Phi Lý Trí
Tác giả: Dan Ariely
Giới thiệu sách:
Con người có khi phi lý trí hơn chúng ta tưởng. Con người thường không hiểu được tác động của xúc cảm đối với những gì mình muốn và hay đánh giá quá cao những gì mình có. Nhưng những hành vi sai lầm này không hề ngẫu nhiên hay vô nghĩa. Chúng có thể được dự đoán. Sách đặc biệt hữu ích đối với những người làm kinh doanh, các chủ doanh nghiệp, hoặc cụ thể hơn đối với những người làm marketing, quảng cáo và truyền thông
Về tác giả:
Ông Dan Ariely – người Mỹ gốc Do Thái – Giáo sư môn Tâm lý và Kinh tế học hành vi tại ĐH Duke. Là nhà sáng lập , đồng sáng lập của nhiều trang, thời báo nghiên cứu kinh tế.
Review sách:
Phi lý trí của Dan Ariely là một cuốn sách đặc biệt hấp dẫn và đầy thú vị. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ kỹ hơn về tất cả những hành vi, những sai lầm của mình để sống hợp lý và tốt đẹp hơn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách vẫn nằm trong danh sách Best-seller dù đã được xuất bản cách đây một năm.
Phi lý trí đã phản bác lại quan điểm chung cho rằng về cơ bản con người luôn hành động dựa trên lý trí. Thực tế chúng ta phi lý trí hơn ta nghĩ, thậm chí là luôn hành động một cách phi lý trí. Cuốn sách nói về tâm trí của chúng ta, chúng ta luôn hành động một cách phi lý trí mà cứ ngỡ là mình lý trí lắm.
Cuốn sách nói đến những phần gốc rễ nhất trong tâm lý con người, nhưng quả thật Phi lí trí cũng đã giải thích được vài hiện tượng cơ bản trong hành vi kinh tế của con người: con người thường tin rằng mình hành động lí trí, nhưng hoá ra hành vi của con người nhiều lúc lại chẳng đi theo một trật tự logic lí trí nào cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không dự đoán được – ngược lại, con người không những có xu hướng hành động phi lí trí mà còn hoàn toàn theo hướng hệ thống.
Có những điều mà ai cũng biết nhưng lại không mấy khi để tâm đến, nhưng những người làm trong thị trường nếu phát hiện được những điểm yếu phi logic trong tư duy của đám đông sẽ có thể dễ dàng sử dụng các cách thức mánh khoé thông minh để thu hút người tiêu dùng – tất nhiên những hành vi kinh tế này không chỉ xuất hiện trong các vấn đề kinh tế nói riêng mà còn ảnh hưởng đến chính cuộc sống bình thường.
Đi theo từng chương, những xu hướng tâm lý đi từ những điểm chung thường gặp nhất với những minh hoạ dễ hiểu thuộc phạm vi hành vi kinh tế, từ đó rút ra những bài học không chỉ để tránh mắc bẫy tâm lý của chính mình mà còn hướng đến việc kiểm soát tâm lý một cách thông minh hơn.
Nếu chúng ta đi mua một cây bút 15k mà ở nơi khác bán chỉ có 10k, chúng ta sẵn sàng bỏ đi. Nhưng cũng chính chúng ta sẵn sàng mua cái nón 200k khi biết được ở cửa hàng khác bán 195k, chả ai thèm bỏ công đi nơi khác. Cả hai đều là con số 5k, giá trị của nó không khác, vậy tại sao lựa chọn của chúng ta lại khác biệt vậy?
Hãy nghĩ đến những món đồ khác, và hãy nhớ về những khoản tiền đã chi cho việc mua sắm. Chúng ta có “tiết kiệm” như chúng ta vẫn nghĩ?
Chúng ta phi lý trí từ những việc nhỏ nhặt như mua cây bút, chiếc áo cho đến những việc trong đại như chọn nghề, kết hôn và thâm chí là sức khỏe. Và rất nhiều người trong chúng ta có xu hướng hành động theo cảm hứng, một cách ngẫu nhiên và lộn xộn.
Cánh cửa đi vào thế giới phi lý trí của con người đã được Dan Ariely hé mở một cách vô cùng thú vị trong từng đề mục của quyển sách. Cách viết dễ đọc, dễ hiểu kèm theo dẫn chứng là các cuộc khảo sát, thí nghiệm hết sức thuyết phục.
Và điều quan trọng, là những điều phi lý trí trong tâm lí chúng ta được tiết lộ không nhằm để phê phán hay chê bai bất cứ kì hành vi nào của con người, mà chỉ để chúng ta hiểu rõ hơn về những quyết định chúng ta vẫn đang phải đưa ra hàng ngày. Sâu xa hơn, chúng ta có thể chống lại những chiếc bẫy tâm lý. Đồng thời có thể suy ngẫm để hiểu hơn về tâm lý khách hàng.
Một khảo sát đã được thực hiện, cùng một loại thuốc giảm đau, nhưng nếu bác sĩ nói với bệnh nhân loại thuốc đó đắt tiền, người bệnh sẽ cảm thấy thuốc đó hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, người bệnh cũng dùng loại thuốc đó, nhưng được bảo là giá thuốc thấp, lại thấy thuốc không có tác dụng.
Khi chúng ta bán đi một món đồ cũ, chúng ta đánh giá rất cao giá trị của món đồ đó vì đã cộng thêm cho nó tình cảm cùng trải nghiệm của mình. Còn người mua thì họ chả thấy quan trọng lắm những trải nghiệm của người bán cùng với món đồ. Cô A muốn bán căn nhà, cô A muốn bán giá cao vì từng món đồ trong nhà đã được cô A chọn lựa cẩn thận, cô A nhớ đến việc mình đã vất vả lau dọn chúng ra sao. Anh B muốn mua nhà và điều anh quan tâm là với số tiền mình bỏ ra mình có thể mua được gì tốt nhất.
Tác giả Dan Ariely từng bị phỏng nặng toàn thân, trong quá trình điều trị mỗi ngày ông đối mặt với nỗi đau đớn của việc thay băng. Rồi một ngày ông nhận ra chỉ với nụ cười nhẹ nhàng của cô y tá khi thay băng cũng tạo cho ông cảm giác đỡ đau hơn đôi chút. Từ đó ông bắt đầu việc nghiên cứu hành vi của con người.
Những điều mà ông hé lộ không hoàn toàn mới mẻ, có thể đôi lúc chúng ta ngờ ngợ ra điều gì đó trong cách ra quyết định của mình hằng ngày nhưng khó lòng lý giải. Hãy để Dan Ariely liệt kê chúng ra, lý giải rõ ràng tường tận.
Thông điệp cao đẹp từ quyển “Phi lý trí” mà tác giả muốn gửi găm là ai trong chúng ta cũng có “điểm mù” và hãy tự rút ra bài học cho bản thân từ những hành động phi lý trong qua khứ và từ đó hướng đến một cuộc sống tốt đẹp.
Sau tất cả, sự phi lý trí mà ngỡ rằng mình lý trí là điều hết sức thú vị của con người.