Vươn Lên Hoặc Bị Đánh Bại
Tác giả: Lý Thượng Long
Review sách:
TƯỞNG QUEN THUỘC NHƯNG “LẠ” ĐẾN BẤT NGỜ …
“ Vươn Lên hoặc bị Đánh Bại” là cuốn sách kĩ năng dành cho người trẻ, được viết bằng chiêm nghiệm của một người có tuổi trẻ được xem là đáng giá. Có lẽ vì mang tâm thế của một cuốn sách cuối, ngay từ nhan đề, tác giả đã thể hiện cái bức thiết của sự nỗ lực trong những năm tháng thanh xuân.
Bạn chỉ có thể chọn cách Vươn Lên tức cố gắng, dấn thân và theo đuổi lí tưởng của mình, không ngại gian khổ. Còn không, bạn bị Đánh Bại, đánh bại bởi người khác, bởi thời đại vốn dĩ đang trôi rất nhanh này. Mà cuộc sống ấy, thì chán chường và vô nghĩa biết bao.
Có thể bạn đã đọc rất nhiều cuốn sách vè tuổi trẻ, ở đó tác giả nào cũng kêu gọi bạn đừng lãng phí thanh xuân, cuộc đời này hữu hạn lắm. Một phút giây nào đó, bạn thấy tất cả thật lí thuyết. Nhưng với “ Vươn Lên hoặc bị Đánh Bại” thì lại khác. Lý Thượng Long chỉ đơn giản là kể câu chuyện của chính mình, đang tự nhủ với chính mình, không sáo điều, không răn dạy ai cả.
Tất cả, chỉ đơn giản là câu chuyện của một thầy giáo, đam mê sáng tác, sản xuất phim. Câu chuyện của một tuổi trẻ đã sống, chiêm nghiệm ra bao giá trị và giờ đây con người ấy muốn thể hiện trên trang sách. Để rồi đôi khi mỗi người lại thực sự thấy mình sau mỗi trang văn. Tôi tin bạn sẽ giống tôi, giống rất nhiều người bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi nó.
Những hành trang quý giá…
Không phải là nhưng công thức, những bài học với các bước thực hành khô khan thường thấy trong sách kĩ năng. Tác giả Lý đã đang bước qua tuổi trẻ của mình với thật nhiều sắc thái, cảm xúc để rồi đúc kết, chiêm nghiệm trên trang văn. Bạn sẽ gặp trong cuốn sách với 5 chương khác nhau. Mỗi chương sách là một khía cạnh, là rất kim chỉ nan đằng sau đó. Và bài học thì ẩn giấu đằng sau những câu chuyện, những tuổi trẻ đầy va vấp nhưng trọn vẹn.
Đọc sách, bạn có thể thấy được những bài học quen thuộc như cách sử dụng thời gian hợp lí, cách đối nhân xử thế với người xung quanh. Nhưng tôi khẳng định tuyệt nhiên chẳng quen nhàm tí nào cả, dù mới hay cũ tất cả với tôi đều mới mẻ. Xuyên suốt chương 1, 2 và 3 sẽ cho bạn những giá trị quan trọng cuộc sống, những bài học bạn đang mang theo để làm hành trang khi mỗi cuối câu chuyện tác giả đều dành cho người đọc những dòng cảm nghiệm, triết lý ngắn gọn nhưng thật sắc bén.
Tôi thậm chí vì quá tâm đắc nên đã gạch chân lại từng dòng chữ ấy: “ Chỉ có kẻ yếu mới đánh bóng sự tồn tại của mình” ; “ dù sao thanh xuân cũng chỉ đến một lần, không dốc hết sức lực thì thanh xuân để làm gì”. Rất lâu sau này, bạn có thể quên Lý Thượng Long đã từng kể những gì, nhân vật trong cuốn sách của nhà văn bạn cũng chẳng nhớ là ai. Nhưng tôi biết bạn sẽ nhớ rất rõ những câu nói chiêm nghiệm ấy, vì chúng ta đã mang theo nó làm hành trang mất rồi.
Một dư vị khác khi bước sang chương cuối của quyển sách, chắc có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình đang đọc tự truyện mất thôi, khi mà tác giả đang kể những mối quan hệ của mình từ tình bạn đến tình yêu. Có ngọt ngào, hạnh phúc đan xen những xe xót đắng cay để rồi đọng lại trong mỗi người thật nhiều xúc cảm. Tôi cũng hiểu tất cả là sự dụng ý của tác giả.
Nhà văn Lý muốn hỏi mỗi người có nhìn thấy mình từ câu chuyện của anh. Anh muốn chúng ta đúc kết, tự lấy chuyện anh làm bài học cho mình. Đừng để tình bạn đẹp nhưng kết thúc mà chẳng hiểu vì sao. Hãy cứ yêu, cứ hết mình trong tình yêu dẫu cho mai này cả hai không có kết thúc đẹp. Hãy yêu thương, trân trọng những người xung quanh mình… Tôi đoán là tác giả mong cầu chúng ta sẽ nhận ra những thông điệp kín đáo ấy dù đến đây anh không còn khẳng định trực tiếp nữa.
Và tôi nghĩ, đọc trang sách, mang theo những điều quý giá đó vào cuộc sống, để sống đẹp hơn, để tuổi trẻ trọn vẹn hơn thì thật tuyệt vời biết mấy.
NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC CHO MỖI NGƯỜI …
Tôi đọc “ Vươn Lên hoặc bị Đánh Bại” trong những tháng ngày của tuổi 18, chập chứng bước vào cuộc sống. Chợt thấy bản thân mình may mắn vì đã đọc cuốn sách này thật đúng lúc, nó khiến tôi biết trân trọng những điều mình đang có hơn. Tôi đã khóc khi đọc câu chuyện “Tiểu Tây, mau chóng bình phục!”.
