Home / Review sách / Review sách Những Kẻ Xuất Chúng

Review sách Những Kẻ Xuất Chúng

Những Kẻ Xuất Chúng
Tác giả: Malcolm Gladwell

Giới thiệu sách:
Cuốn sách Những Kẻ Xuất Chúng sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời thông qua các phân tích về xã hội, văn hóa và thế hệ của những nhân vật kiệt xuất như Bill Gates, Beatles và Mozart, bên cạnh những thất bại đáng kinh ngạc của một số người khác (ví dụ: Christopher Langan, người có chỉ số IQ cao hơn Einstein nhưng rốt cuộc lại quay về làm việc trong một trại ngựa). Theo đó, cùng với tài năng và tham vọng, những người thành công đều được thừa hưởng một cơ hội đặt biệt để rèn luyện kỹ năng và cho phép họ vượt lên những người cùng trang lứa.

Với giọng văn lôi cuốn và cách kể chuyện hết sức có duyên, Malcom Gladwell cũng viện dẫn rất nhiều giai thoại thú vị như tại sao phần lớn các cậu bé giỏi môn khúc côn cầu lại sinh vào tháng một, tại sao con cái của những người Do Thái nhập cư lại trở thành những luật sư quyền lực nhất New York, tại sao truyền thống văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước lại có thể giúp trẻ em châu Á giỏi toán… Nhưng không chỉ có thế. Thông qua những ví dụ này, Gladwell muốn bàn luận về những con đường phức tạp dẫn đến thành công của con người.

Thách thức niềm tin về “con người tự lực”, tác giả quả quyết rằng các vĩ nhân không tự dưng mà có, cũng không được thúc đẩy bởi thiên tài hay tài năng. Họ là những người được hưởng một “lợi thế vô hình” và cơ hội khác thường từ môi trường và hoàn cảnh, nhờ đó họ vươn tới những đỉnh cao mà người khác không thể đạt được. Theo ông, “một vài người xứng đáng với điều đó, một vài người khác thì không, một số người tạo ra thành công, một số đơn giản là do may mắn”.

Review sách:

Outliers là một trong mười cuốn sách của Top 10 Non-fiction book in 2008 do Tạp chí Time bình chọn.

Trước tiên hãy xem xét về cha đẻ của quyển sách Malcom Gladwell, một tác giả, một học giả nghiên cứu về xã hội, tâm lý và tâm lý xã hội. Ông nổi đình nổi đám với ba tác phẩm : The Tipping Point (Điểm bùng phát) -2000, Blink (Trong chớp mắt) -2005 và Outliers. Tuy số đầu sách không nhiều nhưng tác phẩm của ông có một giá trị không thể chối cãi, bằng chứng là năm 2005 ông được bầu chọn vào 100 người có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Nếu bạn đã từng đọc tác phẩm của Gladwell, hẳn nhiên bạn đoán ra ngay Gladwell sẽ bắt đầu như thế nào. Còn nếu đây là lần đầu tiên diện kiến Gladwell không khó để nhận ra phong cách dẫn dắt quá nổi bật của tác giả. Lối kể chuyện. Bản thân cuốn sách bắt đầu bằng một câu chuyên-lời giới thiệu, chín chương cũng bắt đầu bằng những câu chuyện, phần kết cũng lại là chuyện. Gladwell đúng là một bậc thầy trong việc đánh vào tâm lý tò mò của loài người khi nắm vững thủ thuật khơi ngợi cho người khác lật tiếp trang sách của mình, háo hức tìm ra đoạn kết. Thậm chí ông còn là bậc thầy trong việc sử dụng câu chữ, những từ ngữ bóng bẩy, gợi hình, được trau chuốt tỉ mỉ như trong một cuốn tiểu thuyết. [Phần dịch rất tốt].

