Đi Qua Hoa Cúc
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Review sách:
Có lẽ độc giả đã không lạ lẫm gì với cái tên Nguyễn Nhật Ánh cũng như giọng văn mang cái chất dân dã và hoài niệm tuổi thơ của ông.
“Đi qua hoa cúc” dường như kể lại những câu chuyện đã cũ mèm, những điều mà tưởng chừng ta có thể ở bất cứ nơi đâu nhưng được Nguyễn Nhật Ánh thổi vào cái hồn riêng của ông, một chút tinh tế,một chút bồi hồi, một chút tiếc nuối,một chút day dứt đã để lại trong tôi một điều tôi gọi là “ám ảnh”.
“Có một người đi qua hoa cúc, có hai người đi qua hoa cúc, bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình…”
Làm sao để biết ta đang trưởng thành? “Đi qua hoa cúc” đã viết nên câu chuyện trưởng thành ấy qua chuyện tình buồn của Trường. Tuổi mới lớn biết yêu đương nhưng chưa trưởng thành, và bởi vì chưa trưởng thành, nên những rung động chỉ nhẹ nhàng len lỏi, những tổn thương càng ám ảnh day dứt hơn. Tình yêu ấy khiến Trường từ một cậu bé trở thành một chàng trai, đọc từng trang văn, tôi như đang chứng kiến sự khôn lớn ấy, chậm dãi nhưng dữ dội. Trường yêu chị Ngà, nhưng chị Ngà lại yêu kẻ phụ bạc, kết truyện mở, buồn nhưng không quy lụy, để người đọc tự vẽ ra những điều mà mỗi người tự cảm nhận.
Những trang sách đầu khiến tôi như đắm chìm trong tuổi thơ mình, với dàn hoa giấy đỏ, bông cúc vàng rực chứng kiến cậu bé Trường đã trở thành một thanh niên, với những trò nghịch ngợm của Trường với Chửng Anh, Chửng Em, với những suy nghĩ ngây ngô, vô tư. Rồi tình yêu như liều thuốc tiên làm thay đổi cả con người Trường, cậu không còn thích câu cá, để có thể kề vai chị Ngà bên bờ suối. Cậu đem lòng yêu chị Ngà nên cũng đem lòng loài hoa cúc chị thích. Cậu dường như là một kẻ ngốc nghếch, khờ khạo trong tình yêu. Nhưng tôi thấu hiểu được điều ấy, bởi tuổi 16 ai chẳng yêu khờ dại như thế, chẳng cần thổ lộ, chẳng mơ mộng xa xôi, chỉ cần những chiều ngồi cạnh bên người mình thích, ngắm ánh dương trải trên tóc, trên vai người ấy. Những nỗi niềm yêu đương cậu gửi vào hoa cúc, cậu chăm hoa như đang chăm bón cho chính mối tình của mình, thầm lặng nhẹ nhàng và kín đáo. Cậu xem chị Ngà là viên ngọc, không thể cham vào, chỉ cần ngắm nhìn từ xa.
Hoa cúc nở vàng rộ nhưng tình yêu của cậu lại không thế. Những ngày tháng êm đềm rồi cũng cũng qua. Anh Điền xuất hiện và cũng yêu chị Ngà. Khác với chàng trai mới lớn như Trường, anh táo bạo và lì lợm, anh thể hiện tình yêu đó cho chị Ngà biết, cậu bé mới lớn kia đau lòng khi thấy người mình yêu đem lòng yêu người khác, chỉ biết bày trò nghịch ngợm cùng Chửng Anh, Chửng Em, Những trò phá phách ấy, tuy trẻ con nhưng lại là biểu hiện của sự ích kỉ trong tình yêu, chỉ muốn người mình yêu luôn bên mình.
Mở đầu nhẹ nhàng pha chút hài hước nhưng kết thúc lại đầy bất ngờ, đau đớn xen lẫn day dứt. Hoa cúc vẫn nở nhưng chẳng còn ai cùng Trường ngắm nữa, Trường rời bỏ tuổi thơ theo một cách đau đớn hơn nhiều bị tình yêu từ chối. TÌnh yêu đầ như trở thành nỗi ám ảnh, bởi nó chẳng trọn vẹn, bởi Trường phải chứng kiến nỗi đau của người mình yêu, bởi cậu phải chia xa mà chẳng một lần hứa gặp lại.
Tôi đã đọc đi đọc lại “Đi qua hoa cúc” không biết bao nhiêu lầm, từ khi xấp xỉ tuổi của Trường đến khi trưởng thanh hơn nữa, mỗi lần đọc lại là một thứ cảm xúc khác nhau. Khi 16 tuổi, tôi cảm thấy chị Ngà thật đáng trách, tôi đồng cảm với Trường bởi tôi cũng có mối tình đầu khi ấy. Khi 20 tuổi, tôi thấy chị thật đáng thương, tôi đã biết đồng cảm với chị Ngà bởi tôi hiểu tình yêu làm sau có thể dựa vào lí trí, tình yêu của tuổi trẻ đâu toan tính gì. Và cho dù sao đi nữa, mỗi cảm nhận đều là thứ tôi trân trọng, cũng là điều mà tôi thấy biết ơn đối với tác giả khi đem lại cho tôi những cảm xúc ấy.
Nguyễn Nhật Ánh với giọng văn giàu hình ảnh, lời văn da diết đã vẽ nên câu chuyện mà mỗi chúng ta nhìn vào đều thấy tuổi 16 của chính mình. Ta không chỉ sống cùng nhân vật, ta còn sống cuộc đời của chính mình. “Đi qua hoa cúc” không chỉ dành cho tuổi trẻ mà còn dành cho những ai từng có tuổi trẻ như vậy.
Theo: Giang Giang