Home / Review sách / Review sách Bhutan – Đường Tới Hạnh Phúc

Review sách Bhutan – Đường Tới Hạnh Phúc

Bhutan – Đường Tới Hạnh Phúc
Tác giả: Linda Leaming.
Dịch giả: Nguyễn Thùy Trang

Về tác giả:
Tác giả Linda Leaming – một người Mỹ chính hiệu, đã từng phải rất khó khăn mới hòa nhập được với cuộc sống ở Bhutan. Cô có 1 lần trải nghiệm tại đây và bị đất nước này thu hút, nên đã rời bỏ cuộc sống hối hả tại Mỹ và chuyển tới Bhutan, sinh sống và kết hôn. Trong cuốn sách, Linda Leaming kể khá chi tiết về những rào cản văn hóa cô vấp phải và cách mà đất nước Bhutan đã giúp cô thức tỉnh. Một số đặc điểm văn hóa điển hình ở Bhutan như là:

Review sách:
Bhutan là một đất nước Phật giáo có diện tích khá nhỏ nằm sát dãy núi Himalaya. Nơi này được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc với cuộc sống gần như tách biệt với cả thế giới. Ở thời điểm tác giả viết trong sách, Bhutan vẫn còn nghèo. Người dân Bhutan sống hòa mình vào thiên nhiên, chủ yếu tự cung tự cấp. Điều kiện vật chất, máy móc công nghệ cao, thiết bị hiện đại rất hiếm thấy ở đất nước này. Có thể nói, nhịp sống tại Bhutan rất chậm rãi, bình lặng, giản đơn khác xa với thế giới nhộn nhịp, sôi động ngoài kia.

Quyển sách là tập hợp những tản văn của tác giả Linda Leaming về cuộc sống và suy nghĩ của cô ở đất nước Bhutan cùng với chồng là một họa sĩ người Bhutan. Thay vì được đánh số một cách khô khan thì từng chương đều được đặt những cái tên rất lôi cuốn như “Bình tâm lại”, “Uống trà”, “Mỉm cười trước sự mất mát”, “Nghĩ đến cái chết 5 lần 1 ngày”…

Trong cuốn sách, tác giả cũng nhấn mạnh nhiều lần vào việc tỉnh thức của con người. Hầu như ai trong chúng ta cũng đang bị guồng quay của xã hội làm cho đảo điên, quay cuồng, vật lộn để kiếm sống, đạt được những thứ hằng ao ước. Có rồi lại muốn nữa và vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại mãi. Nhưng Bhutan đã giúp tác giả nhận ra rằng mọi việc xảy ra không phải lúc nào cũng như ý muốn, hãy học cách chấp nhận cuộc sống như nó vẫn thế, học cách trôi theo dòng chảy cuộc đời, nhìn rộng hơn, để ý tới mọi việc xung quanh hơn, sống cho hiện tại hơn. Đó cũng là lời khuyên cho tất cả chúng ta. Cuộc sống, vốn dĩ đã chẳng bao giờ dễ dàng cả.

Đối với mình mà nói, cuốn sách không chỉ mở mang các kiến thức xã hội, văn hóa về quốc gia Bhutan, mà còn đem lại một chút về sự “giác ngộ”. Ví việc đọc cuốn sách như một cách thiền định cũng được.

“Bhutan đường đến hạnh phúc” là cuốn sách hay của LinDa Leaming. Cuốn sách như là một hành trình tìm đến hạnh phúc của chính tác giả và chính Bhutan đã cho tác giả hai từ “hạnh phúc”.

Cuốn sách là tập những câu chuyện, góc nhìn nội tâm, những ấn tượng và những gợi ý về những điều nổi bật đã dắt tác giả vào con đường đi tìm sự an yên và hài lòng.

“Hạnh phúc là cả một cuộc hành trình, không phải là một đích đến (Happiness is a journey, not a destination)“.
Bạn sẽ thực sự hiểu rõ câu nói trên khi hoàn thành cuốn sách Bhutan – Đường tới hạnh phúc.

Một vài Ý niệm sống tối giản trong phong cách sống người Bhutan:
1. Về với tự nhiên
Tổ tiên loài người, trước đây, vốn đã dựa vào thiên nhiên để sinh tồn và đó là mối quan hệ cộng sinh. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, loài người vẫn không thể tách khỏi tự nhiên. Và lối sống của người Bhutan là ví dụ điển hình cho điều đó, họ sống hòa hợp với tự nhiên. Thay vì những tòa cao ốc chọc trời, những cục nóng điều hòa chi chít, thì nơi đây, những ngôi nhà được xây bằng đá tự nhiên trên núi, gỗ óc chó trong rừng và đất sét trắng, hoàn toàn là những nguyên liệu tại chỗ, nhưng có điều, khi chặt một cây to, họ sẽ trồng thêm 2 cây con thế vào chỗ đó, đó là cách người Bhutan trân trọng thiên nhiên. Hay những ngôi nhà tọa lạc giữa vườn cam, với hàng ngàn sắc cam đỏ bao bọc, hương cam len lỏi ngập tràn khắp căn nhà.

