Home / Review sách / Review sách Người Đua Diều

Review sách Người Đua Diều

Người Đua Diều
Tác giả: Khaled Hosseini

Cốt truyện:

Hassan và Amir lớn lên cùng nhau. Amir là con trai người chủ, Hassan là con trai người làm công thân tín. Đối với Amir, Hassan như một người đầy tớ trung thành, người mà cậu có thể yêu cầu làm mọi thứ vì mình. Đối với Hassan, Amir là người bạn cậu chưa từng có.

Quan hệ của Amir và Hassan, gần như sự nối dài mối quan hệ giữa hai người cha của hai cậu vậy.

Từ bé Amir đã không được như kỳ vọng của cha cậu, cậu là một đứa thích đọc sách hơn là thích đánh nhau, và suốt thời niên thiếu, cậu luôn khao khát có được tình thương và sự coi trọng của Baba mình một cách trọn vẹn.

Không phải Baba không yêu cậu, nhưng đối với cậu, ông không yêu con người mà cậu đã, và sẽ trở thành. Amir có những ích kỷ và nhỏ nhen của mình, cậu không phải con người hoàn hảo, như tôi và như bạn.

Cậu quý Hassan, nhưng ngầm ganh tị với tình cảm của Baba dành cho Hassan. Cậu chơi với Hassan, nhưng không muốn Hassan xuất hiện khi những người bạn cùng “đẳng cấp” của mình đến nhà, vì hố sâu ngăn cách quá lớn của tôn giáo và vị thế xã hội. Amir đôi lúc thật đáng ghét, nhưng cậu đáng thương nhiều hơn thế.

Trong mối quan hệ giữa hai người, đôi khi sẽ có một người cho đi nhiều hơn là người kia, và điều đó khiến người đó trở thành kẻ yếu thế hơn. Đấy chính là Hassan.

Hassan chiều theo mọi yêu cầu dù của Amir dù là vô lý nhất. Hassan trung thành với Amir dù Amir đối xử với cậu tệ đến bao nhiêu. Hassan không bao giờ nói hay thậm chí là có ý nghĩ xấu về Amir dù bao nhiêu sự thật bày ra trước mắt. Amir thật đáng thương, nhưng đôi lúc cậu quá đáng ghét vì lương thiện đến nhường ấy.

Đấu diều là một truyền thống cổ xưa của dân Afghan, và mùa đấu diều năm ấy, Amir muốn chiến thắng, với một niềm tin lớn lao rằng chiến thắng ấy sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai cha con cậu.

Và chính trận đấu này là nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của Amir đối với Hassan, một lỗi lần đeo đẳng Amir đến tận ba mươi năm sau, lỗi lầm dằn vặt cậu và không bao giờ buông tha cho cậu.

Chiến tranh nổ ra, Amir và Baba sang Mỹ, chôn vùi lỗi lầm ấy, nhưng nó chưa bao giờ chết đi mà vẫn luôn âm ỉ.

Ba mươi năm sau, Amir quay lại đây, đối diện với lỗi lầm ấy, và như chú Rahim Khan đã nói, “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”, cậu hy vọng có thể cứu rỗi linh hồn của mình.

Review sách:
“Người đua diều” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ Khaled Hosseini. Với lối viết đầy cảm xúc và lôi cuốn, ông không chỉ kéo người đọc đắm chìm trong từng những dòng chảy của tình bạn, tội lỗi, của khát khao, hi vọng mà còn kể ra một câu chuyện chân thật và tàn nhẫn về nỗi đau, về sự mất mát và số phận đầy bi kịch của người dân Afghanistan do chiến tranh gây ra.

Cuốn sách cho ta một góc nhìn về Afghanistan và những căng thẳng nội bộ, chiến tranh tàn khốc và dĩ nhiên là câu chuyện cảm động nhưng có tình – có kết hợp lý về cuộc sống của Amir & Hassan. Hai cậu bé Amir và Hassan lớn lên cùng nhau dưới một mái nhà. Tình bạn của trẻ con vô tư và trong sáng nhưng rồi sự ích kỷ lớn dần lên vô hình trung khiến bầu trời tuổi thơ ấy vỡ vụn.

 

“Người đua diều” sẽ gửi đến bạn nhiều và thật nhiều những bài học. Học từ những lỗi lầm, học từ sự hy sinh, bài học cha dạy con, học từ vết thương cuộc sống. Tôi đặc biệt thích cách cha của Amir dạy anh về tội ăn cắp: “Trên đời này chỉ có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác điều là biến thái của tội ăn cắp…

Khi con giết một người con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà. Cướp cha lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con hiểu không? ”

Có những nhân vật xuất hiện trong những cuốn truyện rồi để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tôi, đặc biệt là những con người trong sáng và lương thiện. Cậu bé Hassan trong “Người đua diều” làm lu mờ tất cả mọi nhỏ nhen, tầm thường, làm sáng lên tinh thần nhân văn của cuốn sách, khiến người đọc xót xa thương cảm và cũng nhờ đó mà họ sống “người” hơn.

Tất nhiên là hai nhân vật này có rất nhiều điểm khác nhau về tính cách, hoàn cảnh sống nhưng ở cả hai cậu bé đều ắp sự dễ thương, ngây thơ, hiền hậu và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt cảm thương của người đọc. Tôi không biết trong cuộc sống này, còn bao nhiêu Hassan tồn tại nữa, nhưng nếu bạn gặp một Hassan hiền lành như thế, tốt bụng như thế, thì hãy dành trọn cả tấm lòng mình để yêu mến họ, đừng để lỗi lầm xảy ra rồi hối
tiếc như Amir.

Mỗi hành động của bạn đều ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời người khác. Vậy nên, chúng ta, cố gắng mỗi ngày, hành xử để trở nên tốt đẹp hơn. Và hãy nhớ rằng: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại.”

Truyện kết thúc mở với ” Vì cháu, cả ngàn lần rồi” như một mong ước của Khaled Hosseini về một Afganistan tươi sáng,về một đất nước không có bóng dáng của chiến tranh, nhà văn đã gieo niềm tin ấm áp của mình vào tình bạn, tình thân, thật tuyệt vời.

Đoạn trích hay:
“Chỉ có duy nhất một tội lỗi. Và đó là trộm cắp… khi con nói dối, thì con đã ăn cắp quyền được biết sự thật của người khác.”
***
“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi còn lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”.
***
“Đôi khi thậm chí chỉ cần một ngày, cũng có thể thay đổi toàn bộ cả cuộc đời…”
***
“Một cậu bé không thể chịu đựng bản thân mình sẽ trở thành một người đàn ông không thể chịu đựng bất cứ điều gì.”
***
“Luôn có một con đường để tốt đẹp trở lại”
***
“Vì cậu, cả ngàn lần rồi.”

Trích “Người đua điều” – Khaled Hosseini.