Home / Review sách / Tóm tắt & Review sách Cây Cam Ngọt Của Tôi

Tóm tắt & Review sách Cây Cam Ngọt Của Tôi

Cây Cam Ngọt Của Tôi
Tác giả: José Mauro de Vasconcelos

Tóm tắt & Review:
Cây Cam Ngọt Của Tôi là một câu chuyện về nỗi đau và tình yêu thương, đưa chúng ta vào một hành trình khám phá để tự trả lời câu hỏi: Cuộc đời có đáng sống không? Zezé có đủ sự hoạt bát và tinh nghịch mà một đứa trẻ năm tuổi có thể có, cậu bé cũng có đủ sự thông minh và những suy nghĩ rối ren phức tạp mà ít đứa trẻ năm tuổi nào có thể có.

Sinh ra ở một gia đình nghèo, mẹ đi làm công nhân ở nhà máy, bố thất nghiệp, nhân khẩu lại đông nên mọi thứ càng vất vả, thế nhưng những sự chật vật về vật chất ấy cũng không làm giảm đi sự trong sáng và ánh mắt trẻ thơ lấp lánh của Zezé. Dường như trẻ em luôn có một thứ phép màu kiểu vậy – thứ phép màu mà cơ thể và tâm hồn đã bị đồng hóa với hiện thực không thể sở hữu – ấy là trí tưởng tượng để vui chơi. Khoảng sân sau nhà với những cái cây, móc phơi đồ, chuồng gà, con mương nhỏ dưới ánh mắt trẻ thơ của Zezé và Luís – em trai nhỏ ngoan ngoãn.

Không chỉ có trí tưởng tượng phong phú, Zezé còn là một cậu bé lớn khôn trước tuổi – cậu bé biết đọc từ sớm (điều khiến xóm làng phải lũ lượt kéo sang mà trầm trồ và cậu thì được đi học sớm), cậu bé luôn hỏi mọi câu hỏi có trong cái đầu của mình (thường là với bác Edmundo) để nhận được những câu trả lời hoàn chỉnh hơn. Nhưng Zezé cũng chẳng phải là một thằng bé hạng vừa. Nó nghịch đến nỗi người ta luôn gọi nó với những câu nói cửa miệng kiểu “Lại là thằng con ông Paulo đấy”, “Thằng con ông Paulo chứ đâu”,…

Mà đúng là thi thoảng Zezé lại làm những chuyện kinh động xóm làng khó mà chấp nhận được – cắt dây phơi quần áo để nhìn chúng lộn tùng phèo, làm giả một con rắn bằng quần tất để dọa người đi đường, bôi sáp nến trước cửa nhà thờ để rình người khác ngã chổng vó. Nó làm với sự tinh nghịch và hiếu động, chẳng màng đến những trận đòn roi, những cú tét mông mà nó có thể nhận được. Nhưng nó cũng lại là một cậu bé có tấm lòng nhân hậu và ngoan ngoãn.

Mình cứ nhớ mãi khi Zezé nói chuyện với cô giáo rằng ai cũng có hoa cả, chỉ có cô là không. Vườn hoa nọ lại có rất nhiều hoa, em nghĩ sẽ chẳng ai để ý. Mọi thứ đều thuộc về Chúa và hoa cũng vậy. Rằng cô đừng hôm nào cũng cho em tiền mua bánh ngọt, cô có thể cho người khác – một cô bé da đen còn nghèo khó hơn em nhiều, nhà cô bé có tận mười một anh chị em. Hay khi Zezé nỗ lực đi đánh giày để có thể mua cho bố một bao thuốc ở cửa tiệm với giá mười hai xu làm quà giáng sinh cho ông, với sự ân hận đau đớn khôn nguôi khi đã làm tổn thương một người bố bằng câu nói của mình. Và còn nhiều múi cam ngọt khác nữa.

