Năm Thương Tháng Nhớ Không Ngày Gửi Đi
Tác giả: Trịnh Nam Trân & Kỳ Anh Trần.
Giới thiệu sách:
“Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi” – một bức thư tay êm đềm mong bạn tìm được một góc bình giữa cuộc đời vội vàng.
Review sách:
“Chuyện tình trong lá thư tay
Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi”
Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi viết về những câu chuyện tình yêu đầy xúc cảm của người trẻ trong hình hài những bức thư tình không được gửi đi mà giấu giữ cho riêng mình.
Lần đầu biết đến thơ văn của cô gái Nam Trân, phải nói là trong quá trình đọc sách chị mình đã nghĩ phải chụp cuốn này màu êm dịu nhất – giống như cái cảm giác thơ Nam Trân mang lại. Cuốn này không chỉ có thơ mà còn phần tản văn đôi dòng trải nghiệm ở cuối sách.
Qua hai phần thơ và tản văn mang dáng hình những bức thư tay, nàng thơ Trịnh Nam Trân của Tiệm sách hoa cúc sẽ mang lại cho người đọc những vần thơ, những câu chuyện đầy cảm xúc về tình yêu với cả niềm vui và nỗi buồn bằng giọng thơ văn nhẹ nhàng, gần gũi, vừa cổ điển vừa lãng mạn. Để rồi giúp ta nhận ra rằng, hãy biết trân trọng người đang bên cạnh sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời này với bạn.
Đọc thơ thấy dịu dàng có chút mùi của kẻ tình si đi tìm thơ giữa đời, đọc văn lại thấy biêng biêng, cảm tưởng chị dẫn mình đi trong làn khói sương bảng lảng giữa khung cảnh hiện đại.
Thơ văn của Nam Trân có gì đó rất lạ, vần thơ lơ lửng như tâm trạng người đang trong tình yêu, có chút cố chấp lại có sự si tình dịu dàng như muốn dốc hết cho người thương. Tình ấy có thể là từ chàng trai luôn mong hồi đáp từ người con gái anh si dại:
“…em buồn vì nắng nhạt nhòa
nhưng em chẳng tiếc một ta si tình…”
hay tình ấy lại như chàng thi sĩ mãi đợi nàng thơ của chính mình trong vô vọng
“trời đổi mấy gợn mây
nắp biển mở rồi đậy
áo người cũng đã thay…”
“Năm thương tháng nhớ không ngày gửi đi” giống như lát cắt từ lá thư tình không thể tới tay người nhận, những vần thơ giấu sâu trong lòng khó giải bày. Thơ của Nam Trân kết hợp uyển chuyển giữa si mê cuồng nhiệt của hiện đại và thầm lặng tình si thương thu vọng nguyệt của người xưa.
Thích cả cách ví von gợi nhiều suy tưởng của chị trong câu chuyện ấy, nó mang sự mờ ảo của cổ tích nhưng lại chứng thực nhiều sự cố chấp thật tâm của con người. Rằng tình yêu luôn là sự cố chấp đố kị – thứ gia vị xói mòn trong cuộc sống không thiếu mà con người ta khi yêu khờ dại.
Cuốn sách dịu dàng để bạn cảm nhận những cảm xúc được giấu kín của con tim và sau tất cả, có thể tặng cho bản thân dũng khí để viết tiếp câu chuyện tình yêu theo cách của riêng mình!
Đoạn trích hay:
“Mai này có thương đau
gọi tên nhau khe khẽ
tôi không hứa tôi sẽ
vẽ lại được trời xưa
nhưng ghế trống tôi chừa
em gục đầu mưa gió.”
“Em diễn vở Ngây Thơ
Tôi nhập vai Giả Vờ
Ngờ đâu tôi diễn tệ
Giả Vờ hóa Mộng Mơ
Em vẫn diễn Ngây Thơ
Tôi Mộng Mơ thật lòng
Em đóng màn, khép vở
Vỡ òa một giấc mơ.”
“em ơi em có thể
cho tôi xin nụ cười?
tôi hứa tôi sẽ giữ
dẫu tháng năm đổi dời”
“Nếu mà…
Nếu mà em muốn khóc
Hãy ngước lên trời rộng
Để mặt trời óng ánh
Tô mắt huyền thêm trong
Nếu mà em muốn khóc
Hãy cúi nhìn dòng sông
Nỗi buồn hòa dòng chảy
Trôi ra biển mênh mông
Nếu mà em muốn khóc
Hãy tựa một chiếc cây
Chúng đã từng vạch đất
Mạnh mẽ lớn từng ngày
Nếu mà em muốn khóc
Đừng lau vội bằng tay
Cứ để lệ tuôn thế
Rồi tôi sẽ đến ngay”
“Tôi có yêu em?
em đoán xem?
tôi có chờ em?
em đoán xem?
em bảo là “không”
em thật kém!
bao nhiêu năm rồi
em đếm xem?”