Home / Review sách / Review sách Hãy Chăm Sóc Mẹ

Review sách Hãy Chăm Sóc Mẹ

Hãy Chăm Sóc Mẹ
Tác giả: Shin Kyung Sook

Về tác giả:
Shin Kyung-sook sinh năm 1963 tại tỉnh Jeolla, Hàn Quốc, là một nữ nhà văn, tiểu thuyết gia người Hàn Quốc trở nên nổi tiếng khắp thế giới năm 2009 với tiểu thuyết Hãy Chăm Sóc Mẹ.

Shin Kyung-sook là con thứ tư trong một gia đình làm nghề nông. Năm 16 tuổi, do gia đình không có khả năng cho bà học cấp 3 nên bà phải chuyển lên Seoul làm việc tại một nhà máy điện tử trong khi học tại chức ban đêm.

Review sách:
Chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng đầy sâu lắng, “Hãy Chăm Sóc Mẹ” tuy chỉ đơn thuần là một câu chuyện nhỏ trong cuộc sống hiện đại ngày càng xa cách này lại có thể giáng một đòn mạnh vào tâm can của người đọc, thức tỉnh con người khỏi những bộn bề ngoài kia để nhìn nhận lại tầm quan trọng của tình yêu thương gia đình đang dần mai một.

Lấy bối cảnh đất nước Hàn Quốc cách đây hơn 40 năm đã nghèo khó như thế nào nhưng rồi đô thị hóa dần lan đến cả những vùng nông thôn. Mọi thứ hiện đại hóa và tiện dụng hơn nhưng cũng khiến con người trở nên xa cách và trao yêu thương ít đi nhưng họ đâu biết rằng điều đó khiến họ chông chênh hơn trong cuộc sống hiện tại bởi chỉ có tình yêu mới chính là giá trị của con người.

Mở đầu với một tình huống không thể nào trớ trêu hơn khi người mẹ bị lạc mất trong mộ chuyến thăm con trai ở thủ đô Seoul để rồi những trang sách sau đó là một nỗi buồn trượt dài, ngược dòng quá khứ rồi lại len lỏi qua mỗi trái tim vô tình của những người con và cả những độc giả ngồi đây.

Người mẹ già sau chuyến thăm người con trai cả ở Seoul đã bị lạc mất sau dòng người chen lấn ở ga điện ngầm. Lúc này, mọi người trong nhà nháo nhào cả lên, tìm mọi cách để tìm lại mẹ rồi chợt nhận ra rằng họ chẳng có tấm ảnh nào của mẹ cả. Những tháng ngày sau đó, là những hồi ức, là những tâm tư và kể cả những vô tình mà họ đã để lại cho người luôn đứng phía sau, luôn đợi chờ – một hình bóng quen thuộc nhưng đã dần phai mờ trong tâm trí. Thời gian dần trôi, lương tâm ngày càng cắn rứt và cảm giác ân hận, tội lỗi bao trùm lên cả con tim. Liệu người mẹ ấy có còn sống và trở về?

Câu chuyện có rất nhiều ngôi kể, mỗi chương là lời kể, lời thú nhận của những người thân trong gia đình. Tuy khác nhau về câu chuyện nhưng các giọng kể vẫn rất nhẹ nhàng, từ tốn nhưng đầy thấm thía. Mỗi câu văn, mỗi lời tự sự đều mang một nỗi đau canh cánh mà đến người đọc cảm thấy như đang tự vấn chính mình.

Lời kể đầu tiên là của cậu con trai cả. Từ nhỏ, anh luôn cố gắng học thật giỏi, phải cứng cỏi để đảm nhiệm vị trí người cha trong lòng những đứa em thơ của mình. Chẳng mấy chốc anh cũng thành công, có một gia đình yên ấm, lo được cho em, cho gia đình và cho cả mẹ nữa. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh như thế có công sức không nhỏ của người mẹ thân yêu. Người mẹ lạc mất cũng là một phần do anh hơi vô tâm. Khi sự việc xảy ra, những ký ức ùa về, dạy cho anh biết những điều còn thiếu sót của chính mình.

Lời kể thứ hai là của cô con gái đầu tiên, một nhà văn cả đời viết chữ cho cả thế giới đọc mà chẳng hề để tâm rằng mẹ cô lại là người không biết đọc. Cô cứ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, rời xa quê hương, rời xa cuộc sống gia đình để chạy theo những đỉnh cao cô đặt ra cho mình. Phút chốc, cô quên mất đi cả quá khứ rồi phút chốc, cô lục tìm chúng trong những mảnh vỡ ký ức của mình về mẹ….

Lời kể tiếp theo là của cô con gái thứ, người đã sớm bước vào cuộc sống hôn nhân đầy bận rộn và bề bộn. Những ký ức về mẹ của cô cũng nhiều vô nhưng cô vẫn nhớ nhất là tấm áo khoác lông chồn ấm áp mà mẹ đã yêu cầu cô mua cho mình.

Kế đến là lời tâm sự của người chồng, người cha, người đầu ấp tay gối một thời của người mẹ ấy. Cả câu chuyện đầy ắp nỗi cô đơn, nỗi xót xa khi không còn người yêu thương, chăm sóc ở bên cạnh. Ông cũng tự trách mình vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha và đã đẩy người vợ vào một cuộc sống đầy vất vả, khổ đau.

