Home / Review sách / Review sách Quả Táo Thần Kỳ Của Kimura

Review sách Quả Táo Thần Kỳ Của Kimura

Quả Táo Thần Kỳ Của Kimura
Tác giả: Takuji Ishikawa

Review sách:
“Quả táo thần kỳ của Kimura” không chỉ kể về câu chuyện trồng táo của Akinori Kimura – nông dân Nhật Bản – người đã kiên trì trồng táo trong suốt 20 năm mà còn là câu chuyện khích lệ ý chí con người.

“Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó sẽ gặp được câu trả lời”. Lời của Kimura chính là cuộc đời Kimura. Cái điên của Kimura không cần nói cũng biết, đó là trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Ngay từ đầu đã biết việc đó là bất khả thi 100% rồi, ấy vậy mà “kẻ ngốc ấy” vẫn tận tâm làm bằng được.

Kimura đã không dùng thuốc bảo vệ thực vật trên mảnh vườn của mình, sau đó toàn bộ cây táo đổ bệnh, lá chuyển từ màu xanh sang đốm vàng và rụng xuống chỉ để lại cành cây trơ trụi. Trong các năm tiếp theo, thu nhập từ táo trở về con số 0, ông lại làm một việc ngu ngốc đấy, nhưng ông luôn tự nhủ “Chỉ thêm một năm nữa thôi, cố gắng xem sao”. Năm tháng qua đi, việc từ bỏ càng trở nên khó khăn. Nếu bỏ cuộc ở đây, những khó nhọc từ trước tới nay sẽ trở thành vô ích.

Đến năm thứ 5 thì tình trạng vẫn chẳng có chuyển biến, ông bị gọi là “kẻ phá gia chi tử”, “Gã đó đầu óc có vấn đề rồi”, ‘ngốc cũng lây đấy nên đừng có lại gần”. Ngân sách trong nhà bị cạn kiệt, không thể mua quần áo mới cho con, đến đồ dùng học tập cũng không thể mua được đầy đủ, rồi việc không thể mang lại cho các con niềm vui bằng con nhà người ta, con tim rằng xé thành hai nửa, đấu tranh lẫn nhau. Một phần trong ông nói rằng chắc chắn làm được, một phần khác lại nói tuyệt đối không làm được. Đâu là tiếng nói của thiên sứ, đâu là tiếng nói của ác ma. Ông cứ cho mình thêm cơ hội suốt những năm tháng ròng rã ấy, những năm tháng tăm tối nhất của gia đình Kimura.

Do phải chịu quá nhiều áp lực, quá nhiều gánh nặng, một buổi tối Kimura đã nghĩ tới việc tự sát. Ông cầm theo một sợi dây thừng và đi bộ lên sườn núi để quyên sinh. Nhưng dưới ánh trăng sáng lờ mờ, ông đã phát hiện ra một điều kỳ diệu, không những cứu mạng ông mà còn giúp ông hiện thực hoá được giấc mơ của mình. Ở đó, Kimura phát hiện ra một gốc cây tươi tốt, kết đầy trái. Ông rất ngạc nhiên, tự hỏi, trên núi cũng có côn trùng xâm hại, tại sao loài cây này có thể sinh trưởng tốt như thế?

Kimura vận dụng hết các giác quan của mình để tìm tòi, quan sát. Cuối cùng ông cũng phát hiện, thì ra bùn đất, độ xốp, không khí, độ ẩm, thậm chí mùi của đất cũng khác với đất trong khu vườn của ông. Kimura như bừng tỉnh, chất đất mới chính là điểm mấu chốt của việc gieo trồng táo. Ông hồ hởi xuống núi, chạy thật nhanh về nhà và bắt tay vào công việc.

20 năm, quả táo của Kimura trở thành trái cây thần kỳ nhất thế giới. Quả táo của ông cắt thành hai nửa, để trong không khí 2 năm không hư thối, chỉ là trở thành quả khô héo rũ hết hương, các chuyên gia lắc đầu liên tục than rằng thật không thể tưởng tượng nổi.

Hi sinh thầm lặng, hết thất bại này đến thất bại khác nhưng ông vẫn không từ bỏ. Ông thì thầm với cây táo “Xin lỗi vì đã bắt mày phải cố gắng quá mức. Mày không cần ra hoa cũng được, không cần ra quả cũng được, chỉ làm sao đừng chết khô cho tao nhờ nhé!”. Rồi đến khi có cây thực sự đã đơm hoa kết trái rồi, ông khẳng định: “Không, chẳng phải tôi đâu, là những cây táo đang cố gắng đấy”.