Mình cũng cứ nhớ mãi những khi người ta đối xử thật hồn hậu với nhau. Khi ông chủ tiệm Đói Khổ cảm ơn Zezé lúc em mua bao thuốc cho bố; khi anh Serghino tình nguyện cho Zezé vay 2 xu để đủ tiền – dù anh có thể để Zezé đánh giày và lấy 2 xu nhưng vì cậu bé đã nói không bao giờ lấy tiền của bạn bè nên anh đành vậy (đoạn này rất hay và ấm áp, một trong những chi tiết mình thích nhất trong chuyện); cái cách mà bác Edmundo giảng giải một cách chẳng hề qua loa cho những câu hỏi không rõ ràng của một cậu bé năm tuổi…

Những sắc màu ấy thật dịu ngọt và ấm áp làm sao, khiến cho trái tim ta đủ để rung lên từng hồi, để thấy rằng máu vẫn đang chảy trong tim và cuộc sống thật êm dịu. Cây cam ngọt của Zezé là cái cây nhỏ nhất trong nhà. Các anh chị khác của em đều chiếm trước những cây to, thứ còn là chỉ là cây cam nhỏ ấy. Cây cam mà chị Glória đã khẳng định cậu bé sẽ không thấy buồn chút nào đâu, vì hai đứa sẽ lớn lên cùng nhau: Điều ấy nghe thật kì diệu. Và đúng là chị đã đúng. Nó trở thành người bạn tâm giao với Zezé. Nó lắng nghe em và trò chuyện với em, đồng hành với em vào thế giới mơ mộng, như cách mà chú dơi Luciano hiểu và biết những trò chơi của Zezé và Luís vậy. Và cũng chính Cây cam ngọt, với sự hiện diện lặng lẽ và dịu êm, đã trở thành bức tường cuối cùng trong hành trình trẻ thơ của Zezé. Những cái phết mông sau các trò nghịch dại mà Zezé nhận được không phải “nỗi đau” đáng kể trên hành trình khám phá của cậu bé, mà chính là nỗi đau về thế giới mộng mơ từng chút biến mất, về những yêu thương ta có thể nhận được và cũng có thể mất đi trong đời. Từ gần cuối truyện, mình cứ khóc mãi.

“Ai đã ở trên đời, thì người đó đều xứng đáng được sinh ra, con ạ.”
Zezé đã bước lên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương như thế: Từ những mộng tưởng trẻ thơ, những trò nghịch dại, những cú tét mông; cho đến những đòn roi giận dữ của người lớn, cho đến sự mất mát của những gì mình yêu. Zezé đã bỏ lại nhiều thứ sau hành trình ấy, nhưng có một điều cậu bé vẫn giữ lại, ấy là sự bao dung và niềm tin về thế giới mơ mộng của Vua Luís. Thật là ấm áp, đúng không?

Cuốn sách đi đến một nấc thang mới của cảm xúc khi Zeze phải chịu những tổn thương quá lớn về tinh thần khiến cho em đã nghĩ có thể mình không nên được sinh ra, khiến em từ một chú bé được thầy cô ở trường yêu quý bỗng buông những lời hỗn láo. Thật may vì cuối cùng Zeze cũng đi qua những ngày tháng thơ ấu khó khăn nhưng cũng đầy kỉ niệm, nhưng có lẽ tuổi thơ ấy sẽ đi theo em mãi, có cả niềm vui và những kí ức đôi khi đã hằn sâu trong em…

Đoạn trích hay:
“Vị chua chát của cái nghèo hòa trộn với vị ngọt ngào khi khám phá ra những điều khiến cuộc đời này đáng sống”

“Tại sao người ta lại nói cho bọn trẻ biết nhiều chuyện như vậy trong khi chúng còn bé như thế?”

“Ai đã ở trên đời, thì tức là người đó xứng đáng được sinh ra con ạ. Con cũng thế.”

“Ông có thể giết chết một người nào đó trong trái tim ông. Không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết.”

Xem thêm:
Tóm tắt sách Dốc Hết Trái Tim
Review sách Không Gia Đình