Có thể nói, thiên nhiên có thể xoa dịu mọi nỗi thương lòng. Bởi vậy mà mỗi khi quá tải, ta lại tìm đến thiên nhiên để gác tạm bớt những mưu toan, để tìm thấy năng lượng sống, nguồn hứng cảm tươi mới. Hay như cách Linda Leaming có nói trong cuốn Bhutan của mình “Hãy đến nơi nào bạn cảm thấy tốt đẹp, một nơi có ý nghĩa với bạn, một nơi bạn cảm thấy tự do và thoải mái. Nếu bạn ở thành phố, hãy đi ra công viên. Hãy đưa mình đến nơi nào có đất và có cây cỏ. Nếu bạn có sân vườn, hãy trồng một vườn cây.” Thiên nhiên sẽ giúp ta thấy được, đôi khi chúng ta không cần nhiều như chúng ta vẫn nghĩ, đôi khi chỉ cần được thả lỏng cơ thể và tâm trí giữa thiên nhiên là đã quá đủ khiến ta hạnh phúc rồi.

2. Uống trà
Một nét đặc trưng trong việc uống trà của người Bhutan là “Trà uống trên giường” – một nghi thức yêu thương và bày tỏ lòng kính trọng. Việc uống trà hàng ngày cũng giúp chúng ta bình tĩnh, tập trung, chất oxy hóa trong trà giúp tăng hệ miễn dịch. Uống trà giờ không chỉ còn là thưởng trà, mà còn là khoảng thời gian để đàm đạo, thưởng ngoạn, hay một mình lắng đọng với chính mình. “Có lẽ nó đơn giản là làm bạn phải sống chậm lại và để ý hơn một chút. Có lẽ việc uống trà với bạn thật là hay, một cách để kết nối với nhau”. Hãy tắt tivi, máy tính và điện thoại, tạm gạt tất cả sang một bên, ngồi xuống, ủ trà và tận hưởng giây phút ấy. Hãy nuôi dưỡng lòng tắc ẩn với tất cả mọi sinh vật trong vòng nhân quả.

3. Lòng tốt là lẽ sống, là phương thức cứu rỗi chúng ta.
Ta nói về lòng tốt là sự biết cho đi, là biết cảm thông và tha thứ. Đôi khi lòng tốt có thể bị lợi dụng, cũng đôi khi không được đón nhận trân trọng. Nhưng lòng tốt luôn đáng giá, và người có lòng tốt luôn là người giàu có và hạnh phúc nhất.
“Lòng tốt là chất keo dính kết xã hội Bhutan lại với nhau. Những người hoàn toàn xa lạ trả tiền một bữa ăn hay cho người già đi nhờ xe. Bất kỳ nơi đâu ta sống, chúng ta cũng là một phần tổng hòa các tâm trí mà chúng ta cần phải nuôi dưỡng thiện tâm cho bản thân và cho cộng đồng.”

4. Không chỉ là nuôi dưỡng, mà hãy nuôi dạy chính mình.
Nuôi dưỡng bản thân cả về thể xác lẫn tâm hồn, và dạy bảo chính mình về điều đúng lẽ phải, về cách phân biệt đúng – sai để bản thân đi trên con đường không vết ố tạp, để kiên định trước những cám dỗ. “Vấn đề không phải là bạn đã tạo ra sai lầm gì, mà là bạn sẽ làm gì khi mắc sai lầm, đó mới chính là mục đích của việc luyện tập. Học được từ sai lầm là tối ưu, nhưng không phải là mắc sai lầm đó hết lần này tới lần khác”. Đó chính là giá trị của việc dạy dỗ chính mình.

5. Ăn uống chọn lọc
Đã ai nói với bạn rằng, thực phẩm chúng ta ăn thể hiện con người ta chưa? Nhưng sự thật là như vậy đấy. Hãy nhìn vào thực tế mà xem, những người béo phì thường hay cáu bẳn và mang nhiều bệnh tật, chẳng phải hầu hết là do họ ăn thức ăn chế biến sẵn, nhiều phụ liệu và dầu mỡ hay sao. Hay như người Nhật với dáng người dẻo dai, thanh gọn, tuổi thọ cao nhờ những bữa ăn lành mạnh từ thực phẩm tươi, giàu dưỡng chất. Bởi vậy việc ăn uống có chọn lọc, ăn nhiều thực phẩm tươi, nhiều chất xơ, lựa chọn thực phẩm sạch, lành mạnh cũng là một ý niệm sống tối giản và ảnh hưởng nhiều tới cả thể chất lẫn tinh thần chúng ta.

