Dám Bị Ghét
Tác giả: Koga Fumitake, Kishimi Ichiro
Review sách:
“Dám bị ghét” là một cuốn sách triết học thú vị cho ta thấy những cách đơn giản để có một cuộc sống hạnh phúc. Xuyên suốt cuốn sách là cuộc trò chuyện của một nhà triết học và chàng thanh niên trẻ luôn trăn trở và gặp khó khăn với việc tìm thấy hạnh phúc, cuốn sách không hề khô khan mà rất logic và “đầy trải nghiệm”.
“Đừng nhìn nhận theo thước đo “người kia đã đến được đâu trên đường vạch liền đó” mà hãy quan sát xem người đó đã sống khoảnh khắc này như thế nào.”
Dám bị ghét là cuốn sách về lòng can đảm, về nghị lực để sống một cuộc đời mà mình mong muốn, để giải thoát bản thân khỏi những khổ đau mà mình mang nặng do các mối quan hệ xã hội gây ra. Với mình, đây là cuốn sách khiến cho mình có nhiều thay đổi về cách nhìn nhận cuộc đời, giải quyết được sự khủng hoảng trong lối suy nghĩ của mình và phân nào khiến mình sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia, “Dám bị ghét” đã trình bày một cách sinh động và hấp dẫn những nét chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler – người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”. Chủ trương Adler là “cuộc đời này là của chúng ta, do chúng ta định đoạt nó”
Lối viết tranh luận giữa hai người cũng khiến cho vấn đề được đưa ra, chỉ dẫn một cách khách quan hơn do đó cũng dễ hiểu hơn. Một điểm cộng là ví dụ đưa ra để chứng minh của triết gia rất dễ hiểu nên những khái niệm xuất hiện trong sách cũng không bị quá khó khăn.
Đọc cuốn sách giống như mình đang tự nhìn nhận lại bản thân mình. Về nguyên nhân mình đau khổ – phức cảm tự ti, mong muốn được thừa nhận, can thiệp vào phân chia nhiệm vụ của người khác, mối quan hệ hàng dọc ….Mình đều vướng vào. Những cách gỡ nút thắt cũng được trình bày theo một cách rõ ràng.
Điểm hay nhất ở trong cuốn sách này là ở những phần cuối với quan điểm cuộc đời là “những khoảnh khắc tiếp nối” chứ không phải là một vạch liền. Chính là mình cứ sống hạnh phúc từng ngày, hết mình với công việc của mình, thì dù có hay không cái mục tiêu phia trước kia, thì mình cũng đã sống thật vui vẻ và hết mình với nó, mọi thứ cũng từ đó mà đến thôi. Gống như vị triết gia phân tích:
“Nhưng, nếu coi cuộc đời là hành trình leo núi để lên tới đỉnh thì quá nửa đời là ở “trên đường” rồi. Nếu lúc đặt chân lên đỉnh núi, “cuộc đời thực sự” mới bắt đầu, thì quãng đường trước đó là “cuộc đời tạm” của một “tôi sống tạm”.”
Và
“Cuộc đời thoạt trông như một đường liền mạch, thực ra lại là những chấm liên tục… là sự tiếp nối của các khoảnh khắc “hiện tại”. Chúng ta có thể sống “ngay tại đây, vào lúc này” thôi. Cuộc đời của chúng ta là tập hợp những khoảnh khắc.”
Cảm giác đọc xong cuốn sách, mình đã có can đảm để mà hết mình sống. Mình nghĩ có lẽ đây cũng chính là những gì cuốn sách muốn nhắn nhủ. Khi bạn biết tìm kiếm sự vượt trội, nhận thấy giá trị của bản thân bằng cách cống hiến hết mình, khi bạn “rọi đèn” để sống ngay tại đây, vào lúc này, thì dù ngày mai có cảm giác nặng nề, hoặc khó khăn thì ít nhất khi kết thúc một ngày, bạn đã có thể hạnh phúc vì bản thân đã sống vui vẻ, đã sống có giá trị – cho bản thân và cho cộng đồng. Rồi khi sáng mai thức dậy, bạn lại có thêm một ngày nữa để tiếp tục “khiêu vũ” trong vũ điệu cuộc sống để từ đó viết tiếp cuộc đời của chính mình.
“Dám Bị Ghét” còn mang nhiều thông điệp đậm đà hơn. Từ góc nhìn tâm lý học và triết học, sách vạch ra bản chất của khổ đau trong cuộc sống là quan hệ giữa người với người và cách để hạnh phúc là “dũng cảm để bị ghét, để được là chính mình”.
Trích dẫn hay:
1. Chẳng có lý do gì khiến mình không được sống cuộc đời theo ý thích của mình cả.
2. Có thể dẫn con ngựa tới dòng nước nhưng không thể bắt nó uống nước.
3. Cậu bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Cậu chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói cách khác, cậu không đủ can đảm để “dám được hạnh phúc”.
4. Bất hạnh lớn nhất của con người là không thể yêu nổi chính mình.
5. Giờ thì cậu không thấy hạnh phúc bởi vì cậu không yêu chính mình. Và cậu mong muốn ‘biến thành người khác” như một phương tiện để có thể yêu bản thân. Nhưng dù thế nào thì cậu cũng không phải là Y. Cậu cứ là cậu là được rồi. Điều quan trọng không phải là anh được trao cái gì mà là anh sử dụng nó như thế nào.
6. Cuộc đời kết thúc ở tuổi 20 cũng như cuộc đời kết thúc ở tuổi 90. Nếu sống ngay tại đây, vào lúc này thì đều là cuộc đời trọn vẹn, cuộc đời hạnh phúc.
7. Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người mang lại.
8. Thế giới không phải nơi ai đó thay đổi cho tôi mà chỉ có thể thay đổi do “tôi”.
9. Nếu thực sự tự tin thì không cần phô trương. Chính vì lòng tự ti quá lớn nên mới phô trương, cố ý khoe mình tài giỏi, sợ rằng nếu không như thế, sẽ không được những người xung quanh công nhận “cái bản thân như thế này”.
10. Điều duy nhất cậu có thể làm cho cuộc đời mình là lựa chọn con đường tốt nhất mà mình tin tưởng, chỉ vậy thôi.. Người ta đánh giá thế nào về lựa chọn đó lại là việc của họ, cậu chẳng làm gì được.