Hãy đến đồi Apennine ở nước Ý thơ mộng, dừng chân ở một nơi gọi là Roseto, nơi mà không người dân nào dưới sáu mươi lăm tuổi bị bệnh tim và bị loét dạ dạy [những căn bệnh còn phổ biến hơn là FB], hầu hết dân trong vùng đều chết chỉ vì tuổi già. Dân cư trong vùng không siêng năng tập luyện thể thao, lại sử dụng loại mỡ động vật nhiều chất béo, khẩu phần ăn nhiều tinh bột và nhiều đường, vậy mà vẫn sống dai phây phây. Thậm chí cả thổ nhưỡng hay di truyền cũng không phải là lý do. Tại sao? Nghiên cứu gần như đi vào ngõ cụt cho đến khi bác sĩ Wolf nhìn thấy một khía cạnh khác và tìm ra nguyên nhân. Đó chính là điều Gladwell muốn nhẳn gửi: chúng ta cần phải nhìn rộng ra và nhìn từ những phía khác nhau khi lý giải thành công vì sự thật thường lẩn khuất ở những nơi không ai ngờ tới.

Phần một: Cơ hội
Chương 1: Hiệu ứng Matthew

Gladwell đưa ra một bản danh sách dài những cầu thủ nổi bật của môn khúc côn cầu, trong đó đa số “trùng hợp” sinh vào tháng Một, Hai, Ba. Thoáng nhìn qua có vẻ những ai sinh ra trong khoảng thời gian này đều là ứng cử viên lý tưởng cho đội tuyển. Một đặc ân trời cho. Gladwell đã đào bới và phát hiện chính những con người tổ chức nên giải đấu đã tình cờ tạo ra “hiệu ứng” này. Nếu họ thay đổi một chút, vận mạng những kẻ may mắn tháng Một-Ba sẽ thành hẩm hiu, ngồi đợi hàng ngàn giờ trên vị trí dự bị dù tài năng của họ cũng không đổi. Bạn có tin không?

Trích một đoạn rất hay trong chương này: “Chúng ta đều biết những kẻ thành công vươn lên từ những hạt mầm cứng cỏi. Nhưng liệu chúng ta có biết về thứ ánh sáng mặt trời đã sưởi ấm cho những hạt mầm đó, về thứ thổ nhưỡng mà trong đó chúng cắm sâu bộ rễ, và cả những con thỏ hay tay thợ rừng mà chúng may mắn tránh thoát không?”.

Chào mừng bạn đến với khu rừng của những cây đại thụ, Gladwell sẽ dắt các bạn đi một vòng.

Chương 2: Quy tắc 10,000 giờ.

Đúng như cậu chủ đề: Bạn bắt buộc phải học hành và tập luyện đến một mức độ nào đó thì mới thông thạo một thứ được. Thành công không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, và nếu nó thật sự như vậy, chắc nó đã nằm chầu chực trên trời cả 10,000 giờ để rơi.

Gladwell phân tích những câu chuyện thành công của những nhân vật vĩ đại trong lịch sử: The Beatles, Bill Gates và Bill Joy [huyền thoại IT gắn liền với UNIX và Java]. Họ đều có điểm chung là đã bỏ ra xấp xỉ 10,000 giờ để luyện tập và có được những kỹ năng tuyệt vời như vậy.

Gladwell còn tiến xa hơn một chút. 10,000 giờ có được đó cũng không “tự nhiên sinh ra”. Gates bắt đầu tiếp cận máy tính vào năm mười ba tuổi, lúc đó máy tính hiếm như nước trên sa mạc, giá cả để thuê một giờ máy tính cao ngất ngưởng, vậy mà một cậu bé, sau nhiều “cơ duyên hảo hợp”, vẫn tiếp cận được với máy tính 8 tiếng/1 ngày, 7 ngày/1 tuần đều đặn. Cậu ta giỏi vì siêng năng hay vì may mắn có được khoảng thời gian vô giá ấy?

Lại tiếp tục mổ xẻ về Bill Gates, sau 10,000 giờ tích lũy, đời của ông bừng sáng trước kỷ nguyên công nghệ. Gladwell cho rằng nếu Gates, cũng những người thành công khác, không ở một độ tuổi nhất định, đủ lớn để nắm bắt nhưng không quá già để bỏ lỡ, khi cơ hội đến thì họ đã để vuột vận mang lớn nhất trong đời. Điều đó cũng giống như câu: “Thời thế tạo anh hùng” được hiểu theo cách khác, khi thời thế đến, anh hùng phải là người ở tuổi mười tám đôi mươi căng tràn sức sống, chứ trẻ lên ba (trừ Thánh Gióng nhà mình) và cụ già thì thời có ra sao vẫn thế thôi.