Câu chuyện của một người chọn ngành học anh ấy không hề thích nhưng ba mẹ thích. Một người ước mơ được xác lập từ ước mơ của chính bố anh ta. Muốn buông bỏ anh cũng chẳng thể để rồi cuối cùng quá chán chường mà mất cả nhận thức. Còn tôi thì sao? Tôi được tự do lựa chọ con đường của mình. Được những người thân yêu luôn đồng hành trên hành trình thực hiện ước mơ, thật đáng quý biết mấy!
Đọc câu chuyện của tác giả, nghe anh kể mình đã vất vả, đã nỗ lực trong những năm tháng thanh xuân để có được hôm nay mà tôi thấy thật hổ thẹn với chính mình. Người khác thức khuya để khởi nghiệp, nỗ lực còn tôi làm gì ngoài xem những video trên mạng, ngoài việc đọc tin tức cặp đôi showbiz nào hôm nay tan vỡ, cặp nào mới quen nhau. Tôi đã đưa ra những kế hoạch, mục tiêu để hoàn thiện mình nhưng liệu rằng tôi có chịu thay đổi. Tôi đã luôn thấy so bì, ghen tị với những người xung quanh mình. Cùng một tuổi trẻ, sao người ta có thể an nhiên, thảnh thơi còn tôi thì luôn deadline dí sát bên mình. Nhưng rồi cũng chợt thấu hiểu sao phải so bì.
Tuổi trẻ không vất vả thì cả cuộc đời về sau phải vất vả mà thôi. Có những phút giây tôi cô đơn, chẳng một ai bên cạnh, tôi đã sợ hãi vì điều ấy nhưng đọc cuốn sách tôi mới thấu hiểu rằng cô đơn là sức mạnh để làm nên thành tựu. Tối đã đúc kết những bài học như thế đấy. Chưa bao giờ khi gấp trang sách lại, tôi thấy dễ chịu, tràn đầy năng lượng đến thế. Tôi muốn ngay lập tức thực hiện kế hoạch mình còn dang dở, deadline ư? Tôi sẵn sàng đối mặt với chúng. Có thể bạn sẽ không tin những gì tôi nói nhưng từ sâu thẳm trong tim, tôi biết mình đang rất thật. “Vươn Lên hoặc bị Đánh Bại” đã cho tôi những giá trị quý giá như thế đấy.
MỘT TRẢI NGHIỆM ĐÁNG GIÁ …
Nếu xem mỗi lần đọc sách là một trải nghiệm thì đọc “ Vươn Lên hoặc bị Đánh Bại” của Lý Thượng Long kì thực là một trải nghiệm đáng giá. Một cách thẳng thắn, tôi không đồng tính lắm với cách tác giả nỗ lực những năm thanh xuân mà để mình thức khuya, dường như không bận tâm đến sức khoẻ như thế.
Bởi với tôi, cố gắng là một lẽ tất yếu nhưng cũng đừng quá sức. Đôi khi, thấy mệt mỏi thì có thể “ về quê nuôi cá và trồng thêm rau” như Đen Vâu chẳng hạn. Nhưng trừ một chút thiếu sót ấy ra, tất cả đều rất trọn vẹn, sâu sắc, đều mang đến nhiều giá trị rất xứng đáng để mỗi người bỏ chút thời gian trong cuộc đời mình để đọc. Cũng có thể bạn thấy sợ hãi, hoang mang khi bắt gặp những câu chuyện nhân vật trong sách, tuổi trẻ họ trôi qua không mấy thuận lợi. Có cô diễn viên dù cố gắng vẫn không thể theo đuổi được ước mơ. Có anh chàng nhạc sĩ nghèo từng thuê căn phòng chật hẹp nhưng hàng tháng vẫn không đủ tiền trả.
Có anh chàng giáo viên khởi nghiệp thời gian đầu chẳng còn đủ tiền để ăn cơm. Nhưng không đau khổ làm sao hạnh phúc mỉm cười ở tương lai? Bạn cũng thấy đấy những con người ấy về sau đều đã thành công, đều đã sống được cuộc đời đích thực. Ngọt ngào đổi lấy bởi đắng cay, điều đó như một chân lí bất biến. Và tôi nghĩ cũng chẳng phải chỉ ai trẻ mới có đặc quyền để đọc cuốn sách này. Nó dành cho tất cả. Người ta có thể đọc nó ở tuổi xế chiều, để hoài niệm và tự hào tôi cũng từng có tuổi trẻ ý nghĩa như thế. Người ta có thể đọc rồi thấy nuối tiếc về những điều đã qua nhưng chẳng sao hết, bởi chắc chắn đó là động lực để thay đổi trong hiện tại. Cuốn sách ấy, nghiễm nhiên dành cho tất cả.
Cuộc sống không nỗ lực không phải một cuộc sống nuông chiều bản thân mà chỉ là một lối sống, lối suy nghĩ vô trách nhiệm với chính mình. Sống trước hết thương mình rồi mới đến thương người.
“Muốn hạnh phúc ngày mai thì phải chấp nhận những tháng ngày cô độc hôm nay. Muốn tiêu tiền không cần nhìn giá thì phải hi sinh những ngày đi chơi mà lao vào làm việc, nỗ lực trong thầm lặng.”
“trải qua sóng to gió lớn mới thấy vẻ đẹp của trời yên biển lặng; trải qua bão táp phong ba mới hiểu ý nghĩa của ngày xuân ấm áp. Đã là người trẻ thì luôn phải bận rộn mới thấu hết sự quý giá của nhàn hạ.”
Theo: Huỳnh Như