đổ trong thế giới của những con người sắp gần đất xa trời. Qua đó, tác giả đem đến cho người đọc những bài học ý nghĩa, nhân văn trong cuộc sống.

Hành trình đối mặt trực diện “cái chết”
“Cái chết” thường bị né tránh giữa những cuộc đàm luận trong cuộc sống vì những quan điểm thành kiến trong xã hội như “xui xẻo”, “điềm gở”…Có chăng “cái chết” cũng chỉ được nhắc đến trong triết học như một phạm trù trừu tượng, trên bình diện tri thức. Tuy nhiên, khi ta không bàn về “cái chết” hay chỉ chiêm nghiệm về nó trên bề mặt ngôn từ, không có nghĩa là “cái chết” không tồn tại, hay chỉ xuất hiện thoáng qua, hời hợt. Trái lại, “cái chết” vẫn luôn tác động mạnh mẽ đến ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Trong “Điểm đến của cuộc đời”, tác giả Đặng Hoàng Giang muốn nhìn thẳng mặt “cái chết” để nó trở thành người thầy vĩ đại dạy ta những bài học sống còn trong đời. Tác giả tha thiết: “Hãy tước khỏi cái chết cái mới mẻ và sự xa lạ, hãy chuyện trò và làm quen với nó, và để không gì xuất hiện thường xuyên trong các suy nghĩ của ta như cái chết.” Tác giả đã chọn cách “đối mặt với nó bằng kinh nghiệm…” từ hành trình đồng hành cùng những góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn của những con người cận tử.

Những số phận “đau đớn dữ dội”, “chuẩn bị mơ hồ cho sự xóa sổ của mình”
“Điểm đến của cuộc đời” đưa người đọc vào bức tranh hiện thực về những ngày tháng cuối đời của những người bệnh với những độ tuổi, xuất thân, hoàn cảnh khác nhau. Tác giả khắc họa chân xác những số phận phải đối mặt với bi kịch tại những thời điểm bất ngờ, không lường trước của cuộc đời.

Đó là câu chuyện về những phận số hẩm hiu, dở dang trên hành trình sống của mình, là Nam – cậu học sinh tiểu học hồn nhiên, hoạt bát, đang tuổi ăn tuổi chơi, là Liên – cô sinh viên năm cuối với những ước mơ, hoài bão tốt đẹp về sự nghiệp và hạnh phúc gia đình, là Vân – người con hiếu thảo, người vợ hiền đảm đang, người mẹ yêu thương, dạt dào tình cảm…

Người đọc có thể cảm nhận sự trộn lẫn hỗn tạp đủ dạng cung bậc cảm xúc trong thế giới nội tâm giằng xé với những nỗi niềm, trăn trở mãnh liệt của “những người bệnh và người thân của họ”, có lúc quằn quại, “đau đớn dữ dội”, có khi “bỡn cợt, tỏ ra lạc quan, chòng ghẹo, động viên nhau, tung hê, khóc lóc”. Mọi ngóc ngách của bi kịch với “tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất” được phơi bày trần trụi, hiển lộ không che đậy nhằm tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ nhất đến tâm trí, để người đọc bước vào trải nghiệm đặc biệt cùng cảm nhận sâu sắc về sự ập đến bất ngờ, không tiên đoán trước của cái chết đối với bất kì ai.

Tiếng nói cảnh tỉnh về sự vô thường của cuộc đời từ những bài học đắt giá của những “con người tuyệt đẹp”
Thông qua những câu chuyện về những phận số “bi kịch” đương đầu với những nghịch cảnh “dữ dội”, tác giả Đặng Hoàng Giang đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh sâu sắc về sự vô thường của cuộc đời. Hành trình đồng hành cùng những người cận tử đã giúp tác giả có được trải nghiệm chân thực đối mặt trực diện với “cái chết”, từ đó, bằng tất cả tình yêu và lòng trắc ẩn, ông đã đưa người đọc đến nhận thức thấu suốt về sự mong manh, chóng tàn của cuộc đời.

Qua những trang văn tâm tình quá đỗi chân thành và tha thiết, người đọc có thêm nhiều động lực sống một cách “tập trung” nhất, ý nghĩa nhất với những ưu tiên quan trọng, cảm thấy biết ơn và trân quý những giá trị tốt đẹp mình đang có, đồng thời mài sắt nội lực để có thể đương đầu và vượt qua những biến cố lớn lao trong đời.

Những “con người tuyệt đẹp” trước sự thử thách của nghịch cảnh đã bộc lộ tất cả những nét đẹp sâu thẳm trong tâm hồn: chân thật trong cảm xúc, dạt dào tình yêu rất người rất đời; dũng cảm đối mặt, dám cất tiếng nói vượt mọi trở ngại của những thành kiến xã hội để cống hiến cho những giá trị, ý nghĩa thiêng liêng. Điểm cuối của những thân phận mỏng manh nhưng không hề bé nhỏ này đã để lại nhiều cú chạm đặc biệt đến chiều sâu cảm xúc của những kiếp người.

Bài học rút ra: Khi chúng ta tìm được lý do và ý nghĩa trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua nghịch cảnh. Dù đau đớn bao nhiêu, chúng ta càng phải trở nên kiên cường bấy nhiêu, vì thông qua nghịch cảnh, chúng ta biết được khả năng chịu đựng của mình đến đâu và chúng ta học được gì sau nỗi đau bi đát ấy.

Thật ra những người đã khuất họ không biến mất mãi mãi, mà họ chỉ tồn tại ở một dạng khác, họ vẫn luôn có mặt trong từng tế bào cơ thể ta, trong trái tim ta, chính vì vậy chúng ta phải sống tiếp và lạc quan để trên tận cao xanh, họ có thể mỉm cười mãn nguyện.

Những câu chuyện trong sách mang tính giáo dục cao và thức tỉnh chúng ta-những người còn đang rất khỏe mạnh một thông điệp hết sức nhân văn. Chúng ta hãy cứ sống hết mình, mở lòng yêu thương, sắp xếp lại những việc ưu tiên hay những việc chúng ta muốn làm trong cuộc sống trước khi cái chết tìm đến mình, ý thức được cái chết chúng ta sẽ sống có ý thức và trách nhiệm hơn.

Sống không hoang phí, không đầy hận thù, sống với tấm lòng yêu thương với mọi người. Trân trọng những gì mình đang có, hạnh phúc luôn ở trước mắt chúng ta chỉ là chúng ta có nhìn ra hay không mà thôi.

“Điểm đến của cuộc đời” là một cuốn sách vô cùng giá trị, giàu tinh thần nhân văn và lòng trắc ẩn của tác giả Đặng Hoàng Giang, đã đem đến cho người đọc những bài học đắt giá và sâu sắc về ý nghĩa sống thực sự trong cuộc đời vốn ngắn ngủi, tạm bợ này. “Suy ngẫm về cái chết là suy ngẫm về tự do. Người đã từng học để chết là người đã giải phóng mình ra khỏi các ràng buộc và kiểm soát.”