6. Mỉm cười trước sự mất mát
Cuộc sống là một chuỗi những điều bất ngờ, nó luôn đến vào những lúc ta không thể ngờ tới nhất. Và những sự mất mát luôn không đến một mình, mà là một chuỗi những liên lụy kéo theo. Vậy nên hãy nhìn nhận đó là những điều tất yếu của cuộc sống này, đón nhận mỗi khi nó “ghé chơi” và “đưa tiễn” mỗi khi nó kết thúc. Có thể mỗi lần ghé thăm, mỗi biến cố sẽ để lại một hay một vài nỗi buồn, nhưng sự bình tâm, hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn sẽ khiến nỗi buồn ấy dần mờ nhạt và mất dấu. “Cứ cuời và đối mặt với bất cứ thứ gì đi sai đường. Mọi việc rồi sẽ qua thôi. Sự hài hước trong lúc khó khăn đi đôi với lòng tốt. Vì đó là thiện tâm tối thượng, đó cũng chính là cách bạn đối xử tốt với chính bản thân mình”. Và người Bhutan cũng rất giỏi ứng dụng sự hài hước. Họ dùng tính hài hước để chỉnh đốn và sửa đổi bản thân, thậm chí kỷ luật cũng có thể mang nét hài hước.

7. Để sự hào phóng được lan tỏa.
Mình luôn tâm niệm, những điều tốt đẹp, dù là bằng cách nào đi chăng nữa, thì cũng cần được lan tỏa rộng rãi. VTV cần nhiều hơn nữa những chương trình như “Việc tử tế”, cộng đồng cần nhiều hơn nữa sự ghi nhận và tôn vinh những tấm gương việc tốt, dù là nhỏ bé hay vĩ đại, những việc tốt cần được hưởng ứng, chung tay góp sức. Nghe có vẻ không liên quan tới từ “tối giản” nhưng những điều tốt đẹp càng nhiều, thì mưu cầu, toan tính của con người càng vơi bớt đi. Ấy chẳng phải là biểu hiện tối cao của lối sống tối giản hay sao?

Đoạn trích hay:
“Có lẽ uống trà đơn giản là làm bạn phải sống chậm lại và để ý hơn một chút. Có lẽ vì uống trà với bạn thật là hay, một cách để kết nối với nhau. Có lẽ nó như một loại thuốc phiện mạnh hơn cả chúng ta nghĩ. Dù thế nào đi nữa, tôi hạnh phúc vì được uống trà.”

“Chấp nhận” là một phần để đạt được hạnh phúc. Trước hết, hãy chấp nhận con người như-mình-là, với tất cả những sai lầm vinh quang của nó, và rồi, chấp nhận người khác dễ như ăn bánh ấy mà.

“Đừng mãi khao khát những thứ viển vông, hãy sống với hiện tại, tập trung vào hành trình hơn là chăn chăn hướng đến kết quả…”

“Giận dữ cũng là một kiểu thuốc độc tạo ra từ nỗi sợ, nó như một cách bảo vệ cái tôi mỗi khi ta cảm thấy bị đe dọa, và nếu chúng ta không buông bỏ sự tức giận và ghét bỏ trong lòng đi, nó sẽ chuyển thành trạng thái căm ghét. Căm ghét chính là sai lầm của cuộc sống này.”

“Chúng ta cứ sốt sắng lên với nhu cầu được kết nối mà thực chất chẳng kết nối cái gì cả.”

” Tính hài hước là một nguồn sức mạnh từ tự nhiên, một hành vi đến từ ý chí kiên cường, sở hữu nó là sở hữu một món quà vô giá. Có quá ít sự hài hước trên thế giới này và khi có cơ hội để hoặc là nghiêm trang hoặc là hài hước, tôi khuyên bạn hãy làm một kẻ pha trò cười đi và hãy làm càng nhiều người cười càng tốt “

“Nếu bạn cũng có thể như vậy, chẳng có gì trên thế giới này có thể cản được bước chân của bạn. Nếu bạn bị tắc ở đoạn nào đó, hãy tìm một con đường khác, miễn là bạn vẫn tiếp tục dấn bước. Hãy đi tiếp, vì chỉ có như vậy bạn mới không bị ùn lại. Cuộc sống này sẽ luôn có những chướng ngại vật cản trở bạn, cũng như nước sông, vậy nên điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là hãy xuôi theo dòng chảy. Một địa điểm không thể khiến khí chất của bạn thay đổi. Nhưng nó hoàn toàn có thể tạo cho bạn một chiếc khung, để bạn có thể đẽo gọt bản thân vừa vặn với nơi đó. Bạn cần phải đi tiếp, ngay cả khi lòng sông chứa đầy những hòn đá lởm chởm. Làm gì được đâu, ha? Đừng bao giờ dừng lại.

Buông xuôi. Thả trôi. Thuận theo dòng chảy.””