Chương 3 & Chương 4: Mối phiền phức với các thiên tài.

Vấn đề muôn thuở của xác định thiên tài dường như là việc đo chỉ số thông minh IQ. Phải thừa nhận thông minh chắc chắn tốt hơn không thông minh. Vậy tại sao những thần đồng, chỉ số IQ cao ngất ngưỡng, lại bị lãng quên khi họ trưởng thành? Tại sao Chris Langan, chỉ số IQ xấp xỉ 200 trong khi Einstein là 150, lại chôn vùi đời mình ở một trang trại sau khi đã làm bảo kê được một thời gian? Quá thông minh là một bất lợi hay sao?

Gladwell còn đưa ra sự so sánh cho giữa hai người có chỉ số IQ cực cao, gần như tương đồng nhưng số phận lại khác nhau hoàn toàn. Một tên tuổi lẫy lừng, và một ngôi sao vụt sáng và tắt liệm. Và điều dẫn đến sự khác biệt nằm ở gia đình hai người này, “thứ thổ nhưỡng mà trong đó chúng cắm sâu bộ rễ”.

Chương 5: Ba bài học của Joe Flom

Một: Là một người Do Thái, bạn sẽ có lợi thế hơn một số dân tộc khác.

Hai: Sinh ra vào vùng “trũng nhân khẩu học” được hưởng những cơ may do cái gì cũng hào phóng. [Ngược lại chính là hiện tượng ào ạt sinh con vào năm Heo vàng]

Ba: Cha của Flom làm nghề may mút đệm vai cho y phục của nữ.

Gladwell không phân tích trực tiếp từ nhân vật Flom mà đi vòng qua một vài người khác. Để rồi rút ra kết luận, cuộc đời cậu Flom là kết quả của hàng trăm sự biến đổi thậm chí trước khi cậu ra đời. Cậu là điểm giao nhau giữa những đường thẳng có trước.

Phần hai: Di sản
Chương 6: Harlan Kentucky

Nếu hàng trăm năm về trước, dân tộc của bạn thường xuyên gây hấn, đánh đấm để bảo vệ quyền lợi và danh dự, máu đổ chỉ vì một câu nói đùa, thì đến tận bây giờ, bạn vẫn có thể bắn chết một người chỉ vì người ta nói bạn chơi ăn gian và những người xung quanh sẽ nói thế này: “anh ta sẽ chẳng phải thằng đàn ông cho lắm nếu không xả súng vào mấy anh chàng kia”.

Gladwell cho rằng hãy nói với tôi tổ tiên của bạn như thế nào, tôi có thể nói cho bạn biết bạn có thành công hay không?

Chương 7: Lý thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay.

Một chương dài, từ trang 218 đến 271. Nếu cuốn sách này nói về “những người xuất chúng” hoặc bàn về thành công đơn thuần thì in mấy trang này quả là phí giấy. Rất kỳ lạ. Chả ăn nhập gì. Không Carnegie, không John Lennon, không Gates. Không có người xuất chúng nào, không có một thành công nào, chỉ có rớt máy bay và rơi máy bay.

Vậy mà, nó cuốn hút đến kỳ lạ. Chương này xoay quanh một vụ rơi máy bay Avianca-052 của hãng hàng không Columbia và những câu trao đổi cuối cùng của cơ trưởng và cơ phó trước khi chiếc máy bay đâm vào vịnh Oyster, 73 trong 158 hành khách tử nạn.

Thoạt tiên, nguyên nhân là: gió ngược chiều, cơ trưởng hoảng loạn, động cơ hỏng.

Sau đó người ta phát hiện ra lý do cơ bản là vì máy bay đã cạn sạch nhiên liệu.

Còn Gladwell thì tìm manh mối trong hộp đen, trong những câu nói cuối của hai người cầm lái. Họ hoàn toàn không đánh nhau, không cãi nhau, [giá mà họ đã làm thế]. Chính viên cơ phó nhã nhặn, hiền hòa đó đã đưa 73 người bay lên thiên đàng, và chính dòng máu Columbia trong người anh đã chắp cánh cho họ bay nhanh hơn. Một trong những dân tộc có “chỉ số khoảng cách quyền lực” (Power Distance Index-PDI) cao nhất.