Chỉ cần nhìn Kimura, người ta có thể hiểu rõ giấc mơ ấy đối với ông là thứ to lớn đến thế nào. Nó giúp ta nhớ ra cuộc đời thật đáng sống, Kimura người đã vứt hết kiêu hãnh, làm việc không ngừng nghỉ cả sáng lẫn tối để thực hiện ước mơ, là người hùng chẳng ai biết tới của riêng họ.

Cuốn sách hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc một câu chuyện vô cùng chân thực và bài học vô cùng sâu sắc, khích lệ ý chí con người mạnh mẽ.

Ý nghĩa từ cuốn sách:
Xuyên suốt cuốn sách là những đoạn kể về nguồn gốc và quá trình phát triển cây táo từ giống táo dại, trái nhỏ và chát, trải qua bao nhiêu sự cấy ghép, lai tạo của các nhà nghiên cứu nông nghiệp mà ra giống táo chúng ta ăn ngày nay: quả to, ngọt, không chát…

“Quả táo thần kỳ của Kimura” như là 1 câu chuyện kể về kết quả của một đức tin và sự kiên trì không ngừng nghỉ thì vẫn thấy rất phù hợp. Bởi con đường Kimura đi là con đường đơn độc, là trái ngược hoàn toàn với tất cả những nông dân trồng táo quanh vùng ông sống (hoặc đại đa số nông dân trồng táo thời đó). Trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật là một cụm từ không mấy ai quan tâm lẫn tin tưởng sẽ có ai đó chớm nghĩ trong đầu, huống chi là áp dụng và thực hành kiên quyết như Kimura. Để rồi ròng rã 10 năm trời, có giai đoạn khủng hoảng đến mức ông định tự tử…. Hành trình đó, con đường đó nếu không dùng niềm tin, kiên trì và nghị lực để đi thì sao có thể thu được hoa thơm, trái ngọt???

Sự dí dỏm, và tâm hồn trẻ trung của Kimura, một con người không ngừng học hỏi, thích tiếp cận cái mới, yêu khoa học kỹ thuật và vô cùng nhân hậu, biết cách đối đãi hòa hợp với mọi thứ trong tự nhiên, và thuộc về thiên nhiên. Cuốn sách là kim chỉ nam không chỉ trong trồng trọt, nông nghiệp mà còn có giá trị trong cuộc sống hàng ngày.

Khi ông trồng bắp, đến mùa thu hoạch, ông bị những con lửng đến phá, hái trộm bắp ăn… Ông đặt bẫy và dính ngay con lửng con, chứng kiến cảnh con lửng mẹ đến bên con và phó mặc tất cả, thậm chí có nguy cơ bị ông bắt giết, nó vẫn đứng yên đó bên cạnh con của nó và cuối cùng ông thả con lửng con ra, ông căn dặn chúng đừng phá nữa, và ông bẻ những trái bắp thưa hạt, xấu xí chừa phần mấy con lửng, từ đó ruộng bắp không bị phá nữa. Và như thông lệ, đến mùa thu hoạch ông lại chừa những trái bắp xấu cho lửng đến ăn…từ đó ông tự hỏi “phải chăng là con người, vì lấy đi tất cả nên mới phải chịu thiệt hại!? Bởi vì ta lấy nơi vốn là chỗ ở của những con lửng làm ruộng mà.

Vườn táo bị sâu ăn sạch lá, lẽ ra ông phải ghét sâu và thích những con thiên địch ăn sâu giúp ông, vậy mà ông lại nói: “này nhé, vừa bắt sâu tôi vừa chợt nghĩ: thằng này, nó có cái mặt ra sao nhỉ? Thế là tôi mang kính lúp ra soi kỹ mặt con sâu. Thế rồi, nó có cái mặt thật dễ thương… Vì nhìn mặt nó rồi nên không thể ghét được nữa…” và ông thả con sâu về lại cái lá táo.
Và rồi tương tự, ông soi kính lúp nhìn mặt con thiên địch: “thế nhưng, nó lại có một bộ mặt đáng sợ”. Và rồi ông kết luận: “con người gọi tên là sâu hại và thiên địch để tiện cho mình, nhưng con sâu róm ăn lá cây là động vật ăn cỏ nên nó có cái mặt rất hiền hòa. Những con thiên địch ăn những con sâu đó thì là động vật ăn thịt mà, nên nó có cái mặt hung ác là đương nhiên”…