Cuối cùng đó là lời kể của chính người mẹ. Không rõ khi ấy bà còn sống hay đã chết nhưng bà không hề oán trách những đứa con mà lại oán trách mình. Oán trách mình đã không hoàn thành nghĩa vụ, oán trách mình đã khiến những đứa con đau khổ. Dẫu chỉ còn là linh hồn, những nỗi ân hận của người mẹ vẫn còn đó, ám ảnh đến tận xương tủy, tâm can người đọc.

Càng về gần đoạn kết, ắt hẳn ai cũng mong muốn câu chuyện có một kết thúc tốt đẹp, người mẹ rồi sẽ trở về đoàn tụ nhờ một phép màu nào đấy. Nhưng không, chẳng có hiện thực nào đẹp đẽ như vậy và người mẹ vẫn còn mất tích, đã 9 tháng kể từ ngày ấy trôi qua. Người mẹ ấy vẫn còn sống hay đã chết, mọi thông tin, mọi dấu vết, mọi nỗ lực ngày càng ít dần và số phận của người mẹ chắc ai cũng đoán được. Mọi người dường như đã tuyệt vọng, gần như đã bỏ cuộc nhưng những nỗi đau vẫn cứ canh cánh trong lòng.

Nhân vật kể chuyện chính, cũng là người con gái thứ hai, là biểu tượng cho nỗi dằn vặt cả tinh thần lẫn thể xác. Cô bước đi mà hình ảnh của mẹ ẩn hiện ở mọi ngóc ngách. Cô tiếp tục hướng về tương lai nhưng tâm trí vẫn là một nỗi hoài niệm quá khứ về mẹ mà cô có lẽ chẳng bao giờ tha thứ được cho mình. Cô bất lực, và bỏ cuộc, những những nỗi đau chẳng được như thế.

Có lẽ ngoài những cuốn sách dày hơn 500 trang mà tôi đã từng đọc thì cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” tuy ngắn hơn nhiều lại khiến mình phải mất nhiều thời gian để đọc hết. Không chỉ đơn thuần là đọc, là hiểu mà còn là thấm nhuần từ những trang sách, những câu nói về mẹ như những lời dao cứa vào lương tâm, cứa vào sự vô tình của bản thân. Lật qua từng trang sách, những ký ức hiện về rõ mồn một như thước phim tài liệu như thầm day dứt lương tâm của chính mình.

Dù câu chuyện mở đầu ngay với một bi kịch rồi sau đó là những dòng hồi tưởng quá khứ đầy xúc động của những người con, giọng văn của Shin Kyung Sook luôn chậm rãi, nhẹ nhàng, thẩm thấu vào trong tế bào để gợi dậy những rung động nhỏ nhất. “Hãy chăm sóc mẹ” chẳng dạy dỗ ai điều gì cả, nó chỉ là một câu chuyện đời thường, một hiện thực cuộc sống của những con người hiện đại.

Những ai chưa đọc cuốn sách này, dù có bận rộn đến đâu, hãy dành chút thời gian để nghiền ngẫm rồi tự vấn bản thân mình. Liệu mình đã chăm sóc mẹ đủ hay chưa?

Câu nói hay trong sách:

“Mọi việc trên thế gian đều có thể dự đoán được nếu ta suy nghĩ thật sâu sắc về chúng. Ngay cả những việc ta gọi là khác thường, nếu suy nghĩ thấu đáo thì chúng cũng chỉ là những việc đương nhiên xảy ra. Thường thường do ta không suy nghĩ kỹ nên mới gặp những chuyện ngoài ý muốn.”

“Chị… Em đã muốn vục mặt vào cái hố em đào để trồng cây hồng. Em không thể sống giống như mẹ, vậy thì có lẽ nào mẹ lại muốn sống như thế? Sao em chưa một lần nghĩ được như vậy khi mẹ còn ở bên chúng ta? Là con gái của mẹ mà em còn chẳng hay biết gì như thế thì chắc mẹ phải cảm thấy cô đơn biết chừng nào khi ở trước những người khác. Thật bất công khi mẹ đã phải hy sinh tất cả cho chúng ta nhưng chẳng có một ai hiểu được mẹ cả.”

“Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ…”

“Để kiếm tiền, mẹ đã làm đủ nghề, từ nuôi tằm, ủ mạch nha cho đến giúp làm đậu phụ. Nhưng cách tốt nhất để có tiền là không tiêu tiền, vì thế mẹ rất tiết kiệm.”

“Nếu ai hỏi rằng con gái làm gì… mẹ con sẽ nói rằng con là nhà văn… Mẹ con còn mang cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Con viết gì mẹ con đều biết hết. Cô gái đọc sách cho mẹ con kể rằng, mỗi khi được nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ con lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa. Vì vậy, cho dù có việc gì đi nữa, con cũng phải viết tiếp cho thật hay vào con nhé! Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra… Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại không có ai nghe cả. Chi-hon à?”

“Sao con có thể sống nổi mà không tin con người chứ?
Trên thế gian này có chắc chắn người tốt nhiều hơn kẻ xấu rát nhiều. Đó là đạo lý.”

“Có những khoảng khắc người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì xảy ra, nhất là sau khi có chuyển không may xảy ra. Khoảng khắc mà người đó nghĩ: lẽ ra mình không nên làm vậy.”

“Mẹ còn nhớ lần đầu tiên khi đi đôi dép vào chân con, mẹ đã rất phấn khích.
Khi con chập chững bước về phía mẹ, mẹ cười sung sương mãi không thôi, dù có ai chất đầy ngọc ngà châu báu trước mặt thì mẹ cũng không thể cười giòn được như lúc ấy…”

“Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một chút cơ chứ? Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, du chỉ một lần.”