Bạn không thể biết những lời nói bóng gió của mình tác động đến người nghe được bao nhiêu cho đến khi mọi chuyện đổ bể và thật không may tính nói bóng gió lại là truyền thống của dân tộc và nó nằm trong máu của bạn.

[Trích (trang 255): 5 nhóm phi công có chỉ số PDI cao nhất tính theo quốc gia, danh sách này trùng khít với xếp hạng tỷ lệ các vụ rơi máy bay theo quốc gia: 1. Brazil, 2. Hàn Quốc, 3. Morocco; 4. Mexico; 5: Philippines. Ngạc nhiên chưa?]

Chương 8: Những ruộng lúa và bài kiểm tra Toán.

Gladwell khẳng định những người châu Á giỏi toán hơn những người châu Âu. Lý giải rất đơn giản: vì chúng ta chăm hơn, lâu bỏ cuộc hơn. Nếu bạn là người châu Á hãy hãnh diện vì tổ tiên của mình đã phải lao động vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cặm cụi quanh năm suốt tháng để bây giờ bạn được thừa hưởng một tính chăm chỉ hiếm có so với các châu lục khác. Và nếu như chúng ta không trồng lúa nước mà là lúa mì thì dân châu Á khó lòng đứng đầu trong các cuộc thi toán.

Chương 9: Thỏa thuận của Marita

Marita một cô bé nghèo khát khao thành công. Và cô bé được “ban tặng” một cơ hội. Và cô bé phải thực hiện giao kèo của mình “dậy vào lúc 5giờ 45 phút sáng, đi học cả ngày thứ Bảy, học bài đến mười một giờ khuya.” Cuối cùng cô bé cũng thoát khỏi cảnh bần cùng như đã hy vọng.

“Kẻ xuất chúng là những người được ban tặng các cơ hội- và họ có đủ cả nội lực cũng như năng lực trí não để nắm bắt lấy cơmay ấy.”

Phần kết: Câu chuyện Jamaica.

Đây là câu chuyện về chính gia đình của Gladwell, về sự thành công của mẹ ông. Một người có bản lĩnh gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nhân hòa chính là bà ngoại ông. Cũng lại là một người thành đạt trong cuộc sống nhờ vào những cơ may hiếm có nào đó. Cứ thế, mọi chuyện trở ngược về trước. Thành công không tự nhiên sinh ra từ con số không, các thiên tài không phải làm nên từ tay trắng, họ là kết quả tất yếu của nhiều quá trình có khả năng đoán trước.

Vậy, quay trở lại chương 7, rơi máy bay thì liên quan gì đến Những kẻ xuất chúng? Tôi nghĩ rằng bản thân Outliers không chỉ đơn thuần chỉ về những người vượt trội hơn những người khác mà nó còn là những “thứ” nằm ngoài đường biên, những điều mà ta không ngờ chúng lại có tầm ảnh hưởng lớn tới vậy, vì dụ: chủng tộc hay “vùng trũng nhân khẩu học”. Bạn nhìn bìa quyển Outliers nguyên gốc xem, viên bi nào là Outliers? Viên bi to ở giữa dễ nhận ra hay là những viên bi nhỏ ở góc trên?

Gladwell giải mã phương trình thành công bằng cách nghiên cứu các nghiệm h, i, j thay vì a, b, c như người khác, nhưng ông lại quá thiên về chúng đến nỗi gần như đánh giá thấp a,b,c. Cuốn sách này của Gladwell khá khó đọc, cấu trúc hơi rối, và lập luật kiêng cưỡng. Bảo đảm bạn sẽ tranh luận với tác giả không dưới năm lần theo kiểu: “vậy còn… thì sao?”. Gladwell chỉ cho bạn thấy những hiện tượng mà bạn không thể phủ nhận được nhưng bạn cũng không thể giơ aao tay mà tán thành. Nếu bạn không đam mê đọc sách hoặc không có hứng thú tìm hiểu những điều kỳ lạ nhiều, tôi nghĩ bạn đừng đọc cuốn này vì “không thích rừng thì tốt hơn không nên vào rừng”.

–camnhansach-