Quân Khu Nam Đồng
Tác giả: Bình Ca
Review sách:
Việt Nam ta là một đất nước từng đi qua chiến tranh cùng vô vàn thời kỳ đấu tranh gian nan khác nhau. Sinh ra trong thời bình, những thế hệ sau sẽ thật khó để hình dung về một thời bom rơi đạn nổ. Câu chữ và những mẩu truyện vì vậy mà sinh ra, như một cách lưu giữ hồi ức xưa cũ mà hào hùng. Nói về những tác phẩm lấy bối cảnh thời chiến, người ta sẽ nhắc nhiều về “Nỗi buồn chiến tranh” hay “Tuổi thơ dữ dội”.
Chiến tranh diễn ra trên cả nước, đau thương thì nhiều mà vui tươi thì gần như chẳng có. Tuy vậy, vẫn có một tác phẩm chịu khó khai thác lại những khoảnh khắc yên bình giữa loạn lạc ấy, lại còn rất hóm hỉnh, rất “Hà Nội” – phải chăng bởi lẽ nó được lấy bối cảnh tại chính thủ đô? “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca là một cuốn sách như vậy, hoặc hơn thế, tựa như cỗ máy thời gian, đưa những con người muôn năm cũ về lại ngày tháng xưa và đưa những người trẻ tuổi vì cái thời bao cấp đầy lịch sử.
Bình Ca không phải tác giả đầu tiên viết về Hà Nội. Ông chỉ là một trong số những nhà văn mang thủ đô lên trang giấy và đục đẽo nó bằng câu từ. Nhắc tới Hà Nội và chiến tranh, có lẽ chúng ta sẽ lập tức nghĩ ngay tới 12 ngày đêm; hay khu phố Khâm Thiêm chìm trong đổ nát; về một thời bao cấp, tem phiếu khắp nơi. Những điều đó có lẽ ai cũng được học trên trường lớp; nhưng lịch sử không chỉ có những đau thương và buồn tủi; nó luôn có những điều thú vị song hành. Bình Ca đã góp một phần không nhỏ trong việc mang lại cái kho tàng ẩn đây tới cho thế hệ sau này – thế hệ của những bầu trời xanh trong không còn mang những cột khói đen của lửa đạn.
Hà Nội có một đặc trưng, đó là những dãy nhà tập thể mang màu thời gian nằm giữa những cao ốc đô thị chọc trời. Nếu phải ví, tôi sẽ gọi nó là những mảnh hồn xưa. Tưởng như bị lấn át giữa những phát triển chóng mặt của đô thị, những khu nhà cán bộ xưa ấy vẫn sống mãi với thời gian. Lật lại những năm 60 của thế kỷ trước, khu tập thể Nam Đồng là một trong những khu gia binh lớn nhất thời bấy giờ. Lớn nhất, lại dành cho gia đình các con em tướng tá, chẳng trách khi nói Nam Đồng là khu con nhà binh, nghịch nhất nhì và đó chính là nguồn cảm hứng cho cuốn sách ra đời.
Truyện không có nhân vật chính, cũng không dài dòng lan man như những cuốn tiểu thuyết hay quá nhiều triết lí, bạn đọc của “Quân khu Nam Đồng” cứ theo từng con chữ mà về các mốc thời gian khác nhau. Lúc thì theo chân Hòa, lúc lại theo Việt, Anh Sơn cùng nhiều những nhân vật khác, mà khi đó là những cô cậu học trò tuổi ăn tuổi lớn, nghịch ngợm hơn phần lớn lũ trẻ cùng thời. Gọi tác phẩm là một cuốn hồi ký cũng phải, bởi chúng được ghi lại từ những mảng ký ức còn lại của những con người nay đã lên ông lên bà. Bảo Ninh không quá gò bó vào một khuôn khổ nào; giọng văn cứ phóng khoáng, tự do, đôi lúc hài hước khiến người ta quên đi đây là một thời kỳ còn chưa được thống nhất đất nước.
Người đọc sẽ đi qua mọi cung bậc cảm xúc, lúc thì phải bật cười vì những trò nghịch đến là dại khi bẻ chân gà để “trả đũa” cô giáo vì cho mấy con 0; chơi đủ loại trận giả trong khu; hay khi cả hội vì nhau mà đi dàn trận, bạo gan đánh đấm túi bụi nơi cổng trường, tự hào xưng dòng máu lính trong người; về những mối rung động đầu đời còn lúng túng và vắt óc, “cầu cứu” đủ kiểu chỉ để viết một áng thơ tình; lúc lại lắng xuống vì những suy nghĩ chân thật về gia đình, về chiến tranh, về tương lai sau này của những con người mười bảy đôi mươi. Điều thích nhất trong khi đọc có lẽ là để tâm trí trôi theo mạch văn, tưởng tượng ra những khung cảnh đậm chất “19xx thời đó” mà không tốn quá nhiều hình ảnh hay thước phim nào để tái hiện.
Để nói về “Quân khu Nam Đồng” thì thật khó, bởi lẽ đó không phải một tác phẩm có quá nhiều chiều sâu để bàn tán hay phân tích. Có những tác phẩm cần nhiều sự cảm thụ, nhưng lại có những câu chuyện chỉ như những tách trà chiều, không quá đậm nhưng đủ để lại dư vị khiến cho người ta nhớ mãi, đó cũng là lí do “Quân khu Nam Đồng” liên tục tái bản, tiếp cận tới nhiều thế hệ bạn đọc hơn nữa.
Lịch sử có thể viết nên một Việt Nam hào hùng, một Hà Nội kiên cường, nhưng Bình Ca lại sẵn sàng tặng chúng ta một quá khứ vui tươi, thú vị hơn nhiều so với những bom rơi đạn lạc đã quá quen từ những thước phim đen trắng. Thế hệ trẻ thời nào cũng vậy, luôn là mục tiêu và động lực để xã hội vươn lên. Những người trẻ của thời chiến, hay những người trẻ của thời bình, có lẽ luôn cần những điều như vậy. Nếu chỉ muốn trốn khỏi những vòng quay xã hội hiện đại đã quá mỏi mệt, cũng như muốn hiểu thêm về mảnh đất thủ đô và một thời ông cha đã qua, “Quân khu Nam Đồng” chắc chắn là một lựa chọn không nên bỏ qua.
“Quân khu Nam Đồng, sẽ vĩnh viễn chỉ còn là hoài niệm, dù trong nửa thế kỉ qua, những gia đình sống ở đây đã mang tới cho quân đội hơn 70 vị tướng. Cuốn sách này để dành tặng cho tất cả các cư dân của khu tập thể quân đội Nam Đồng và những người yêu mến các chàng trai, cô gái nghịch ngợm ngày xưa ấy. Xin cảm ơn vì suốt mấy chục năm qua, họ đã cùng nhau gìn gĩư cho chúng ta những hồi ức về một khu gia binh đầy kỉ niệm“…
Theo: Nguyễn Tuệ Minh