Home / Review sách / Review sách Phẩm Cách Cha Mẹ

Review sách Phẩm Cách Cha Mẹ

Phẩm Cách Cha Mẹ
Tác giả: Bando Mariko

Giới thiệu sách:
“Phẩm cách cha mẹ” cũng là cuốn sách của tác giả Bando Mariko. Cuốn sách không chỉ bàn chuyện giáo dục con cái mà còn nói về nhiệm vụ “di truyền xã hội”- cha mẹ phải biết cách để lại giá trị tinh thần cho các thế hệ đi sau thông qua việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm và giá trị sống thay vì chỉ để lại tài sản cho con và những người thân. Theo tác giả Bando Mariko, “Bằng việc nuôi dạy con, bản thân cha mẹ cũng sẽ trưởng thành”. Hiện nay, cuốn sách đã bán được 90 vạn bản tại Nhật Bản./.

Về tác giả:
Bà Bando Mariko từng phụ trách vấn đề bình đẳng giới trong chính phủ Abe lần 1, nữ tổng lãnh sự đầu tiên tại Úc, phó tỉnh trưởng tỉnh Saitama và hiện là Hiệu trưởng Đại học nữ sinh Showa.

Review sách:
Cuốn sách cũng hướng đến mục đích đó nhưng trước hết đó phải là những điều cha mẹ nên học, học để có phẩm cách như lời giới thiệu tác giả chia sẻ “Bằng việc nuôi dạy con, bản thân cha mẹ cũng sẽ trưởng thành”. “Để giáo dục nên những người con hạnh phúc và có phẩm cách thì việc bản thân cha mẹ cần phải trở thành tấm gương trong tư cách người lớn hạnh phúc, người lớn có phẩm cách và việc làm cho con hiểu rằng bản thân mình “đang được yêu thương” rất quan trọng”.

Sách gồm 7 chương: Giáo dục sinh mệnh (bắt đầu từ lời chào hỏi, đến việc cả gia đình cùng ăn cơm, cùng con ca hát, đọc sách, khám phá thiên nhiên); Giáo dục phép tắc cư xử (cho con giúp đỡ cha mẹ, tạo cho con thói quen sinh hoạt tốt…); Giáo dục nhân tính (luôn giữ lời hứa, khiêm tốn vừa phải, giúp con tự tin…); Sự tiếp xúc với trường học, Giáo dục trẻ tuổi teen; Cách tiếp cận thông tin; Duy trì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi các con đã trưởng thành;

Lẽ sống và giá trị quan của cha mẹ sẽ phần nào thể hiện qua việc nuôi dạy con cái. Quá trình nuôi dạy con cái cũng là quá trình cha mẹ hoàn thiện mình hơn. Vì vậy trước khi kì vọng ở con cái cha mẹ phải là người có phẩm cách.

Vài điều trong cuốn sách
– Cha mẹ nên tạo ra nguyên tắc “Không nghe yêu cầu của con khi con đang khóc” (với những trẻ dùng bài khóc để đòi)
– “Hạnh phúc của con người là thứ mà bản thân người đó có được khi trải qua gian khổ vì thế những thứ có được mà không phải gian khổ thì cho dù có trong tay người ta cũng sẽ không cảm thấy sung sướng”. (Tr.23)
– Cha mẹ thay vì cho con những thứ vật chất mà con muốn hãy dạy cho con biết phải làm như thế nào để tự mình có được những thứ ấy và trang bị cho con năng lực để làm được điều đó. (tr.85)
– Cha mẹ không được than thở những lời như: “Công việc chán lắm nhưng vì nuôi con nên bố/mẹ đang cố gắng đây”. “Con đừng bao giờ làm công việc như thế nhé” (Tr.113)
– Cha mẹ cần phải làm cho con có cơ hội trải nghiệm để hiểu rằng những việc mình làm thì mình phải chịu trách nhiệm. Dù cho trẻ mới 5,6 tuổi đi nữa thì khi làm điều xấu cũng phải buộc trẻ tự xin lỗi. ((tr118)
– Trước hết hãy dạy con trở thành người không bắt nạt người khác…Tiếp theo hãy dạy con trở thành người không làm ngơ trước bắt nạt.
– Khi cha mẹ thể hiện sự hãnh diện thái quá về sự thành công của con trong kì thi sẽ làm cho xung quanh khó chịu. (tr.158)
– Tuy nhiên mục đích của đời người không phải chuyện thi đỗ trong các kì thi. Mục đích của đời người là trở thành người tốt đẹp hơn trong xã hội. (tr.160)
– Tôi không phải là một tín đồ tôn giáo nhưng tôi có thể hiểu được hạnh phúc của người có thứ gì đó để tin. (tr.183)
– Trước khi con yêu cha mẹ có thể đưa ra tiêu chuẩn này kia nhưng nếu con đã yêu thì tất cả những việc cha mẹ có thể làm là nhân hậu dõi theo con. (tr245)
– Cho dù sớm hay muộn, dài hay ngắn thì chắc chắn thời điểm phải làm phiền con cháu cũng sẽ đến. Khi đó việc cả cha mẹ và con cái có thể chấp nhận sự làm phiền lẫn nhau và mặc nhiên coi nó như là số phận là điều đáng trọng. (tr 264)
– Thật xấu hổ khi khuyên người khác điều mình chưa làm được nhưng những người làm con nhất định phải nhớ đến những điều cha mẹ đã làm cho mình, biết ơn điều đó và cố gắng thể hiện lòng biết ơn đó dưới hình thức nhất định. (tr275)

Sự kì vọng của cha mẹ đối với con cái là rất nhiều nhưng theo tác giả, phần lớn cha mẹ đều mong con mình trở thành thành viên của xã hội có thể sống độc lập, và có cuộc sống hạnh phúc: “Cha mẹ vì quá yêu thương con mà có xu hướng chăm sóc con quá mức nhưng việc nuôi dạy con để con có thể tự làm được những việc của bản thân là một trong những mục tiêu cơ bản của việc nuôi dạy con. Tự lập không phải là sự cô độc. Khi trẻ có thể sống mà không cần dựa dẫm vào người khác thì trẻ cũng sẽ có thể giúp đỡ những người khác bằng chính năng lực đó. Nếu như trẻ chỉ tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác không thôi thì sẽ không thể hình thành được năng lực ấy.”

Một trong những niềm vui khi có con là cha mẹ có thể trải nghiệm gián tiếp thời thơ ấu của mình mà bản thân đã quên. Khi nhìn những hành động của con cha mẹ sẽ nhớ ra rằng “hồi đó mình cũng đã từng rất coi trọng thứ quý giá đó”, “mình đã từng rất thích cuốn sách ấy”, “mình đã rất thích trò lội bì bõm trong vũng nước”. Khi cha mẹ cùng hát với con bài hát mà hồi nhỏ mình thích cha mẹ sẽ lấy lại được sự trẻ trung của mình thời trẻ. Hãy cùng hát với con những bài hát mà mình thích. Những bài hát ru không chỉ tạo cho con có được cảm giác bình yên mà nó còn làm dịu lòng cha mẹ.
(Trích Phẩm Cách Cha Mẹ – Bando Mariko)

Lâm thị Thuỷ